Gẫm & Bình

Đừng nhầm bản tính với bản sắc 13. 07. 13 - 11:44 pm

Trịnh Lữ

Từ minh họa của Christopher Weyant

 

Từ khi đặt vấn đề “Dân tộc tính trong kiến trúc nó ngụ ở đâu? Đi tìm nó cách nào?” mà SOI đưa lên thành bài với tên gọi “Thái độ kiến trúc Việt: tinh giản, hòa hợp chứ không cầu kỳ, áp chế“; tôi thấy bạn đọc tranh luận sôi nổi, nhưng lại do hiểu chưa đúng những khái niệm chính mà tôi dùng trong bài của mình, nên cứ từ hiểu lầm này dẫn sang hiểu lầm khác.

Hôm nọ tôi có gửi một cmt với SiêuNoob, tôi nói rằng đã vỡ nhẽ được một điều, rằng trao đổi bằng viết qua lại có cái dở là mình mất nhiều thời gian để giải thích, nhưng cái hay là vì thế mà nó giúp mình thấy những rủi ro của câu chữ cần phải phòng ngừa, và bắt mình phải suy xét đầy đủ hơn khi trình bày một việc gì đó. Trong trường hợp này là mấy từ “tinh giản, linh hoạt, hòa hợp “.

Cái hiểu của tôi về “tinh giản” không phải là sơ sài nghèo nàn, mà là thái độ chắt lọc rất kỹ lưỡng và công phu để tìm ra giải pháp tối ưu và hiệu quả cao nhất. Hiệu quả trong phạm trù mình đang bàn luận ở đây (tức kiến trúc) có nghĩa là công dụng thì tối đa, kiểu cách thì đẹp, mà giải pháp, bao gồm từ vật liệu đến kết cấu, công lao động, thì chỉ cần tối thiểu. Tối ưu thì có nghĩa là phải có vài ba cái giải pháp hiệu quả như thế đã, rồi mới lại chọn cái nào hòa hợp và có khả năng thích ứng nhất ở cái môi trường mình đang phải xử lý ấy thì mới dùng.

Như vậy, “tinh giản, linh hoạt, hòa hợp ” hoàn toàn không có nghĩa là sơ sài, dễ dãi, do nghèo nàn mà ra. “Tinh giản, linh hoạt, hòa hợp” này (tôi hiểu theo ý ông Ngọc) là đối lập với những thái độ kiến trúc của nhiều dân tộc khác mà ông cho là “cầu kì, hoa mỹ, áp chế”. Ông vẫn bảo học sinh xem cho kỹ những công trình kiến trúc nội thất của thế giới từ xưa đến nay, rồi so với những gì vẫn còn lại ở Việt Nam như đình chùa miếu mạo dinh thự cổ, những kiến trúc dân dụng đã được coi là “cổ điển” và truyền thống như nhà ở các vùng nông thôn, miền núi, miền biển…. Ông muốn học sinh hiểu ra cái khác nhau ấy để mà tránh sự bắt chước những cái cầu kỳ hoa mỹ áp chế nó thường song hành với thái độ “bày hàng khoe của”, đồng thời cũng để khích lệ cái lòng tự tôn đối với di sản của tổ tiên.

Vậy nhân bài này xin làm rõ một cách ngắn gọn nhất có thể như sau:

1. Tôi không đặt vấn đề “Dân tộc tính trong kiến trúc là gì?” Mà chỉ hỏi “Dân tộc tính trong kiến trúc nó ngụ ở đâu?” Như vậy, phạm vị tôi đưa ra chỉ là “dân tộc tính trong kiến trúc” – không phải là “dân tộc tính” nói chung. Tôi tin rằng đặt vấn đề như vậy thiết thực hơn là bàn về “dân tộc tính” nói chung. Cái tiền giả định của tôi là “dân tộc tính trong kiến trúc” nó khác với dân tộc tính trong âm nhạc, văn học, mỹ thuật… Và vấn đề tôi nêu lên là cái “Dân tộc tính trong kiến trúc” ấy nó “ngụ ở đâu” – chứ không phải nó “là gì“.

2. Tôi tin rằng: “Dân tộc tính” là phi vật chất, không nhìn thấy được, và là cái “bản tính” bất biến của một giống người nhất định. Còn “bản sắc” thì là phần thể chất nhìn thấy được, là cái “sắc” lộ ra ngoài và có biến đổi theo thời gian của cái “tính” bất biến kia. Nghĩa là với tôi, “Bản sắc” là bề ngoài của “Bản tính”, là kết quả của quá trình giao đãi giữa “Bản tính” với môi trường và nhu cầu sống còn, cho nên nó tất yếu phải biến thiên. Tôi đã viết bài “Bản sắc cũng phong trần như lịch sử” là vì vậy.

3. Tin như vậy, nên tôi thấy “bản sắc” chỉ là dấu ấn vật thể của từng thời kỳ lịch sử. Và mình không nên câu nệ vào nó. Mình không nên lấy cái giải pháp kỹ thuật và mỹ thuật, cũng như hệ thống biểu tượng quyết định hình thức của chúng là khuôn mẫu của “dân tộc tính”. Tôi cổ động cho việc học hỏi cái tinh thần “tinh giản, linh hoạt và hòa hợp” đã khai thác tận dụng môi trường công nghệ và nhu cầu công dụng để sản sinh ra được những giải pháp ấy. Có như vậy, người kiến trúc sư mới có khả năng kế thừa và phát huy cách nghĩ cách làm của cha ông, và tạo ra được cái “bản sắc” của thời đại mình. Ngay việc dùng lại các biểu tượng, kiểu cách và giải pháp công nghệ trong kiến trúc truyền thống cũng vẫn nên theo tinh thần tinh giản, linh hoạt và hòa hợp này.

4. Tôi chưa bao giờ nói “dân tộc tính Việt Nam là thái độ tinh giản, linh hoạt, hòa hợp”. Cũng chưa bao giờ nói “Bản sắc dân tộc Việt là thái độ tinh giản, linh hoạt, hòa hợp.”

5. Tôi chỉ nói rằng ta có thể tìm thấy cái “dân tộc tính trong kiến trúc” của người Việt ở thái độ tinh giản, linh hoạt, hòa hợp khi tìm những giải pháp kiến trúc của mình. Và tôi gọi đó là “Thái độ kiến trúc Việt”.

6. Và tôi tin rằng cách nghĩ này giúp ích cho việc học hỏi và phát huy truyền thống theo hướng sáng tạo được bản sắc của thời đại mình.

Xin được tóm lại một lần nữa:

Bản tính dân tộc trong kiến trúc (dân tộc tính trong kiến trúc) cho đến giờ vẫn có thể coi là một hằng số, và nó là cái “tính” vô hình, có thể gọi nó là “thái độ kiến trúc” của một dân tộc. (Tôi nhấn mạnh là “cho đến giờ”, vì với đà toàn cầu hóa như hiện nay, thế giới kiến trúc đã bắt đầu vượt khỏi phạm vi “dân tộc tính” để tìm đến cái hiện đang được gọi là “location/place identity” hoặc “systemic identity” – tạm dịch là cái “bản sắc của địa bàn kiến trúc” hoặc “bản sắc hệ thống”)

Bản sắc là vẻ ngoài nhìn thấy được của bản tính, nó là biến số theo thời gian.

Thái độ kiến trúc + Môi trường công nghệ và nhu cầu công năng = Các giải pháp kiến trúc, thể hiện cái bản sắc kiến trúc của thời kỳ cụ thể ấy.

Vậy đầu tiên vẫn cứ là phải có một “Thái độ kiến trúc” rõ ràng. Cho nên tôi mới viết rằng “đi tìm dân tộc tính trong kiến trúc thì hãy bắt đầu ở chính bản thân mình”.

Rất cám ơn nếu bạn đọc chịu khó đọc cho đến dòng này.  

*

Bài liên quan:

– Đi tìm cái khác biệt để đạt được cái hòa đồng  
– Thái độ kiến trúc Việt: tinh giản, hòa hợp, chứ không cầu kỳ, áp chế
 
– Làm sao nói chuyện bản sắc, hay tranh luận với anh Tùng vài điểm     
– Chuyện bản sắc: “tiếp biến” hay là “tạo dựng”?  

– Đừng nhầm bản tính với bản sắc  
– Muốn giản thì phải tinh, muốn tinh thì phải cầu kỳ. Ta thì không tinh…   
–  Về sự bất biến của “Dân tộc tính”

Ý kiến - Thảo luận

16:14 Monday,15.7.2013 Đăng bởi:  admin

@ Tung Lam: Dĩ nhiên là Soi không đưa cmt của bạn lên. Khi nào bình tĩnh lại, bớt hung hăng, bớt kiêu căng thì vào lại Soi nhé.


...xem tiếp
16:14 Monday,15.7.2013 Đăng bởi:  admin

@ Tung Lam: Dĩ nhiên là Soi không đưa cmt của bạn lên. Khi nào bình tĩnh lại, bớt hung hăng, bớt kiêu căng thì vào lại Soi nhé.

 
10:07 Monday,15.7.2013 Đăng bởi:  admin

@ Tung Lâm: Soi đã đưa cmt của bạn lên, nhưng những phần phê phán người khác thiếu hiểu biết, nhầm lẫn... thì Soi cắt. Lập luận của Lâm chưa chắc đã đúng, nên đừng chê người khác vội. Các bạn cứ bình tĩnh mà trình bày quan điểm của riêng các bạn, đừng trình bà
...xem tiếp

10:07 Monday,15.7.2013 Đăng bởi:  admin

@ Tung Lâm: Soi đã đưa cmt của bạn lên, nhưng những phần phê phán người khác thiếu hiểu biết, nhầm lẫn... thì Soi cắt. Lập luận của Lâm chưa chắc đã đúng, nên đừng chê người khác vội. Các bạn cứ bình tĩnh mà trình bày quan điểm của riêng các bạn, đừng trình bày chỉ vì muốn đập lại người khác. Rồi người đọc sẽ nhận ra lý luận nào nào hợp lý (với họ) mà.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả