Điện ảnh

Nước Mỹ sẽ ra sao nếu hồi ấy thiếu Shirley Temple? 14. 02. 14 - 10:25 pm

Mỗi lần nhắc tới ngôi sao nhí Shirley Temple, tôi lại nhớ đến hai điều.

Điều đầu tiên là mẹ tôi, bà trải qua một thời thơ ấu vô cùng cực khổ tại nơi sơ tán; ngày nọ, trường sơ tán của mẹ dẫn học sinh đi xem một phim của Shirley Temple. Thời ấy hiếm hoi lắm mới được xem phim, và trong tất cả các phim được xem thì mẹ nhớ nhất cô bé tóc xoăn tít, vừa nhảy vừa hát rất dễ thương. Khi mẹ kể về kỷ niệm này, mắt mẹ luôn long lanh, một phần vì mẹ nhớ đến thời thơ ấu gian khó, phần còn lại là vì cô bé Shirley đáng yêu đã giúp mẹ có được những phút giây thật hạnh phúc trong quãng thời gian cực khổ ấy.

Ngôi sao nhí Shirley Temple, 1934. Nguồn: Everett Collection

Điều thứ hai, là khi Shirley (lúc này đã già) nhận giải SAG thành tựu vào năm 2006, máy quay lia đến gương mặt Morgan Freeman, Ang lee, Hilary Swank… khi họ vỗ tay chúc mừng bà, ánh mắt của họ y hệt ánh mắt của mẹ tôi mỗi lần nhắc đến Shirley.

Sinh ngày 23. 4. 1928, bố của Shirley là nhân viên ngân hàng còn mẹ của Shirley chủ yếu ở nhà nội trợ, tuy nhiên bà mẹ khá tham vọng và cho cô bé đi học nhiều lớp múa hát khi bé mới 2 tuổi. Chẳng bao lâu sau Hollywood phát hiện ra cô bé, và dân Mỹ bắt đầu yêu Shirley khi bé đóng phim “Stand up and cheer” (dù Shirley xuất hiện có vài phút)

Shirley và Warner Baxter trong một cảnh của “Stand up and cheer”, 1934

Năm 1934 đó, Shirley đóng… 10 phim liền, vài tháng sau khi “Stand up and cheer” ra mắt, Shirley nhận vai chính trong “Little miss marker”, “Baby take a bow” và “Bright eyes”. Cả 3 tác phẩm này đã khiến cô bé tóc xoăn nổi như cồn, trở thành hiện tượng của nước Mỹ. Chả mấy chốc, ngôi sao nhí Shirley biến thành ngôi sao hạng A (cộng) của Hollywood.

Shirley trong “Baby take a bow”

 

Shirley trong “Bright Eyes”, bộ phim có bài hát “On the good ship lollipop” rất nổi tiếng

Phim của Shirley ngô nghê theo kiểu trẻ con, nói trắng ra là… chẳng hay gì cả. Nhưng vào những năm 30s, nước Mỹ đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng rất trầm trọng, chính vẻ yếu đuối, khuôn mặt ngây thơ, dễ thương của Shirley đã giúp dân Mỹ lên tinh thần. Tổng thống Roosevelt từng nói “Thật là tuyệt khi người Mỹ chỉ cần bỏ ra 15 cent là có thể vào rạp, ngắm gương mặt đáng yêu của một cô bé, và quên đi nỗi nhọc nhằn của mình.”

Vừa hát vừa múa vừa diễn (trong những phim mà giờ xem lại thì thấy chúng ngố vô cùng), Shirley cứ thế kéo khán giả vào rạp, và trở thành một trong những ngôi sao kiếm tiền bậc nhất thời đó. Hãng Fox trả cho bé hơn 1000 USD mỗi tuần – số tiền kinh khủng vào cái thời khó khăn ấy. Phải nói rằng, tuy Shirley không phải là một diễn viên đúng nghĩa, nhưng cô bé là một ngôi sao, cái tố chất này học cách mấy cũng chẳng bắt chước nổi.

Shirley (cùng bố và mẹ) ký hợp đồng với hãng Fox

Shirley cũng chính là lý do khiến tôi dị ứng với những ai chỉ toàn thích xem phim nghệ thuật nghiêm túc, thẳng thừng xù những phim giải trí mà họ cho là ngốc và rẻ tiền. Giá trị nghệ thuật của phim Shirley Temple đóng quả là không cao, nhưng nó đã giúp rất nhiều người tìm thấy hy vọng và hạnh phúc trong thời điểm khó khăn nhất; và lắm lúc, chính sự ngô nghê của trẻ con lại làm nên nhiều chuyện lớn, ý tôi muốn nhắc tới hình ảnh này:
 

Bill Robinson và Shirley nhảy múa trong “The little Colonel”, 1935. Bill là nam diễn viên Shirley thích nhất, cô bé cũng rất khoái nhảy cặp với ông. Trong thời điểm mà người Mỹ da trắng còn phân biệt đối xử với người da đen ở trong lẫn ngoài màn ảnh, Shirley Temple là cô gái da trắng đầu tiên nhảy múa với nam diễn viên da đen trên phim. Xem phim sẽ thấy rằng Shirley yêu quý Bill một cách vô cùng tự nhiên, cũng chính vì thế mà các diễn viên da đen nổi tiếng hiện nay đều rất mến Shirley.

 

Khoái Bill, Shirley tiếp tục đòi đóng chung với ông, và kết quả là bộ đôi này đã khiến triệu dân Mỹ thích mê trong các tác phẩm như “The littlest rebel”, “Rebecca of Sunnybrook farm”, “Just around the corner”… Chả trách sao khi vỗ tay chúc mừng Shirley, ánh mắt của Morgan Freeman nom y hệt ánh mắt của mẹ tôi. Hình: Shirley và Bill trong “The littlest rebel”

 

Năm 1935, Hollywood trao Oscar danh dự cho Shirley để cảm ơn những gì cô bé đã làm cho ngành điện ảnh.

Khi nước Mỹ dần thoát khỏi khủng hoảng, loại vai ngây ngô không còn hợp thời nữa, và cô bé cũng lớn. Dần dà Shirley cảm thấy rằng mình không còn hợp với màn bạc, nên quyết định ngưng đóng phim. Shirley trở lại với điện ảnh bằng vài vai nhỏ khi bước vào tuổi teen, nhưng đến năm 1949 thì Shirley Temple biến mất khỏi Hollywood.

Shirley trong “A Little Princess”, 1939. Bộ phim này rất thành công nhưng sau đó, sự nghiệp của Shirley bắt đầu đi xuống vì ngôi sao đã đến tuổi dậy thì, không còn là bé con nữa.

 

Cũng năm 1939, Dali vẽ bức “Shirley Temple, quái vật màn bạc trẻ nhất, thiêng liêng nhất trong thời đại của cô bé”

 

Shirley và cựu tổng thống Ronald Reagan trong “That Hagen Girl”, một phim hiếm hoi của cựu ngôi sao nhí lúc trưởng thành.

Rời màn bạc, Shirley hạnh phúc khi làm mẹ của bé Linda Susan (với chồng đầu John Agar), cũng như  Charles Black Jr và Lori Black (với chồng sau Charles A Black). Năm 1967, Shirley lúc này đã lớn tuổi, bà bắt đầu tham gia chính trường. Sự nghiệp chính trị của Shirley cũng rất thành công, trải dài từ năm 67 đến năm 92, sau đó bà đành nghỉ hưu vì lý do sức khỏe.

Shirley với con gái Linda Susan và người chồng đầu, 1948.

 

Shirley cùng chồng sau và 3 con, 1957.

 

Shirley tham gia hội nghị về môi trường của Liên hiệp Quốc với tư cách là người đại diện của Mỹ, 1972.

 

Ảnh chụp Shirley khi bà làm đại sứ Mỹ ở Ghana, 1975. Shirley đang ngồi xem bộ lạc ở thành phố Cape Coast nhảy múa. Từ năm 1989-1992, bà còn là đại sứ Mỹ ở Công hòa Czech.

Như đa số ngôi sao nhí của Hollywood, Shirley phát hiện ra rằng mình gần như không còn một xu dính túi khi lớn (chủ yếu là do bố mẹ quản lý tiền bạc theo kiểu bậy bạ.) Lắm người tự hỏi rằng, từ bé Shirley đã nổi tiếng như thế – nếu so với ngôi sao nhí thời nay thì Shirley nổi hơn nhiều do bà gần như chẳng có đối thủ – lớn lên thì mất tiếng tăm, còn mất cả tiền; thế nhưng bà vẫn tìm được hạnh phúc, sự nghiệp mới, chẳng hề vướng vào xì-căng-đan hay u sầu như các ngôi sao nhí khác. Điều này thật là một phép màu!

Shirley với giải SAG thành tựu, 2006.

Shirley Temple qua đời và ngày 10. 2. 2014, xin cám ơn Shirley vì đã giúp mẹ tôi có những giây phút thật đẹp trong lúc bà đang chịu nhiều khó khăn.

Ý kiến - Thảo luận

8:51 Sunday,16.2.2014 Đăng bởi:  SA
Tính nhà ngoại giao này rất ngây thơ, chuyện kể là trong 1 tiệc đãi TTK LHQ U Thant, bà đưa cho ô Kissinger (vốn là gian hùng ít sánh được của thời đại ông) 1 bản hiến chương LHQ do bà gạch đầu gạch đít những chỗ được bà cho là cần thiết và bảo K rằng, mình nên đọc kỹ nh
...xem tiếp
8:51 Sunday,16.2.2014 Đăng bởi:  SA
Tính nhà ngoại giao này rất ngây thơ, chuyện kể là trong 1 tiệc đãi TTK LHQ U Thant, bà đưa cho ô Kissinger (vốn là gian hùng ít sánh được của thời đại ông) 1 bản hiến chương LHQ do bà gạch đầu gạch đít những chỗ được bà cho là cần thiết và bảo K rằng, mình nên đọc kỹ những điều lệ này của LHQ, nếu tuân thủ thì thế giới sẽ tránh được chuyện chiến tranh!
nghe là đã thấy muốn hôn!
 
2:30 Sunday,16.2.2014 Đăng bởi:  SA

@diep diep
Mình nghĩ có khả năng đó là áo dài VN , vào điểm 1957 còn là "lạ" mắt, biết đâu là do phu nhân Patricia Nixon tặng sau chuyến công du của ông bà 1953. Ảnh áp chót thì bà mặc áo Phi châu đấy chứ, và photoshop vợ chồng tướng Acheampong ra khỏi ảnh, thì cũng là một nhan sắc thiếu nắng Accra.
Thời gian Đông Âu đổi xác, ĐS tại Czechcoslovakia Shirley Temple Blac
...xem tiếp

2:30 Sunday,16.2.2014 Đăng bởi:  SA

@diep diep
Mình nghĩ có khả năng đó là áo dài VN , vào điểm 1957 còn là "lạ" mắt, biết đâu là do phu nhân Patricia Nixon tặng sau chuyến công du của ông bà 1953. Ảnh áp chót thì bà mặc áo Phi châu đấy chứ, và photoshop vợ chồng tướng Acheampong ra khỏi ảnh, thì cũng là một nhan sắc thiếu nắng Accra.
Thời gian Đông Âu đổi xác, ĐS tại Czechcoslovakia Shirley Temple Black ra lan can sứ quán mặc áo phông có hàng chữ "STB", tức là tên bà viết tắt nhưng thế thì nói làm gì, StB tại đây có nghĩa là cơ quan An ninh Quốc gia (kiểu KGB).
Wikileaks rất ga-lăng với phụ nữ, đợi bà qua đời mới công bố các trao đổi giữa ĐS tại Ghana và Ngoại trưởng Kissinger. Trong một mật điện ông này viết "Tôi yêu em và tôi nhớ em. Tôi đang nghĩ cách ba tháng lại đổi nhiệm sở em một lần để có thể hôn em (nhân gặp gỡ vào lễ tuyên thệ)"

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả