|
|
|
|||||||||||||
Bàn luậnGMO: Chuông nguyện hồn ong 07. 10. 15 - 7:31 amPha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịchLời người dịch: Các bài về thực phẩm GMO kỳ trước có nhắc tới việc thuốc xịt cỏ Round up của Monsanto cũng như thuốc xịt cho hạt giống biến đổi gien của các hãng hóa chất khác là thủ phạm giết rất nhiều ong. Nhưng đó chỉ là nhắc sơ thôi, cuộc sống của loài ong hiện bi đát hơn ta tưởng – chẳng có gì lạ do mọi thứ liên quan đến công nghệ GMO hay thuốc xịt đầy hóa chất luôn bi đát hơn ta nghĩ nhiều. Thế nên lần này hãy dành chút thời gian quan tâm đến các chú ong cần cù chăm chỉ nhé * “Nếu ong biến mất khỏi bề mặt trái đất, loài người sẽ chỉ sống được thêm không quá bốn năm. Không có ong, không có thụ phấn… là không có con người” – Albert Einstein “Thật trớ trêu khi nghĩ rằng con người có khả năng quyết định tương lai của mình qua một chuyện rất vặt vãnh như việc chọn lựa phương thức trừ sâu “– Rachel Carson, tác giả của cuốn sách khoa học/môi trường Silent Spring Vào năm 1962, khoa học gia Rachel Carson xuất bản cuốn Silent Spring (Mùa xuân vắng lặng) – một tác phẩm đột phá về tác động của chất hóa học lên môi trường sống. Thật buồn khi bà qua đời 2 năm sau đó. Nhưng nếu sống đến bây giờ thì hẳn bà sẽ rất đau lòng khi thấy thế giới này đang sử dụng hàng triệu tấn hóa chất với liều lượng ngày càng tăng chỉ để tiêu diệt cỏ dại cũng như các loài sâu bọ mà loài người không ưa.
Ngày 6. 2. 2013, một ngôi làng gần thành phố Campeche ở Mexico đã gánh chịu tổn thất nghiêm trọng: 1,500 đàn ong mật bỗng biến đâu bặt tăm. Lũ ong không để lại một dấu vết gì, trong tổ chỉ còn mật, ong chúa, và lứa ong non. Với những người trong ngành, đây chẳng phải là chuyện mới mẻ. Chứng Colony Collapse Disorder (CCD – Rối loạn vỡ đàn) tiếp tục diễn ra. Việc mất ong lần này là tin cực xấu cho cộng đồng địa phương, vụ lúa năm 2013 của họ vừa mất mùa do hạn hán, nên họ phải trông chờ vào nguồn thu từ mật ong hữu cơ. Đáng buồn thay, ngay cạnh ngôi làng lại có những cánh đồng độc canh trồng đầy cây GMO. Nông dân và các nhóm ủng hộ thực phẩm hữu cơ cho rằng đây là thủ phạm của chứng vỡ đàn mà đàn ong của họ mắc phải. Khi ong biến mất, nguồn thực phẩm của chúng ta cũng mất theo Vậy chứng vỡ đàn CCD chính xác là gì? Đây là một vấn đề toàn cầu, giải thích ngắn gọn thì nếu bạn là người nuôi ong, bỗng dưng ngày nọ bạn ra nhà ong và thấy ong thợ biến đâu mất tiêu, thì đấy là chứng vỡ đàn. Những chú ong thợ thường sẽ chết sau khi biến xa khỏi tổ, nhiều khả năng ong non và ong chúa cũng sẽ hy sinh tiếp do không có ong thợ đem mật về là chúng không sống nổi. Khi ong chết dần với số lượng lớn, hồi chuông cảnh báo bắt đầu vang lên. Ong đóng vai trò thiết yếu trong quá trình nuôi trồng thực phẩm. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), hơn ¼ cây trái lương thực của Mỹ phải dựa vào ong để thụ phấn (mà đó là Mỹ, chúng ta ăn còn nhiều rau trái hơn nên không chừng còn cần ong gấp bội lần).
Không có ong, không có thức ăn. Hay chí ít là không có táo, cherry, hành tây, cần tây, bắp cải, và một danh sách dài những món khác, trong đó bao gồm hạnh nhân với việt quất – và theo Hiệp hội nuôi ong Hoa Kỳ, muốn hai loại loại cây này đơm hoa thì 90% phải dựa vào ong để thụ phấn. Nhưng theo ước tính, 1/3 số lượng ong trên thế giới đã biến mất kể từ năm 2006. Lịch sử của một cuộc khủng hoảng đang hình thành Vào cuối năm 2006, các nhà nuôi ong khắp nước Mỹ và châu Âu hứng chịu một thảm họa chưa từng thấy: ong của họ chết dần, và không chỉ thế, hàng triệu con ong thợ lại biến mất – chúng bay đi mà không bao giờ quay lại, để mặc cho ong chúa lẫn ong non chết dần chết mòn. Khoảng 30% số lượng ong ở Mỹ đã tiêu tùng, tại một số bang thì lượng ong bỗng dưng biệt tăm còn lên đến 80%.
Hậu quả ra sao? Nhiều giống cây trồng thuần chủng, đặc biệt là cây hạnh nhân, bỗng nhiên gặp nguy cơ mất mùa. Không được thụ phấn, cây không thể ra trái. Lần đầu tiên kể từ những năm 1930s, Mỹ phải “nhập khẩu” ong từ khác nước khác như Úc. Xu hướng nhập ong vào Mỹ vẫn tiếp diễn đến tận ngày nay do lượng ong tại xứ chú Sam vẫn chưa ổn định. Một tương lai ảm đạm Có một nơi mà ong đã mất hoàn toàn: phía Nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Do nơi này từng sử thuốc diệt cỏ hạng nặng theo kiểu vô độ hồi những năm 1980s mà những chú ong thợ – nguồn lực thụ phấn thiết yếu của địa phương – đã tuyệt diệt. Ngày nay, thay vì nhờ ong (miễn phí), họ phải trả tiền nhân công để thụ phấn bằng tay. Đầu tiên họ phải đi thu thập phấn hoa của các cây ăn trái, sau đó họ dùng cọ nhỏ làm bằng lông tơ để quét lên hàng trăm ngàn bông hoa hòng thụ phấn một cách thủ công. Nuôi trồng kiểu này rất khó khăn và tốn kém. Nếu thảm cảnh ấy diễn ra ở một nước như Mỹ – nơi tiền nhân công cao hơn Tàu – thì việc thụ phấn bằng tay ước lượng sẽ ngốn 90 tỉ đô một năm. Nguyên nhân của CCD Việc bùng nổ chứng CCD khắp toàn cầu vào năm 2006 đã thúc giục chính phủ gấp gáp dùng tiền để tài trợ các nghiên cứu hòng tìm ra nguyên nhân – với hy vọng là họ sẽ tìm được cả giải pháp – cho CCD. Sáu năm sau, kết quả điều tra chính thống kết luận rằng CCD bắt nguồn từ vài yếu tố khác nhau, bao gồm: sử dụng thuốc diệt côn trùng bừa bãi, diễn biến khí hậu bất thường, bệnh dịch, các loại kí sinh, nạn độc canh, và lạm dụng thuốc kháng sinh. Người ta tin rằng những yếu tố này đã kết hợp thành một “cơn bão hoàn hảo” khiến nhiều tổ ong gần như biến mất qua một đêm. Trong khi tất cả các yếu tố đều là một phần thủ phạm, đa số các nghiên cứu mới lẫn cũ đều kết luận rằng: một số loại thuốc diệt cỏ cũng như thuốc diệt côn trùng nhất định – loại chuyên dùng để canh tác các giống cây GMO – đang đóng vai trò rất lớn trong thảm họa này Thuốc diệt côn trùng & GMO Các nhà khoa học dần nhận thấy rằng chất diệt côn trùng như neonicotoids (viết ngắn: neonics) đang là nhân tố chính của nạn sụt giảm lượng ong trên toàn cầu. Neonics luôn xịt triền miên trên các cánh đồng trồng cây GMO, và mấy loại thuốc xịt này không giết ong chết liền, mà hành hạ ong từ từ bằng cách phá hoại khả năng học hỏi, ghi nhớ, và thậm chí làm hỏng kỹ năng tìm đường về tổ của ong. Vì ong không hy sinh ngay tắp lự nên các nhà nông không nhanh chóng phát hiện ra cái hiểm họa này khi họ xịt thuốc, và ong cứ thế suy yếu dần, mất khả năng tiếp thu, mất khả năng hấp thụ dinh dưỡng, mất hệ miễn dịch, cuối cùng chúng sẽ mất phương hướng cũng như dễ mắc bệnh hiểm nghèo Các loại thuốc xịt neonics hiện đang là tâm điểm khi bàn về ong, nhưng các nhà khoa học khuyến cáo rằng những chất hóa học khác cũng chịu trách nhiệm. Ví dụ như chất 2,4-D của hãng Dow – vốn có “liên hệ mật thiết” với chất độc da cam mà Mỹ từng rải ở Việt Nam. Ngoài gây ung thư và dị tật bẩm sinh ở người, 2,4-D cũng rất độc đối với ong. Roundup thì sao? Loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi nhất cũng như nổi tiếng (hay tai tiếng nhỉ) nhất trên thế giới chính là Roundup của Monsanto mà. Roundup cũng thế thôi, do muốn trồng cây GMO thì nông dân thường phải dùng tới hai loại thuốc xịt: Roundup (để diệt cỏ) cùng với neonics (để diệt côn trùng), chứ diệt một thứ đâu ăn thua. Ở mấy cánh đồng GMO thì Roundup và neonics luôn bắt đôi bắt cặp. Monsanto với Dow còn đem ngâm hạt giống trong thuốc neonics (để ngăn không cho sâu bọ tha hạt đi lúc gieo xuống đất), thế nên dù chỉ dùng Roundup, không xịt neonics lúc trồng cây GMO đi chăng nữa, hạt giống cũng ngâm đầy neonics rồi.
Theo những con số thống kê từ EPA, chính phủ Mỹ ngày càng cho phép các công ty lớn trồng nhiều cây GMO hơn, và diện tích đất trồng cây GMO cứ thế bành trướng. Thuốc diệt côn trùng giết ong, còn thuốc diệt cỏ là nghi can chính trong vụ thảm sát bướm chúa. Như đã đề cập trong bài Cho chúng nó chết, Roundup giết hết các loài cỏ dại – trong đó có cỏ bông tai, nguồn thức ăn chính của bướm chúa. Chuông nguyện hồn ong (và bướm) Loài bướm chúa vẫn chưa đến nỗi trên đà tuyệt chủng. Nhưng liệu như thế nghĩa là chúng ta có thể gạt bỏ tác động của GMO lên sự phát triển của loài bướm này?
Tiến sĩ Karen Oberhauser, giáo sư tại Đại học Minneapolis kiêm chủ nhiệm phòng nghiên cứu bướm chúa của trường, từng viết rằng: “Tôi xin tranh luận rằng dù vì đạo đức hay vì tính ích kỷ đi chăng nữa, loài bướm chúa luôn đáng để chúng ta bảo vệ. Từ góc độ đạo đức, nếu chúng ta gây biến đổi hệ sinh thái và khiến cả một giống loài tuyệt chủng thì như thế là không hợp đạo lý. Vì vậy, bảo vệ bướm chúa là hành động ‘đúng đắn’. Từ góc độ ích kỷ, chúng ta có thể học hỏi nhiều điều về cách di trú, sự tương tác, cấu trúc dân số, và sự sinh sản của sâu bọ thông qua nghiên cứu bướm chúa. Loài bướm này có thể dạy chúng ta nhiều điều về hoạt động của thế giới tự nhiên, nên càng hiểu biết thêm về thế giới tự nhiên sẽ càng có lợi cho loài người chúng ta mà thôi”. Nhưng giờ đây, liệu chúng ta có dám chuyển hướng đi cũng như hàn gắn các tổn thất thiên nhiên này? Liệu chúng ta sẽ cứu lũ ong, lũ chim, bướm – và bản thân loài người – bằng việc đuổi cây trồng GMO, các loại thuốc xịt diệt côn trùng neonics và thuốc diệt cỏ Roundup ra khỏi thị trường? Và chuyển hướng sang canh tác nông nghiệp hữu cơ trước khi quá muộn? * (Tên bài là chơi chữ từ tiểu thuyết “For whom the bell tolls” – Chuông nguyện hồn ai – của nhà văn Hemingway) Ý kiến - Thảo luận
14:29
Wednesday,20.5.2020
Đăng bởi:
Trang Vu
14:29
Wednesday,20.5.2020
Đăng bởi:
Trang Vu
Đọc mà thấy thương tụi ong quá.
12:15
Wednesday,6.5.2020
Đăng bởi:
phale
@ Linh An Pham: Cuốn Silent Spring (Mùa xuân vắng lặng) đó được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt. Trong bài mình cũng nhắc tới cuốn này vì nó khá là phổ biến và tác giả Rachel Carson cũng là một nhà hải dương học có tiếng. Hình trong bài là cuốn sách ấy mà bản tiếng Anh.
...xem tiếp
12:15
Wednesday,6.5.2020
Đăng bởi:
phale
@ Linh An Pham: Cuốn Silent Spring (Mùa xuân vắng lặng) đó được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt. Trong bài mình cũng nhắc tới cuốn này vì nó khá là phổ biến và tác giả Rachel Carson cũng là một nhà hải dương học có tiếng. Hình trong bài là cuốn sách ấy mà bản tiếng Anh.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp