Bàn luận

Người ta tới đâu rồi,
còn ta thì tẹp nhẹp 19. 06. 11 - 7:49 am

Nguyễn Quân - Cung cấp ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

(SOI: Bài viết rất hay này có tên gốc là “Mỹ thuật – bảo chứng văn hóa của quốc gia”. Soi xin phép được đổi tên khi đăng lại cho thích hợp với trình độ của Soi).

Nguyễn Quân, Nora Taylor và Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Singapore

*

Đây là chùm bài viết trích từ các tham luận từ Hội thảo “Post Đổi Mới” về nghệ thuật đương đại ở Việt Nam do Bảo tàng Quốc gia Singapore tổ chức tháng 5. 2008. Nội dung cuộc Hội thảo xoay quanh các vấn đề của nghệ thuật Việt Nam: tác phẩm, nghệ sĩ, giá tranh, thị trường nghệ thuật, nghiên cứu và phê bình… và các yếu tố xã hội có liên quan đến đời sống nghệ thuật như các chính sách, nguồn lực và tâm lý thưởng ngoạn của công chúng. Các bài viết đưa ra những cái nhìn và quan điểm nhiều chiều về nghệ thuật đương đại khi quy tụ cả những nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Bởi không nhiều người biết đến, chúng tôi xin giới thiệu một số bài viết trích trong hội thảo với bạn đọc, mong cung cấp thông tin thiết thực và những quan điểm, cách nhìn khác biệt về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam ngày nay.

Việc đăng tải những bài viết này trên trang mạng SOI đã được sự đồng ý của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore – đơn vị tổ chức và các tác giả.

*

Nhóm tranh Việt Nam tại triển lãm đấu giá. Nhiều người Singapore nghi ngờ về tính chân bản của những tác phẩm này

Post Đổi Mới – Mỹ thuật Việt Nam sau 1990 là tên một hội thảo quốc tế và tham luận mỹ thuật được tổ chức tại SAM – Bảo tàng Nghệ thuật Singapore tháng 5. 2008. (Chữ Đổi mới được dùng nguyên tiếng Việt có đủ dấu). Sau đó là workshop nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ Singapore và Việt nam trong khuôn khổ Festival Việt Nam.

Với hàng chục tham luận của các Gs.,Ts., chuyên gia và nhà sưu tập nước ngoài cùng các tham luận của các nhà nghiên cứu Việt Nam, hội thảo này có chất lượng tốt nhất so với các hội thảo trong nước và quốc tế về văn học nghệ thuật nước ta mà tôi từng được dự. Các báo cáo rất công phu của các tác giả quốc tế (Mỹ, Nga, Úc, Pháp, Singapore, …) về họa sĩ chiến trường thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, về giai đoạn hiện thực XHCN, về minh họa báo Phong Hóa Ngày nay những năm 1930, về các phương pháp khoa học tối tân nhất được áp dụng để phục chế bức chân dung nhỏ do Trọng Kiệm vẽ những 1970 – 1980 bằng màu sơn dầu tự chế, về ba họa sĩ có khuynh hướng khai thác truyền thống nghệ thuật và đời sống Tây Nguyên, về các cách triển khai hội họa trừu tượng ở TP HCM, về sự bừng dậy của nghệ thuật, sắp đặt trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam… làm cho cử tọa, nhất là người Việt Nam vừa ngạc nhiên vừa cảm động. Tính chuyên nghiệp, sự trân trọng, mối quan tâm sâu sắc của giới nghiên cứu nước ngoài, sự thích thú của người sưu tập nước ngoài đối với Mỹ thuật Đổi Mới làm các nhà nghiên cứu Việt Nam ngượng ngùng tự hỏi sao ta không làm được như họ. Còn các tác giả thì có phần tủi thân vì “người ngoài” thì trân trọng, chân thành còn trong nước ta với nhau thì sao lại rẻ rúng, thờ ơ như vậy.

Nguyễn Quân, “Thiếu nữ, chim và hoa”, Sơn dầu, 1997

Tiềm năng không lớn nhưng Singapore có vẻ đã coi việc trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật của ASEAN là một quốc sách. Năm 1996 khai trương SAM là một triển lãm hoành tráng mỹ thuật các nước ASEAN với các bộ sưu tập đáng nể về mỹ thuật hiện đại của các nước làng giềng, được chuẩn bị trong ba năm. Tại buổi khai trương này, Thủ tướng Go lúc đó đã khuyến cáo rằng Singapore không thể chỉ là nơi có ngưới dân giàu nhất mà phải là nơi của những người dân có văn hóa nhất. Ông nhắc nhủ quốc dân nên xem tranh, mua tranh, yêu nghệ thuật. Chính phủ khuyến khích thị trường mỹ thuật: xây các bảo tàng hiện đại và ưu tiên mặt bằng, tiền thuế để mở nhiều gallery nghệ thuật. Các nhà đấu giá Christie’s, Sotheby, Borobudur… hoạt động sôi nổi ở đây. Singapore muốn trở thành thiên đường mua sắm cả trong lĩnh vực nghệ thuật. Song song với triển lãm mỹ thuật Đổi mới trong SAM là một triển lãm lớn của Từ Bi Hồng và một triển lãm chuyên đề của Giacometti – hai danh họa Trung Quốc và Italy. Họ chú trọng tới đẳng cấp quốc tế của các triển lãm và các sự kiện mỹ thuật, thách đố cạnh tranh với các trung tâm khác ở Châu Á. Ngay tại triển lãm có thể thấy hàng đoàn người già trẻ, trong nước quốc tế vào xem, ghi chép, nghiên cứu. Các hoạt động giáo dục nghệ thuật, các ấn phẩm mỹ thuật, sự chăm chút về design và mỹ thuật công cộng đã nhanh chóng trở thành một bộ phận không thể thiếu của đời sống người dân. Giới thiệu quảng bá mỹ thuật Việt Nam nằm trong chiến lược văn hóa đó, dù rằng trên thị trường nghệ thuật thì mỹ thuật Việt Nam còn đứng sau Trung Quốc và hầu hết các nước ASEAN khác!

Chu Vỹ (Trung Quốc), tượng đồng, trong triển lãm đấu giá tại Singapore, giá khởi điểm từ 101.449 - 144.928 USD

Trung Quốc với vị thế khác và khát vọng siêu cường lại có chiến lược khác. Trong 6 năm từ 2001 tới nay, thị phần mỹ thuật Trung Quốc tăng từ 1% lên 20%, đứng thứ 3 sau Mỹ, Anh, vượt Pháp (6%) . Trong 100 họa sĩ bán tranh giá cao nhất thế giới hiện nay có hơn 30 tác giả Trung Quốc! Tất cả các kỷ lục đấu giá tranh châu Á trong cả 12 tháng năm 2007 đều thuộc về các họa sĩ Trung Quốc từ các bậc thầy đầu thế kỷ như Xu Bihong (Từ Bi Hồng), Wu Guanzhong, Li Keran… tới các họa sĩ đương đại như Yue Minjun, Cai Guoqiang, Chen Yifei… giá từ 3 tới 9 triệu USD. Trong khi Cai Guoqiang làm mưa làm gió ở các bảo tàng hiện đại Mỹ với các sắp đặt khổng lồ bằng thuốc súng, pháo hoa, ô tô… thì Poly Beijing trở thành một nhà đầu giá hùng mạnh nhất với giá trị mỗi phiên đấu giá lên tới hàng trăm triệu USD. Con rồng Trung Hoa đang “xâm lăng”, “ăn thịt” thị trường nghệ thuật quốc tế. Các nhà sưu tầm tỷ phú Trung Hoa như đàn hổ đói săn mồi. Họ đẩy giá tác phẩm của các hoạ sĩ Trung Quốc lên tầm top thế giới và các danh họa của họ nghiễm nhiên trở thành các danh họa thế giới. Có vẻ như Trung Quốc, các nhà sưu tập, chính phủ và các họa sĩ đang không chỉ muốn xâm chiếm thị trường mỹ thuật, tham gia quyết định dòng chảy chính của mỹ thuật thế giới – mainstream – mà còn muốn biến Bắc Kinh thành một thủ đô nghệ thuật đương đại và cả việc viết lại lịch sử mỹ thuật thế giới nữa. (Xưa nay lịch sử mỹ thuật thế giới luôn do người Phương Tây viết ra và mang nặng sự thiên vị lấy Châu Âu – phương Tây làm trung tâm.)

Một nước nhỏ mà giàu có như Singapore, một nước lớn đang phát triển như Trung Quốc rõ ràng đều có chiến lược, quốc sách phát triển mỹ thuật trong chiến lược phát triển văn hóa của mình. Mỹ thuật là một bảo chứng cho tầm cỡ văn hóa một quốc gia. Nghĩ tới những bàn cãi nghiệp dư, những tranh luận vụn vặt (và tranh giành tẹp nhẹp) về mỹ thuật nước nhà ta trong chính giới, giới kinh doanh và giới nghệ thuật ta mà chẳng dám thốt ra lời.

*

Chú thích của người cung cấp ảnh:

Những bức ảnh minh họa trong bài viết do người cung cấp biên soạn theo nội dung tham luận, hoàn toàn độc lập với cá nhân người viết. Thông tin thời gian và địa điểm tác phẩm trong ảnh có thể không chính xác do thiếu điều kiện tra cứu, rất mong sự bổ túc của bạn đọc“. (Nguyễn Anh Tuấn)

*

Cùng loạt bài:

– Người ta tới đâu rồi,còn ta thì tẹp nhẹp
– Sau đổi mới: câu chuyện Tập thể vs Cá nhân

– Giữa bây giờ và sau này, điều gì cũng có thể xảy ra… Nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam

Ý kiến - Thảo luận

13:30 Tuesday,28.6.2011 Đăng bởi:  Phạm Quốc Trung
Có bạn hỏi về bài viết của nhà phê bình Nguyễn Quân thì xin được nói đôi chút là tham luận của nhà PBMT Nguyễn Quân tại hội thảo Singapore có tên" Hội họa Việt Nam cuối 1980 đầu 1990" có in trong cuốn kỷ yếu song ngữ Anh/Việt của hội thảo. Phần tiếng Anh trang 64-67. Phần tiếng Việt trang 261-264.( Bảo tàng Sing in 2009). Nhiều nghệ sĩ nhà ta đi dự hội chợ mỹ thuật
...xem tiếp
13:30 Tuesday,28.6.2011 Đăng bởi:  Phạm Quốc Trung
Có bạn hỏi về bài viết của nhà phê bình Nguyễn Quân thì xin được nói đôi chút là tham luận của nhà PBMT Nguyễn Quân tại hội thảo Singapore có tên" Hội họa Việt Nam cuối 1980 đầu 1990" có in trong cuốn kỷ yếu song ngữ Anh/Việt của hội thảo. Phần tiếng Anh trang 64-67. Phần tiếng Việt trang 261-264.( Bảo tàng Sing in 2009). Nhiều nghệ sĩ nhà ta đi dự hội chợ mỹ thuật ở bển đã mua về.
Bài viết Mỹ thuật -bảo chứng văn hóa của quốc gia có lẽ là bài viết đăng trên tạp chí Tia Sáng sau đó thì phải. Các bạn nào rảnh google tìm hộ xem sao? 
2:27 Thursday,23.6.2011 Đăng bởi:  nhidung
Thực ra chuyện này đâu có gì, ông Phan Cẩm Thượng ơi, bây giờ cái gì cũng phải thoáng thoáng đại trà thì mới phổ cập tình hình mỹ thuật cho công chúng được chứ bộ. Nhân tiện, chú Trung bảo nhắn bố Thượng: "Láo nháo pháo ăn xe"
Thông cảm tí chút, mỗi bên lùi ngõ vào 1m.
...xem tiếp
2:27 Thursday,23.6.2011 Đăng bởi:  nhidung
Thực ra chuyện này đâu có gì, ông Phan Cẩm Thượng ơi, bây giờ cái gì cũng phải thoáng thoáng đại trà thì mới phổ cập tình hình mỹ thuật cho công chúng được chứ bộ. Nhân tiện, chú Trung bảo nhắn bố Thượng: "Láo nháo pháo ăn xe"
Thông cảm tí chút, mỗi bên lùi ngõ vào 1m. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cuối cùng không nhịn được nữa, tôi phải nói ra tên những kẻ đốt tôi đây…

Bài phỏng vấn độc quyền ông Cột Nhà Cháy của phóng viên Đen Nhẻm, báo Bồ Hóng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả