Điện ảnh

“Thần tượng”: ưu và khuyết của nàng lọ lem 01. 01. 14 - 11:10 pm

Thủy Phù

(Các bạn nào chưa xem phim thì đừng đọc nhé, trong bài này có làm lộ nội dung phim!)

*

Nghe nói có sự ví von như vầy về hai phim chiếp rạp hiện đang chiếu tại các rạp: Tèo em là “công chúa” – có thể xấu, có thể đẹp có thể có duyên/vô duyên – tùy vào thẩm mỹ của người xem, nhưng vẫn là công chúa vì được đông đảo “thần dân” nô nức chiêm ngưỡng, doanh thu cao ngất ngưởng tại các phòng chiếu.

Phim còn lại – Thần tượng – được ví là “lọ lem” – được báo khen, người đi xem thấy rõ ràng là trong trẻo, xúc cảm, sạch sẽ… nhưng doanh thu phòng vé vẫn cứ bèo hơn so với “công chúa”.

*

Một cảnh trong phim “Thần tượng” của đạo diễn Quang Huy

Đọc các bài phê bình, thấy: ghét công chúa, nhiều người không chịu thừa nhận những cái được của “nàng”; Thương lọ lem, đa phần không nhìn thấy (hoặc xí xóa không nhắc tới) những thứ nàng còn xấu xí.

Công chúa Tèo em từ từ xem cũng được vì chắc còn ở phòng chiếu lâu. Tôi chọn xem lọ lem bây giờ để lỡ không còn thấy mặt.

Đầu tiên, xin được tóm tắt một chút.

Phim là cuộc cạnh tranh giữa hai phe. Cả hai đều là cậu ấm con đại gia, một Việt (Minh), một Hoa (Trí). Cả hai đều có chung mục đích nuôi “gà”: một ca sĩ (nữ) đủ “hay” để thành “thần tượng”.

Tới đây là ngã rẽ. Minh quan điểm thần tượng là để các nhãn hàng để mắt tới, mời làm quảng cáo. Hướng đầu tư cho gà của phe này là: công nghệ bài bản chuyên nghiệp, có vũ sư dạy vũ đạo, có dạy trả lời phỏng vấn, cho ăn mặc thật hở hang, hợp mốt…

Minh và “gà” Minh Tú

Trí quan điểm thần tượng là để người xem ôm ấp trong tim, là đến với khán giả bằng xúc cảm chân thành. Quá trình đào tạo thần tượng là con đường đến với nghệ thuật, chứ không phải vươn tới các hãng trà thanh nhiệt hay cao đơn hoàn tán.

Nhóm của Trí với “gà” là Linh

Kết cục phe nào thắng? Dĩ nhiên là phe “ta” rồi. Nhưng thắng có dễ dàng không? Dĩ nhiên là không. Bạn sẽ phải hồi hộp đến phút chót.

*

“Lọ lem” Thần tượng, theo tôi, có những ưu điểm như sau:

1. Không nhà quê như phim Việt ta vẫn “quê”. Xem phim có thể thấy một thế giới showbiz hào nhoáng với sàn diễn, thảm đỏ, xe hơi, công nghệ lăng xê, kể cả những câu đùa, tình huống trớ trêu của nhân vật đều rất tân thời, ít ra là so với những gì đang diễn ra trong showbiz thật hiện nay… Điều này, ở Việt Nam thường chỉ có trong phim của những đạo diễn Việt Kiều như Charlie Nguyễn, Victor Vũ… Thế mà bây giờ, đạo diễn Việt Nam làm được mà xem không thấy sượng, không thấy chệch choạc, cũng không quá chênh lệch với thực tế.

2. Nhiều người chê cách quay của phim đẹp kiểu video clip ca nhạc, nhưng như vậy lại rất hợp với kiểu phim giải trí về nghề ca sĩ, diễn viên: ánh sáng mộng mơ, khung cảnh mát mắt, khi người ác xuất hiện là màn hình tối sầm mảng lộ mảng khuất, khi người hiền xuất hiện cây bỗng xanh, không khí bỗng trong veo…

3. Phim có tiết tấu nhanh, các tình huống mới được bày ra liên tục, không làm người xem thấy buồn ngủ. Rõ ràng đạo diễn rất chú trọng đến yếu tố này, không để lê thê trong kể chuyện; cắt cảnh đắt, kịp thời.

Ngô Kiến Huy trong phim

4. Những đoạn cao trào cần gây xúc động đều làm người xem xúc động được, không bị rơi vào tình huống “muôn năm cũ” của phim ta: diễn viên thì khóc, khán giả thì ha ha cười.

5. Có nhiều diễn viên phụ rất tốt, như ông chủ Luân, như cô thư ký xuất hiện ở đầu phim, báo cáo và trả lời nhanh nhẹn rất sinh động, hay như Phương Mai chỉ có mặt hai đoạn ngắn mà yêu đương và hoang mang rất… tài tình.

*

Nhưng, lọ lem cũng có những lỗi không phải là nhỏ:

1.
Đây là một phim thuộc thể loại nói sâu về một nghề nghiệp, lĩnh vực; tương tự những phim về ballet, bóng bầu dục, quyền anh, tức là xem một phim như thế, người xem phải được “ồ, à” trước những thứ mà lâu nay dân ngoại đạo không thể biết được.

Nhưng xem Thần tượng xong, về thế giới ca sĩ hẳn hoi, mà chịu không thể hiểu được làm cái quái nào mà mấy cô này thành ca sĩ, chẳng thấy có bất kỳ hoạt động nào thuộc về khổ luyện cho nghề hay thực hành nghề. Phim cho một ấn tượng: muốn thành một ca sĩ thành công chỉ cần siêng năng tập vũ đạo, mặc quần áo đẹp, học trả lời phỏng vấn báo chí cho chỉn chu, chụp hình cho xinh; Còn nếu đường đó vẫn không xong? Thì đi hát miễn phí cho đám học sinh phổ thông dễ tính, hoặc các cụ già ở trại dưỡng lão đã nghễnh ngãng một nửa…

Ờ, như vậy thì đúng đó chớ? Có gì sai với thực tế hiện nay đâu nào? Phải, nhưng thế thì phim đừng có đưa các loại tuyên ngôn nghệ thuật “hát vì cảm xúc”, “làm nghệ thuật chân chính” ra dày đặc trong phim đi, chứ đưa ra mà các hoạt động về nghề thì gần như không có… Cả một ê kíp miệng thì đau đáu với giọng hát nhưng tuyệt không có được một cảnh luyện thanh. Và trớ trêu nhất là cả hai hài hát chính của hai “gà” lẫn hai giọng ca chính của phim đều… rất chán.

Linh và Trí.

2.
Tâm lý nhân vật thiếu nhất quán, thay đổi đến khó lường (hay tại nhân vật ấy là người Hoa?)

Trí – cậu thiếu gia gốc Hoa có mẹ là ca sĩ đã quá cố cách đây 20 năm, khi cậu mới ra đời; bố là nhà tài phiệt không thông cảm với nghệ sĩ tính của mẹ. Lớn lên, Trí đau đáu muốn tìm hiểu về mẹ, và quá trình ấy diễn ra như một thứ kỷ luật: sáng sáng vào phòng mẹ nằm một lúc rồi mới đi đâu thì đi, nghe nhạc của mẹ chỉ nghe bằng cassette, đi loại xe cub mà giờ chẳng ai đi, kiên cường không chịu vào làm cho bố để theo đuổi nghệ thuật… Tóm lại, Trí là một nhân vật thoạt tiên cho ta có cảm giác vững vàng, bền bỉ, khó lay chuyển, gắn bó với kỷ niệm…

Thế mà đùng một cái, cô ca sĩ “gà” của cậu vừa thành công, cậu đã đổi sang một cơ ngơi mới toanh, đi xe xịn, như không vương vấn gì những ngày tháng nghèo mà vui vừa qua. Rồi đùng một cái, chỉ vì một hiểu lầm nhỏ, Trí của ta biến thành “địch” ngay, quay ngoắt môi hở làm răng lạnh, khiến tôi ngớ cả người. Tất cả chỉ có thể lý giải bằng một câu: “Tại đạo diễn (nó) muốn vậy.”

Hay một người máu me chiến thắng như Minh, làm tất cả, hy sinh cả tình yêu để đạt được thành công; anh ta như một người máy, coi “gà” Minh Tú như một công cụ, thế mà đến lúc thất bại lại không hề cay cú, vui vẻ ấm áp bắt tay cả nhóm (“Chúng ta cùng một đội mà!”), đi ngược hoàn toàn với tâm lý đã dẫn dắt từ đầu. Lại một lần nữa, có cảm giác vì… đạo diễn thích thế.

Minh (Vĩnh Thụy) đang quát mắng nhân viên

3.
Phim nói về một cuộc cạnh tranh, tưởng là gay cấn, quyết liệt, nhưng lại được xây dựng quá dễ dãi, tinh thần ăn thua chỉ thấy thể hiện… đằng mồm, chứ không có hành động. Hai cô ca sĩ không hề nghiên cứu các ngón nghề của nhau, hình như hai cô cũng không hề quan tâm đến nhau. Ngón đòn chủ yếu là cuộc chạy đua về thời gian: ai ra album trước, ai tổ chức họp báo trước… Cứ như là thi chạy 100m, nhanh là chính, chất lượng giọng không quan trọng!

4.
Phim là xem và nghe, cái hơi dị ứng đối với riêng tôi là toàn bộ các cô gái đều nói giọng Hà Nội, một số diễn quá cường điệu như trên sân khấu kịch, từ “hồn ma bà mẹ” (Phạm Quỳnh Anh), đến cô ca sĩ Linh (Hoàng Thùy Linh, đặc biệt dở ở đoạn đầu phim, càng về cuối may thay, càng diễn tốt), hay bà mẹ Linh, quá kịch. Diễn không có gì để phê phán là Minh Tú hay Phương Mai (bồ của bầu Minh), nhưng tất cả đám phụ nữ trên đều nói giọng Hà Nội thì nghe nó cứ “khôn” quá :-), khi chen với giọng Nam của dàn diễn viên Nam hiền lành (Ngô Kiến Huy, Hứa Vĩ Văn, Vĩnh Thụy), có khi pha Tàu còn hơi ngô ngố (của Harry Lu), khiến cho tôi có cảm giác tất cả phụ nữ (trên đời) đều đến từ Hà Nội, và các chàng trai này khéo bị xỏ mũi mất thôi.

Phạm Quỳnh Anh với phát âm tiếng Bắc quá điệu khiến cho không hiểu hồn ma bà mẹ nhắn nhủ điều gì.

*

Tóm lại, cảm giác chung khi xem xong phim là trong trẻo, rất lọ lem, nghĩa là tuy còn dính lọ nghẹ nhưng mà dễ thương. Nhưng thấy rằng đạo diễn không sâu, chăm chỉ đấy nhưng hình như lực bất tòng tâm, không thể phát triển tâm lý của nhân vật cho uyển chuyển, tự nhiên, nên thỉnh thoảng tự anh phải thò tay vào bẻ ngoéo hoàn cảnh cho nó đúng ý mình.

Dù sao cũng là cảm giác dễ chịu. Nhất là thấy đạo diễn Quang Huy rất ý thức về tiết tấu phim, về việc không được cho khán giả rời mắt khỏi màn hình, dù rằng những “ngón” anh dùng có thể thấy ở rất nhiều phim nước ngoài.

Không sao cả, tôi nghĩ thế, còn hơn khối đạo diễn nhất quyết không chịu học hỏi ai, cứ làm phim theo cái lối chán ngắt và duy ý chí của mình. Thôi chuyện này dài, để khi nào xem một phim cụ thể sẽ mang ra mổ xẻ tiếp, nhé?  

Ý kiến - Thảo luận

0:18 Thursday,9.1.2014 Đăng bởi:  thanh

Bài viết khá hay và đầy đủ...Cũng có thể coi đây là  bài viết khách quan nhất trong những bài viết của Soi về  bộ phim Thần tượng có cả ưu lẫn khuyết...Mình xin góp ý thêm phần khuyết của phim như sau : diễn xuất  nam nữ chính quá chán và nhạt và diễn biến tâm lý không tốt.  Vĩnh thụy, Chi Pu quá nhiều đất diễn nhưng miêu tả nhân vật lại khá hời hột và q
...xem tiếp

0:18 Thursday,9.1.2014 Đăng bởi:  thanh

Bài viết khá hay và đầy đủ...Cũng có thể coi đây là  bài viết khách quan nhất trong những bài viết của Soi về  bộ phim Thần tượng có cả ưu lẫn khuyết...Mình xin góp ý thêm phần khuyết của phim như sau : diễn xuất  nam nữ chính quá chán và nhạt và diễn biến tâm lý không tốt.  Vĩnh thụy, Chi Pu quá nhiều đất diễn nhưng miêu tả nhân vật lại khá hời hột và qua loa.Phần cuối phim thì hơi bị đuối và khó thuyết phục người xem .Cảnh nóng giữa Vĩnh thụy và Phương Mai  thừa thãi ,chẳng ăn nhập gì tới bộ phim ...Và nhân vật Phương Mai xuất hiện trong phim cũng ... chẳng biết phải làm gì ( sáng sớm người yêu đi làm không ngủ nướng với nàng nên nàng giận...đòi chia tay ). Phần lời thoại nhiều đoạn khá sến  và dư như kéo khóa quần, áo mặc không qua khỏi đầu. Hay là 2 nhân vật chính yêu nhau quá nhanh và hiểu lầm nhau còn nhanh không kém.
Phần điểm cộng cho phim thì chính là nhạc phim...nghe mãi không chán...Phim khá trong sáng nhẹ nhàng ... Diễn xuất  Ngô Kiến Huy quá duyên lấn át cả dàn chính. Phim khá sạch ngoại trừ cảnh nóng Vĩnh Thụy .
Nói chung phim này vẫn chấp nhận được còn việc phim không đạt doanh thu cao thì đơn giản là mọi người chưa quen với việc xem phim trong sáng nhẹ nhàng thôi, nếu dàn chính là Vĩnh Thụy và phương Mai... mạch phim nhanh , chiến đấu khốc liệt , tàn nhẫn, và nhiều cảnh nóng là phim sẽ ăn khách thôi

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Gia Phả: Sự hòa thuận phô diễn

Mai Chi (từ Hanoi Grapevine) - Ảnh: Larissa Gehrke

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả