Soi học

Tặng ông con hoang, bức tranh thêu quý nhất 13. 10. 13 - 7:28 am

Pha Lê

Trong bài kỳ trước, chúng ta đã biết: con hoang William thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa.

Để chúc mừng chiến thắng, ai đó đã làm tặng vua William một bức tranh thêu to vật vã. Nói “ai đó” là vì đến giờ chưa nhà nghiên cứu nào biết chắc được tên tuổi của nhân vật đã đặt hàng bức tranh thêu này. Đa số ngả theo giả thuyết ông em cùng mẹ khác cha của William là Odo đã đặt thêu bức tranh; lý do vì Odo làm giám mục, và người ta tìm thấy bức tranh thêu trong nhà thờ của Odo. Nhưng nói thế chả khác nào nói tượng Pharaoh là do người Anh đặt hàng vì nó nằm ở Bảo tàng Anh; có thể sau khi William băng hà, Odo đem bức tranh đó về nhà thờ cất thôi.

Tác phẩm vĩ đại này có tên “Bức tranh thêu Bayeux” (đặt tên theo huyện Bayeux), nó dài gần 70 mét, và là bức tranh thêu lớn nhất còn sót lại từ thời Trung cổ. Nó quý đến nỗi, Pháp đã lập nên một bảo tàng riêng cho nó – bảo tàng Musée de la Tapisserie de Bayeux – nằm ở Normandy (tất nhiên).

Một phần của bức tranh thêu tại bảo tàng.

Bức tranh thêu lại những hình ảnh của trước và sau cuộc chiến ở Hasting, bắt đầu từ Edward giáo sĩ và kết thúc khi Harold Godwinson bại trận. Thời Cách mạng Pháp, quân đội xém cắt nhỏ nó ra để… đậy vũ khí, nhưng may mắn là họ sớm phát hiện ra giá trị của nó.

Sau khi biết sử, chúng ta có thể hiểu tường tận hơn những hình thêu trên bức tranh này rồi.  Cùng học nào!

Phần 1: Liệu Harold có phải là người hứa cuội?

Những đường nét đầu tiên của bức tranh thêu Bayeux tả lại cảnh vua Edward giáo sĩ phái Harold Godwinson đẹp trai đến Normandy.

Edward (đội vương miện) ngồi trong lâu đài phái Harold giương thuyền đến đất nước của William.

Theo bức tranh tả, Harold gặp bão, thay vì đổ bộ tới Normandy thì ông lạc bến tới Ponthieu. Nam tước của xứ Ponthieu ngay lập tức bắt giữ Harold, và phải nhờ đến hồng phúc của William thì Harold đẹp trai mới được cứu. Thế là Harold hứa rằng sẽ không giành ngai vàng nước Anh với… William.

Cảnh hứa hẹn giữa Harold và William, hình như Harold đứng bên phải?

Tuy nhiên, như đã biết, Edward giáo sĩ mê Harold đẹp trai, nên ông định trao ngôi vua cho Harold; như vậy Edward lẫn Harold sẽ xù luôn lời hứa khi xưa với William, cứ thế nghiễm nhiên thành vua nước Anh.

Bạn nào suy nghĩ logic một chút sẽ thắc mắc rằng: Quái! Tự dưng Edward cử Harold đến Normandy làm gì để Harold bị bắt cóc, rồi phải hứa hẹn nọ kia với William? Sự tình đúng với lịch sử hơn có lẽ là như vầy: năm 1051, hai người họ hàng của Harold đẹp trai bị dân Normandy bắt làm con tin (thời đấy bắt cóc người giàu đòi tiền chuộc rất có giá). Biết chắc mẩm rằng Edward sẽ nhường ngôi cho mình, Harold tức tốc chạy tới Normandy hòng chuộc họ hàng về. Ông sợ rằng nếu ông làm vua trước khi chuộc người thân, William tức giận sẽ giết họ để báo thù.

Chẳng may gặp bão, Harold lạc đến xứ Ponthieu và bị bắt cóc. Tuy nhiên, nam tước xứ Ponthieu lại nằm dưới quyền William. Thế là William ra lệnh cho Ponthieu giao chiến lợi phẩm cho mình, và bắt Harold thề trước Chúa rằng ông không được giành ngai nước Anh thì ông mới được tự do.

William định bụng, nếu Harold thất hứa thì ông sẽ trình cớ này lên giáo hội, để giáo hội cho phép ông xâm chiếm xứ sương mù. Thời đó, thất hứa trước Chúa là một tội nặng.

Để sự việc thêm phần nghiêm trọng, William hứa gả con gái của mình cho con trai của Harold, dù trước đây William đã hứa (trước Chúa) sẽ gả cô bé cho một quý tộc khác ở Normandy. Thế mới biết, một số lời thề trước Chúa có thể xù, một số thì không.

Vua Anh, theo truyền thống, chả mấy mộ đạo, nên khi Edward phong Harold làm vua, ông thẳng thừng nói rằng mình phải hứa với William là do đang bị William bắt cóc. Nếu lời thề là lời thề bị ép buộc thì nó chẳng giá trị gì.

Phần 2: Sao chổi Halley

Harold lên làm vua. Đoạn này của bức tranh khá là ngắn, tranh thêu tặng William mà, thêu nhiều Harold thì ông chém chết.

Cảnh Edward băng hà

 

Lễ đăng quang của William trên bức tranh, hình nãy đã có trong bài về Edward giáo sĩ, bây giờ mọi người ngắm lại, sẽ thấy tranh dễ hiểu hơn.

Vào năm 1066, trước khi William và Harold giao chiến một chút, sao chổi Halley xuất hiện. Vào thời Trung cổ,  do khoa học chưa phát triển nên dân chúng gắn sao chổi với điềm xấu. Những người thêu tranh không quên thêu sao chổi Halley vào tác phẩm, sao chổi xuất hiện trên lâu đài của Harold, ngụ ý rằng ông sẽ thua William trong tương lai gần.

Sao chổi Halley với cái đuôi, nhìn đỏ đỏ vàng vàng như tên lửa, lơ lửng trước lâu đài của vua Harold.

Phần 3: Chuẩn bị và đổ bộ

Ngay sau khi Harold lên ngôi, William tức tốc bắt tay vào việc xây tàu, luyện lính để xâm chiếm nước Anh.

Cảnh William chuẩn bị cho cuộc chiến. Đoạn này khá là dài, thêu rất đẹp

 

Đến khi thuyền của William cập bến xứ sương mù, quân của ông bắt đầu giết chóc dân thường, vơ vét của nả để lấy thêm lương thực nuôi lính. Bây giờ xem lại thấy hành động đó thật dã man, nhưng thời xưa không ai xấu hổ về chuyện này cả, còn thêu lên tranh khoe.

 

Cận cảnh đoạn quân Norman đi giết dân cướp của

 

Với số lương thực cướp được, quân Normandy tổ chức ăn nhậu (thêu cả đoạn này, chứng tỏ lúc ấy dân Norman đã coi trọng ăn uống)

Phần 4: Trận đánh Hasting

Điều đáng chú ý trong phần này, là quân Normandy toàn cưỡi ngựa, còn quân của Harold thì đi bộ. Lúc ấy, tài thuần ngựa của dân Anglo chưa bằng dân Norman, đấy cũng là lý do Harold thất thủ. Các kỵ sĩ của William rất dũng mãnh, chiến mã trông rất oai; còn phía Anglo thì chỉ cấp cao mới có ngựa, mà chúng trông cứ như ngựa kéo cày.

Quân Anglo đi bộ cầm khiên choảng nhau với các kỵ sĩ Norman

 

Cậnh cảnh đoàn bộ binh của phe Anglo

 

Cận cảnh đoàn kỵ binh của phe Norman. Quả là khác nhau một trời một vực!

 

Quân Anglo chết như rạ, nhìn đâu cũng thấy quân Norman chiếm số đông

 

Cận cảnh đoạn kỵ binh của người Anglo bị người Norman giết

Điều đáng chú ý tiếp theo là ông Odo – người em cùng mẹ khác cha của William. Odo làm tới chức giám mục, và theo anh trai đi chinh chiến nhằm giúp củng cố tinh thần quân đội (quân thời ấy luôn có giám mục trong đoàn, để binh sĩ yên tâm rằng mình được Chúa phù hộ)

Odo là người cầm chày đang choảng nhau. Thời ấy giám mục không được cầm gươm đánh chém, do dùng kiếm đâm quân thù là một hành động không hợp với những giám mục mộ đạo, cầm chày nện vào mặt họ thì mới ok.

 

Chân dung ông Odo phóng to

Kết cục: vua Harold bị một mũi tên bắn vào mắt, ông tử trận. William chiếm ngai vàng, vơ vét của cải của người Anglo rồi chia cho Odo một số tiền lớn (tính theo mệnh giá thời nay thì William cho Odo 55 tỷ Bảng). Odo quay về Normandy và dùng một phần của số tiền này để xây nên rất nhiều nhà thờ.

Vua Harold, một tay câm khiên, tay kia đang cố rút cái mũi tên đã găm vào mắt của ông.

 

Phóng to ông Harold để mọi người nhìn thấy mũi tên (thêu chỉ vàng) đang găm vô mắt ông. Bạn nhớ bấm vào hình nhe.

 

Sau khi Harold chết, quân của ông tháo chạy khỏi mặt trận. Bức tranh thêu kết thúc tại đây.

Biết sử rồi, xem tranh thấy vui hơn nhỉ?

 

Ý kiến - Thảo luận

14:46 Friday,20.7.2018 Đăng bởi:  admin
@anhtho: Bài này là hết rồi bạn. Trước đó có một bài thì link ngay bên dưới (mình mới thêm vào :-))

Chùm bài về lịch sử Hoàng gia Anh do Pha Lê viết. Bạn vào phần tìm kiếm, gõ Pha Lê ở phần tác giả là ra rất nhiều bài. Bạn chọ các bài về Hoàng gia Anh để đọc nhé.

Bọn mình sẽ làm lại chùm bài liên quan cho các chủ đề, thời gian qua bị mất.
...xem tiếp
14:46 Friday,20.7.2018 Đăng bởi:  admin
@anhtho: Bài này là hết rồi bạn. Trước đó có một bài thì link ngay bên dưới (mình mới thêm vào :-))

Chùm bài về lịch sử Hoàng gia Anh do Pha Lê viết. Bạn vào phần tìm kiếm, gõ Pha Lê ở phần tác giả là ra rất nhiều bài. Bạn chọ các bài về Hoàng gia Anh để đọc nhé.

Bọn mình sẽ làm lại chùm bài liên quan cho các chủ đề, thời gian qua bị mất. 
14:35 Friday,20.7.2018 Đăng bởi:  anhtho
SOI ơi, mình muốn theo dõi 1 chuỗi bài viết thì làm thế nào, ví dụ như bài tiếp theo của bài này
...xem tiếp
14:35 Friday,20.7.2018 Đăng bởi:  anhtho
SOI ơi, mình muốn theo dõi 1 chuỗi bài viết thì làm thế nào, ví dụ như bài tiếp theo của bài này 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả