Nghệ sĩ Việt Nam

Người tháp tùng (phần 1) 24. 09. 13 - 7:32 am

Linh Cao

 

Tranh Hoàng Hồng Cẩm

Hôm nay 24 tháng Chín, là ngày sinh nhật một họa sỹ đã qua đời cách đây chưa lâu. Thời gian với sức mạnh bứt phá của nó đã làm nhạt phai đi rất nhiều ấn tượng, nhưng thời gian cũng như dòng nước chảy xiết làm lộ ra đôi ba điều đáng để đọng lại. Mình sẽ gọi đơn giản chỉ là Anh – một người vô danh nổi tiếng đã có nhiều khuất lấp chưa được tôn vinh, cần có được những đánh giá cặn kẽ hơn về nhân cách và sự nghiệp hội họa. Anh là Hoàng Hồng Cấm.

Mình đã mất nhiều ngày đọc lại toàn bộ các bài viết của báo giới và bạn hữu viết về Anh, đặc biệt sau khi họa sỹ qua đời vì ung thư máu cách đây gần 2 năm. Đọc rồi để quên đi, vì tất cả đều rất… đúng,nhưng chưa thỏa, như những mảnh chắp vẫn còn thiếu cái gì đó. Kèm theo đó là nỗi bận lòng vì tuy fan và người sưu tập tranh Anh rất đông, nhưng trong giới chính thống Anh chưa có vị trí xứng đáng, như gió cuốn đi rồi kỷ niệm về Anh sé phai nhạt,và rồi số phận những bức tranh anh vẽ sẽ ra sao?

Mọi người viết về Anh đều mô tả rất hay những thói quen, những cá tính sống, chắc đó cũng là vì đôi ba lần chè chén ấn tượng.Bạn nghề lâu năm cùng đi làm nhà nước thì Anh lại giấu kín không muốn cho biết bếp núc đời nghệ vất vả mưu sinh, cũng là sỹ diện của một kẻ sỹ thích uống rượu ngon và hát hỏng tối ngày, nên các bác ấy viết cứ như minh họa cho tranh của người rất có tài minh họa báo kiếm tí… là Anh, những ngày trai trẻ.

Một minh họa báo của Hoàng Hồng Cẩm – sơn dầu trên giấy, 30 x 20cm.

Minh họa và yêu thích nghề diễn viên kịch là hai viên gạch Anh đặt móng cho cá tính thẩm mỹ riêng mình.Trong phòng khách nhỏ nhắn có bộ ghế kiểu Tàu gỗ trắc, ngoài tranh chân dung cụ Ngôn treo cạnh tranh cụ bà (mà gặp ai Anh cũng khoe mẹ là người gốc Hoa), còn có một lá cờ Việt Nam nhỏ xíu lồng khung kính hơi lệch và ảnh bác Giáp đang quàng khăn đỏ cho Đội kịch Chim Chèo Bẻo là Anh hồi thiếu niên đang chào nghi thức Đội, mà cái đầu mũ canô thì nghếch lên hăng say ghê lắm. Đó là tuổi thơ yêu dấu của Anh. Tuổi thanh niên mới lập gia đình bắt đầu đi làm và mê vẽ, thì nối tiếng làm minh họa giỏi. Do bố là nhà tinh tướng họa Hoàng Lập Ngôn cho vài bí quyết gia truyền, hay tự cái gien nó không trội ở hai người anh, mà tìm đến đúng thằng út có cái tên lắm mầu mà làm họa sỹ?

Với bản tính lập dị ngông nghệnh, cậu út ấy trượt ngay Yết Kiêu mà rất ít người biết Anh tốt nghiệp Mỹ thuật Công nghiệp. Đến khi đi làm thì có gì vừa nhàn vừa nhanh bằng minh họa báo. Sau này nhiều người ghét Anh, thường dèm pha rằng tranh Anh chỉ là minh họa. Họ đâu hay là chính được tập dượt một thời gian dài những phác thảo đi nét, những ký họa theo chủ đề là một truyện ngắn hay một bài thơ như thế, Anh đã được tôi luyện về hình, được nuôi dưỡng trong bầu không khí văn nghệ ở các tòa soạn báo, và được một ít tiền lương để nuôi vợ con. Sướng nhất là được ngao du về các miền quê, đi hát quan họ, đi đúm với các liền anh văn nghệ sỹ. Chất kịch do chót yêu thích từ bé làm Anh say mê diễn xưởng dân gian, thích những câu chuyện kịch tính,thích được hóa thân vào những nhân vật thần tượng. Hành xử của anh vì thế rất đồng bóng, dở hơi và hài hươc. Chàng trai trông lúc nào cũng già hơn tuổi, thích xét nét lễ nghĩa lễ phép, nghịch như ranh và kiêu ngạo vì biết mình tài… đã khụng khiệng bước vào giới Mỹ thuật như thế đó. Đây là giai đoạn đầu tiên, Kịch và Minh họa.

.

Giai đoạn 2 kéo dài 13 năm, từ 1993 đến 2006. Lúc này Anh đã vẽ sơn dầu thuần thục, có được một bảng màu lúc ngọt như bánh Pháp, lúc thắm như gái quê, lúc lại chua loét sặc sỡ như lông đuôi gà trống, nhưng hay quá nó rất ăn với hình. Anh trở thành một họa sỹ vẽ theo trường phái Biểu hiện-Ngây thơ rất đặc trưng. Tranh Anh trước năm 2000 vẫn dùng nét đen công-tua nhung có tạo mảng sáng tối, nền tranh luôn được cẩn thận tạo chất, phố biến nhất ở ba màu nâu-hồng-cam.

Đẩy mạnh sáng tác và được nhiều nhà sưu tập để ý đã làm tên Anh sáng giá. Khoảng đầu những năm 2001, 2002 là thời điểm bùng nổ cơn sốt thị trường tranh Việt Nam, được sự tư vấn của một chuyên viên báo tàng ở Hà Nội – một nhà sưu tập “chịu được Cấm”(-cũng chính là người mua lại một phần bộ sưu tập Đức Minh) đã mời Anh cùng một số họa sỹ về nhà vẽ chân dung người vợ nổi tiếng trẻ đẹp. Và cuộc vui bắt đầu, mình vẫn còn giữ tấm ảnh chụp ông chồng mình cùng với ông Anh bé nhỏ đầu trọc đang vẽ nhà sưu tập mặc quần soóc lửng thò ra đôi cẳng Ba Đẻn ngồi làm mẫu, có thằng đầu bếp tên là Phóng loanh quanh hầu rượu xa xa… để rồi sau đó họa sỹ vẫn chua xót nhận thấy “biết người biết của nhưng rất khó biết chơi” và tự Anh phá hợp đồng để được về với khoảng tự do rong chơi lâu nay.

Hoàng Hồng Cẩm – sơn dầu trên giấy, 30 x 20cm.

Ít người hiểu rằng tuy tiếng là giang hồ lịch duyệt, đãi đằng anh em tốn kém hàng ngày, nhưng Anh lại rất chỉnh tề chu cấp cho vợ con. Tiền bán được tranh anh chia thành từng tệp, khoản đưa vợ, khoản trả nợ, khoản mua sơn dầu. Người đàn ông nhỏ bé ấy nghĩ ra trăm mưu ngàn kế để “chăn” đám say men và say họa sỹ đang khê kha hát hò kia. Trong ấy có tụi con nhà quan chức, có bọn buôn bán làm ăn, có nghệ sỹ đắt sô, và kể cả đàn em là họa sỹ có tiền… cũng là khách mua tranh Cẩm. Tay vểnh ngón út cầm chén rượu chung chiêng, cái môi doe ra hát khê rè, cánh mũi sần sùi phập phồng say sưa, thế nhưng sau cặp kính John tròn xoe thì hai cái mắt tinh quái tỉnh như sáo lại long lanh chờ đúng dịp mà đưa ra những câu vừa sến vừa gàn, vừa thương vừa buồn cười: có tiền mua tranh tao chưa mày? Ai nuôi anh mà đòi hát? Đưa đây mấy lít đi taxi nào?! Và nếu mọi người ngần ngừ là sẽ dỗi hờn quay ra chửi mát ngay, tan cuộc dằn hắt thế nào cũng phải có manh mối ra tiền, hoặc Anh điều phối moi móc thông tin thế nào để chúng bạn chỉ điểm một khách hàng tiềm năng đâu đó, và ngay lập tức ngài gọi thanh toán để rùng rùng dẫn ngay đám khật khưỡng ấy đến gallery hay quán khác tìm người ta.

Mình cũng bị đột kích thế đôi lần, Anh dắt theo mấy gái quan họ và gọi là Củng Lợi với Ngọc Hân… bắt các em gân cổ cò mà hát theo những bài dai nhách để rồi đột ngột dừng phắt lại khi thấy mình ngáp, và duyên dáng giới thiệu em này buôn xe máy em kia chủ tiệm cơm bụi. Mình phì cười thương mến quá, sang mua bia chai với mực khô về mời. Quan họ uống bia mát ruột mới chịu chất nhau lên một con Minkhơ giã bạn. Mình ngần ngại ra cửa tiễn đại ý chưa thích tranh bác lắm. Thế là hôm sau sáng ra vừa lau sạch cái sàn nhà định trải mấy tranh giấy ra xem, thì ngài dắt theo một thằng lơ ngơ cắp hai cái toan đến chắp vào thành một bức dài nghêu và lôi màu với bút trong túi ra vẽ tự nhiên như người nhà. Bức tranh có hai nhân vật mà thằng người bên này mắt đen sì đang xòe những ngón tay để gần chạm vào cô thôn nữ đang ngồi mãi tít đầu kia, gam màu tươi vui toàn vàng chanh và hồng chèo, xanh cố vit. Vẽ xong ngài tỉnh bơ hỏi tiền. Mình hứa sẽ tìm người mua giúp, và cuối cùng bức tranh ấy đã về tay một sưu tập vô cùng khó tính, là chủ một hãng truyền thông đình đám. Tranh to quá mình mới chờ khô dựng góc tường gần cửa, thì bác kia vào đòi mua ngay và mình phải buộc một nửa lên nóc xe bác ấy, còn một nửa thì gọi xe khác chở chạy theo. Chạy ngoằn nghèo trong phố đến công ty mua tranh, thì mình suýt ngất thấy Quyền Linh ra bưng tranh vào và một lát sau thì Châu Nhuận Phát ra ngắm. Mình sướng quá vội đem tiền về đưa Anh, sự cộng tác bắt đầu từ đó.

Giai đoạn này là quá trình giản lược và phát triển hình tượng của Hoàng Hồng Cẩm. Anh vẫn dùng nét đen, nhưng ngày càng bớt tạo khối, hay đúng hơn là tạo khối bằng chính hình. Các chi tiết trang trí như chén bát, đèn dầu, con cá… là để tạo bố cục và hoàn chỉnh ngôn ngữ hội họa. Cái hay của Anh là không bị lệ thuộc vào chất liệu, mà mỗi loại chất liệu lại có cách xử lý sáng tạo riêng. Từ cách dán miếng bao bố lên tranh hay cách thếp bac làm nền cho sơn dầu, Anh đều có tìm tời nhiều ngạc nhiên. Thành ra xem một bức tranh Cẩm vẽ rất nhanh và đơn giản, nhưng đã là chín chắn về tạo hình, bảng màu phong phú độc đáo, cách tạo bề mặt phóng khoáng hợp với chủ đề không hề thiếu ấn ý… mà lại còn có cả hơi bút mạch ý cái gì trước cái gì sau, có trật tự có suy tính và rất nhiều ngẫu hứng .Nhưng trên hết là có cái Duyên, đẹp và có duyên nó ngấm sâu lắm. Lại được dấu ấn nhân cách tác giả như một thứ phải vía, như một chất men quý, và như một cái giá đã được trả cao… Cẩm đã dùng chính cuộc đời mình PR cho tác phẩm, một cách hợp lẽ và đáng mến nhất, và cũng nhiều thiệt thòi nhất. Tranh anh tặng rất nhiều, phần lớn là chân dung bạn bè. Giá tranh anh bán cho mọi người tùy theo túi tiền và hoàn cánh, nhiều nhà sưu tập mua được tác phẩm lớn mà không biết, cho đến khi Anh mất.

(Còn tiếp)

*

Cùng một người viết:

- Vẫn mấy khuôn mặt cũ mèm nổi tiếng ấy…

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 1: Lính mới

- Việc ấy không cần nhiều tiền,
chỉ cần nhiều công tâm và khát vọng

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 2: Rơi vào tay hai nhà phê bình

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yếu Kiêu
Kỳ 3: Chìm, nổi, và lại chìm

- Thư gửi họa sỹ trẻ

- Về bác Phạm Lực – ôn cố mong tân

- Luận về ăn uống khi ốm, về khát vọng sống và chất nghệ qua ăn

- Hãy mua ngay khi cơ hội đến

- Người tháp tùng (phần 1)

- Người tháp tùng (phần 2)

- Bùi Thế Phương – Câu chuyện kể bằng thơ tự kỷ

- Một số ảnh Linh Cao chụp trước khi treo tranh

- Trường ca gia cầm

- Đã xem họa sỹ uống trà…

- Ăn chay nằm mộng lưng trời…

- Một bữa tiệc tối đáng nhớ, cần được viết ra…

- Từ một nhành thyme…

- Tiếng vọng từ thiên nhiên: các bạn trẻ nóng vội quá…

- Xem “Nhập nhằng”: làm sao đi bền một con đường độc đáo?

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 1): Tại Lu Loa Cống Xề

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 2):
Về Huệ Thư

- Xem gốm Bảo Toàn: Đập vỡ cây đàn

- Chuyện cô bán tranh: Nhớ thiên đàng nem chua

- Ba lý do khiến trò lười không muốn mở mang

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 3):
Ân oán Hàng Anh với Đirađivô

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 4):
Hoa Ỷ dỗi, Huệ Thư hồi chơi xấu

- Nhân thông tin một nhóm đại gia Việt vừa mua gần 50 bức tranh…

- Tết Art: sự trỗi dậy của cái mầm

- Nhận xét riêng về Tết Art: vẫn chưa thực sự hội chợ

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 5):
Quý vật tìm quý nhân

- Chợ hoa Hàng Lược – cái lúm đồng tiền duyên của phố cổ

- Món chè gấc số đỏ

- Về món mơ ngâm

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 6):
Kinh thành bỗng chốc thất thanh

- 5 đặc điểm để món ăn Việt đi mãi với người Việt

- Bún chả (bài 2): tuyệt phẩm nhà nghèo

- Mì vằn thắn: cảm thức biển trong một bát chứa chan

- “Măng mai măng nứa, cơm lam trà gừng…”

- Cốc chè của mùa hè

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 7):
Sau cơn mưa trời lại sáng

- Bàn tán về tranh nuy

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 8):
Thư-Kỳ lạc truyện

- Bé bỏng nghèo nàn trong lòng phố cổ

Ý kiến - Thảo luận

18:38 Wednesday,25.9.2013 Đăng bởi:  QUÁCH HẢI THẢO

Vote: "Tranh không thích - thích con người"...^^


...xem tiếp
18:38 Wednesday,25.9.2013 Đăng bởi:  QUÁCH HẢI THẢO

Vote: "Tranh không thích - thích con người"...^^

 
16:19 Tuesday,24.9.2013 Đăng bởi:  Trịnh Xuân Đỉn
Ngày sinh viên anh có vào lớp mình chơi đôi lần. Lão thầy giáo trưởng khoa cơ bản đi qua thấy anh bèn giả vờ không quen ra điều quan chức hất hàm hỏi anh là ai mà vào đây, anh hất hàm bảo tôi là họa sĩ, vào đây có được không? He he, lão kia chạy mất dép, từ đ
...xem tiếp
16:19 Tuesday,24.9.2013 Đăng bởi:  Trịnh Xuân Đỉn
Ngày sinh viên anh có vào lớp mình chơi đôi lần. Lão thầy giáo trưởng khoa cơ bản đi qua thấy anh bèn giả vờ không quen ra điều quan chức hất hàm hỏi anh là ai mà vào đây, anh hất hàm bảo tôi là họa sĩ, vào đây có được không? He he, lão kia chạy mất dép, từ đó mình nghĩ nghề họa sĩ cũng oai phết!
Tranh anh mình không thích nhưng con người anh thì tuyệt. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ca ngợi hay chửi rủa (có bổ sung)

Nguyễn Thị Huệ Hữu vs Ng. H. Phương Lan

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả