|
|
|
|||||||||||||
Trường pháiNhững “dã thú” tiêu biểu của Fauvism 21. 03. 14 - 2:31 pmAnh Nguyễn biên soạnTiếp theo bài 1 Kỳ trước chúng ta đã tìm hiểu đôi chút về khởi nguồn của phong trào Dã thú và người cầm cờ chỉ huy – Matisse. Kỳ này sẽ đi sâu hơn về những yếu tố hợp nhất lại để tạo nên phong trào Dã thú. Trên thực tế, có nhiều nhà sử học không phân loại Fauvism là một phong trào theo đúng nghĩa. Fauvism không có một bản tuyên ngôn riêng hoành tráng như Futurism, không có các triển lãm chung như Impressionism, lại càng không có một nhóm họa sĩ tự “vỗ ngực xưng danh” liên kết với nhau như Dadaism. Các họa sĩ Fauvism “hơi hơi” quen biết nhau, vẽ những bức tranh “hơi hơi” giống nhau, và tình cờ triển lãm ở cùng một salon vào năm 1905, sự kiện đem lại cho họ cái tên bầy Dã thú. Lúc mà Fauvism bắt đầu có tiếng vang cũng là lúc nó bắt đầu nguội lạnh, tổng cộng khoảng 3 năm. Các Fauvist, sớm hay muộn, đều đổi hướng đi, và Fauvism như một thời tuổi trẻ bồng bột song có tính bước ngoặt trong sự nghiệp của họ. Nói vậy, vẫn không thể phủ nhận đỉnh cao của Fauvism khi nó đang ở thời hoàng kim và những ảnh hưởng huy hoàng của nó lên các thế hệ nghệ sĩ từ 1908 đến nay. Sẽ không quá lời nếu nói rằng, nếu không có Impressionism thì cũng không thể có Fauvism. 30 năm cuối của thế kỉ 19 đã chuẩn bị cho màu sắc trở thành một đơn vị độc lập trong hội họa, để biến màu sắc thành nhân vật chính chứ không phải là người, hay cá, hay hoa, hay bất cứ cái gì. Những nhân vật kia chỉ đơn thuận là sàn diễn để màu sắc được phô bày, là những căn phòng để chứa màu sắc mà thôi. Và Impressionism đã dọn đường cho Fauvism để điều đó trở thành hiện thực. Trong quá trình Impressionism được thai nghén rồi bừng nở và lụi tàn, các họa sĩ Ấn tượng đã thử nghiệm với tất cả, trước tiên là chuyển sang vẽ phong cảnh, để đỡ phải tuân theo các quy tắc hình thức của vẽ người. Rồi những dấu phẩy màu của Impressionism, những dấu chấm màu của Pointillism, những vệt màu của Divisionism đều giúp cho các đường cọ thoát ly dần khỏi đối tượng được mô tả.
Vào khoảng 1905, sự thử nghiệm với màu sắc đã sắp bước đến giai đoạn bão hòa và Fauvism, giống như ngọn nến cháy lên lần cuối trước khi tắt hẳn, đã đẩy cuộc chơi màu sắc của Impressionism đến tận cùng. Được dẫn dắt bởi những bức tranh của Van Gogh và Gauguin, các họa sĩ Fauvist sản xuất ra những bức tranh “kì quặc”: có những mảng bị phủ sơn đậm đặc, lại có những mảng để trống không. Và cũng chính những Fauvist đã vận dụng các màu sắc khác hẳn nhau, song đặt cạnh nhau để đánh lừa thị giác, khiến bức tranh có cảm giác về đậm nhạt, sáng tối, mà không dùng những biện pháp cổ truyền như đánh bóng hoặc pha màu. Một điều bất ngờ với nhiều người: tuy Matisse là Dã thú nổi tiếng nhất, nhưng nếu chiếu theo các điều lệ cơ bản của Fauvism, thì Matisse vẫn còn thiếu nhiều tiêu chuẩn. Đấy là bởi tuy sẵn lòng “chơi nổi” với màu sắc, Matisse luôn luôn hướng tới sự êm dịu, bình thản, rõ ràng của hội họa Pháp truyền thống. Nếu muốn hình dung được rõ ràng tính chất Pháp ấy, không thể không tham khảo những bức tranh của Puvis de Chavannes, một vị thầy của những người thầy:
Bố cục cổ điển của Puvis de Chavannes đem lại cảm giác hiền hòa, bình ổn, song các nhân vật của ông vẫn có một vẻ uy nghiêm và vững chãi. Puvis de Chavannes thường miêu tả những đề tài kinh thánh hoặc đạo đức. Matisse học tập bố cục từ Puvis de Chavanes để diễn tả vẻ đẹp êm dịu của cuộc sống, thấy rõ nhất trong bức Luxe, Calme et Volupte (tên lấy từ tập thơ Những bông hoa ác của Baudelaire): Trong những Dã thú còn lại, hai người tuân thủ nghiêm ngặt những quy chuẩn của Fauvism nhất là Derain và Dufy. Mặc dù Andre Derain đã gặp gỡ Matisse và những Dã thú khác tại Paris từ 1900, ông phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự và chỉ đến 1904 ông mới quay lại để bắt kịp với phong trào. Andre Derain chịu ảnh hưởng của Van Gogh trong việc sử dụng các sắc độ khác nhau của đỏ-vàng-xanh, nhóm thành những mảng màu lớn để diễn tả ánh sáng, còn học từ Gauguin việc bỏ qua các nguyên tắc về tỷ lệ, xa gần. Cảnh gần và cảnh xa trong bức tranh hầu như không có sự khác biệt. Nhân vật nữa là Raoul Dufy, có thể ít tham vọng hơn Derain, song không kém phần thành công. Dufy đến với Fauvism khá muộn màng và ban đầu ông học hỏi phần lớn từ Matisse, nhưng rất nhanh chóng, ông xác lập được phong cách của riêng mình. Giống như Derain, ông yêu thích những bố cục lạ, không gian hai chiều, và những yếu tố như nhà cửa, cây cối, kiến trúc. Màu sắc của Dufy tuy nhiên lại dịu hơn, và có thể nói là “Pháp” hơn nhiều những Dã thú khác. Trong tất cả những Dã thú, người được hưởng lợi nhiều nhất từ Fauvism có lẽ là Maurice de Vlaminck. Là người bạn thân thiết của Derain, hai người đã từng cùng nhau hợp tác sản xuất vài cuốn tiểu thuyết…người lớn có tranh minh họa trước khi bắt tay vào một sự nghiệp hội họa nghiêm túc hơn. Được truyền cho niềm cảm hứng mới về cấu trúc lẫn màu sắc, Vlaminck sản xuất một series các bức tranh vẽ trên bờ sông Seine. Một khi rơi khỏi ảnh hưởng của Fauvism, tranh của Vlaminck ngay lập tức trở lại “sền sệt” như trong bức Người đàn ông hút thuốc: Nhiều người đoán sự thất bại của Vlaminck là do việc ông sử dụng hai màu trắng và đen không phải như hai màu, mà là để gây hiệu quả sáng-tối trong tranh; điều này về cơ bản là đi ngược lại quy tắc của Fauvism. Ngoài ra, có rất nhiều họa sĩ bị ảnh hưởng bởi Fauvism theo một cách nào đó: Fries, Marquet, Manguin, và Braque – người sáng lập ra Cubism. Fauvism, với sự nhấn mạnh vào những đường cọ xuất chúng và các màu sắc rực rỡ, đã đem lại cho Derain và Vlaminck một cơ hội duy nhất để tạo ra những bức tranh để đời, đã giúp cho những họa sĩ như Dufy xác định được bảng màu của mình, và giúp Matisse trở thành một trong hai họa sĩ quan trọng nhất của nửa đầu thế kỉ 20. Vì vậy, và chỉ cần vậy thôi, Fauvism xứng đáng được vinh danh là phong trào hội họa quan trọng đầu tiên sau Impressionism. Ý kiến - Thảo luận
7:18
Saturday,22.3.2014
Đăng bởi:
bôi sỹ
7:18
Saturday,22.3.2014
Đăng bởi:
bôi sỹ
Rất thích xem những bài như thế này. Hay
22:20
Friday,21.3.2014
Đăng bởi:
Phú Sỹ
Bài viết của Anh Nguyễn hay lắm. Mình hiểu thêm về các trường phái, phong trào một cách nhẹ nhàng, gần gũi, nhưng vẫn không kém phần sâu sắc qua các bài viết của bạn và các hình ảnh minh họa. Cảm ơn bạn nhiều. Mong sớm được đọc các bài khác của bạn về các trường ph&aac
...xem tiếp
22:20
Friday,21.3.2014
Đăng bởi:
Phú Sỹ
Bài viết của Anh Nguyễn hay lắm. Mình hiểu thêm về các trường phái, phong trào một cách nhẹ nhàng, gần gũi, nhưng vẫn không kém phần sâu sắc qua các bài viết của bạn và các hình ảnh minh họa. Cảm ơn bạn nhiều. Mong sớm được đọc các bài khác của bạn về các trường phái khác.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp