Soi học

Bài học Chủ nhật: Gặp cơ bắp cuồn cuộn, Artemis giả nai cho chết cả đôi 19. 05. 13 - 6:21 am

Pha Lê

 

Các vị thần Hy Lạp bậy bạ quá nhỉ? Nào là hiếp dâm, bắt cóc trai, gây chiến tranh… có người hỏi tôi: vậy không ai đứng lên lật đổ à? Nói đúng thì dần dà người phàm không còn thờ các vị thần này nữa, chuyển sang tôn giáo khác; còn trong tích có một vụ “đứng lên lật đổ” khá nổi tiếng, nhưng không lật đổ “do dân vì dân”, mà là vì… bản thân; cuối cùng, đây vẫn là tích Hy Lạp, chẳng khác được.

Hai cơ bắp cuồn cuộn tuyên chiến với thần Olympia lần này là anh em Otus và Ephialtes – con của thần biển Poseidon, tức gọi Zeus bằng chú. Cả hai vô cùng khỏe mạnh, mới 9 tuổi mà to gần bằng người khổng lồ; vũ khí, phép thuật của người lẫn thần linh không thể giết được hai anh em (người lẫn thần đều không giết nổi, nghe có vẻ vô phương thắng, nhỉ?). Sấm sét của Zeus hay sức mạnh của Heracles bỗng trở nên… xìu, vô dụng.

Thấy bản thân mình đồng da sắt, hai đứa ngày càng hỗn láo, không coi ai ra gì. Một số nhà thơ như Homer viết rằng để trừ hậu họa, Apollo bắn hai đứa chết lúc chúng còn là thiếu niên (đã bảo là vũ khí của thần đối với Otus hay Ephialtes là vô dụng mà, chẳng hiểu sao ông Apollo giết được. Nhưng nếu vậy thì tích kết thúc, nên thôi không theo bản này).

Một số nhà thơ khác, như Ovid, lồng ghép Otus và Ephialtes vào đám người khổng lồ từng nổi dậy đánh Zeus lúc ông lên làm vua. Ngắn gọn thì sau khi Zeus lật đổ chế độ Titans, đất mẹ Gaia tiếc con nên nổi sung, nặn ra hàng tá khổng lồ và kêu chúng lật đổ thằng cháu mất nết. Nhưng nhờ có thần sức mạnh Heracles và thần chiến thắng Victoria hỗ trợ, phe Olympia ăn mừng. Hai anh em Otus, Ephialtes nằm trong số lâu la khổng lồ bị uýnh tơi bời. Nhưng chắc tại Ovid nghe loáng thoáng rằng hai anh em này to lớn, cơ bắp, nên gộp chúng vô đám quân đánh Zeus thưở sơ khai kia, chứ hai đứa chỉ bự con vậy thôi, chúng không nằm trong nhóm xôi thịt mà Gaia nặn ra.

Tác phẩm “Olympus đại chiến người khổng lồ”, Francisco Bayeu Y Subias, 1764. Đây là tranh vẽ trên trần (nhưng không biết là trần của dinh thự mô, bạn nào rành thì bổ sung giúp SOI). Mô-típ này khá là nổi tiếng, rất hay gặp trên tường hoặc trần của các tư dinh,lâu đài cổ. Mọi người học bài từ đó đến giờ, thì chắc chắn khi nhìn vào, đã có thể biết được ai là ai chứ? Ông râu ria ngồi giữa, cầm sấm sét chắc chắn là Zeus, cầm chày đích thị là Heracles, người đẹp đội mũ, mang khiêng, vác giáo là Athena… Trong tranh còn những vị thần Hy Lạp khác nữa, mọi người thử tìm xem. Tập tìm để sau này nếu có dịp đi chơi và thấy các bức kiểu này, nghía vào là biết tranh vẽ ai, vẽ cái gì, khỏi cần đọc chú thích dài ngoằng. (Các bạn nhớ đọc phần cmt của Nina nhé)

 

Bây giờ hãy tìm hiểu phiên bản hấp dẫn cũng như đầy đủ nhất về hai anh em Otus, Ephialtes. Trong thơ của Apollodorus, hai đứa do quá mạnh nên nuôi mộng làm vua, chủ yếu là để giành chiến lợi phẩm… gái đẹp. Ephialtes mơ về Hera, vì Hera mang tiếng làm mẫu hậu của thế giới, chiếm được người quyền quý như thế sẽ chứng tỏ được bản lĩnh đàn ông thời xưa, và sẽ khiến Zeus vừa bại trận vừa nhục nhã.

Tác phẩm “Hera và con công”, Gustave Moreau, 1881, vẽ bằng màu nước. Họa sĩ vẽ Hera rất chi là gợi cảm, nhưng cũng nhắc nhở đây là vợ Zeus, nên ông vẽ thêm con đại bàng “canh me” ngay góc trái.

 

“Hera”, Rembrandt, 1660. Họa sĩ vẽ một Hera uy quyền theo phong cách của thế kỷ 17. Nhiều người đùa vui rằng Rembrandt vẽ đẹp đấy, nhưng Hera của ông hẳn là đang… ngứa và nóng lắm. Trước giờ quen quấn có miếng vải, nay lại mặc bộ đồ lùm xùm thế kia.

 

Otus thì khác với ông em, khoái Artemis hơn. Nữ thần này nổi tiếng ghét trai, bởi vậy Otus muốn chiếm cho bằng được. Càng khó thì càng khoái mà!

Tác phẩm “Nữ thần săn bắn Artemis”, Horace de Callias, 1871. Họa sĩ phải vẽ cái vương miện mặt trăng với cung tên thì dân tình mới biết được đây là Artemis, chứ cứ cởi truồng là sẽ nhầm thành Venus ngay.

 

Thế là hai anh em lên đường tiến thẳng tới Olympia. Chiến tranh chưa kịp bắt đầu thì thấy phe Zeus như muốn thua. Thần Mars chưa kịp uýnh thì đã bị cả hai nhốt vào trong một chiếc hũ đồng. Otus và ông em dùng tay nhấc các ngọn núi lên, chồng núi này lên núi kia để tìm đường trèo tới thiên đình. Zeus ra sức chưởng sấm sét nhưng không xi-nhê, cơ bắp của Heracles cũng chẳng địch lại. Vừa đánh, cả hai vừa gào tên của Artemis và Hera, cưa cẩm hai nữ thần quy hàng về làm vợ chúng, khiến hai nữ thần rất bực mình. Tin tưởng rằng đám đàn ông của Olympus sẽ chiến thắng, Artemis lẫn Hera liên tục từ chối lời thỉnh cầu của anh em khổng lồ.

“Otus và Ephialtes đại náo Olympia”, James Timothy Gleeson, thế kỷ 20. James là một họa sĩ rất quan trọng của Úc, góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật xứ chuột túi vào đầu thế kỷ 20. Trong bức tranh 3 tấm này, James vẽ lại cảnh hỗn loạn khi hai đứa con của thần biển chồng núi để leo lên trời.

 

Nhưng đánh mãi, các nam thần Olympia vẫn không thắng nổi. Artemis đâm bực, quyết định tự mình giải quyết hai cục thịt kia. Nữ thần đến gặp Otus, và phán rằng nếu Otus thả Mars ra, Artemis sẽ cho Otus làm gì thì làm, thoải mái. Otus thích quá nên đồng ý ngay, nhưng Ephialtes vừa nghe xong đã thấy ghen tức xen lẫn bực bội. Hai anh em bất đồng quan điểm nên sinh ra cãi nhau. Artemis đứng đó đổ thêm dầu vào lửa, chờ đến khi cuộc cãi vã lên tới đỉnh điểm, nữ thần biến thành một con nai tuyệt đẹp, phóng vào giữa hai thằng bị thịt. Otus lẫn Ephialtes cùng cầm lao đâm con nai, nhưng do đang nổi nóng, và cũng vì Artemis quá nhanh, nên cặp anh em bất cẩn đâm hụt. Nữ thần săn bắn còn nhanh trí lao vào giữa, nên cả hai không chỉ hụt mà còn lỡ tay đâm trúng nhau, và cùng lăn ra chết (thần lẫn người không giết được thì chỉ có cách lấy mình giết mình thôi).

Hình vẽ Otus và Ephialtes giết nhau vì đâm hụt con nai Artemis trên một chiếc vại Hy Lạp cổ, khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên.

 

Artemis trở thành người hùng, Hera thở phào nhẹ nhõm đi đánh ghen tiếp, còn Mars thì bị giam trong hũ đồng đến 13 tháng, tới khi Hermes thương tình thả, Mars mới ra được. Nói chung không ai khoái vị thần chiến tranh này cho lắm.

Ý kiến - Thảo luận

15:49 Friday,31.5.2013 Đăng bởi:  phale
@Nina: Có Apollo đội nguyệt quế trong tranh đó bạn :) Cảm ơn bạn đã bổ sung cho bài 
@Giang Nguyen: P.Lê thuộc phái yếu bạn à :)) văn phong nghe vậy thôi chứ hồi đi học toàn nhận điểm bét môn văn 
...xem tiếp
15:49 Friday,31.5.2013 Đăng bởi:  phale
@Nina: Có Apollo đội nguyệt quế trong tranh đó bạn :) Cảm ơn bạn đã bổ sung cho bài 
@Giang Nguyen: P.Lê thuộc phái yếu bạn à :)) văn phong nghe vậy thôi chứ hồi đi học toàn nhận điểm bét môn văn  
12:36 Friday,31.5.2013 Đăng bởi:  admin

@ Nina: Soi đã dặn mọi người nhớ vào đọc cmt của Nina rồi nhé, để biết bức tranh vẽ ở đâu. Cảm ơn Nina.


...xem tiếp
12:36 Friday,31.5.2013 Đăng bởi:  admin

@ Nina: Soi đã dặn mọi người nhớ vào đọc cmt của Nina rồi nhé, để biết bức tranh vẽ ở đâu. Cảm ơn Nina.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả