Thị trường

Đành chờ đại gia trong nước vậy 21. 08. 10 - 11:27 am

Lê Quảng Hàm tổng hợp, lược dịch

 

 Tại châu Á, sau phiên đấu giá cuối tháng 5. 2009, nhà đấu giá Borobudur Singapore báo tin thắng đậm trên mạng: “Thế là nghệ thuật đã vượt qua cơn khủng hoảng”.
 
255 tác phẩm đưa ra đấu giá trong phiên 31. 5. 2009 tại khách sạn Grand Copthorne Waterfront, Singapore thì bán được tới 195 (hiệu suất khoảng 76 %), 18 tác phẩm trên 100.000 SGD, 23 tác phẩm trên 50.000 SGD, tổng doanh thu của phiên này của nhà Borobudur đạt trên 7 triệu đô-la Sing. 

Trong phiên đấu giá nói trên, họa sĩ Đặng Xuân Hòa của ta có bức sơn dầu Nhà ta lên sàn và bán được giá, thu về 5.040 đô-la Sing. Ông cũng là họa sĩ Việt Nam duy nhất (sinh năm 1959) có tranh tham dự. Chính ông, tại cuộc đấu giá tại Christie’s Hồng Kông cuối năm 2008 cũng đã cán đích với “kỷ lục” khi đó của ta với tác phẩm Vòng đời II bán được 275.000 đô-la Hồng Kông (hơn 35 ngàn đô-la Mỹ), vượt xa mức sàn khởi đấu. 

My family/ Nhà ta, Sơn dầu, Đặng Xuân Hòa

 Kể từ sau thành công của những thương vụ nghệ thuật trong năm 2009, nhà đấu giá hàng đầu Hàn Quốc – Seoul Auction, đã tổ chức thêm nhiều cuộc “bài binh bố trận” đặc biệt để đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đương đại phương Tây và châu Á, tại Grand Hyatt, Hồng Kông. 

Với tổng trị giá ước tính lên đến hàng chục triệu đô-la, các phiên đấu giá này đã tung ra nhiều danh tác của các nghệ sĩ hàng đầu thế giới của phương Tây cùng với các nghệ sĩ mới nổi của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia; điều đó đã phần nào phản ánh sự phát triển năng động của thị trường nghệ thuật châu Á đương đại. 

Bà Misung Shim, Giám đốc điều hành Seoul Auction cho biết: “Từ khi Seoul Auction trở thành nhà đấu giá đầu tiên cung cấp những kiệt tác của phương Tây tại Hồng Kông trong thương vụ thứ nhất vào tháng 10. 2008, sự quan tâm và nhận thức về nghệ thuật đương đại phương Tây đã tăng lên đáng kể không chỉ với công chúng tại Hồng Kông mà còn với các nhà sưu tầm nghệ thuật tại Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc và Đông Nam Á. Trong thương vụ tháng 5. 2009, tác phẩm Tranquility trong seri Butterfly (Bướm) của Damien Hirst đã bán được 13.370.000 đô-la HK  (1.710.000 đô-la Mỹ) và trở thành tác phẩm đắt nhất của Damien Hirst được bán tại một phiên đấu giá ở châu Á.” 

Ông Jun Lee, Giám đốc quản trị Seoul Auction, cho biết thêm: trong tháng 7. 2009 nhà đấu giá này đã mở một Văn phòng đại diện lớn tại Hồng Kông, liền ngay sau đó, từ tháng 10. 2009 họ đã tổ chức luân phiên nhiều cuộc đấu giá về nghệ thuật hiện đại và đương đại ở Seoul, Đài Bắc, Hồng Kông và Thượng Hải. Từ tháng 10. 2009, Seoul Auction đã giới thiệu những tác phẩm chưa bao giờ được đấu giá ở châu Á của các họa sĩ khét tiếng phương Tây, bao gồm Damien Hirst, Anish Kapoor, Cy Twombly và Josef Albers, cũng như tác phẩm của các nghệ sĩ châu Á như Sanyu, Yayoi Kusama, Ju Ming, Yue Minjun, vv… 

Yue Minjun (1962~ ), Life , sơn dầu, 80x80cm, 1999. Giá bỏ thầu tại SeoulAuction Space, Seoul ngày 14. 5. 2010 là 180.000 ~ 230.000 USD

Những sáng kiến mới của Seoul Auction chứng tỏ niềm tin ngày một tăng của các nhà đầu tư vào thị trường kinh doanh nghệ thuật đang mở rộng khắp Á châu. Đồng thời, các sàn đấu giá tại Hồng Kông, Seoul hay Thượng Hải đang dần trở thành những trung tâm kinh doanh nghệ thuật quốc tế thực sự, phục vụ khách hàng trong toàn khu vực. 

Theo cuộc thăm dò mới đây của tờ ArtNews với các nhà sự tập, các đại lý bán lẻ, các nhà đấu giá, giám đốc bảo tàng, giám tuyển, và nhiều nhà tư vấn khác tại 22 nước để chốt danh sách top 200 và top 10 hàng năm, thì “Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò quan trọng đến khó tin. Người Tàu ngày càng giàu và cũng để ý đến nghệ thuật nhiều hơn. Họ tích cực mua sắm nghệ phẩm ở mọi nơi, từ Hồng Kông, New York đến Paris hay London.. Họ đang mua địa ốc và nghệ thuật để đa dạng hóa thêm tài sản của mình” – đó là ý kiến của William Ruprecht, Tổng giám đốc điều hành Sotheby’s. 

  Edward Dolman, giám đốc điều hành của Christie’s cũng đồng ý với ý kiến trên, và thêm: “Họ phất lên nhanh và cũng gia tăng đầu tư vào nghệ thuật theo hàm số mũ”. Tất nhiên, cũng có nhiều kiểu sưu tập, đúng như Walter Benjamin, nhà phê bình và viết tiểu luận, nhiều năm trước đây đã viết. “Dẫu sao đi nữa, người sưu tầm nào cũng có động lực riêng và niềm đam mê nghệ thuật”. 

Vậy, ngày hôm nay, các động lực sưu tầm là gì? Theo Findlay, người đã bán được tác phẩm cho khá nhiều người nằm trong danh sách top 10 và top 200 của ArtNews cho biết: “Họ có tình yêu nghệ thuật, sự thèm khát danh tiếng với đời và niềm ham mê đầu tư. Có thể họ bước vào chợ nghệ thuật với chút vụ lợi nhưng đầy lòng si mê nghệ thuật. Đôi khi sự sành sỏi chỉ về sau mới có.” 

Pablo Picasso, Bình gốm có hình vẽ Kỵ sĩ và tuấn mã (giá bán khoảng 3.000-5.000 bảng Anh), sẽ đấu giá tại nhà Bonhams ở Knightsbridge ngày 23/9/2010, Anh.

 Sự tấp nập kẻ chơi người ngắm cùng những thương vụ “xuất sắc” tại Hội chợ nghệ thuật Hồng Kông mới đây (ART HK10), từ 27 đến 30. 5. 2010, với trên 150 phòng tranh từ khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, cũng là minh chứng khó cãi cho lòng háo hức đổ tiền của vào dạng “cổ phiếu nghệ thuật” loại sang này của những nhà đầu tư quốc tế và khu vực biết nhìn hay trông đẹp và mê nghệ thuật. 

 Trông người mà ngẫm tới quân ta. Còn nhớ, tại cuộc đấu giá tại nhà đấu giá Borobudur Singapore năm 2008, ba tác phẩm của Lê Phổ bán được là: Tĩnh vật hoa (giá bán 30.500 đô-la Mỹ); Mẹ và con (13.600 đô-la Mỹ); Chân dung thiếu phụ (4.500 đô-la Mỹ). Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường bán không được giá mấy với tác phẩm Đầu người 3 (4.408 đô-la Mỹ). Một số tranh của các họa sĩ Việt khác đều dưới mức sàn hàng nghìn đô-la hoặc không bán được. 

Một nhân viên của nhà Christie's đang đứng bên tác phẩm của Claude Monet, bức tranh “Nympheas” (1906) được trưng trong nhà đấu giá tại London

Nghệ thuật Việt hơi bị khiêm tốn so với các nước khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia trong những vụ đấu giá. Điều này một phần phản ánh sự chênh lêch thu nhập quốc dân của các nước. Mặc dù đã có gallery Việt đầu tư hẳn phòng tranh mới tận trung tâm London, song, theo nhiều phân tích gia quốc nội, yếu tố chính khiến thị trường và thị phần tranh tượng nước ta còn khiêm tốn có thể không chỉ bởi tầm chơi nhỏ lẻ mà còn do “văn hóa đầu tư” yếu (chưa kể “tình yêu nghệ thuật” – cụm từ hơi bị hiếm với doanh nhân quê mình) , thế nên vẫn phải chờ lúc các đại gia ái quốc nước nhà “ra đòn” mới có cơ đội cho quân ta thăng giá chăng (??!!). 

 

*

Nguồn: Christies.com, Seoul Action, BorobudurAuction.com, Reuters… 

  

Bài liên quan: 


– Thiên hạ đã sẵn sàng chi nhiều tiền
– Đành chờ đại gia trong nước vậy

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả