Thị trường

ArtRio không nao núng trước những tiếng hô khẩu hiệu, vì sao? 06. 09. 13 - 10:33 am

Phạm Phong tổng hợp và lược dịch

.

Trong lúc hành ngoài phố vang vang tiếng hô khẩu hiệu, khắp nơi biểu ngữ giương cao, từ những cuộc tuần hành của đám đông quần chúng Brazil bực mình thấy chi tiêu đắt đỏ mà chính phủ tiêu xài hoang phí, những người tổ chức hội chợ mỹ thuật ArtRio và các nhà triển lãm tham gia hội chợ này (diễn ra vào 5 đến 9. 9. 2013) vẫn bình thản đến ngạc nhiên.

“Chúng tôi hy vọng cũng làm ăn tốt như kỳ trước,” giám đốc nhà Gagosian nói. Nghe đồn năm ngoái họ đã thu về 130 triệu USD. Đại diện cho nhà Pace tại Brazil cũng bình chân không kém. “Rối ren không làm chúng tôi chùn bước.” Vị này cho biết gallery thậm chí đã lên sẵn sàng các kế hoạch cho mùa Olympic 2016!

Những nhà buôn quốc tế này có lý do để mà lạc quan thế. Theo phân tích của dân địa phương, những cuộc biểu tình trên phải được coi là dấu hiệu của tiến bộ chứ không phải thụt lùi. Chúng xảy ra sau cả một thập kỷ tăng trưởng của nền kinh tế lớn hàng thứ sáu trên thế giới, giúp hàng triệu người thoát nghèo và có mức thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử. Những cuộc biểu tình này là lời cầu xin chính phủ làm ơn duy trì và trợ lực cho làn sóng phát triển (đang tốt) của đất nước này. Chính sự phát triển này đã làm nở rộ một đội ngũ các nhà sưu tập tư nhân của Brazil, đông chưa từng thấy, mua tới 71.5% những gì các gallery bán ra, tức khoảng 100 triệu USD/năm (theo báo cáo 2013 của Hiệp hội Nghệ thuật Đương đại Brazil ABACT và đại diện xúc tiến thương mại Apex- Brasil).

Alexandre Roesler, giám đốc của Galeria Nara Roesler, một người có thâm niên 25 năm tập trung vào các nghệ sĩ Brazil lứa 1960s tới nay, tin rằng sự phát triển trên là kết quả của tính chuyên nghiệp trong buôn bán nghệ thuật được gia tăng; và tính chuyên nghiệp này có được chính là nhờ suốt thời kinh tế bùng nổ, việc buôn bán được diễn ra thường xuyên. “Không chỉ người nước người mà người Brazil cũng thích nghệ thuật Brazil và tham gia thị trường,” ông nói.

Nhưng Flaviana Bernardo của gallery đang nổi Emma Thomas thì nói, “Chất lượng các nghệ sĩ nước này lúc nào chẳng cao, cái thay đổi từ những năm 1990s tới nay chính là chất lượng các nhà sưu tập. Khi ngày càng nhiều người Brazil quan tâm tới nghệ thuật và có tiền để mua bán tranh pháo, các nghệ sĩ Brazil lại càng được thế giới chú ý.”

Khi thế giới nghệ thuật đã mang tính toàn cầu, thì cánh tay nó ắt phải có ngày vươn tới Brazil. Các báo cáo của ABACT cho biết tác phẩm của các nghệ sĩ Brazil đã có mặt trong 130 bộ sưu tập quốc tế, tổng giá trị xuất khẩu trong 2012 là 27 triệu USD, tăng hơn 8 triệu so với 20111, và tăng tới 350% so với 2007. Những địa chỉ “xuất khẩu” chính là đâu? Là Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, Pháp, Hong Kong, nhưng nhiều nhất là Anh, tăng tới 200% từ giữa 2011 tới 2012.

Rất tự tin, 86% gallery ở Brazil khẳng định họ sẽ tài trợ và lo chi phí ăn ở cho nghệ sĩ tham gia các sự kiện quốc tế. 30% các gallery nước này có đối tác ở nước ngoài. Alexandre Roesler nhớ lại, “Khoảng 8 năm về trước rất hiếm khi thấy các nhà sưu tập, nghệ sĩ và giám tuyển quốc tế có mặt trong gallery, ngoại trừ các sự kiện lớn như Bienal São Paulo. Nay thường ngày chúng tôi cũng tiếp cả những người nước ngoài làm ăn ở Brazil (đến mua tranh)!”

“Bao nhiêu là gallery được mở ra ở Brazil, không phải chỉ ở São Paulo mà cả các thành phố khác. Điều này cho thấy nỗ lực và niềm tin vào thị trường nghệ thuật. Rồi xã hội sẽ thu được nhiều từ đó,” Eduardo Leme, chủ nhân một gallery lấy tên mình, nói.

.

Mặc dù thị trường ở Brazil đang nở rộ, trên qui mô thế giới, thị trường này vẫn chỉ chiếm tỉ lệ 1%. Trọng tâm lúc này là đặt các nghệ sĩ Brazil đứng vững được trên sàn đấu quốc tế, có thế mới đảm bảo tính bền vững của thị trường (nội địa), rồi giảm thuế nhập khẩu, coi nghệ thuật là di sản văn hóa chứ không phải hàng xa xỉ.

Tuy nhiên, giới buôn bán nghệ thuật ở Brazil nhận xét chính sách ở đây vẫn không theo kịp hoạt động của các nhà sưu tập. Dù các bảo tàng trong vài năm qua đã tích cực thay đổi, thu hút người xem, mở rộng bộ sưu tập, nhưng vẫn còn đầy tính quan liêu trong việc tổ chức các dự án cho bảo tàng; các nỗ lực của bảo tàng nhà nước vẫn bị lấn át và mờ nhạt trước vô vàn chương trình và dự án của đám tư nhân.

Chê nhà nước thế, và mặc cho phân khúc tư nhân nghe lạc quan thế, thống trị thế, nhưng nhìn cao hơn, để duy trì được sự nở rộng và bảo vệ giới nghệ thuật Brazil khỏi những thăng trầm kinh tế của địa phương, thực chất phải có một hệ thống tổ chức tốt, là tập hợp của các đơn vị nhà nước lẫn tư nhân, có lợi nhuận và phi lợi nhuận, cùng vận hành thị trường này.

Và như thế, tương lại nghệ thuật ở Brazil không chỉ phụ thuộc vào nền kinh tế, mà còn phụ thuộc mạnh vào sự phát triển về văn hóa và quản lý ở đất nước này.

Một số tác phẩm có trong hội chợ:

“Duchas de Inducción Cromática” (Showers of Chromatic Induction),” 1965-2011, của Carlos Cruz-Diez, được treo từ trần của gian triển lãm Galeria Raquel Arnaud

 

Tác phẩm”Linha, Tempo, Espaço” (Line, Time, Space), 2013 của Marcelo Moscheta được bày tại gian trưng bày của Galeria Leme ở São Paulo.

 

Một sắp đặt của nghệ sĩ người Tây Ban Nha Sara Ramo, 2012, có tên “Pano de fundo” (Background), được bày tại gian của Galeria Fortes Vilaça, São Paulo.

 

“Urihi-a,” 2010-13 của Claudia Andujar, được bày tại gian của Galeria Vermelho, São Paulo, là mực in phun trên giấy Canson từ phim hồng ngoại.

 

Tác phẩm “Three Sections,” 2011 của Marcius Galan có mặt tại gian của Galeria Luisa Strina, São Paulo

 

“Sala de espera” (Waiting room), 2013 của Carlito Carvalhosa được bày tại Galeria Nara Roesler, São Paulo’s

 

“Lusco Fusco/Crepúsculo da Tarde” (Twilight Afternoon), 2013, của Delson Uchuoa, tại gian trưng bày của Sim Galeria.

 

“Não tenha medo do seu corpo” (Do not be afraid of your body), 2012 của Ernesto Neto, bày tại gian trưng bày của Galeria Fortes Vilaça

 

Tác phẩm sắp đặt “Realidade Líquida” (Liquid Reality) của Henrique Oliveira, 2012, được bày tại Galeria Millan của São Paulo. Tác phẩm của Henrique Oliveira cũng từng được bày tại Mỹ: bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Boulder và Trung tâm Nghệ thuật Đương đại New Orleans.

Ý kiến - Thảo luận

23:54 Friday,6.9.2013 Đăng bởi:  IQ ABC
Để người ta hay, ngoài nỗ lực của nghệ sĩ, còn phải kể đến mấy tía ở trển nữa Linh Cao :)
...xem tiếp
23:54 Friday,6.9.2013 Đăng bởi:  IQ ABC
Để người ta hay, ngoài nỗ lực của nghệ sĩ, còn phải kể đến mấy tía ở trển nữa Linh Cao :) 
13:50 Friday,6.9.2013 Đăng bởi:  linh cao
Trông người lại ngẫm thấy ta, bao nhiêu tinh tú chờ lâu dưa cà. ..thành ra quang quác ao nhà thương thay.
Có ai hay, có ai hay???
...xem tiếp
13:50 Friday,6.9.2013 Đăng bởi:  linh cao
Trông người lại ngẫm thấy ta, bao nhiêu tinh tú chờ lâu dưa cà. ..thành ra quang quác ao nhà thương thay.
Có ai hay, có ai hay??? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả