Gẫm & Bình

Vâng, cái nước mình nó thế, tùy người 08. 08. 13 - 8:25 pm

Chu Du

nuoc-minh-3

 

Gửi bạn Hồng Hạnh 2 và các bạn nhà báo giữ mảng văn hóa văn nghệ trên các tờ báo!

Tôi có đọc loạt bài tranh luận về Đường Đua trên Soi và cả những cmt của Hồng Hạnh, liên quan đến những người viết về văn hóa văn nghệ (trong trường hợp này cụ thể là điểm phim, bình phim).

Tựu chung lại, tôi có thể hiểu ý của bạn là thế này: viết bài điểm phim, bình phim bây giờ khó lắm, vì các mối quan hệ nhằng nhịt với người làm phim, vì thương nền phim ảnh không còn non nhưng kém cỏi của chúng ta, vì phải giữ chỗ làm ăn sau này nhỡ ra mình còn cần đến người ta (có khi chỉ để tránh khả năng bị ném đá hay đánh đập trở lại…); và cuối cùng Hạnh sử dụng câu nói để đời của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến: “Cái nước mình nó thế“, để biện giải cho toàn bộ quan điểm của mình.

Vâng, cái nước mình nó thế!

Trước khi chia sẻ với bạn và những người bị rơi vào tình thế kẹt giống bạn, tôi phải nói đôi chút về chuyện “cái nước mình nó thế” trong việc phân bổ phóng viên văn hóa, văn nghệ ở hầu hết các tòa soạn báo trước đây cũng như hiện nay.

Ngả vào của phóng viên

Ở các tòa soạn báo nước ta hiện nay luôn có tình trạng: Thiếu thì vẫn thiếu mà thừa thì vẫn thừa! Mỗi năm các trường đào tạo báo chí nhả ra cả trăm các cô cậu cử nhân báo chí, những người xét về lý thuyết sẽ làm công tác báo chí ở các tòa soạn. Đội ngũ này sẽ về làm việc ở các tòa soạn theo vô số những con đường khác nhau, hoặc do trong thời gian học trong trường đã có cộng tác với tòa soạn, viết lách thấy cũng tàm tạm, sạch nước cản, nên tòa soạn xin về; hoặc do trong thời gian thực tập đã kịp quen thân với các anh các chị trong tòa soạn, xin về làm cho tiện; hoặc đơn giản là “tớ có đứa cháu con ông anh vợ của em trai ông giám đốc phụ trách tiền lương cơ quan thằng con rể tớ mới ra trường, cậu thu xếp cho nó về làm ở tòa soạn giúp tớ!”

Đấy là chưa kể có một đội ngũ những phóng viên tay ngang, không được đào tạo chính quy, nhưng có thể vào báo làm theo những con đường mà chỉ có Chúa mới biết!

Sẽ chẳng sao cả nếu đội ngũ này làm được việc. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ do hệ thống đào tạo các trường báo chí ở ta (đa số các thầy, cô đứng trên bục giảng thậm chí còn chưa viết được một cái tin đăng báo), rồi do chuyện Con Cháu Các Cụ Cả nữa (việc này không phải trách nhiệm của bạn – dĩ nhiên rồi) nên các tòa soạn mới rơi vào tình cảnh: thừa người lướt web nhưng thiếu phóng viên được việc.

Khi các phóng viên về tòa soạn rồi thì thông thường hay có tình trang này xảy ra: các mảng khó nhằn như chính trị, kinh tế, nội chính, phóng sự điều tra, giáo dục, y tế, thể thao hầu hết đã có các phóng viên có kinh nghiệm lâu năm, có hiểu biết tương đối chuyên sâu nắm rồi.

Mảng được coi là “dễ” nhất là văn hóa văn nghệ! Lý do vì nhiều lãnh đạo báo quan niệm rằng văn hóa văn nghệ là mảng ai thích thì cũng có thể bình phẩm được, nếu viết có sai sót thì tỷ lệ rủi ro tương đối thấp, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tờ báo (và cá nhân lãnh đạo báo), không giống như mảng chính trị hay nội chính, viết sai một phát là nhẹ thì giải trình, nặng thì “đi” như chơi.

Thế cho nên khả năng các phóng viên mới về tòa soạn chỉ cần viết câu chữ nuột nà đôi chút, được phân viết về mảng văn hóa văn nghệ là tương đối cao!

nuoc-minh-1

Lối ra của chất lượng

Quy trình này tiếp tục ra sao? Các phóng viên này sẽ dần làm quen với môi trường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đi xem phim, đọc sách, xem kịch, dự triển lãm tranh, rồi viết tin, bài. Tờ báo ra thì phải có tin, bài, nên hay dở thì biên tập lại cũng đăng được. Dần dà, những phóng viên đó bỗng nhiên thấy mình trở thành các chuyên gia viết về văn hóa văn nghệ.

Làm việc lâu, họ cũng có các mối quan hệ, hình thành những nhóm chia sẻ thông tin, chỉ cần một người đi dự triển lãm cả nhóm có thể viết tin bài.

Tệ hơn, họ có quyền lên lớp, chỉ bảo cho những người làm nghề, nếu cần thì “”đánh đập” một tác giả hay tác phẩm nào đó chỉ vì không ưa! Những chuyện này không thiếu trong giới phóng viên văn hóa văn nghệ nước mình.

Đơn cử như cách đây chừng hơn chục năm, đã có cả một “chiến dịch” viết tin, bài bôi xấu bộ phim Thương nhớ đồng quê của Đặng Nhật Minh, chỉ vì vị đạo diễn tài hoa này lỡ lời (và bị nghe thấy) nói về hiện trạng đáng buồn đó của giới phóng viên.

Chuyện chị Kim Hạnh – một nữ Tổng biên tập nổi danh của Tuổi Trẻ cách đây mấy chục năm, sau khi đọc bài điểm phim của phóng viên văn hóa, đã tự mình mua vé vào rạp ngồi xem bộ phim đó để kiểm nghiệm phóng viên viết có khách quan hay không, có lẽ bây giờ chỉ còn là một truyền thuyết lưu truyền trong giới phóng viên.

Mua quan hệ = bán tư cách

Ấy là tôi nói qua về thực trạng “cái nước mình nó thế” ở khâu “đầu vào” của phóng viên văn hóa văn nghệ nước mình.

Trong trường hợp bạn Hồng Hạnh, tôi không biết bạn đã vào làm mảng văn hóa văn nghệ ở tờ báo như thế nào, nhưng có lẽ những phóng viên như bạn không hiếm.

Các bạn được phân viết mảng này, có lẽ thời đầu cũng đầy nhiệt huyết, cũng muốn làm một cái gì đó để cho văn hóa văn nghệ nước nhà khởi sắc, chỉ ra các yếu kém hay tôn vinh những yếu tố sáng tạo, độc đáo của tác phẩm, tác giả.

Nhưng dần dà, cuộc sống cuốn đi, các mối quan hệ xuất hiện, kèm theo nó là những điều khó nói: tình cảm, lợi ích, tiếng tăm, mức độ an toàn…Vậy là các bạn lựa chọn một vị thế: làm một chuyên gia nói những điều có lợi nhất cho mình, chứ không phải có lợi cho người làm văn hóa nghệ thuật, cũng không phải cho người đọc, người xem.

Làm như vậy sẽ vừa giữ được mối quan hệ, không làm mất lòng ai, có được ích lợi vật chất cụ thể (những chuyến đi chơi, xem phim kịch miễn phí, sách tặng, phong bì…), mà lại an toàn. Tờ báo thì vẫn cần tin bài để đăng, bạn vẫn lĩnh nhuận bút đều đều; độc giả là một đám đông vô hình, trừu trượng, không mấy liên quan đến mình.

Tệ hơn, các bạn còn đóng vai những người có cá tính, nói năng ngang ngược, hống hách, mỉa mai, nhưng tuyệt đối không bàn vào chất lượng (việc chính của các bạn). Thí dụ như Hồng Hạnh nói mỉa mai về bịch cà phê và bộ bài – quà của Blue Production – để chứng tỏ mình không thiên vị phe chủ phim, nhưng lại không bình vào nội dung Đường Đua, để coi như một sự gia ơn cho chủ phim (“Tao sắc sảo thế này mà không đập mày là hên cho mày rồi nhe!”)

nuoc-minh-2

Cái vị thế “ăn cả hai đầu” và vẫn được coi là chuyên gia, uy quyền (chủ yếu do tên tờ báo đứng đằng sau bạn mang lại ấy) thật là hấp dẫn! Có đúng không bạn?

Thảng hoặc, nếu có ai đó nói gợi ra cái vị thế đáng xấu hổ ấy thì các bạn xua đi thật dễ dàng với một cái chẹp miệng: “Cái nước mình nó thế!” Nó làm tôi nhớ đến cách biện giải mấy năm trước đây của mấy ông trọng tài bóng đá ăn tiền bị phanh phui, khi ra tòa cũng nói rằng “Chẳng qua nhận tiền vì lương trọng tài thấp quá!”

Giời ơi! Khi đã chấp nhận vị thế làm trọng tài thì phải thổi cho công bằng, cũng như làm bác sỹ thì phải cứu người, làm giáo viên thì phải dạy dỗ học trò cho tử tế; nó là thiên chức mà nếu đã bước vào thì cũng phải chấp nhận cả những gì khó nhằn mà nghề nghiệp mang lại chứ! Nếu cứ vì lương thấp mà ăn của đút (cái này trong đời sống nhiều vô thiên lủng), làm phóng viên mà không viết hoặc viết theo buồn vui trên mặt người khác thì làm làm gì hở giời?

Tôi biết là nói bao giờ cũng dễ, còn khi va đập vào đời sống thực tế thì muôn vàn khó khăn; bạn Hồng Hạnh mới chỉ nêu lên một số ít những khó khăn đó thôi. Nhưng nếu cứ viện khó khăn để mà “hóa thân” thì còn đâu là bản lĩnh và tư cách con người? Làm con lươn cho nó dễ.

Mà cuộc sống (cũng như sinh hoạt văn hóa văn nghệ nước ta nói chung), chẳng bao giờ chỉ có những điều xấu xí. Cái nước mình có những kẻ giết người lạnh lùng như Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện. Nhưng nước mình cũng có những anh Trần Hữu Hiệp hy sinh tính mạng nhường áo phao cứu người, em Nguyễn Văn Nam cứu 5 bạn khác trước khi bị đuối nước chết.

Giới phóng viên văn hóa văn nghệ, bên cạnh người lươn lẹo, người bất tài thì cũng còn người chí khí, người tài năng chứ, phải đâu chỉ toàn những kẻ vừa du côn vừa thơn thớt, cơ hội, phải không?

Vài dòng gọi là chia sẻ của một người làm cùng nghề với các bạn.

*

Minh họa trong bài là của Nakedpastor

*

 Bài liên quan:

– Sự bất lực của báo chí trong vụ Đường Đua    
– Cái nước mình nó thế, anh ạ!    
– Vâng, cái nước mình nó thế, tùy người   
– Không phải ai cũng hiểu: có nhiều chuyện mà… ở đâu cũng thế

Ý kiến - Thảo luận

12:43 Saturday,10.8.2013 Đăng bởi:  billy John
Hình như các bác có chút gì đó nhầm lẫn,phóng viên mảng văn hoá nghệ thuật sẽ là người giới thiệu nghệ thuật tới cộng đồng chứ đâu phải là người phê bình nghệ thật . Việc nhận xét , khen chê của họ không có giá trị thẩm định .
...xem tiếp
12:43 Saturday,10.8.2013 Đăng bởi:  billy John
Hình như các bác có chút gì đó nhầm lẫn,phóng viên mảng văn hoá nghệ thuật sẽ là người giới thiệu nghệ thuật tới cộng đồng chứ đâu phải là người phê bình nghệ thật . Việc nhận xét , khen chê của họ không có giá trị thẩm định . 
13:01 Friday,9.8.2013 Đăng bởi:  Huỳnh Hoa
Bạn Giời Ơi không nên nói vậy, việc học ở nhà trường chỉ là một phần. Họ có thể học rất nhiều từ các nguồn khác mà bạn không có cơ hội đủ gần gũi để biết. Để bình luận về một bộ phim cho thấu đáo, điều quan trọng là hiểu về điện ảnh và ngôn ngữ điện ảnh, kiến thức đ&oac
...xem tiếp
13:01 Friday,9.8.2013 Đăng bởi:  Huỳnh Hoa
Bạn Giời Ơi không nên nói vậy, việc học ở nhà trường chỉ là một phần. Họ có thể học rất nhiều từ các nguồn khác mà bạn không có cơ hội đủ gần gũi để biết. Để bình luận về một bộ phim cho thấu đáo, điều quan trọng là hiểu về điện ảnh và ngôn ngữ điện ảnh, kiến thức đó là do một quá trình dài tích lũy kiến thức mà nên. Vậy nên, dù nhà báo có viết hay, hay hở, thì bạn chỉ nên căn cứ vào bài viết của họ để đánh giá, đừng nên đem việc họ học với ai ở trường đại học ra để quy chụp. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả