Trường phái

Mannerism, bài 1: Đứa em hỗn độn và vặn vẹo của Phục Hưng 10. 01. 14 - 7:02 am

Anh Nguyễn biên soạn

Nhắc tới Nghệ thuật Phục Hưng Ý thì không thể không nhắc tới ba tên tuổi Leonardo de Vinci, Michelangelo, và Raphael. Ai có chút kiến thức bỏ túi về hội họa cũng có thể kể ra Mona Lisa của Leonardo, trần nhà thờ Sistine của Michelangelo, và Raphael thì có… hai thiên thần hay xuất hiện trên hộp kẹo chocolate.

Hai thiên thần của Raphael

Không ít người sẽ thắc mắc vì sao một nền nghệ thuật Phục Hưng rực rỡ như vậy lại tàn lụi, phải chăng chỉ vì cái chết lần lượt của hai cây đại thụ Leonardo và Raphael vào năm 1519 và 1520?

Thực ra sự thoái trào của nghệ thuật Phục Hưng có một nguyên nhân sâu xa hơn: cuộc chiến tranh nước Ý 1521-1526, một trong một chuỗi các cuộc chiến được gọi chung với cái tên Italian Wars. Chiến tranh thường đẩy mạnh những phát triển về quân sự, song lại làm “tịt ngòi” nghệ thuật, đơn cử như việc Leonardo de Vinci không được dựng bức tượng đồng hình chú ngựa “Gran Cavallo” vì bảy mươi tấn đồng bị…huy động làm vũ khí bảo vệ thành Milan. Rome rơi vào tay Charles V, vua Tây Ban Nha, và nhiều thành bang khác của Ý cũng không còn tự do. Charles V vốn thích quyền lực hơn là hội họa, và đặc biệt không ưa các ông họa sĩ Ý. Chính trị, ở thời điểm nào, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nghệ thuật. Khi Rome mất độc lập kéo theo cái chết của nghệ thuật Phục Hưng, các họa sĩ Ý phải tìm một đường đi khác.

Xét trong một chừng mực nào đó, mỗi trào lưu mới đều hoặc là học tập, hoặc là cải tiến, hoặc phản kháng lại trào lưu cũ, và thường là cả ba. Mannerism là trào lưu đến ngay sau thời kì Phục Hưng Ý đỉnh cao, và có không ít người thích nó hơn. Đối với họ, Phục Hưng tròn đầy quá, hài hòa quá, hoàn hảo quá, và… nhàm chán quá. Họ đã chán bố cục tam giác, tỉ lệ vàng, những thiên thần đẹp phi thực tế, khung cảnh hoành tráng; họ chán sự sắp đặt và điển tích của Phục Hưng. Nếu Phục Hưng là người anh cả chỉn chu, đầy thành tích, thì Mannerism là một đứa em ngỗ ngược và khó chiều.

“Trường Athens” của Raphael gồm các triết gia và danh họa từ cổ chí kim đặt trong một bố cục đối xứng, hai bên là biểu tượng suy tôn nghệ thuật của Hy Lạp và chiến trận của La Mã – nếu toàn bộ Phục Hưng Ý được tóm tắt bằng một bức tranh thì đó ắt hẳn phải là bức này.

Cái tên Mannerism bắt nguồn từ maniera trong tiếng Ý – khi dịch ra tiếng Việt có thể mang nghĩa trung lập là phong cách, song chính xác hơn phải gọi Mannerism là Trào lưu kiểu cách. Vì Mannerism quả thật là một trào lưu nghệ thuật kiêu kỳ và có phần…phách lối (đối với những người ghét Mannerism). Để người chưa biết nó thì hiểu nó, để người chưa thích nó chuyển sang yêu nó hơn, hãy cùng tìm hiểu một vài đặc điểm của Mannerism.

Trước tiên, sự khác biệt cơ bản giữa Phục Hưng (Renaissance) và Mannerism là Phục Hưng lấy cảm hứng từ thiên nhiên, còn Mannerism lấy cảm hứng từ… Phục Hưng. “Người anh” Phục Hưng lý tưởng hóa thiên nhiên, vẽ mọi thứ thật đẹp rồi đặt gọn gàng cạnh nhau sao cho thật vừa mắt. “Người em” Mannerism tung hê hết những trật tự của Phục Hưng, tạo ra sự hỗn độn, căng thẳng, xung đột. Một lợi thế của Mannerism: tất cả mọi kĩ thuật vẽ người, vẽ động vật, cỏ cây, vẽ ánh sáng, bố cục, Phục Hưng đã trau giồi cho hoàn hảo, Mannerism chỉ việc kế thừa. Những người ghét Mannerism thường viện dẫn lý do quen thuộc: không có gì giống thật cả! Tuy nhiên các họa sĩ Mannerism không phải là không thể vẽ giống thật, mà là vì họ… không muốn.

Trong tranh Mannerism, nhiều nhân vật nhìn như bị…tra tấn. Cũng dễ hiểu, những tư thế đấy không thể thực hiện trong đời thật! Các nhân vật trong tranh Phục Hưng duyên dáng, ung dung, thì các nhân vật của Mannerism vặn vẹo, uốn éo như rắn – phong cách này có tên gọi là Figura Serpentinata (tiếng Latin: hình rắn). Nó rất giống với contrapposto, tư thế xoay người cổ điển của hội họa, song Mannerism đẩy nó lên cao độ để diễn tả cảm xúc tâm lý của nhân vật thêm phần sôi nổi. Cảm hứng số một của các nhà Mannerist là nhóm tượng Laocoon.

David của Michelangelo trong tư thế contrapposto

 

Laocoon và hai con trai bị rắn biển cuốn chết vì dám tiết lộ về con ngựa gỗ thành Troy

Để có thể đạt được Figura Serpentinata, các họa sĩ Mannerism chỉ có một cách: kéo dài chân tay, thân thể các nhân vật trong tranh! Vì thế, trong tranh Mannerism, ta thấy mọi người như bị “phẫu thuật” nối chi vậy. Hãy cùng ngắm Đức Mẹ cổ dài của Parmigianino (Madonna with the long neck)

.

Parmigianino (chú nhỏ đến từ Parma) không phải là người duy nhất thực hiện Figura Serpentinata, nhưng bức tranh Đức Mẹ cổ dài là ví dụ nổi tiếng nhất cho phong cách này. Trong tranh, Đức mẹ có cái cổ dài như cổ thiên nga. Trung bình đầu của một người chiếm cùng lắm 1/8, 1/9 chiều dài cả cơ thể, song ở đây đầu của Đức Mẹ chiếm có lẽ chỉ 1/11, 1/12. Những ngón tay dài mảnh khảnh một cách bất thường của Đức Mẹ thậm chí còn khiến nhiều người phỏng đoán xem người mẫu có phải bị hội chứng Marfan không (hội chứng khiến người bệnh rất cao, chi và các ngón tay dài.) Một lời giải thích hợp lý hơn là Parmigianino bị hội chứng Mannerism mà thôi.

Trong bức tranh trên, Chúa hài đồng nằm trong lòng Đức Mẹ cũng dài và to hơn hẳn đứa trẻ sơ sinh bình thường. Mắt Chúa nhắm nghiền song tư thế lại như sắp rơi xuống đất, nhồi nhét bên trái là một nhóm thiên thần gương mặt nhớn nhác, một cái chân thò vào khung hình bên trái, một hình người bé xíu bên phải (thánh Jerome) – sự hài hòa êm ả của Phục Hưng đã hoàn toàn biến mất. Nhìn vào tranh ta thấy sự căng thẳng, khuấy động, bố cục tranh chật hẹp tạo cảm giác bức bối, các nhân vật như không chịu đứng yên. Nếu mục đích của Parmigianino là tạo ra một bức tranh Đức Mẹ và Chúa hài đồng gây cảm giác xáo trộn nhất có thể, thì ông đã thành công.

Giờ có bài tập nhỏ: bạn thử xem tranh của El Greco, Francesco Salviati, Domenico Beccafumi để xem lại những đặc điểm của Mannerism mà bài này đã nêu, trước khi bước vào những đặc điểm khác của Mannerism, ở bài sau.

(Còn tiếp bài 2)

 

Ý kiến - Thảo luận

21:32 Friday,10.1.2014 Đăng bởi:  mở ngoặc

mình rất thích bài này. Rất cảm ơn tác giả. Cảm ơn Soi !


...xem tiếp
21:32 Friday,10.1.2014 Đăng bởi:  mở ngoặc

mình rất thích bài này. Rất cảm ơn tác giả. Cảm ơn Soi !

 
18:37 Friday,10.1.2014 Đăng bởi:  huy văn
Cảm ơn tác giả Anh Nguyễn đã có bài viết phân tích sâu về một trường phái. Cảm ơn Soi nữa.

...xem tiếp
18:37 Friday,10.1.2014 Đăng bởi:  huy văn
Cảm ơn tác giả Anh Nguyễn đã có bài viết phân tích sâu về một trường phái. Cảm ơn Soi nữa.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả