Nghệ sĩ Việt Nam

Hú vía: hóa ra sinh nhật Nhà Sàn 25. 01. 14 - 6:40 am

Bùi Hoài Mai - Ảnh: Tịch Ru

Một thông báo về “tổng kết cuối cùng” của Nhà Sàn làm khá nhiều người tưởng nhầm đây là cuộc chia tay để đóng cửa vĩnh viễn sự hoạt động của địa chỉ này.

Không, đó chỉ là một lỗi câu cú, nghệ sĩ Trần Lương cho biết. Đây là sinh nhật sau 15 năm hoạt động, diễn ra tối ngày 17 tháng 1, là một dịp ngồi lại, tổng kết, để Nhà Sàn bước thêm một bước phát triển mới với một thế hệ mới, và trẻ. Những người ấy đã từng khởi đầu tại Nhà Sàn, bước ra thế giới, tìm kiếm một không gian hoạt động riêng tại Zone 9, găp sóng gió, không gian hoạt động riêng bị giải tán, ngày hôm nay, họ lại cùng nhau họp mặt dưới mái Nhà Sàn, ôn cố tri tân.

Nghệ sĩ Trần Lương

 
Hầu hết khách có mặt hôm ấy là những khuôn mặt khá quen thuộc với Nhà Sàn, khiến bước vào là thấy ngay cảm giác đầm ấm và gia đình. Nhưng trong không khí ấy vẫn diễn ra những tranh luận thẳng thắn của hai thế hệ khi tổng kết cho một lịch sử 15 năm hoạt động, làm người viết chợt nghĩ: “Thật là tiếc cho những ai quan tâm đến nghệ thuật, quan tâm đến những hoạt động của Nhà Sàn bỏ lỡ dịp này.”

Hai người bạn lâu năm là những người thuộc thế hệ Nhà Sàn đầu tiên: nhạc sĩ Xuân Sơn( trái) và ông chủ Nguyễn Mạnh Đức.

 
Chủ nhân của Nhà Sàn là ông Nguyễn Mạnh Đức hẳn phải rất tự hào với sáng kiến của mình, vào cái thời điểm mà mọi người trong giới mỹ thuật chỉ biết đến các triển lãm tranh được nhà nước bảo trợ. Ông Đức thuộc thế hệ họa sỹ đi qua chiến tranh, rời trường mỹ thuật vào chiến trường trong những năm tháng ác liệt nhất, từ năm 1970 đến 1975, rồi về học tiếp. Ông sinh ra trong một gia đình mà tất cả đều làm nghệ thuật, là con trai của nhà văn Kim Lân. Ông cũng thuộc những họa sỹ đầu tiên dám bỏ công việc hưởng lương tại một cơ qua nhà nước để bước ra sống độc lập bằng đủ thứ nghề. Thời đó, một hành động tưởng như đơn giản vậy như cũng đòi hỏi sự dũng cảm ghê gớm. Có lẽ, từ hành động dứt khoát đó và cùng với sự ủng hộ của bạn bè mà một không gian nghệ thuật độc lập đã ra đời – không gian nghệ thuật Nhà Sàn.

Bà giám đốc viện Goethe cũng đến từ sớm. Viện Goethe cũng là nơi tổ chức khá nhiều chương trình dành cho các thành viên của Nhà Sàn

 

Trong nhà có hai màn chiếu lớn, chiếu những bộ phim tài liệu có ghi lại quá trình phát triển của Nhà Sàn, các buổi trình diễn, những giai đoạn khó khăn của Nhà Sàn… Thấy trên màn hình có Lê Huy Hoàng. Hôm đó, cũng nhìn quanh quẩn để tìm anh mà không thấy, sau mới biết anh đang bị ốm. Trong lúc đọc soát lại bài viết này lần cuối cũng thì được tin anh đã mất. Xin chia buồn với gia đình anh và Nhà Sàn. Các bạn đã mất đi một thành viên góp phần mang lại tên tuổi cho không gian nghệ thuật Nhà Sàn.

 

Họa sĩ Nguyễn Quang Huy cũng thuộc thế hệ đầu của Nhà Sàn studio.

 

Tuấn Mami, người thuộc thế hệ thứ hai của Nhà Sàn.

 

Những người bạn của Nhà Sàn: hai họa sĩ Trịnh Minh Tiến và Đỗ Hiệp (áo xanh).

 

Nhạc sĩ trẻ Lương Huệ Trinh.

 

Khoảng 7 giờ, mọi người bắt đầu cuộc trò chuyện với những thành viên được cho là chủ chốt trong những ngày đầu tiên được mời ngồi lên phía trước: Sơn X ( Nguyễn Xuân Sơn), Nguyễn Mạnh Đức, Nguyễn Quang Huy và Trần Lương.

Trần Lương bắt đầu cuộc nói chuyện bằng việc kể lại lịch sử từ lúc hình thành ý tưởng không gian nghệ thuật Nhà Sàn cho đến những hoạt động đầu tiên.

Từ những ngày đầu, Nhà Sàn phát triển từ một nơi bảo tồn, trình diễn các bộ môn nghệ thuật truyền thống, rồi dần dần trở thành nơi trình diễn các bộ môn nghệ thuật đương đại. Một quá trình vừa đi, vừa dò dẫm thế nhưng đã tạo ra một sự say mê và hào hứng của rất nhiều người. Phải nói rằng, động cơ lúc đó chính là sự thay đổi, hệt như xã hội Việt Nam lúc đó, đang cố gắng gạt bỏ tư duy bao cấp, giáo điều và tìm cách mở cửa ra với thế giới.

Trần Lương

Trần Lương quả thực là một diễn giả chuyên nghiệp. Anh có một lối nói chuyện rất cuốn hút, vẫn đưa được đầy đủ thông tin mà lại đầy tình cảm, xen hóm hỉnh. Vừa điểm lại từng bước đi của Nhà Sàn, anh vừa cho chiếu những hình ảnh minh họa ghi lại những tác giả, tác phẩm đã từng làm ở Nhà Sàn qua từng ấy năm. Thỉnh thoảng mọi người lại ồ lên khi thấy một ai đó quen và tất nhiên trông còn khá trẻ so với bây giờ.

Có ý kiến cho rằng Trần Lương là một curator khá cực đoan. Trần Lương nói, anh nghĩ đó là nghĩa vụ của một curator, khi mà Việt Nam thực sự chưa có curator đúng nghĩa, và sự thúc ép thế là việc cần phải có để phát triển các nghệ sĩ. Và nghệ sĩ nào cũng cần có một quá trình rèn luyện trau dồi với các curator.

.

Trần Lương cũng nói về việc phát triển thể loại nghệ thuật trình diễn ở Nhà Sàn, khi mà trên thế giới nghệ thuật trình diễn đã rất phát triển, và các thành viên Nhà Sàn mỗi lần đưa ra tác phẩm đều phải làm việc rất kĩ lưỡng, để đi tới sự thống nhất chung trong quá trình làm tác phẩm.

Qua lời kể của Trần Lương, ta lại thấy được một hình ảnh khác của Nhà Sàn, giản dị và đầm ấm hơn, và cũng trải qua nhiều biến động xã hội. Thiết nghĩ giá như những buổi họp mặt đông đủ của Nhà Sàn như thế này mà có ai ghi chép lại thì sẽ rất hay, Vì qua 15 năm lịch sử đó cũng sẽ nhìn thấy rõ sự tác động của xã hội, và ảnh hưởng rất mạnh đến quá trình phát triển nghệ thuật của thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này.

*
Người đầu tiên viết nên lịch sử Nhà Sàn là ông Nguyễn Mạnh Đức (gọi thân mật là Đức Nhà Sàn). Những năm 1990s, xã hội Việt Nam đành phải chấp nhận một cuộc chuyển mình không còn đường thối lui. Các cánh cửa đành phải hé mở ra thế giới, chấp nhận hội nhập. Nhà Sàn của ông Đức lúc đó là một không gian thú vị có thể thỏa chí tò mò của đủ các giới người. Rất nhiều người nước ngoài, các doanh nhân, các nghệ sỹ tìm được ở căn nhà đó nhiều điều ngạc nhiên trong cái thành phố đang ồn ỹ chuyển mình. Đó cũng là cơ may để ông cùng Trần Lương và các họa sỹ có cùng suy nghĩ làm một cái gì “khác”, tạo ra một không gian cho các thể nghiệm nghệ thuật của mình. Ông nói về cái cách mà ông và thế hệ ông được dạy dỗ, đó là hãy lấy thế hệ trước làm tấm gương, hãy tư duy như thế hệ trước, và làm như thế thì anh sẽ an toàn.. Ông tự hỏi rằng liệu mình đang sống cuộc sống của bản thân hay lại đang sống lại cuộc sống của cha ông để lại.

Chủ nhân Đức Nhà Sàn

Khác với cách nói tự tin và đôi khi khá quyết liệt của Trần Lương, ông Đức Nhà Sàn có lẽ được thừa hưởng cái cách ăn nói nhỏ nhẹ, tế nhị và chân tình của cha là nhà văn Kim Lân. Ông nói: thực tế, không chỉ xã hội trước kia, mà ngay ở xã hội hiện nay cũng vẫn còn rất nhiều người trẻ phải sống theo giấc mơ của cha mẹ, trong khi đáng ra thì chính giới trẻ “phải” và “đáng phải sống” theo cách của họ.

Tuy nhiên, ông Đức cũng rất thẳng thắn cảnh báo về một xu thế làm nghệ thuật một cách vội vàng, đề cao quá đáng tính cá nhân, tính hình thức của lớp trẻ. Nó đang biến thành thứ nghệ thuật “xa xỉ”. Nó sẽ mất đi công chúng và sức sống. Ông Đức Nhà Sàn kể thêm một câu chuyện: ông đã rất xúc động khi chứng kiến những người dân biểu tình đòi đất với những khẩu hiệu đeo trước ngực. Trong khi đó, có rất nhiều người đi ngang qua với thái độ thờ ơ. Ông không loại trừ thái độ vô cảm này cũng là căn bệnh của khá nhiều những người cho mình là nghệ sĩ.

Rất thẳng thắn, trong cuộc tranh luận vào gần cuối buổi, ông không hề ngại ngần cảnh báo con gái mình, họa sỹ Phương Linh, người đang tiếp nối thế hệ trước tiếp tục phát triển Nhà Sàn, rằng cô đang có điểm yếu là thiếu vốn sống.

*

Nhạc sĩ Xuân Sơn (còn gọi là Sơn X) là một người bạn rất thân thiết với Đức Nhà Sàn và là một trong những người tham gia vào các dự án nghệ thuật của Nhà Sàn từ rất sớm.
 

Sơn X: đeo kính

Sơn X không phải là người hoạt ngôn nên anh chọn cách nói rất thẳng thắn và thực tế. Anh nói rằng khi đi xem các tác phẩm trong các dự án của Nhà Sàn, anh luôn coi mình là khán giả chứ không phải với con mắt người của Nhà Sàn. Có rất nhiều tác phẩm của các bạn trẻ khiến anh không hiểu và cảm thấy hoang mang, đôi khi đọc statement thì rất hay, rất nhiều ý đao to búa lớn, nhưng khi xem thì không cảm thấy thuyết phục. Anh cũng nói rằng anh cảm thấy hiện nay các nghệ sĩ nước ta làm việc theo tinh thần “bè bạn” nhiều quá chứ chưa thực sự có cách làm việc chuyên nghiệp và được nghiên cứu kĩ lưỡng cẩn thận. Anh nhấn mạnh về việc các nghệ sĩ phải có trách nhiệm nhiều hơn với khán giả.

Ý kiến của nhạc sĩ cũng khiến phần nào buổi thảo luận trở nên sôi nổi hơn, kích thích nhiều bạn trẻ nêu ra ý kiến của riêng mình. Có lẽ đây là dịp rất hiếm hoi mà hai thế hệ có thể ngồi đối thoại thẳng thắng một cách dân chủ như thế này. Tất nhiên tranh luận lại với ý kiến của Sơn X, một số ý kiến của các bạn trẻ cho rằng vì đời sống các bạn đã khác, vấn đề của các bạn cũng khác. Có ý kiến thì lại được hiểu như vì các bạn không muốn lặp lại người đi trước nên xảy ra tình trạng “các bác không hiểu”.

 *

Giảm bớt dược căng thẳng trong cuộc tranh luận là nhờ phần chia sẻ vài kỉ niệm trước kia với Nhà Sàn của họa sĩ Nguyễn Quang Huy. Cách nói của anh rất nhẹ nhàng, tế nhị, làm không khí được giãn ra…

Nguyễn Quang Huy

*

Đến lượt nghệ sĩ trẻ Nguyễn Phương Linh tâm sự về tuổi thơ, khi cô là người sống và lớn lên ngay trong ngôi nhà này, trong môi trường của các nghệ sĩ mà theo cô “có cái điên rất dễ thương” này, rồi sau đó cùng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của Nhà Sàn; Từ những ngày đầu với bố Đức, mẹ Lương, với Trần Lương, Sơn X, Trương Tân, Quang Huy… cho đến những năm 2008, khi anh Nguyễn Mạnh Hùng thay Trần Lương điều hành Nhà Sàn, rồi đến năm 2010 thì xảy ra vụ việc màn trình diễn của Lại Thị Diệu Hà bị các trang mạng khai thác theo hướng xấu, khiến cho Nhà Sàn bị các cơ quan chức trách chính quyền dòm ngó, khiến cho khoảng thời gian đó mọi hoạt động của Nhà Sàn gần như bị kết thúc.

Nguyễn Phương Linh (áo vàng)

Mới gần đây nhất thì những thế hệ thứ hai thứ ba của Nhà Sàn có thuê được một địa điểm ở Zone 9, tuy tồn tại có 6 tháng trước khi Zone 9 bị đóng cửa nhưng Nhà Sàn Collective đã tổ chức được rất nhiều các chương trình triển lãm, trình diễn… Coi như đó là một năm đầy biến động với Nhà Sàn. Và bây giờ Nhà Sàn lại quay lại đại bản doanh để tiếp tục phát triển những thế hệ sau này.

Nguyễn Phương Linh là con gái của Đức Nhà Sàn, và hiện tại cô là người đại diện cho các thế hệ trẻ của Nhà Sàn.

.

Buổi tối tổng kết kiêm sinh nhật này thật đặc biệt khi người dự được chứng kiến sự giao tiếp giữa các thế hệ nghệ sĩ ở Nhà Sàn. Hai thế hệ ngồi với nhau cùng ôn lại những thăng trầm của Nhà Sàn trong 15 năm phát triển, cũng như sự trao đổi về quan điểm nghệ thuật giữa các thế hệ. Đây cũng là dịp hiếm hoi để những người ngoài có thể biết thêm được sự hình thành và các thời kì thăng trầm của Nhà Sàn gắn liền với các biến động xã hội.

Buổi nói chuyện diễn ra rất bình đẳng và dân chủ, ai cũng có quyền được lên tiếng phát biểu. Từ trẻ đến già đều tôn trọng ý kiến cá nhân của nhau. Kết thúc buổi trò chuyện, mọi người cùng ăn tiệc và uống rượu vang nóng. Một phần nhờ rượu nóng, bữa tiệc sinh nhật đã khép lại thật vui vẻ, đầm ấm.

.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả