Nghệ sĩ thế giới

Phần 2 – ZHOU BIN: Chuyển cuộc sống thành nghệ thuật 17. 08. 13 - 8:07 am

Bao Dong - Hồ Như Mai dịch qua bản tiếng Anh của Philip Tinari

(Tiếp theo phần 1)

“Đi theo”, 2008, Bắc Kinh: Đi theo một con kiến trên quảng trường Thiên An Môn trong 90 phút. Cùng lúc hệ thống an ninh trên quảng trường cũng dõi theo nghệ sĩ như một kẻ dở người.

“Đi theo”, 2008, Bắc Kinh: Đi theo một con kiến trên quảng trường Thiên An Môn trong 90 phút. Cùng lúc hệ thống an ninh trên quảng trường cũng dõi theo nghệ sĩ như một kẻ dở người.

Một câu hỏi không thể tránh được là Zhou Bin muốn nhắm đến điều gì trong những tác phẩm này, hay trong đề tài mà anh chọn. Nhìn vào tên tác phẩm Following (Đi theo) và bối cảnh là quảng trường Thiên An Môn với nhiều lớp ý nghĩa chính trị, chúng ta không thể nào nói được là Zhou không nhắm đến những sự tham chiếu chính trị ở đây. 

Thay vào đó, chủ ý chính trị của Zhou chính là sự thể hiện quan điểm trong khuôn khổ những gì chấp nhận được về chính trị, thậm chí chúng ta vẫn đúng nếu đem gán ghép hành động này – được coi là nghệ thuật đi – với một đường lối chính trị rộng lớn hơn. 

Theo tôi, ý chính trị thực sự của tác phẩm không nằm ở ý định, mà nằm ở những khả năng bao hàm trong nó: ở đây ta có thể xem quảng trường Thiên An Môn không chỉ là một biểu tượng chính trị, mà còn là một nơi bình thường, một địa điểm công cộng như bất cứ nơi nào khác, một nơi ta có thể đến nhìn kiến bò. Đây là thứ chính trị ghim sâu vào cuộc sống (thật), không phải là một kiểu chính trị giáo điều lên lớp nào. Chính trị giáo điều, cả về lập trường lẫn phương pháp luận, không thể tránh khỏi việc phụ thuộc vào cái hệ thống biện luận mà nó phê bình. Khi nào người ta còn tin vào ý nghĩa chính trị của những biểu tượng chính trị, tiềm thức chính trị của họ sẽ không thể khác được so với hệ thống mà họ chống đối. Nói cách khác, nếu ta cứ coi những taboo (điều cấm kỵ) chính trị chỉ là taboo thì thời khắc chính trị thực sự sẽ không bao giờ xảy đến. 

Chính trị đích thực đòi hỏi phải chủ động tránh né toàn bộ hệ thống biện luận, thay vào đó là chiêm nghiệm về những điều kiện có thể của thứ trật tự đã ổn định cũng như những hình thái của nó. Vì thế, chính trị thực sự nằm ngay trong cách ta đối mặt với cuộc sống, trong lựa chọn có nên tuân theo một cách làm việc sẵn có, hay tìm kiếm những khả năng ở đâu khác. Không cần nói hết những điều đó, Zhou Bin đã chọn cách thứ hai. 

Trong tác phẩm gần đây “Thirty Day Plan” (Kế hoạch 30 ngày), Zhou Bin khẳng định lại lựa chọn này, buộc mình phải thực hiện mỗi ngày một tác phẩm trong suốt một tháng. Ba mươi ngày này có tính bổ sung, giải thích (cho những cái đã từng làm), là một sự trở về với thế giới sống thật đầy tiềm năng, nơi đó mọi thứ đều là ẩn số, và đều có khả năng xảy ra. Nhưng không có gì là an toàn cả, và thế là trong nhiều tác phẩm, nghệ sĩ chọn phát triển những ý tưởng từng xuất hiện trong những tác phẩm ban đầu, ví dụ như giải phóng cơ thể khỏi những sự kìm kẹp lề thói, hay buộc cơ thể phải làm những việc cho đến khi không thể kiểm soát được, hay sử dụng biểu tượng để nhấn mạnh đến những ý định chính trị. Tuy vậy, các tác phẩm này đã đưa sự nghiệp của Zhou Bin tiến lên một bước, vì chúng chứa đựng một sự phủ nhận hoàn toàn đối với tính trình diễn, thay vào đó đưa những hoạt động nghệ thuật này vào đời sống, hay chính xác hơn, là chuyển cuộc sống thành nghệ thuật. 

Một cây đinh cũ phủ sơn đâm ra khỏi bức tường là một trong những chủ đề của anh. Zhou Bin mài cây đinh tới khi hết sơn và lớp rỉ sắt rồi gò đầu đinh thành một đầu nhọn, trong tác phẩm Be Brighter, Be Sharper (Sáng hơn, Sắc hơn). Việc này hết sức bình thường, một hành động có thể là của một tay thợ mộc hà tiện nào đó, không muốn mua thêm đinh. Nhưng đối với Zhou, hành động này không có một mục đích rõ ràng gì, nó chỉ nhằm thể hiện một trong những khả năng có thể xảy ra trong cái thế giới sống (thật) kia. Và như vậy, cái đinh vừa là nguyên nhân vừa là điều kiện. Và nó chỉ có thể trở thành một điều kiện bởi nó nằm ngay trong tầm với của Zhou, đưa thêm một yếu tố may rủi vào trong phương trình. Thế giới sống (thật) đó, theo cách thức ấy, là một thế giới đầy cơ hội phụ thuộc lẫn nhau. 

"Be Brighter, Be Sharper", Bắc Kinh: Cạo sơn và rỉ ở một cây đinh lòi ra trên tường, mài đầu nó sắc trở lại.

“Be Brighter, Be Sharper”, Bắc Kinh: Cạo sơn và rỉ ở một cây đinh lòi ra trên tường, mài đầu nó sắc trở lại.

Mọi thứ tồn tại trong một trạng thái phụ thuộc lẫn nhau. Mục đích của việc trải nghiệm thật là kiểm soát những mối liên hệ đó, nắm lấy những khả năng bên trong một khuôn khổ được xác định bởi những điều kiện ngẫu nhiên. Sự tình cờ chính là sản phẩm giao thoa và tương tác lẫn nhau giữa tiềm năng và điều kiện. Đối với Zhou Bin, đây là một địa hạt mới, đặc biệt là trong tác phẩm Walker (Kẻ bộ hành), trong đó anh dẫm lên ụ than sau nhà, chà cho đến khi phần nhọn của ụ than bị san phẳng và việc đi lại trở nên dễ dàng hơn. 

Kiếm soát đối với hành động đã định sẵn không còn là chuyện thành công hay thất bại, mà chỉ là sự thỏa mãn, và thỏa mãn là không muốn gì nữa cả. Trong một số tác phẩm, Zhou Bin dường như không thành công, chẳng hạn trong tác phẩm anh đi quanh khu nghệ thuật 798 ở Bắc Kinh buổi tối, cố tìm tiền lẻ trên mặt đất nhưng không được gì. Thế nhưng anh cũng chẳng thấy thiếu sót gì. Sự tình cờ và sự thỏa mãn đều là những trạng thái tinh thần, cảm xúc và từ đó chúng thay thế “thành công” ở vị trí chính, mà thay vào đó là sự chiêm nghiệm.

Trong tác phẩm Safety Distance (Khoảng cách an toàn), khi Zhou dùng ngón tay để nối mạnh hai dây điện có dòng điện chạy qua, nối với một hốc cắm điện, anh đã tính toán trước, cả về trí tuệ lẫn cảm xúc đối với kết quả đã được định trước mà anh phải chịu, và do đó, anh có được sự thỏa mãn. Từ “tâm trí” trong tiếng Hoa gồm có cả “trái tim” lẫn ‘trí óc.” Qua đó, tác phẩm cấp tiến nhất trong cả dự án “Thirty Days” chính là Asthma (hen suyễn), trong đó, nghệ sĩ dầm mình trong mưa, bị lên cơn suyễn và chống chọi bằng cách uống nước, mở cửa sổ, để không khí ùa vào và cố giữ ấm. Như thế có được coi là một tác phẩm nghệ thuật?

2010, Bắc Kinh, tìm tiền tại khu nghệ thuật 798 từ lúc 20:20 tới 05:00 ngày 16. 7, tiến trình sẽ kết thúc khi tìm được một đồng tiền rơi.

2010, Bắc Kinh, tìm tiền tại khu nghệ thuật 798 từ lúc 20:20 tới 05:00 ngày 16. 7, tiến trình sẽ kết thúc khi tìm được một đồng tiền rơi.

 

Safety Distance, 2010, Bắc Kinh: dùng một ngón tay, dí vào dây điện trần trong 10 phút.

Safety Distance, 2010, Bắc Kinh: dùng một ngón tay, dí vào dây điện trần trong 10 phút.

 

Cuối cùng “nghệ thuật” như một mối hàn, chỉ có thể cho ta một kiểu điều kiện và khả năng; thái độ của ta đối với nghệ thuật suy cho cùng chính là thái độ của ta đối với cuộc sống. Đặc biệt đối với nghệ thuật trình diễn, khi phần trình diễn không còn mà chỉ còn là những hành động sống, chúng ta “băng qua” những khả năng của nghệ thuật và đến với những khả năng của cuộc sống. 

Năm 1996, ở Lhasa, nghệ sĩ Zhang Shengquan cố thực hiện một màn trình diễn trong đó anh mang một con cừu trên tay băng qua sông rồi giết thịt nó. Sau khi anh băng qua sống, nghệ sĩ Song Dong can thiệp để bảo vệ con cừu, năn nỉ Zhang tha mạng cho nó. Sau một hồi bế tắc, Zhang bỏ dao xuống và để con cừu đi, tin rằng tác phẩm của mình như thế là thất bại. Sau đó, Song viết thư cho Zhang: ‘Với con cừu tôi làm việc đúng, nhưng với anh tôi sai. Tôi đã ngăn cản một hành động nghệ thuật. Làm ơn tha thứ cho tôi. Tôi không muốn cản trở anh, nhưng ở nơi chốn đặc biệt này – Tây Tạng, với niềm tin vào kiếp luân hồi – và với sự can thiệp của anh, con cừu đã được hóa kiếp rồi. Nó không còn là con cừu sắp được mang ra dọn trên bàn. Nó đã bỏ lại sau lưng cuộc đời đó, và chúng ta đáng ra nên để nó chết. Màn trình diễn không thành của nghệ sĩ Zhang quá cố có tên gọi là Crossing (Bước qua).

*

 

Bài liên quan:

– ZHOU BIN: Khi nghệ thuật trình diễn không còn mang tính trình diễn   
– Phần 2 – ZHOU BIN: Khi nghệ thuật trình diễn không còn mang tính trình diễn
– In:Act tối 14. 8: Lần này thì bạn thua ta

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả