Soi học

Bài học Chủ nhật: Artemis – Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố? 23. 10. 11 - 12:21 am

Pha Lê

 

.

Artemis và Apollo là cặp song sinh nổi tiếng của tích Hy Lạp cổ. Nhưng vạn sự khởi đầu nan, mẹ của cặp đôi này không phải Hera, chỉ nhiêu đó thôi là đủ gây lắm rắc rối!

Zeus, vốn lăng nhăng, léng phéng với một nữ Titans tên Leto. Hồi đó chưa có bao cao su, nên Leto mang bầu. Khỏi nói thì cũng biết Hera tức đến phát điên. Một phần tức này cũng là do Leto được tiên đoán là ngoài đứa con gái, bà sẽ sinh một cậu con rất kháu, còn Hera sinh thần chiến tranh Mars bặm trợn và anh què Hephaestos.

Thế là Hera đuổi Leto chạy vòng vòng, không để Leto có thì giờ kiếm chỗ để đẻ. Hera cấm không cho Leto dừng chân trên bất cứ một mảnh đất an toàn nào, báo hại Leto phải mò đến Delos – một hòn đảo trôi nổi heo hút. Hera cũng cấm con gái – thần sinh nở Eileithyia, đến giúp Leto. Mà không có thần này thì không ai đẻ được. Zeus và một số nữ thần khác thấy tội nghiệp, nên hối lộ cho Hera một chiếc vòng cổ, và nhờ vậy Hera cho phép Eileithyia đến giúp Leto sinh Artemis và Apollo (thần thánh cũng dễ hối lộ nhỉ?).

Bản phác thảo chì “Leto sinh Artemia và Appollo” của Diana Scultori, thế kỷ 16. Cô chị Artemis được một bà (không biết chức gì, nhưng cái đầu nằm ở một vị trí hơi bị kinh dị) bế bên phải, còn Apollo (ngoài cùng bên trái) như mới vừa được đem đi tắm. Chằng biết Diana đọc tích nào mà vẽ Leto được nhiều người chăm nom đến vậy, chứ theo tích thì bà đơn thân đẻ.

 

Artemis được “thăng chức” như thế nào?

Một bản khác, nói Leto không cần Eileithyia, tự sinh Artemis. Bé Artemis vừa chào đời đã thương mẹ, thấy bà đau đớn mà thằng em Apollo mãi không chịu chui ra, Artemis, giống như một bà mụ chuyên nghiệp, Artemis giúp mẹ sinh Apollo. Theo Virgil, vùng đất Delos này trước đó là đất trôi nổi (không an toàn, nên Leto mới mò đến được vì các nơi khác đã bị Hera chặn hết), nhưng sau khi sinh Apollo thì Delos mọc rễ và trở thành một hòn đảo thực thụ. Artemis cũng nhờ đó mà được gắn thêm chức “Thần bảo vệ cho sự sinh nở” (chắc tại nếu chỉ mỗi Eileithyia độc quyền chức này thì nguy hiểm quá). Nhưng lý do chính, là bởi vì càng về sau, các nữ thần thường bị gán với “sinh đẻ” nhiều hơn. Cái “săn bắn” là điểm sót lại từ thời mẫu hệ, chứ qua thời phụ hệ mà cũng “hoang dã” thế thì không được.

Tác phẩm “Leto ngắm Artemis và Apollo”, Latona, 1870. Cô chị Artemis đang chắp tay nằm trên cậu em, còn Leto thì nhìn hai con âu yếm. Mới bé tí thế đã biết làm bà mụ cho mẹ, Artemis quả là đa tài. Tác phẩm hiện nằm ở bảo tàng Metropolitan, New York.

 

Dĩ nhiên, vụ sinh nở này còn lắm bản khác nữa, vì Artemis, giống Hera và Athena, cũng có gốc từ các nữ thần xưa, sau này bị giáng làm con ông Zeus, nên nơi Artemis được sinh ra và sinh như thế nào thì mỗi vùng phán mỗi kiểu. Homer chỉ viết Apollo là con của Leto với Zeus, không động đến Artemis; còn Hyginus, Pindar, Theognis, hay Apollodorus thì phán Leto sinh cả hai anh em. Rồi cũng có ông nói Apollo sinh tại Lycia. Một số khác thì phán Artemis chào đời ở hòn đảo tên Ortygia trước, rồi nữ thần này giúp mẹ vượt biển đến Delos để đẻ em trai.

Để tránh nhì nhằng, cứ theo bản phổ biến nhất, nói Artemis và Apollo được sinh tại Delos.

Hai anh em này nhìn chung rất thương nhau, nhưng mỗi người tính mỗi khác và nghề nghiệp cũng khác.

 

Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái, mê trai?

Đây là một tác phẩm nổi tiếng của bảo tàng Lourve, có tên Artemis và con hưu, niên đại khoảng thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Nó cũng là bản La Mã copy lại theo bản gốc của điêu khắc gia Hy Lạp Leochares. Bản gốc, cùng chung số phận với nhiều bản gốc khác, đã bị thời gian và chiến tranh tàn phá. Artemis là thần săn bắn, thần bảo vệ cho trinh nữ, thần bảo vệ cho sự sinh nở; sau này sang thời La Mã thì Artemis kiêm luôn chức nữ thần mặt trăng (thời Hy Lạp, vị trí này do Selene giữ). Biểu tượng của Artemis: con hưu đực, chó săn, nai, cung tên, và mặt trăng. Hình do bạn Hiếu Thiện cung cấp.

 

Tác phẩm “Nữ thần săn bắn Diana”, Guillaume Seignac, 1899. Artemis cầm cung và đeo vương miện mặt trăng. Nhưng chính ra thì Artemis hay săn vào ban đêm, chứ không phải ban ngày như trong tranh.

 

Đầu tiên là Artemis (tên tiếng La Mã: Diana; các tên phổ biến khác còn có: Artume, Cynthia, Phoebe…). Theo nhà thơ Callimachus, thì lúc 3 tuổi, Artemis trèo lên lòng bố Zeus và đòi đủ thứ, nào là muốn được làm trinh nữ suốt đời, rồi cung tên để được đi săn, sau đó đòi tới 60 tiên biển (con của Oceanus) làm người hầu, và 20 tiên sông để lau cung tên cũng như… chăm đám chó săn khi Artemis chợp mắt nghỉ ngơi. Zeus, vốn cưng Artemis (chắc chỉ sau Athena), nên rất chiều con gái, Artemis đòi gì ông cho nấy. Artemis nghiễm nhiên trở thành nữ thần săn bắn, và cũng là một cung thủ có nghề. Kẻ nào dốt giống Agamemnon, phán mình bắn cung tài hơn Artemis, thì sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, dù nói rằng mình “muốn làm trinh nữ”, nhưng cách Artemis đối xử với các cô gái đẹp và với đám tiên theo hầu mình rất đáng ngờ. Artemis từng cứu Iphigenia và bắt cô này phục vụ mình suốt đời. Những ai theo hầu Artemis cũng không được phép lấy chồng, nếu có sẽ bị khai trừ. Rất nhiều nhà thơ (và họa sĩ) ngầm cho rằng Artemis cũng mê gái giống bố, nhưng vì Artemis không quan hệ với đàn ông nên vẫn được cho là “còn trinh” (đúng là các ông cứ hay tự suy diễn bậy bạ).

Artemis, giống Venus, cũng là đề tài nóng cho các họa sĩ vẽ khoả thân. Trong hình là tác phẩm “Các tiên tắm cho Artemis”, Jean Francois de Troy, 1722. Thậm chí Artemis còn có thể “nóng” hơn Venus vì không ôm con theo, mà có hàng tá người hầu cũng khoả thân y chang vậy. Ba nàng tiên đang tắm cho Artemis, còn nàng bên trái thì phát hiện ra một tên dám nhìn trộm nữ thần, tên này chắc chắn sẽ chết.

 

Tác phầm “Diana và đám tiên”, 1651, Adriaen van the younger neieulandt. Artemis trong này không tắm sông mà tắm trong hang. Bên trong còn có bức tượng của thằng em Apollo (cầm đàn) và cupid. Một con chó săn đang nằm trên tấm vải đỏ, con còn lại đứng ở bên cạnh. Một số tiên nữ, theo lệ, vây quanh cải tóc, tắm gội cho Artemis, một số đang trò chuyện với nhau, số còn lại đang khiêng chiến lợi phẩm săn được về trình. Bức này trông có vẻ âm u và bí hiểm hơn mấy bức tắm khoả thân còn lại.

 

Tác phẩm “Diana và đám tiên”, Barthelemy Garnier, không rõ năm. Barthelemy vẽ cảnh Artemis đi săn về, mệt quá lăn ra ngủ, một nàng tiên theo hầu cũng ngủ ngay cạnh, trong khi hai nàng khác đang trò chuyện ở phần nền. Artemis này tuy ngủ nhưng vẫn không mất vẻ “chiến sĩ”, tay còn ôm cung tên khư khư.

 

Tác phẩm “Artemis và đám tiên”, Jacob van Loo, 1654. Vì lúc nào cũng khoả thân nên Jacob đội cho Artemis cái vương miện mặt trăng để dễ phân biệt. Một nàng tiên đang đem chiến lợi phẩm săn được về dâng artemis, một số cô khác đang tắm và ôm nhau (trong tư thế khoả thân).

 

Nhưng chỉ hay đi cùng đám tiên khỏa thân thì có nên gán tội “mê gái” cho Artemis? Đây là tác phẩm “Diana và Callisto”, do Federoco Cervelli vẽ vào thế kỷ 17. Callisto chính là “cục cưng” của Artemis (đang cầm giáo, ôm chó săn), tích về cô là bằng chứng cho sự mê gái của Artemis (lẫn ông Zeus). Chuyện gì sẽ xảy ra giữa ba người? Hấp dẫn lắm, nhưng xin hẹn vào chủ nhật sau cho nó hồi hộp.

 

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

Ý kiến - Thảo luận

21:34 Tuesday,28.3.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
Tôi đọc "Thần thoại Hy Lạp" cách đây mấy chục năm roài nên chả nhớ gì mấy. Nhưng đọc ở đây thấy đời sống các thần suốt ngày xoay quanh khỏa thân, ngoại tình với cả chiến tranh... Có vẻ rất giống với những gì mà truyền thông phương Tây tuyên truyền cả trăm năm nay. Truyện kể lại chả biết có chính xác hay không nhưng đọc thấy có rất nhiều ngầm ý dọa nạ
...xem tiếp
21:34 Tuesday,28.3.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
Tôi đọc "Thần thoại Hy Lạp" cách đây mấy chục năm roài nên chả nhớ gì mấy. Nhưng đọc ở đây thấy đời sống các thần suốt ngày xoay quanh khỏa thân, ngoại tình với cả chiến tranh... Có vẻ rất giống với những gì mà truyền thông phương Tây tuyên truyền cả trăm năm nay. Truyện kể lại chả biết có chính xác hay không nhưng đọc thấy có rất nhiều ngầm ý dọa nạt và tuyên truyền!!! :)

Hay là tôi thần hồn nát thần tính??!!!

Read between the lines
Of what's fucked up and everything's alright
Check my vital signs
To know I'm still alive and I walk alone 
19:23 Thursday,30.4.2015 Đăng bởi:  Hạnh Quyên Nguyễn
Soi nói chuyện thần mặt trăng Artemis sinh ra còn nhờ nhiều bản nữa à ? Artemis là chị hay là em của thần Apollo thế ?
...xem tiếp
19:23 Thursday,30.4.2015 Đăng bởi:  Hạnh Quyên Nguyễn
Soi nói chuyện thần mặt trăng Artemis sinh ra còn nhờ nhiều bản nữa à ? Artemis là chị hay là em của thần Apollo thế ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lại cái trò dí súng vào đầu trẻ con

Pha Lê - hí họa của Nick Galifianakis

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả