|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhMột triển lãm nên xem thật! 15. 09. 10 - 3:59 pmVũPHÍA SAU TRI THỨC Triển lãm tranh của Phạm Trần Việt Nam
Phố Hồ Tùng Mậu hóa ra nằm bên hông tòa nhà cao nhất Sài Gòn được diễn giải mang hình bông sen (và cả thành phố theo đó mà bảo là hình bông sen – lại một thành quả nữa của truyền thông!). Phòng triển lãm Phía sau Tri thức (gallery Tự Do – 53 Hồ Tùng Mậu) ngay khi bước vào cửa đã cho tôi một cảm giác tiêu cực: những màu sắc rất gắt và không chút hài hòa, những hình dạng chen chúc của những bức tranh khổ to treo quá gần nhau trong một căn nhà phố Việt Nam điển hình 4m bề ngang… Nhưng đó không phải lỗi của người treo tranh. Tôi đã từng xem tranh chất trong nhà kho, với một nhân viên lấy đùi đỡ đám khung nặng chịch cho khách lật từng bức một. Không. Đây là vấn đề ở từng bức tranh. Phạm Trần Việt Nam, với chữ ký như nét chữ học trò, đôi khi viết nắn nót nhưng chễm chệ ngay giữa tranh, đã vẽ những bức tranh với bút pháp khiến tôi liên tưởng những người thợ chép tranh trong những cửa hàng nhỏ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Phải nói rằng, tôi đến phòng tranh này vì đọc bài giới thiệu trên Soi. “Một triển lãm nên xem”. Đúng vậy, nếu không xem, tôi sẽ phải ân hận suốt vì một sự đánh giá lầm qua ảnh. Vào phòng tranh, tôi phóng ngay đến bức Phía Sau Tri Thức 1, mà nhìn trên Soi thì rất ấn tượng. Giờ đây, trong phòng triển lãm, bức tranh mà ai đó bảo là nhại lại bức Bữa Tiệc Ly (tôi không nghĩ thế, tôi thấy nó giống như vẽ lại một cuộc họp nào đó) hoàn toàn khác hẳn, không còn uyển chuyển như trong ảnh chụp trên web. Những hình thù lúc này hiện ra mồn một ngay trước mắt, đầy những đường chì nháp còn rõ ràng trên canvas (và bức nào trong phòng triển lãm cũng thế), những khuôn mặt méo mó, dị dạng, mang lại một cảm giác “âm tính”, đáng sợ của một sự vô hồn, chứ không phải sự đáng sợ của cái ác như họa sĩ nói, cho dù đó đã là bức vẽ tốt nhất của cả phòng triển lãm, theo tôi, một triển lãm mà cái “đẹp” hoàn toàn không có, cho dù là cái đẹp của sự non nớt nghề. Nếu như Người xem Sài Gòn từng ví tranh của Phạm Trần Việt Nam với tranh của Francis Bacon thì tôi lại cho rằng chỉ việc bàn đến đẹp xấu trong tranh P.T.Việt Nam đã là một sự “quá lắm” rồi! Nhưng chẳng lẽ không bàn, khi cả một trang web khen nó đẹp, nó đáng xem, còn mình đến tận nơi và thấy đó không phải là tác phẩm? Ở tranh của người vẽ này, tôi thấy một sự tối tăm: về không gian riêng mà anh ấy muốn truyền đạt, về bố cục, về tình cảm toát ra từ tranh. Tuy sử dụng các tích, các truyện của Kinh thánh, của sử, của tôn giáo, nhưng mọi trạng huống khác nhau của các thời khác nhau đã bị người vẽ quy về một thứ đồng phục. Bộ đồng phục ấy như thế nào? Đó là màu sắc sống sượng, thiếu chiều sâu, những đường sơn không chăm chút mà cũng không tung tẩy của nghệ sĩ, về mặt matière căn bản cũng chưa đủ chuẩn. Đường cọ bị bó trong những đường chì nháp, như học trò dọ dẫm tô theo những nét đã vạch sẵn nên rất cứng. Mọi hình thù bị vặn vẹo đi không lý do. Không phải do cái ác vặn vẹo, mà do sự quái thai cố tình vặn vẹo. Cái ác vô lý này, mâu thuẫn thay, lại đậm nhất ở bức “đỡ” nhất của triển lãm (bức Phía sau tri thức 1), đến mức có cảm giác đang đứng trước điều xúi quẩy. Tranh nào cũng thế, mọi “tri thức” vào đến tranh đều bị cào bằng, do không có phần giải quyết của riêng tác giả, về chiều sâu, trước từng tích, truyện. Chính vì thiếu chiều sâu, nên dù đã chọn lối vặn vẹo làm bản sắc, thực sự tranh của P.T.Việt Nam vẫn thiếu hẳn một bản sắc riêng. Anh bị bề ngoài chi phối nhiều quá, nên nhìn tranh anh vừa thấy quen thuộc, (có lẽ do ảnh hưởng mỗi thứ một chút?), vừa thấy lạnh lẽo vì không có tình cảm. Không, tôi nói sai, có tình cảm, đó là cái ác – một cái ác cố tình của người vẽ, có lẽ để bù lại thứ tình cảm về cái đẹp mà tranh có thể làm nảy nở ở người xem. Tóm lại tôi thấy, ở triển lãm này, người vẽ đã chọn một đề tài quá lớn, khối lượng công việc nhiều, nhưng tay nghề non nên quá sức. Lối tiếp cận đề tài lại là lối khó: vẽ méo mó mà vẫn được gọi là tranh là một thách thức vô cùng lớn. (Nên nhớ: bạn đang vẽ tranh chứ không phải vẽ bậy trên tường). Quá sớm để làm một triển lãm cá nhân, và quá rộng rãi khi khen hay chê, hay phân tích. Nhưng chẳng lẽ lại không làm những việc đó? Để những lời khen một chiều cất lên như bài viết vừa rồi trên Soi? Tôi không nói những người khen P.T.Việt Nam là sai. Mỗi người một thẩm mỹ mà… Có lẽ P.T. Việt Nam và những người thích tranh anh sẽ có lý lẽ của họ, và anh sẽ có thị trường của riêng anh. Tranh của anh khá rẻ, trừ bức to nhất và khá nhất là 10.000 USD, còn lại đều khoảng 1.000 – 2.000. Bạn vẫn có cơ hội đến xem vì triển lãm sau 19. 9 mới đóng cửa. * Bài liên quan: – Một triển lãm nên xem Ý kiến - Thảo luận
1:05
Friday,17.9.2010
Đăng bởi:
jonh
1:05
Friday,17.9.2010
Đăng bởi:
jonh
Tranh đẹp quá! Mình rất thích... Sao bài viết này chê dữ vậy! Chẳng có vấn đề gì mà soi mói quá đáng.
0:38
Friday,17.9.2010
Đăng bởi:
giang
Tôi cho rằng P.T.Việt Nam là một người có phẩm chất nghệ sĩ nhưng vẽ không đẹp. Mà thế không phải là hiếm. Tranh có tư tưởng nhưng không đẹp. Đã gọi fine art thì phải "fine". Tranh VN khô về màu, thô về nét, rối về bố cục. Nhìn cả phòng tranh trông không đẹp. Nhìn riêng đúng là Phía sau tri thức 1 là được hơn cả. Nhưng vẫn khác ảnh lắm. Nói chung ảnh 10 thì tranh
...xem tiếp
0:38
Friday,17.9.2010
Đăng bởi:
giang
Tôi cho rằng P.T.Việt Nam là một người có phẩm chất nghệ sĩ nhưng vẽ không đẹp. Mà thế không phải là hiếm. Tranh có tư tưởng nhưng không đẹp. Đã gọi fine art thì phải "fine". Tranh VN khô về màu, thô về nét, rối về bố cục. Nhìn cả phòng tranh trông không đẹp. Nhìn riêng đúng là Phía sau tri thức 1 là được hơn cả. Nhưng vẫn khác ảnh lắm. Nói chung ảnh 10 thì tranh được 3. Trên ảnh các thứ mịn hơn. Vì thu nhỏ lại nên những khuyết điểm cũng nhỏ luôn, khó thấy lắm. Với lại ai đi xem tranh qua mạng mà khen chê!
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp