|
|
|
|||||||||||||
Ăn uốngMùa chán ăn (phần 2): ăn bánh mì trừ cơm 12. 01. 14 - 7:04 am(Tiếp theo Chán ăn phần 1) Mùa gì mà hết tiệc (thường) là đến… tiệc cưới, quay qua quay lại thấy toàn các món hoành tráng, rồi cơm chiên, thịt kho. Đúng ngay dịp “cổ truyền” mà nhìn mâm cơm đã phát ngấy, rõ khổ! Nhưng thiên hạ ai cũng cười toe nấu ăn, làm mình cũng muốn bỏ công ra nấu thứ gì đó. Thôi thì nhân dịp ngán cơm, tự làm bánh mì xơi vậy. Bài về các tiệm làm bánh mì và thậm chí bài về bánh mì brioche cũng có rồi, bây giờ là bài hướng dẫn để những ai đang chán ăn giống tôi có thể tự làm ra bánh mì ngon. Lan man một chút, thực chất bánh mì không cần men, cách đây mấy chục ngàn năm loài người đã biết xay lúa mì thành bột, nhồi nước và gia vị rồi đem nướng thành bánh. Nhưng sau đó họ phát hiện rằng nếu để hỗn hợp này lâu trong không khí, nó sẽ phồng lên, và ăn ngon hơn. Như vậy nếu bạn để lâu trong không khí thì bánh sẽ tự lên men, nhưng kiểu bánh mì này rất tốn thời gian. Bánh mì cổ không phải bánh mì vuông hay baguette như bây giờ, mà là bánh mì dẹt. Các loại bánh mì truyền thống cũng những nước như Ai Cập, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ… đều là bánh mì dẹt. Lan man thế thôi, bài này chủ yếu xoay vòng quanh bánh mì vuông và các loại bánh mì dễ bảo quản khác; nói chi tiết hơn là những loại bạn có thể cắt thành từng lát mỏng, bỏ tủ đá, khi nào chán ăn cơm thì bạn quờ vài miếng rồi quăng vô lò nướng (không cần rã đông). Bạn bỏ 1 ngày ra làm bánh mì là đủ ăn cho hơn 2 tuần (thậm chí bạn có thể đông đá bánh mì trong 1 tháng), thật tiện lợi cho những ai đang vác bụng sau khi ăn cưới, ăn tiệc, ăn… toàn nếp. Nguyên liệu chỉ có bột mì, muối, đường, bơ, men, và nước ấm: Bánh mì bán ngoài đường thì lúc nào cũng nhiều men để tiết kiệm bột, có loại còn cho cả chất bảo quản. Bánh mì tự làm lúc nào cũng ngon hơn trăm lần. Bạn đun lỏng bơ, để bơ hơi nguội rồi pha vào nước ấm, sau đó pha men vào tiếp (nước ấm men sẽ dễ nở hơn nước lạnh, nhưng nước nóng và bơ nóng thì… men ngủm.) Bỏ muối và đường vô bột mì rồi đem rây vô một cái thau khác, lấy tay “đào” một cái hố ở giữa chỗ bột vừa rây xong, sau đó đổ nước ấm pha men/bơ vào hố. Từ từ lấy cái muỗng gỗ trộn bột với nước, rồi dùng tay nhào cho bột quện lại. Rây chút bột mì lên bàn, lấy khối bột từ trong thau ra bàn để nhào. Bạn có thể dọn bàn ăn cơm, lót tí giấy báo dưới đất (nếu không thích bột rơi xuống làm dơ sàn), rồi nhào trên bàn ăn. Mấy cái trò dính bột nham nhở này con nít cũng rất thích nếu bạn muốn dạy con làm bánh mì. Bỏ bột nhào vô chính cái thau mình dùng để rây/quện bột, phủ miếng khăn ướt sạch (bằng vải mùng) lên trên, để nơi ấm và chờ 40 phút cho bột nở phồng. Ai đang sống tại vùng lạnh, bỏ thau bột vô tủ, rót nước sôi vô 3-4 ly nước rồi để mấy ly này vào tủ luôn, đóng cửa tủ lại, hơi nóng từ ly nước sẽ giúp không khí xung quanh bột ấm lên. Bột phồng rồi, lấy ra nhào lại chút nữa. Sau đó muốn nướng thành hình gì là tùy. Thích bánh mì vuông thì bôi dầu vào khuôn bánh, lăn cho bột thành hình ống dài, bỏ vào khuôn rồi chờ chừng 10-15 phút nữa để bột nở lần hai, xong đem nướng trong lò 200 độ (chừng 30 phút, lấy tăm chích thử xem chín chưa, chín rồi thì tăm không dính bột, không bị ướt). Nếu thích nướng ra nhiều bánh mì tròn nhỏ xinh, thì lúc bột phồng đợt 1, lấy nó ra khỏi thau rồi đem cân, làm toán (bắt con làm, coi như học toán cho mau thuộc, đỡ tốn tiền học thêm) xem chừng đó ký sẽ chia đều ra thành bao nhiêu bánh mì nhỏ hơn, rồi cắt bột ra thành từng viên theo số ký đã tính. Nhào sơ mấy viên bột này, để lên men đợt 2 rồi nướng. Nướng xong để nguội, cắt đôi, rồi đem đông đá nếu không ăn ngay. Bật mí: bỏ vô giữa bánh mì tròn miếng thịt viên, lát pho-mát, ít rau sống, là bạn có món hamburger tại gia, vừa rẻ vừa tiện. Bánh hamburger kiểu fast food thì ngán chứ bánh này sẽ chẳng ngán chút nào, rất hợp với những ai đang ghét cơm. Những kiểu bánh mì đơn giản vô cùng dễ biến tấu. Bạn nào thực sự chỉ muốn gặm mấy lát sau đợt tiệc tùng có thể bỏ ngũ cốc hoặc các loại hạt vô bánh mì (cho một nửa lúc nhào bột, nửa còn lại bạn “đắp” lên bánh trước khi để nó nở đợt 2, chứ bỏ hạt vào hết thì bánh sẽ nặng, không nở nổi). Bánh mì kiểu này có thêm vitamin, dinh dưỡng, lẫn chất xơ, gặm vã thay bữa được. Có người mách tôi rằng hạt bí, hạt dưa Việt Nam cho vào bánh mì sẽ rất ngon. Dịp tết này, sao không đãi khách vài lát bánh mì hạt dưa hạt bí nhỉ? Đỡ phải… dọn vỏ, đỡ phải phun vỏ phèo phèo. Trúng cái mùa này thì về nhà gần như tôi chẳng xơi cơm bao giờ. Nếu thích chút hương vị Ý, bỏ cà chua sấy khô và ô-liu xắt nhỏ vào bánh mì. Bánh có màu, nhìn cũng rất đẹp đấy.
Mọi người thử nướng bánh mì đi, tuần sau tôi sẽ chỉ vài loại nhân bánh ngon. À, nói thế thôi chứ “âm mưu” của tôi là làm một bài về trà chiều của Anh để nối gót món trà bạn Hieniemic đã rót sẵn, mà trà Anh thì cần bánh mì kẹp, vừa ăn vừa uống thư giãn, hợp với không khí nhâm nhi mùa lễ hội. Tôi làm trước bánh mì cho nó đủ bộ, tiện thể dành tặng những ai chán ăn cơm, nếp. Vậy những bài trà chiều thì các bạn chờ nhé. * Về bánh mì: - Ăn bánh mì, làm bánh mì, bán bánh mì - Mùa chán ăn (phần 2): ăn bánh mì trừ cơm - 6. 4: Raffaello Sanzio da Urbino – sống và chết trong tay cô thợ bánh mì - Câu chuyện bánh mì, bài 1: Vị cứu tinh cổ kim - Câu chuyện bánh mì (bài 2): Bánh mì ngon phải làm từ men vĩnh cửu - Câu chuyện bánh mì (bài 3): Pháp hay không Pháp, đó mới là vấn đề Ý kiến - Thảo luận
19:09
Sunday,17.2.2019
Đăng bởi:
Phúc
19:09
Sunday,17.2.2019
Đăng bởi:
Phúc
Em cảm ơn chị Pha Lê
22:21
Saturday,16.2.2019
Đăng bởi:
phale
@Phúc: Giảm nửa bột thì mấy thứ còn lại chia nửa thôi bạn :)
Nhưng kinh nghiệm mình thấy bánh mì cứ làm kha khá, xong rồi cắt lát sẵn và đem phần thừa đi đông lạnh. Khi cần ăn lấy thẳng từ tủ đông cho vào lò nướng để nướng, đỡ lấn cấn mỗi lần làm in ít. ...xem tiếp
22:21
Saturday,16.2.2019
Đăng bởi:
phale
@Phúc: Giảm nửa bột thì mấy thứ còn lại chia nửa thôi bạn :)
Nhưng kinh nghiệm mình thấy bánh mì cứ làm kha khá, xong rồi cắt lát sẵn và đem phần thừa đi đông lạnh. Khi cần ăn lấy thẳng từ tủ đông cho vào lò nướng để nướng, đỡ lấn cấn mỗi lần làm in ít. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp