Khác

Takashi Murakami gây náo loạn 16. 09. 10 - 8:44 pm

Lương Lương tổng hợp

Takashi Murakami với phóng viên trong khu vườn điện Versailles

Tuần trước ARTINFO France đã có bài tường thuật cuộc họp báo trước triển lãm của Takashi Murakami, gồm những bức tượng khổng lồ theo phong cách manga tại lâu Versailles. Tại cuộc họp báo này, người phụ trách lâu đài, ông Jean-Jacques Aillagon tuyên bố, “Tác phẩm của Takashi Murakami thật vui tươi và Versailles là một cung điện để vui, để hạnh phúc, để hưởng đời.

Vâng, nhưng Versailles dường như cũng là nơi để tranh cãi nổ ra nảy lửa, kể từ khi nơi đây bắt đầu trưng bày các tác phẩm đương đại, đầu tiên là của Jeff Koons vào 2008, tiếp theo là một nghệ sĩ Pháp (tuy có ít gây tranh cãi hơn), Xavier Veilhan vào 2009, rồi nay thêm ông Takashi Murakami nhập “bọn”. Hai nhóm cánh hữu đứng dọc hai bên đường phân phát những truyền đơn kêu gọi chống lại cuộc triển lãm. Họ cũng thu được cả ngàn chữ ký, nhưng đến ngày mở cửa chính thức thì cuộc biểu tình đã lên kế hoạch từ trước chỉ còn lại có chục mạng tham gia, theo tờ Le Monde cho hay.

Thế còn dân tình trên khắp thế giới nghĩ sao về triển lãm sắp đặt này? Tờ ARTINFO liếc qua phản ứng cực đoan của mọi người trước những sáng tác nhiều màu sắc của Murakami và thấy giới truyền thông rất là phân tán, chia ra từ ca ngợi hết lời đến bất bình phủi sạch, tới ghê tởm cùng cực.

 

Miss Ko2 trong Phòng Chiến tranh của điện Versailles

• Theo tờ Le Monde, bộ trưởng văn hóa Pháp Frédéric Mitterrand đã vượt qua được sự lưỡng lự ban đầu của ông: mặc dầu tuyên bố là “bản thân” “rất bảo vệ di sản Pháp” nhưng ông cho rằng triển lãm này “tốt”. Hy vọng ban quản trị lâu đài không bị ngợp trước sự ủng hộ này (được bày tỏ hết sức dạt dào) của chính phủ mà chủ quan.

• Yves Jaeglé của tờ Le Parisien thì nghĩ rằng cuộc triển lãm là một sự thay đổi hay ho cho lâu đài và khuyên mọi người “quên sự đối lập đi, đến mà xem 22 tác phẩm vui tươi và màu sắc của Takashi Murakami.” (Ừ, mấy khi được xem tận mắt. Mà muốn ném cà chua thì cũng phải đến tận nơi mới ném trúng được chứ!)

 

Kiniky Isu trong Salon de Mercure, điện Versailles

• Với Devorah Lauter của tờ Los Angeles Times, cái lý thú của triển lãm này nằm ở sự trộn lẫn giữa mỉa mai và yêu thích, như trong Bộ quần áo mới của Hoàng đế (có ai làm nghệ thuật mà chưa thuộc câu chuyện này không nhỉ?) – một ông vua béo mắt trợn to (chắc nói đểu Murakami đây?) đứng đối lập thật khôi hài với những bức tranh treo trên tường xung quanh, vẽ Napoleon I trong Phòng Đăng quang.

• Sébastien Le Fol của tờ Le Figaro cho rằng triển lãm này “dễ thương” và “trẻ con mê Hello Kitty với đám teen say manga thể nào cũng thích.” Nhưng Sébastien thấy tác phẩm của Murakami, không giống như hai vị tiền nhiệm là Veilhan and Koons, thực sự chẳng ăn nhập gì với xung quanh, đấy mới là cái khiến Sébastien bực mình.

Porn and Me, trong Salon de Diane, điện Versailles

• Trên L’Express, Annick Colonna-Césari dường như hết hồn khi thấy cuộc diện kiến đầu tiên của Murakami với Louis XIV và điện Versailles lại qua ngả manga, là thứ “mang lại toàn bộ cảm hứng cho anh ta” nhưng Annick nhận thấy tác phẩm của Murakami “nhẹ nhàng, mê hoặc, thích thú, kích thích tò mò, nhưng cũng thường là rối loạn, bất nhất.”

• L’Express cũng xuất bản một danh sách “10 điều nên biết về chàng Takashi Murakami bất khả trốn tránh”, danh sách này giải thích” vì sao tác phẩm của Murakami lại “quan trọng” và thấy đây đúng là một người theo trường phái Warhol (Warholian) “thuần chủng”, với một “công xưởng” dùng tới 50 người ở Tokyo, 20 người ở New York. Điều cần biết nhất về Murakami là gì nào? “Anh ta thích những thứ tục tĩu, thích tinh dịch, và tiêm thuốc kích thích cho động vật” (stuffed animals on acid – Soi không dịch được, không biết có giống như thí nghiệm “elephant on acid” nổi tiếng kỳ quái không: năm 1962, Warren Thomas tiêm thuốc LSD cho con voi Tusko cho nó hưng phấn đến chết” – bạn nào biết chỉ giùm), và đó là lý do vì sao, tờ L’Express nói, “bạn thực sự cần lớn lên trong những năm 90 để mà chịu được cơn điên sặc sỡ này mà không bị động kinh.”

Matango

• Maurice Ulrich của tờ L’Humanité cánh tả thì bình về “sự rởm đời bệnh hoạn” của triển lãm, nhưng thấy rằng, mặc dù Murakami bảo cảm hứng của ông đến từ tác phẩm Alice trong xứ thần tiên, nhưng tác phẩm thì lại thiếu hẳn sự châm biếm mạnh mẽ của Lewis Carroll; thay vào đó, có vẻ thích hợp với một nơi như Disneyland hơn.

Công dân Mỹ nào không bay đến Pháp mà xem được, đừng thất vọng. Giống như Jeff Koons từng làm trước đó, nhưng trình tự ngược lại, (Koons làm ở Macy’s trước rồi mới tới Versailles), Murakami sẽ làm một tour từ lâu đài Versailles tới cuộc diễn hành lễ Tạ ơn của Macy’s. Trong cuộc diễu hành này, hai nhân vật của nghệ sĩ, có tên Kaikai và Kiki, sẽ xuất hiện trên hai quả bóng tay to ơi là to.

Kakai và Kiki tại Salon de Venus

 

Kakai và Kiki

Liệu dân New York có phải phòng trước một cơn nổi giận của cánh hữu trong ngày đáng ra để chén gà tây không, trước cái gọi là “báng bổ di sản quốc gia” đúng như tinh thần chiến đấu trên nước Pháp? Chắc là không. Đến cuộc diễu hành nhân lễ Tạ Ơn của hệ thống cửa hàng Macy’s mà còn trở thành một thiết chế văn hóa, thì lịch sử 86 năm của nó làm gì thấm đẫm nổi sức mạnh biểu tượng như cái lâu đài Versailles đã gần 400 tuổi kia!

(Theo Art Info)

 

*

Bài liên quan:

– Giá tranh ngất ngưởng của Mr.
– Takashi Murakami liệu có bị ném trứng?
– Tin-ảnh: Tượng di dời, tượng xuống biển
– Aya Takano: Sexy và phức tạp
– Takashi Murakami gây náo loạn

– Lại bẫy “ngực khủng” của Murakami?

– Quá cỡ, quá sex, Murakami khai thác quá khứ bằng một triển lãm sỗ sàng

Ý kiến - Thảo luận

23:14 Thursday,16.9.2010 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Em có ý kiến là nghệ thuật đương đại bày trong lâu đài cổ thì cả hai (cổ-kim) càng tôn kính nhau lên, có gì đâu mà phải bùn ạ.
...xem tiếp
23:14 Thursday,16.9.2010 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Em có ý kiến là nghệ thuật đương đại bày trong lâu đài cổ thì cả hai (cổ-kim) càng tôn kính nhau lên, có gì đâu mà phải bùn ạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả