|
|
|
|||||||||||||
Thị trườngĐám siêu giàu đang phá thối nghệ thuật 27. 04. 17 - 7:24 amJed Perl, Hoàng Lan dịchNếu bạn tin rằng các nghệ sĩ, nhà phê bình, cũng như những chuyên gia nghệ thuật linh tinh khác hiện nay đang dày vò bản thân vì nghệ thuật chứ không phải vì tiền, bạn sẽ nghĩ chắc chẳng ai có thể hài lòng khi Christie’s thu về số tiền 142.4 triệu đô cho bức tam bình của Francis Bacon tại một buổi đấu giá (vào 2010). Cũng trong chính buổi đấu giá đó, một tác phẩm của Jeff Koon thu về 58.4 triệu đô. Ngày hôm sau, Sotheby’s kiếm được 104.5 triệu đô khi bán tác phẩm của Warhol . Mấy mức giá trên nhìn tởm không kém gì những cuộc chơi bời vô bổ mà Leonardo DiCaprio tổ chức cho đám đàn ông nhà giàu trong bộ phim “Wolf of Wall Street” của đạo diễn Martin Scorsese, kể về thời đại thừa mứa ở Mỹ. Như bộ phim trình bày, một trong số những thú vui đáng giận của kẻ siêu giàu là: làm cho mọi cảm thức về thế nào là “giá hợp lý” đều trở thành vô giá trị. Christie’s và Sotheby’s, nơi những kẻ giàu có nhất xã hội – thứ người không tin vào bất cứ điều gì cho tới khi nó được quy ra tiền – đang chà đạp tia hy vọng cuối cùng mà chúng ta dành cho những gì siêu việt. Đám nhà giàu ấy không tách biệt được khát vọng với tham vọng. Sao lại phải uống một chai rượu giá 30 hay 50 đô khi có thể nốc một chai 500 hay 1000 đô? Sao lại mua bức tranh đẹp với giá 20.000 hay 1 triệu đô khi có thể chi 50 đến 100 triệu đô rồi lòe được cả bạn lẫn thù? Những câu hỏi này sẽ không bao giờ cạn. Và thật quá dễ khi ta đổ tất cả tội lỗi lên đầu những người siêu giàu và những cố vấn cùng đám cận thần hò reo cổ vũ họ tại Christie’s hay Sotheby’s. Ta chẳng thể can thiệp vào chuyện Steven A. Cohen và Peter Brant (hai nhà kinh doanh/sưu tập nghệ thuật có tiếng) chọn tác phẩm gì để bán tại các buổi đấu giá, hoặc việc những người siêu giàu như Roman Abramovich hay Sheikha al Mayassa Hamad bin Khalifa al-Thani quyết định mua gì. Nhưng sự trơ trẽn của những kẻ tham gia các vụ đẩy giá tác phẩm nghệ thuật này có phần lỗi của giới trí thức, những người bỗng dưng thành ra ngại ngùng khi bàn đến – chứ đừng nói là bảo vệ – bất cứ thứ gì động đến đến nguyên tắc hay tiêu chuẩn thẩm mỹ. Dù rằng các chuyên gia nghệ thuật – thành phần vốn phải lo lắng tính toán ke re cắc rắc cho quỹ lương hưu của mình – có thể lắc đầu trước mức giá ngạt thở trên, họ cũng thấy vui vui, phê phê khi nhìn thấy (mức giá cao), và tôi cho rằng nhiều khi họ đã phê quá đà. Nghệ thuật ngày nay đã trở thành thứ kỳ ảo, xa xỉ đối với thành phần trí thức– và đây là một sự xoay chuyển tình thế đáng lo ngại, vì ta cần trải nghiệm nghệ thuật một cách cụ thể, trực tiếp. Thời dân chủ hóa văn hóa bắt đầu vào thế kỉ 19, tầng lớp trung lưu đang lên đã thấy được ở nghệ thuật sự phong phú và phức tạp trong ý tưởng cũng như lý tưởng (thể hiện được) niềm tin của người trung lưu khi ấy vào tính công bằng, sự nghiêm túc, các chuẩn mực, và sự ưu tú. Còn bây giờ, với một tầng lớp trung lưu hỗn độn, nghệ thuật chẳng còn được ngợi ca như một thứ cận kề với lý tưởng. Nghệ thuật chỉ còn là một niềm hy vọng nữa (cùng với niềm hy vọng rằng con mình sẽ giỏi hơn mình) mà người dân đành bỏ rơi. Thay vì xem nghệ thuật như một lý tưởng, giờ đây chúng ta coi nó như một thứ để thần tượng (hoặc coi nghệ thuật như một công cụ mang tính giáo dục, theo một tư duy có logic rất vô cảm, kiểu “nếu chịu khó tập chơi nhạc của Bach thì bạn sẽ giỏi toán hơn.”) Chả trách sao người mua không theo đuổi nghệ thuật nữa mà chỉ chạy theo mức tiền cao chót vót ở các nhà đấu giá và ở những bữa tiệc như Art Basel Miami Beach, nơi mấy nhà buôn lẫn nhà sưu tập quen thuộc tụ họp lại để chơi cái trò hét giá. Kẻ siêu giàu không bao giờ biết xấu hổ rồi, chẳng nói làm gì. Nên điều đáng xấu hổ trong giới nghệ thuật hôm nay là việc ai nấy cũng quả quyết rằng không có một giá trị nào khác ngoài giá trị của “thượng đế Đô-la”. Nếu bạn cãi rằng nghệ sĩ có tác phẩm bán với giá vài trăm hoặc vài ngàn đô giỏi hơn nghệ sĩ có tác phẩm thu về vài triệu là bạn đã tự hạ thấp mình, thậm chí có thể bị cười vào mũi. Mối quan hệ giữa văn hóa với thương mại đang đóng băng, với thương mại sẽ nắm chắc phần thắng. Và dấu hiệu cho biết thời đại ấy đã đến khi (hồi 2010) John Elderfield – trưởng giám tuyển của bộ phận tranh vẽ và tượng điêu khắc tại MoMA – ôm luôn vị trí cố vấn cho Gagosian Gallery. Điều gì đã xảy ra với bức tường lửa vốn tách rời bảo tàng – nơi bạn phải suy tính dài hạn cho nền văn hóa – khỏi gallery – nơi dành cho những hoạt động thương mại thu lời ngắn hạn? Không ai thấy bực mình sao khi Elderfield tổ chức triển lãm Willem de Kooning: Ten Paintings, 1983-1985 tại Gagosian ngay sau khi ông tổ chức triển lãm tổng kết đời cho Kooning ở MoMA? Chẳng lẽ không ai xấu hổ khi Elderfield cứ khen ngợi một cách thái quá những tác phẩm sau này của Kooning – một nghệ sĩ mà những người có đầu óc sáng suốt nhất trong thế hệ của Eldefield tin rằng đang tụt dốc nhanh chóng từ những năm 1960s, nếu không nói là từ vài năm trước đó nữa? Về mặt chất lượng (của tranh Kooning vẽ), chắc chắn sẽ có người sẽ không đồng tình (là ông ấy tụt dốc). Tuy nhiên, tôi cũng tưởng tượng rằng những người này sẽ vô cùng khó chịu khi thấy Elderfield sẵn sàng biến uy tín của MoMA thành lợi thế tài chính cho Larry Gagosian. Sự thật đáng buồn: cuốn sách về Kooning của Gagosian (đóng bìa vải nhé, bên trong đính kèm hình tác phẩm, trên giấy viết toàn câu chữ mỹ miều, và sách còn in thêm hằng hà tranh vẽ của Rubens, Matisse, Picasso, Mondrian hòng “minh họa ủng hộ” Kooning) có thiết kế chi ly đến vậy là để ngăn cản mọi ý kiến phản đối. Thành phần siêu giàu chẳng có vấn đề gì với John Elderfield, và bạn có thể tin chắc chuyện đó. Họ cũng không bực tức với Adam Weinberg – giám đốc Bảo tàng Whitney – người sẽ dâng gần như toàn bộ khu trưng bày nằm ở đại lộ Madison của bảo tàng cho một triển lãm tổng kết đời của Jeff Koons. Nếu xét đến việc các tác phẩm của Koon cứ ngày càng nhan nhản khắp mọi nơi, thì liệu có lời biện hộ nào khả thi – về mặt học thức hoặc về mặt giám tuyển – để tổ chức một triển lãm tổng kết đời (cho Koon)? Đâu là lý do Elderfield về làm cố vấn cho Gagosian Gallery? Chẳng phải câu trả lời rất đơn giản đó sao: máy tính tiền đang kêu và đấy là âm thanh duy nhất những người trong giới nghệ thuật còn nghe được. Một trong những mức giá thấp hơn, nhưng vẫn gọi là cao, là số tiền 25.4 triệu đô chi cho tác phẩm của họa sĩ Christopher Wool – kẻ cũng từng làm “nhân vật chính” cho một triển lãm tổng kết đời tại Bảo tàng Guggenheim. Tác phẩm Apocalypse Now (Giờ là Khải huyền – dựa theo bộ phim về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Coppola) là một trong những bức tranh viết chữ đầu tiên của Wool, trên đó “trang trí” bằng câu lấy từ bộ phim: “SELL THE HOUSE SELL THE CAR SELL THE KIDS.” (BÁN NHÀ BÁN XE BÁN CON). Tác phẩm đầu tiên bạn thấy trong triển lãm tổng kết của Wool tại Guggenheim cũng là một bức tranh chữ, tên “Blue Fool.” Bức này viết mỗi chữ “F O O L” (Thằng Đần) bằng màu xanh trên nền trắng. Tôi trộm nghĩ, thằng đần ấy (Fool) chính là kẻ đã chi 26.4 triệu đô cho bức Apocalypse Now của Wool. Nhưng dĩ nhiên nếu bạn cho rằng đồng tiền nói lên tất cả – chà, thế thì tôi mới là kẻ đần do đã ví các tác phẩm của Wool với những bức tranh vẽ ký hiệu rỗng tuếch của chủ nghĩa Dada. Đến Guggenheim cũng đi mượn bức Fool từ một bộ sưu tập tư để bày trong triển lãm. Và chắc chắn rằng giá của nó vẫn đang leo thang khi bạn đọc những dòng này. Trong thế giới nghệ thuật hiện giờ, thật khó để thuyết phục người ta rằng còn có thứ gì đó có giá trị hơn tiền. * Nguồn từ New Republic Ý kiến - Thảo luận
19:41
Friday,28.7.2017
Đăng bởi:
sea
19:41
Friday,28.7.2017
Đăng bởi:
sea
Thế mới thấy và ngưỡng mộ thời đã bảo trợ cho các nghệ sĩ xa xa trong quá khứ. Mình nói đó mới là thời thịnh vượng và hạnh phúc của các tác gia ấy.
15:29
Thursday,11.5.2017
Đăng bởi:
QNMai
Cung cầu thôi ;)
...xem tiếp
15:29
Thursday,11.5.2017
Đăng bởi:
QNMai
Cung cầu thôi ;)
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp