Nghệ sĩ Việt Nam

Bùi Thế Phương – Câu chuyện kể bằng thơ tự kỷ 08. 10. 13 - 5:55 am

Linh Cao

Chuyện kể rằng có thầy họa sỹ 6x nọ, già thì chưa hẳn, trẻ vừa hết đát… thế mà vẫn cơm thầy bu nuôi, chẳng bao giờ có khái niệm “đi làm” hay “kiếm tiền”. Thầy suốt ngày ở nhà vẽ tranh sơn dầu, duyên giời 1 vợ 3 con sòn sòn đẻ giỏi được cả thằng cu sau chốt. Thầy sống bo bo om ỏm kín tiếng như bưng và ngại giao tiếp đến nỗi gần như mất hút khỏi giới Mỹ thuật thủ đô, ngoại trừ dăm ba người bạn giai phố cổ phật phờ cùng học Sân khấu điện ảnh, và một con tằm tranh đủ kiên nhẫn mười mấy năm đeo đẳng. Thị chính là mình, và thầy là họa sỹ Bùi Thế Phương – tên quốc tế là Phương Bùi.

“Người nổi tiếng”, sơn dầu của Bùi Thế Phương

Hành trình đi tìm một họa sỹ, gian nan nhất không phải là thiếu khả năng hay kiến thức. Khó nhất là gặp ca tiên bút không muốn bán tranh và không có nhu cầu giao tiếp bình thường. Phương là artist khó giao tiếp nhất mà mình biết. Nhưng thường là đỉnh núi cao thì Thần mới linh- mình rất quý và nể trọng Phương. Hành trình nghề nghiệp gallery của mình cũng có nhiều giao lộ với hành trình giải mã tâm lý hội họa của tác giả này. Tâm lý một họa sỹ vẽ tranh bằng những câu chuyện, những ý thơ mang tâm sự tự kỷ.

Mình gặp Phương năm 1997 qua lời giới thiệu của tay nhiếp ảnh học dưới họa sỹ mấy khóa. Mò mẫm trèo lên tầng 3 khu chung cư cũ kỹ ở phố Hàng Bột, mình ngửi thấy mùi sơn dầu nồng nặc trước khi gõ cửa. Lấy lý do đi thu thập thông tin cho gallery Tràng An, nơi mình đang đi làm part time, mình bước vào và ngỡ ngàng làm sao trước căn phòng tĩnh lặng dùng làm studio đầy ngập các bức tranh Biểu hiện – biểu tượng màu sắc mạnh mẽ, hình họa kỹ lưỡng khắt khe.

Mình ngạc nhiên cả với thái độ dè dặt nín lặng, lời nói nhát gừng và đôi mắt to u buồn của chủ nhân. Phương lặng lẽ đun nước pha trà mất gần 20 phút, vừa mời mình uống vừa ngập ngừng trả lời đám câu hỏi tò mò từ con ranh nhiễu sự đang phấn khởi vì phát hiện được của quý. Phương tiết lộ vừa trở về từ Thụy Sỹ, cho mình xem tờ báo Zurich chụp ba họa sỹ Việt Nam chụp ảnh chung lên trang nhất. Có Lê Quảng Hà hớn hở cạnh Đào Trọng Lưu nhám nhở, và Phương mắt nhắm tịt ngủ ngồi. Ba chàng được một Bảo tàng tư nhân mời sang triển lãm và luu trú đôi ba tháng. Các giai làng đúng với bản tính dân tộc, cũng cãi nhau và ghét nhau, rồi tan đàn xé nghé kẻ tếch sang Đức du hỷ tiếp, kẻ dọn đến nhà riêng chủ bảo tàng ở lại buồn rầu, kẻ miệt mài bán hết tranh dắt cuộn đôla vào cặp quần về đến Nội Bài vẫn giữ chặt cả bao thuốc lá không chịu cho bạn điếu nào…

Dù thế nào thì khi về đất mẹ ai cũng thay đổi nhận thức, bị sốc do chênh phông văn hóa và khao khát sáng tạo hơn qua đổi diện các bậc thầy lồng lộng trong Bảo tàng châu Âu. Phải hàng năm trời Phương mới cầm bút vẽ tiếp được, đầu óc thảm thiết nhớ về tranh danh họa Francis Bacon, với những chân dung con người quằn quại, những thân người bầm dập và những mảng màu kêu cứu tối tăm. May thay Phương không bị nhiễm nặng như Quảng Hà, do tạo hình cơ bản của anh đã có tiếng nói riêng, anh đã vẽ nghiên cứu nhiều thế loại từ trừu tượng tới siêu thực. Phương chỉ dùng một vài cách đặt vấn đề của Bacon, nâng lên thành biểu tượng để nói câu chuyện thầm lặng từ tâm hồn đa cảm và lối sống khép kín của riêng mình. Câu chuyện đó mình thấy không còn cách gọi nào đúng hơn là những bài thơ tự kỷ.

“Kẻ mệt mỏi”, tranh của Bùi Thế Phương

Người tự kỷ lập hàng rào xung quanh y, tách ly với đủ loại thói thường của đời sống. Nhưng không có nghĩa là họ vô tri vô ý. Mình thương Phương vô cùng, khi hiểu rằng tất cả những từ chối-nghiệt ngã-ngờ vực anh luôn phải đấu tranh tự dằn vặt, là cách tự bảo vệ bản ngã, bảo vệ cái Tôi được kiêu hãnh trong sạch cho đúng với tinh thần một nghệ sỹ mà anh khao khát trở thành.

Chất thơ vì thế tràn ngập trong tranh Phương, với hình tượng xuyên suốt là một con người cô đơn yếu đuối, tha thẩn trong không gian hoài niệm run rẩy như một loại bóng đêm có màu. Thực tế họa sỹ toàn ngủ ngày và sống về đêm, lang thang đi dạo giữa đường phố về khuya vắng lặng với một người bạn mất ngủ cũng thích rủ rỉ trò chuyện, hút thuốc rồi lặng im như thế. Đi chán mới về vẽ, khi thành phố bắt đầu tỉnh giấc chuyển động rì rầm, thì cũng là lúc buông bút cuộn tròn trong tấm chăn mỏng mà tìm đến cõi mơ “như loài sâu ngủ quên trong tóc chiều”. Khi tỉnh dậy đã là lúc quá trưa, lại rơi tõm vào khoảng yên lặng khi lũ vợ con đứa thì ngủ trưa, đứa đã đi học đi làm. Và thế là bà mẹ già người Huế mới bưng lên cho Phương mâm cơm phần con trai nguội ngắt.

Mình cũng được gia đình mời ăn cùng đôi ba lần như thế. Phương hầu như không dùng thịt cá, ăn rất ít và rất nhanh. Cuộc sống vật dục như một gánh nặng cho những miệt mài trăn trở, mà đau đáu thay Phương lại luôn ý thức đó là câu chuyện cá nhân, không muốn thêm phiền nhiễu cho bất cứ ai, kể cả người vợ xinh đẹp nồng nhiệt rất chịu thương chịu khó làm nghề hóa trang phục trang sân khẩu điện ảnh, đến những người bạn thành đạt nổi tiếng và những đứa con thơ dại lúc nào cũng cô đơn như là không có cha.

Mình đã vô tâm không hề biết những sự thật ấy, trong thời gian vài năm đầu quen biết Phương. Đấy cũng là do tuổi trẻ và sự vô tư, nhưng cũng là do những câu chuyện hai anh em chỉ mãi mải mê nói về thứ hội họa siêu việt của nguyện vọng, phân tích những đường lối bài bản của nghề buôn tài năng tận… châu Âu. Đó là ước mơ và đó cũng là cách làm nguôi đi câu hỏi vô hình luôn hiện diện “có mua, có thích tranh tôi không?”.

“Nhà thơ”, tranh của Bùi Thế Phương

Vô cùng khao khát được chia sẻ và công nhận trong hội họa, cũng như muốn bán bớt những bức tranh đẹp đang ngày càng tăng kích thước và độ khó hiểu tăm tối, anh còn tự ti vì nỗi lo sợ mất tranh, sợ xã hội đánh giá và sợ phải bon chen trong lọc lừa chợ đời. Cho đến khi mình hiểu là phải sưu tập Phương như một tác giả dòng ngầm, thì anh lại từ chối cung cách thông thường giữa những mối quan hệ mua bán, anh lập nên thứ rào cản vững chãi và yếu đuối nhất – không giao tiếp. Phương cần người mua tranh phải hiểu họa sỹ, độc tôn và mãi mãi. Đó phải là mối duyên nợ dựa trên “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, như một chất gây nghiện, như một nỗi ám ảnh. Và mình đã phải đọc học rất nhiều để hiểu và thông cảm với Phương. Sự thật Phương phải tằn tiện trong chi tiêu, chuyên tâm vẽ được là nhờ còn bố mẹ chăm sóc, chị Thủy vợ anh tần tảo làm thêm nuôi con, một người bạn giàu có mua sơn dầu toan vẽ giúp cho hàng tháng, và những ảo tưởng về một tương lai huy hoàng của danh họa!

“Tự họa”, tranh của Bùi Thế Phương

Phương đôi khi giống như một kẻ bạc bẽo và lạnh lùng, không biết toán mà cứ khổ tâm tính trước cái kết cục cho sự nghiệp bế tắc ấy, không hề muốn bán rẻ hay cho ai cái gì, nhưng lại rất mong chờ một bàn tay phù thủy cùng con mắt xanh tỉ phú nào đó đặt cược vào hội họa riêng mình; chất nghệ sỹ ở Phương may sao nó có giá trị của thất bại và cô đơn, chứ anh mà bán tranh ồn ào thì đã là cái code dễ giải mã. Nó vô vọng giống như màn đánh cược chắc chắn sẽ thua kéo dài suốt cả cuộc đời anh, mà càng ngày anh càng biết rõ và nhìn thấy trước.

Mình cũng đã giới thiệu đến Phương những nhà đầu cơ tay chơi hàng đầu, và lần nào những bức tranh cũng phải rất khó nhọc bưng từ áp mái phòng vẽ trên nóc nhà đi qua phòng ngủ rồi bếp mới tới cái cầu thang xoắn vặn cơi nới chắn bởi toilet và chỗ để xe máy…để ra với đời, ra chỗ phòng trưng bầy gallery trái thảm êm ru hay những salon sang trọng do chính vợ chồng mình dành riêng cho anh… để rồi lần nào anh cũng đến đòi cất hết tranh về một cách nghiệt ngã-nghi ngại-nghẹn ngào như thế. Ai cũng nhìn thấy tranh anh là những tác phẩm đẹp và đặc biệt, nhưng rất ít người dở hơi mang vác được cái dở người của anh. Kênh của Phương là hẹp và khó, nhưng kẻ nào đã hiểu và khai mở được, thì rất đỗi đam mê. Hội họa của anh rất thống nhất với quan điểm sống cực đoan mà do số phận cùng với lý trí anh phải gánh chịu nhiều nỗi khổ.

“Thiếu phụ”, tranh của Bùi Thế Phương

Năm 2004, trong một lần đi đòi tranh như thế, Phương bị tai nạn giao thông, làm anh thêm ốm yếu. Không chấp nhận đầu hàng, anh đã rèn luyện và nâng cao đời sống tâm linh bằng những chuyến đi xa lên núi cao làm việc Phật pháp, đàm đạo với các thầy tu và chăm lo xây tượng cho các Thiền viện. Anh khỏe khoắn tươi tắn hẳn lên. Có khi đây là khoảng thở để anh bước sang giai đoạn mới nhẹ nhõm hơn, chiêm nghiệm thấy những nỗi niềm u ám khi phải đối mặt với bản ngã yếu ớt cô đơn sẽ vô nghĩa hơn là hòa mình vào xã hội để đơn thuần mà giải quyết các vấn đề cuộc sống vật chất.

Làm bạn vong niên, mình chẳng còn cách nào tốt hơn là thi thoảng lại sùng sục đem rất dày cọc pôlime đến mua tranh Phương, mà nếu biết anh sẽ không bán bức ấy bức ấy, là phải nghĩ sẵn cái kịch bản nói dối để mong sao con người ngây thơ cáu kỉnh kia chịu cho mình sở hữu “một mảnh vỡ của tâm hồn” buốt giá. Đôi khi mình cũng rất ngại giáp mặt họa sỹ, ngại nhìn thấy những đứa trẻ càu cạu, ngại phải nghe những câu chị Thủy cảm thán, tỉ như “chị sống với một cây đại thụ nhưng nhà vẫn thiếu rau ăn em ạ!”…nhưng có lẽ phải thế mới có tranh, mới có một Mr. Phương, của mình. Hay đúng hơn, cái trớ trêu và bí mật trong nghệ thuật ấy đã hấp dẫn được lòng tham của thẩm mỹ khác người, mà ai làm nghề gallery cũng mắc phải!

“Vợ tôi”, tranh của Bùi Thế Phương

Thời gian như nếp gấp của bầu trời, cứ mỗi khi mở ra là lại phải lần giở hết những cánh mây. Người bạn họa sỹ khá sâu nặng cùng họ Bùi với anh Phương, anh Bùi Minh Dũng (Dũng điên), đã có lần giễu cợt bảo mình “Phương nó toàn tự lừa bản thân thôi, còn em thì lừa đám yêu tranh”. Mình cười trừ không nói gì. Mình mong rằng hội họa có thêm nhiều người ảo tưởng và cực đoan như thế, con cá hay lưỡi câu đâu có quan trọng bằng chấp nhận cuộc đi câu đã biết rõ chẳng để làm gì, chỉ hết lòng kiên định vì thích ngồi lặng lẽ soi bóng một mặt gương nước trong veo không che dấu nối những vần thơ của kẻ tự kỷ và nhìn thấu suốt một nỗi buồn nhạt nhẽo nhẹ nhàng.

 

*

Cùng một người viết:

- Vẫn mấy khuôn mặt cũ mèm nổi tiếng ấy…

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 1: Lính mới

- Việc ấy không cần nhiều tiền,
chỉ cần nhiều công tâm và khát vọng

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 2: Rơi vào tay hai nhà phê bình

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yếu Kiêu
Kỳ 3: Chìm, nổi, và lại chìm

- Thư gửi họa sỹ trẻ

- Về bác Phạm Lực – ôn cố mong tân

- Luận về ăn uống khi ốm, về khát vọng sống và chất nghệ qua ăn

- Hãy mua ngay khi cơ hội đến

- Người tháp tùng (phần 1)

- Người tháp tùng (phần 2)

- Bùi Thế Phương – Câu chuyện kể bằng thơ tự kỷ

- Một số ảnh Linh Cao chụp trước khi treo tranh

- Trường ca gia cầm

- Đã xem họa sỹ uống trà…

- Ăn chay nằm mộng lưng trời…

- Một bữa tiệc tối đáng nhớ, cần được viết ra…

- Từ một nhành thyme…

- Tiếng vọng từ thiên nhiên: các bạn trẻ nóng vội quá…

- Xem “Nhập nhằng”: làm sao đi bền một con đường độc đáo?

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 1): Tại Lu Loa Cống Xề

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 2):
Về Huệ Thư

- Xem gốm Bảo Toàn: Đập vỡ cây đàn

- Chuyện cô bán tranh: Nhớ thiên đàng nem chua

- Ba lý do khiến trò lười không muốn mở mang

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 3):
Ân oán Hàng Anh với Đirađivô

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 4):
Hoa Ỷ dỗi, Huệ Thư hồi chơi xấu

- Nhân thông tin một nhóm đại gia Việt vừa mua gần 50 bức tranh…

- Tết Art: sự trỗi dậy của cái mầm

- Nhận xét riêng về Tết Art: vẫn chưa thực sự hội chợ

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 5):
Quý vật tìm quý nhân

- Chợ hoa Hàng Lược – cái lúm đồng tiền duyên của phố cổ

- Món chè gấc số đỏ

- Về món mơ ngâm

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 6):
Kinh thành bỗng chốc thất thanh

- 5 đặc điểm để món ăn Việt đi mãi với người Việt

- Bún chả (bài 2): tuyệt phẩm nhà nghèo

- Mì vằn thắn: cảm thức biển trong một bát chứa chan

- “Măng mai măng nứa, cơm lam trà gừng…”

- Cốc chè của mùa hè

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 7):
Sau cơn mưa trời lại sáng

- Bàn tán về tranh nuy

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 8):
Thư-Kỳ lạc truyện

- Bé bỏng nghèo nàn trong lòng phố cổ

Ý kiến - Thảo luận

9:39 Wednesday,16.10.2013 Đăng bởi:  mai ngoc
Thanks Linh Cao. ơ, thế hóa ra LC cũng có mèo à? Nhà mình cũng có một con tên là Quạ (thế chỗ cho một anh chàng nổi tiếng trước đó đã ra đi mãi mãi không lý do, cũng không để lại dù chỉ một dòng nhắn gửi. Nhưng chắc không phải do hàng xóm "yêu" quá đâu).

...xem tiếp
9:39 Wednesday,16.10.2013 Đăng bởi:  mai ngoc
Thanks Linh Cao. ơ, thế hóa ra LC cũng có mèo à? Nhà mình cũng có một con tên là Quạ (thế chỗ cho một anh chàng nổi tiếng trước đó đã ra đi mãi mãi không lý do, cũng không để lại dù chỉ một dòng nhắn gửi. Nhưng chắc không phải do hàng xóm "yêu" quá đâu).
 
À, một người nổi tiếng muốn thu mình lại, cúi đầu thấp để không bị thò cổ ra khỏi khuôn khổ (?). Thế cũng khổ nhỉ. Còn những người sắp nổi thì phải phồng ra thật to, cổ dài ra để mọi người còn nhìn thấy chứ.
Không biết mèo nhà bạn thế nào? Mình bị mắng là không biết dạy mèo và cũng không có phương pháp sư phạm, chỉ có tình yêu mù quáng nên chúng nó rất hư, vừa cào rách cả cái loa rồi. 
8:47 Wednesday,16.10.2013 Đăng bởi:  linh cao
Dear maingoc
Tạng tranh này không chính diện  mà cũng chẳng phản diện đâu ạ. Đó là hình ảnh ngôi sao của công chúng khi đối diện với con người thật xoắn vặn mệt mỏi và cô đơn của đời sống riêng tư. Cụ thể những đường thẳng tạo  thành cái hộp kín vây chặt lấy figure l&agr
...xem tiếp
8:47 Wednesday,16.10.2013 Đăng bởi:  linh cao
Dear maingoc
Tạng tranh này không chính diện  mà cũng chẳng phản diện đâu ạ. Đó là hình ảnh ngôi sao của công chúng khi đối diện với con người thật xoắn vặn mệt mỏi và cô đơn của đời sống riêng tư. Cụ thể những đường thẳng tạo  thành cái hộp kín vây chặt lấy figure là ý tượng cho cái chật chội bức xúc cần sáng tạo và phát triển hơn nữa. Biểu tượng của tranh vì thế không sa vào bi lụy, mà rất nhân bản.  Thôi mình cho mèo ăn đã, nó xinh quá nên vừa bị bạn  nào hàng xóm bắt giam 2 ngày, cắn dây chạy về cổ vẫn còn cái chun buộc to tướng.  Đấy , nổi tiếng khổ thế đấy...

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ca ngợi hay chửi rủa (có bổ sung)

Nguyễn Thị Huệ Hữu vs Ng. H. Phương Lan

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả