Gẫm & Bình

Thái độ kiến trúc Việt: tinh giản, hòa hợp, chứ không cầu kỳ, áp chế 05. 07. 13 - 5:40 am

Nguyen Tran & Trịnh Lữ

Trong phần cmt cho bài Thế nào là nhà Việt: hình thức Việt hay lối sống Việt?, bạn Nguyen Tran có viết:

Thưa chú Trịnh Lữ,

Câu hỏi của chú thực sự là một đề tài mà những người làm kiến trúc đã và đang kiếm tìm lời giải đáp. Để thực sự tìm được câu trả lời, theo cháu, cần phải có nhiều nghiên cứu trên diện rộng, có chiều sâu và trên nhiều lĩnh vực.

Trong phạm vi còm-men này, cháu xin nêu một số hiểu biết của mình về đặc trưng nhà truyền thống của người Việt, để qua đây, góp phần cho việc đi tìm đáp án cho bài toán hóc búa mà chú đưa ra.

Trước tiên, đối với câu hỏi “thế nào là nhà Việt: hình thức Việt hay lối sống Việt”. Ở đây, theo cháu là cả hai. Bởi vì, cũng giống như một con người, nếu như hình thức tạo nên khuôn mặt, hình dáng thì lối sống phả vào đó tâm hồn, tính cách.

Hình thức Việt, đối với kiến trúc truyền thống, ta có thể tìm thấy ở bố cục mặt bằng (mỗi miền có một đặc trưng riêng nhưng nhìn chung thì đều gắn với thiên nhiên, cây cỏ), vật liệu xây dựng (thường là sẵn có trong tự nhiên, ít gia công chế tác), hình dáng, cấu trúc công trình (cũng có đặc trưng miền nhưng nhìn chung đều là những ngôi nhà 3 – 5 gian, có chái, cấu trúc gỗ, trong đó gian giữa luôn là gian lớn nhất, trang trọng và quan trọng nhất), phương thức xây dựng (thủ công, ít có những quy tắc chặt chẽ, phụ thuộc vào người thợ cả). Vậy thì đối với nhà của bác Ngọc, theo cháu thấy, về hình thức nó có mang một số chất Việt trong mình.

Bản vẽ của Trịnh Lư cho căn nhà 24 mét vuông của họa sĩ Hữu Ngọc

Mở rộng ra, đối với những công trình hiện đại, nếu nắm vững được những đặc điểm trên, ít nhiều ta có thể đưa vào kiến trúc những nét truyền thống Việt.

Lối sống Việt, đây quả là một khái niệm rộng mà người thiết kế như cháu không thể hiểu hết được. Nhưng đối với nhà ở truyền thống thì cháu thấy yếu tố đầu tiên được quan tâm nhất ở cả 3 miền, đó chính là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tiếp theo đó là thói quen sinh hoạt, ăn uống, giải trí.

Những cái này  sẽ quyết định trực tiếp đến việc bài trí không gian nội thất. Đối chiếu lên nhà bác Ngọc, cháu thấy rõ ràng đó là một không gian dành cho cách sống của một người Việt thể hiện ở cái chõng, bộ khay và ấm chén uống nước, các vật dụng sinh hoạt. Những yếu tố khác như cái xe đạp, giá vẽ, tủ sách, cái nệm giường đó xuất hiện là do nhu cầu của cuộc sống hiện đại.

Trên đây là một vài góp ý của cháu. Mong rằng nó sẽ giúp ích cho cuộc thảo luận của chúng ta. 

Nhà truyền thống ở Mai Châu. (Soi tìm trên internet)

*

TRỊNH LỮ:

Gửi bạn nguyen tran,

Vui được đọc ý kiến của bạn — về cơ bản vẫn đồng quan điểm với các ý kiến khác là chất Việt cần phải thể hiện ở cả hình thức và cách thu xếp không gian phù hợp với lối sống Việt. Và hình thức thì phải tìm ở các loại nhà truyền thống Việt Nam.

Thực ra câu hỏi hai vế “Thế nào là nhà Việt? Hình thức Việt hay lối sống Việt?” sẽ chỉ có một câu trả lời như của bạn và các bạn khác – nhà Việt phải thể hiện được cả hai yếu tố này.

Để thoát khỏi hai vế khuôn mẫu ấy, mình nên hỏi theo cách khác: Dân tộc tính trong kiến trúc nó ngụ ở đâu? Đi tìm nó cách nào? Mà thực ra đây mới là câu hỏi tôi muốn nêu ra. Chỉ vì sợ nó sẽ dẫn đến nhưng bàn cãi mơ hồ, nên mới lấy trường hợp cái nhà nhỏ của cha tôi ra để hỏi. Giờ thì mới nhận ra rằng cách làm nào cũng có những rủi ro riêng của nó.

Trong ba năm 1963-1965, cha tôi (họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc) làm trưởng khoa Trang trí Nội thất đầu tiên của trường Mỹ thuật Công nghiệp tại Hà Nội. Tôi còn giữ được nhiều giấy tờ dạy học của cụ thời ấy, trong đó có bài giảng của cụ nhan đề “Đi tìm dân tộc tính”. Cái mà tôi tâm đắc nhất là ý tưởng của cụ coi các hình thức kiến trúc và nội thất chỉ là “dấu vết nhất thời” của nột giai đoạn lịch sử của mỗi dân tộc, không phải là cái “dân tộc tính” mà cụ tin là một hằng số qua thời gian. Rồi cụ tin rằng “dân tộc tính” trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất nằm trong cái mà cụ gọi là “thái độ sống”, mỗi dân tộc một khác nhau. Ai Cập thì chỉ lo về kiếp sau và có thái độ rất cực đoan nên mới làm các kim tự tháp và những nơi giữ xác ướp. Hy Lạp, La Mã, nghĩa là dân Âu Châu, thì lo áp chế lẫn nhau, lấy tôn giáo làm vũ khí với thái độ cạnh tranh rất cầu kỳ do cơ tâm chi phối nên mới ra được một lịch sử kiến trúc từ đền miếu pháo đài xưa cho đến nhà thờ lâu đài dinh thự sau này. Dân Hồi giáo lại có kiểu cầu kì hoa mỹ riêng, những cũng cực đoan chả kém. Rồi Ấn Độ, Trung Hoa, Do Thái… những dân tộc có văn tự riêng của họ đều là tác giả của những nền văn minh lớn, sống với thái độ biết mình là lớn, tự cho mình cái quyền và có nghĩa vụ phải khẳng định cái lớn lao của mình, không ngần ngại phải tiêu diệt các dân tộc khác để khẳng định vị thế lịch sử của mình. Những dân tộc ấy đều có những tác phẩm kiến trúc “vĩ đại” trong con mắt của nhân loại, nhưng cũng gây nên những tội ác “vĩ đại” chẳng kém trong suốt quá trình lịch sử chung sống với nhau trên hành tinh này.

Nhà truyền thống bằng đất sống ở Damascus

Còn dân Việt mình thì khác. Một dân tộc nhỏ. Sống ở một vùng đất cũng nhỏ, không có núi cao sông dài như các xứ khác, không dữ dội săn bắn mà hiền lành hái lượm nuôi trồng tự cung tự cấp hòa hợp với thiên nhiên. Cho nên cái “thái độ kiến trúc” của người Việt là một thái độ tinh giản hòa hợp chứ không cầu kỳ áp chế. Thái độ ấy đi kèm theo một năng lực thích ứng rất tinh khôn, biết lấy cái gì của người khác có thể giúp mình thích ứng tốt hơn với môi trường, biết bỏ những cái thừa thãi không cần thiết. Mà thiên về tạo tác những thứ đa năng với những giải pháp rất đơn giản mà xác đáng, chứ không có thiên hướng chế ngự bằng những thứ máy móc tinh xảo cầu kỳ và hiệu quả lớn có thể dùng để chinh phục thế giới.

 Cụ Ngọc tin rằng dân tộc tính nó ngụ ở cái thái độ sống ấy. Chính cái thái độ này khiến người ta có những giải pháp riêng cho mình trong mọi việc. Còn hình thức của sản phẩm chỉ là dấu vết của từng giai đoạn lịch sử, phụ thuộc vào mức độ hiểu biết thiên nhiên và kỹ năng tạo tác của con người. Thời nguyên thủy thì cái nhà của người ta là hang núi và tấm da thú săn được. Tiến bộ hơn thì biết dùng tre nứa lá lẩu làm nơi trú ẩn. Cứ thế mà mỗi thời mỗi hình thức kiến trúc khác nhau, với vật liệu khác nhau. Cái nhà mà bây giờ mình cứ gọi là “điển hình Việt” vì nó là nhà “truyền thống”, thì cũng chỉ là cái nhà của một thời phong kiến nông thôn, thực ra vẫn còn rơi rớt tiếp tục đến bây giờ. Nếu cứ coi hình thức ấy mới mang “tính dân tộc” thì không phải, và nhất là không nên, đối với người muốn trở thành kiến trúc sư hoặc thiết kế nội thất với mơ ước sáng tạo những dấu ấn cho một thời đại mới. Ví dụ như tại sao hễ cứ là chùa là phải như ngôi chùa làm cách đây đã mấy trăm năm? Không gian tín ngưỡng của mình hôm nay phải khác với ngày xưa chứ, đâu có cần phải mê tín và khuôn phép mãi thế. Kiến trúc chùa mà vẫn như hiện nay thì chỉ tiếp tay cho việc dùng tôn giáo để mê muội dân chúng mà thôi.

Nhà sàn Hồ Chủ Tịch. (Ảnh do Soi tìm trên internet)

Hãy tìm dân tộc tính ở ngay trong bản thân mình đã – ý thức cho rõ cái thái độ kiến trúc tinh giản, tiện dụng, hòa hợp với môi trường, tinh khéo thích ứng mọi công nghệ và giải pháp mới của thế giới vào lối sống mới mà mình muốn cổ vũ. Quan trọng nhất là phải biết hình dung một lối sống cần phải được cổ vũ cho tương lai. Quan trọng thứ nhì là đừng bao giờ quên rằng cái nhà là không gian riêng tư của gia đình hoặc cá nhân, chứ không phải là một cái showroom để bày hàng khoe của. Như vậy thì mình mới tự giải phóng khỏi những câu thúc trong quan niệm chật hẹp coi tính dân tộc ngụ ở lối sống truyền thống và các hình thức kiến trúc và nội thất truyền thống; và tự do tìm những giải pháp mới với ý thức và thái độ như đã bàn đến ở trên.

Tôi vẫn thích cách nghĩ này về dân tộc tính – một cách nghĩ nghệ sỹ, vị sáng tạo chứ không vị khuôn phép.

 *

Bài liên quan:

– Kiến trúc hãy như người thợ may. Chủ nhà cần mặc áo vừa vặn. 
Nhà 24 mét này Việt hay không Việt?   
Thế nào là nhà Việt: hình thức Việt hay lối sống Việt?    
– Đi tìm cái khác biệt để đạt được cái hòa đồng  
– Thái độ kiến trúc Việt: tinh giản, hòa hợp, chứ không cầu kỳ, áp chế
 
– Làm sao nói chuyện bản sắc, hay tranh luận với anh Tùng vài điểm     
– Chuyện bản sắc: “tiếp biến” hay là “tạo dựng”?  

– Đừng nhầm bản tính với bản sắc  
– Muốn giản thì phải tinh, muốn tinh thì phải cầu kỳ. Ta thì không tinh…    
–  Về sự bất biến của “Dân tộc tính”

 

Ý kiến - Thảo luận

21:54 Sunday,7.7.2013 Đăng bởi:  SiêuNoob
Dạ cám ơn chú Trịnh Lữ đã bỏ thời gian giải thích rất cặn kẽ cho cháu (và hi vọng là cả nhiều bạn khác trên SOI nữa).
...xem tiếp
21:54 Sunday,7.7.2013 Đăng bởi:  SiêuNoob
Dạ cám ơn chú Trịnh Lữ đã bỏ thời gian giải thích rất cặn kẽ cho cháu (và hi vọng là cả nhiều bạn khác trên SOI nữa). 
17:03 Sunday,7.7.2013 Đăng bởi:  trịnh lữ

@SiêuNoob -- tôi vỡ nhẽ một điều rằng trao đổi bằng viết qua lại có cái dở là mình mất nhiều thời gian để giải thích, nhưng cái hay là vì thế mà nó giúp mình thấy những rủi ro của câu chữ cần phải phòng ngừa, và bắt mình phải suy xét đầy đủ hơn khi trình bày m
...xem tiếp

17:03 Sunday,7.7.2013 Đăng bởi:  trịnh lữ

@SiêuNoob -- tôi vỡ nhẽ một điều rằng trao đổi bằng viết qua lại có cái dở là mình mất nhiều thời gian để giải thích, nhưng cái hay là vì thế mà nó giúp mình thấy những rủi ro của câu chữ cần phải phòng ngừa, và bắt mình phải suy xét đầy đủ hơn khi trình bày một việc gì đó. Ở đây là mấy từ "tinh giản, hòa hợp, thích ứng". Cái hiểu của tôi là "tinh giản" không phải là sơ sài nghèo nàn, mà là thái độ chắt lọc rất kỹ lưỡng và công phu để tìm ra giải pháp tối ưu và hiệu quả cao nhất. Hiệu quả trong phạm trù mình đang bàn luận ở đây có nghĩa là công dụng thì tối đa, kiểu cách thì đẹp, mà giải pháp, bao gồm từ vật liệu đến kết cấu, công lao động, thì chỉ cần tối thiểu. Tối ưu thì có nghĩa là phải có vài ba cái giải pháp hiệu quả như thế đã, rồi mới lại chọn cái nào hòa hợp và có khả năng thích ứng nhất ở cái môi trường mình đang phải xử lý ấy thì mới dùng. Như vậy, "tinh giản, hòa hợp, thích ứng" hoàn toàn không có nghĩa là sơ sài, dễ dãi, do nghèo nàn mà ra. Cũng như người ta, về đường ăn mặc chẳng hạn, những ai kỹ lưỡng tinh tường khắt khe và có thẩm mỹ tốt thì mới có thể trang phục cho mình để mang vẻ tinh giản hòa hợp và thích ứng với môi trường mình phải giao lưu. 

Ở đây, tôi hiểu cái ý của ông Ngọc muốn lấy cái thái độ "tinh giản, hòa hợp và thích ứng" ấy làm đối lập với những thái độ kiến trúc của nhiều dân tộc khác mà ông cho là "cầu kì, hoa mỹ, áp chế". Mà cái này thì ông bảo học sinh xem cho kỹ những công trình kiến trúc nội thất của thế giới từ xưa đến nay, rồi so với những gì vẫn còn lại ở Việt Nam như đình chùa miếu mạo dinh thự từ xưa và những kiến trúc dân dụng đã được coi là "cổ điển" và truyền thống như các nhà ở các vùng nông thôn, miền núi, miền biển ở mình. Ông muốn học sinh hiểu ra cái khác nhau ấy để mà tránh sự bắt chước những cái cầu kỳ hoa mỹ áp chế nó thường song hành với thái độ "bày hàng khoe của". Và cũng để khích lệ cái lòng tự tôn đối với di sản của tổ tiên. Không phải là tự tôn giả tạo, mà là do thấy và hiểu được cái giỏi, cái hay, cái đẹp của nhưng giải pháp kiến trúc nội thất bắt nguồn từ cái thái độ "tinh giản, hòa hợp và thích ứng" kia.

Còn chuyện mình phải làm hàng cho đại chúng thì vẫn cứ là chuyện khác. Tội gì mà lấy nó để ngăn cản những suy nghĩ và hứng khởi làm nghề của mình. Ở đời vẫn luôn như thế thôi. Mà thực ra, quần chúng cũng không ngu xuẩn đâu. Chỉ là vì mình chưa làm được cái gì có thể thuyết phục được quần chúng đấy thôi .

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả