Gẫm & Bình

Nghệ thuật thị giác có thể vỗ về… (phần 2): Alain de Botton lấy thí dụ một vài tác phẩm 05. 06. 14 - 7:42 am

Alain de Botton – Hồ Như Mai st và dịch

Tiếp theo phần 1

Nỗi buồn
Fernando Pessoa (2007-08) của Richard Serra

.

Thường ta rất cô đơn khi buồn. Trong một thế giới nhộn nhịp nơi người ta tôn thờ sự thành công, nỗi buồn thường đi kèm với chút xấu hổ. Ta không chỉ buồn thôi mà còn buồn vì chung quanh chẳng ai buồn cả. Không thể loại bỏ đau khổ khỏi cuộc đời, nhưng ta hoàn toàn có thể học cách buồn hiệu quả hơn – tức là (vẫn buồn nhưng) làm sao để ta không cảm thấy mình bị trừng phạt, hay thấy rằng đời sao mà bất công. Fernando Pesso là một tác phẩm điêu khắc tối màu cực kỳ đẹp của Richard Serra. Tác phẩm được đặt theo tên của một nhà thơ người Bồ Đào Nha, người hay làm những bài thơ buồn (“Ơi biển mặn/ Bao nhiêu muối của biển có từ những giọt nước mắt xứ Bồ Đào Nha”)

Tác phẩm không phủ nhận nỗi buồn, cũng không bảo ta phải vui lên, mà cũng chẳng chỉ ra một hướng tươi sáng hơn. Tác phẩm điêu khắc to lớn, u sầu này như muốn tuyên bố rằng nỗi buồn thực ra cũng hết sức bình thường, ở đâu cũng có. Nó như muốn nói rằng rồi chúng ta sẽ nhận ra và biết cách cư xử với những xúc cảm ảm đạm trong cuộc sống hàng ngày.

Thay vì để ta ngồi đó một mình với cõi lòng u tối, tác phẩm lại tuyên bố rằng nỗi buồn cũng là một phần của cuộc sống. Với tầm vóc đồ sộ nặng nề, như nhiều tác phẩm tuyệt vời khác, Fernando Pesso tạo ra một cư ngụ đường hoàng cho nỗi buồn.

Lao động
Bên tủ đựng chăn màn (1663) Pieter de Hooch

.

Họa sĩ người Hà Lan thế kỷ 17 Pieter de Hooch vẽ lại một khung cảnh đơn giản trong gia đình: một vài người phụ nữ đang làm việc nhà. Trong tranh không có binh lính, vua chúa, thánh tử vì đạo hay thần linh gì cả; chỉ là cuộc sống thường nhật mà thôi.

Những việc ta phải làm hằng ngày thường chẳng có gì đẹp đẽ hay thú vị. Công ăn việc làm, hóa đơn phải trả, nhà cửa phải dọn dẹp, dần dần ta phát ngán lên được. Chiếc tủ đựng vỏ chăn cũng dễ làm người ta thấy ghét, vì nó làm ta nghĩ đến một công việc chán nản, tầm thường chẳng có gì hấp dẫn.

Nhưng bức tranh khiến ta cảm động khi nhận ra sự thật trong thông điệp ẩn chứa. Phải chi, cũng như De Hooch, ta biết cách nhận giá trị của những công việc thường ngày, thì bao gánh nặng cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng. Tác phẩm nói lên tầm quan trọng của một thái độ đúng đắn: những thứ to tát trong đời – việc tìm kiếm tiền của, hạnh phúc, những mối quan hệ đều hiển hiện trong cách ta tiếp cận những thứ nhỏ nhặt. Bức tượng trên cánh cửa là một manh mối. Bức tượng xa xỉ, tượng trưng cho tiền bạc, tình yêu, địa vị, sức mạnh, sự phiêu lưu. Gấp chăn màn không hề đối lập với những kỳ vọng cao xa đó. Thực tế nó liên quan mật thiết. Tác phẩm khiến ta nhận ra vẻ đẹp của những người làm những công việc tầm thường, trong đó có cả chúng ta.

Thật đáng mừng vì tác phẩm nói trên được nhiều người ngưỡng mộ; nó cho thấy rằng thẳm sâu bên trong ta đều hiểu được De Hooch đang nói đến một điều vô cùng quan trọng

Sự đắm đuối
Một bản tình ca: Daphnis and Chloe (1500-01) của Nicola Pisano

.

Trong tác phẩm Daphnis và Chloe, Pisano khiến ta nghĩ đến những khởi đầu của tình yêu, một khoảnh khắc khi sự ngọt ngào quyến rũ của người yêu choáng ngợp trước mắt ta. Với Daphnis, Chloe như vật báu – chàng hầu như không dám chạm vào nàng. Sự say đắm, danh dự và những kỳ vọng cho tương lai như hiện ra sống động trước mắt chàng. Chàng muốn xứng với nàng; chàng không biết nàng có yêu mình không. Chính sự ngờ vực đó làm chàng thấy mong manh vô chừng. Chàng không bao giờ cho phép mình coi sự hiện diện của nàng là hiển nhiên. Một người có vợ/chồng/người yêu lâu năm, tới độ mọi thứ đã trở nên quá quen thuộc khi xem bức tranh này sẽ thấy vô cùng bổ ích, vì nó nhắc ta rằng đã có lúc ta thấy choáng ngợp trước người yêu, đến độ hàm ơn.

Các mối quan hệ
Trận cãi vã trong bếp (2012) của Jessica Todd Harper

.

Ta nhìn đâu cũng thấy nhan nhản hình chụp các cặp tươi cười bên nhau – đa số những hình ảnh đó lừa phỉnh một cách sâu sắc, làm ta cũng dễ ảo tưởng theo, từ đó rất khó hài lòng với bạn đời. Thường người ta rất ít khi nói thật về các mối quan hệ riêng tư, kiểu chuyện trong nhà thì phải đóng cửa dạy nhau.

Đằng sau sự im lặng thường thấy là nhu cầu giữ thể diện khi người ta phải đối mặt với một trong những thử thách quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành: làm sao để sống hạnh phúc với một người khác.

Chúng ta cần các tác phẩm nghệ thuật có thể chỉ ra được rằng những trục trặc trong cuộc sống gia đình vừa buồn vừa hoàn toàn bình thường. Chúng ta không cần đến những thứ đối chan chát với mấy hình ảnh ngọt như đường hóa học trong phim Hollywood. Bạo lực gia đình ở mức khủng khiếp khá là hiếm có. Nhưng những va vấp thường nhật thì đâu cũng có, nhưng rất ít khi được nói đến hay để lộ ra ngoài.

Trong tác phẩm của Jessica Todd Harper, một cặp chồng dường như đã lên kế hoạch về một buổi tối thi vị, vậy mà mọi thứ hỏng bét. Một người đang vô cùng giận dữ, người kia hình như đang khóc.

Hai người đó hoàn toàn có thể là những người tử tế. Chúng ta không có quyền lên án họ. Họ cũng có thể là những người dễ mến, nhưng họ đang gặp một khó khăn hết sức đời thường. Mà ta cũng từng kinh qua.

Ở đây, nghệ thuật có thể là nơi chứa đựng những sự thật riêng tư, những chuyện không thể chia sẻ với những người quen biết.

Chủ nghĩa tiêu thụ
Cô hầu bếp với tĩnh vật rau củ và hoa quả (162005) của Nathaniel Bacon

.

Người ta thường lên án chủ nghĩa tiêu thụ như một thứ ung nhọt của thế giới hiện đại. Nhưng suy cho cùng nền tảng của chủ nghĩa tiêu thụ chính là tình yêu dành cho sản vật của mặt đất, sự hân hoan trước tài năng của con người và sự ngưỡng mộ thích đáng trước những thành tựu to lớn của công sức sản xuất và buôn bán. Tác phẩm nói trên đưa ta về một thời điểm khi sự thừa mứa vật chất vẫn còn khá mới mẻ, chưa bị “lờn mặt” như bây giờ.

Chúng ta sợ lòng tham mà quên mất rằng tình yêu của cải vật chất cũng có thể cao quý. Năm 1620, người ta đã bày tỏ lòng kính trọng trước việc làm ra của cải vật chất và công việc buôn bán. Ngày nay sự chán chường và chút cảm giác tội lỗi khiến chúng ta không nhận ra điều đó. Có lẽ ta học được điều gì đó từ tác phẩm này. Đối mặt với chủ nghĩa tiêu thụ, ta có lẽ không cần phải chối bỏ hoa trái, mà nên trân quý công sức đi kèm với chúng.

 

Ý kiến - Thảo luận

19:13 Thursday,5.6.2014 Đăng bởi:  tranh chợ

Những bài như trên không hề linh tinh. Về NGHỆ THUẬT, người sáng tác cũng như người thưởng ngoạn, từng xí một, từng ngày một, bạn học hỏi từng tí, từng tí. Họa chăng đến một ngày bạn sẽ có một kiến thức đủ để tự tin sáng tác. hay đủ nền tảng để thưởng thức đánh giá nghệ thuật. Có đâu sẵn một lần với nhiều bài để cho bạn thỏa mãn thú đọc
...xem tiếp

19:13 Thursday,5.6.2014 Đăng bởi:  tranh chợ

Những bài như trên không hề linh tinh. Về NGHỆ THUẬT, người sáng tác cũng như người thưởng ngoạn, từng xí một, từng ngày một, bạn học hỏi từng tí, từng tí. Họa chăng đến một ngày bạn sẽ có một kiến thức đủ để tự tin sáng tác. hay đủ nền tảng để thưởng thức đánh giá nghệ thuật. Có đâu sẵn một lần với nhiều bài để cho bạn thỏa mãn thú đọc của mình. Và liệu bạn có đủ sức để thẩm thấu hết những kiến thức đó?
Với tôi một người không có điều kiện đi nhiều, tiếng Anh chưa đủ trình độ để hiểu hết những gì tác giả viết (viết cho nghệ thuật càng khó hiểu hết nghĩa. khác với xem tranh, thoạt cái thấy hay, dở liền :) ), một lần nữa cảm ơn các tác giả và Soi!

 
12:25 Thursday,5.6.2014 Đăng bởi:  admin

Cảm ơn bạn "thuong cho roi cho vot" :-). Nếu bạn thấy những thông tin về nghệ thuật quốc tế trên Soi là linh tinh thì có lẽ là do chênh lệch thị hiếu, quan niệm, khi mà Soi thì thấy không cái biết nào về thế giới bên ngoài là linh tinh cả, và muốn giới thiệu những thứ mà bạn gọi là "lin
...xem tiếp

12:25 Thursday,5.6.2014 Đăng bởi:  admin

Cảm ơn bạn "thuong cho roi cho vot" :-). Nếu bạn thấy những thông tin về nghệ thuật quốc tế trên Soi là linh tinh thì có lẽ là do chênh lệch thị hiếu, quan niệm, khi mà Soi thì thấy không cái biết nào về thế giới bên ngoài là linh tinh cả, và muốn giới thiệu những thứ mà bạn gọi là "linh tinh" ấy cho các bạn đọc của Soi - đặc biệt là những bạn không dùng tiếng Anh để đọc các nguồn thông tin ấy.
Thế giới nghệ thuật thì vô cùng, nên đúng là những gì Soi đưa được lên mỗi ngày chỉ là một tí ti, rất "linh tinh" so với cái bể ấy. Chỉ mong nước mình có thêm nhiều trang web về nghệ thuật, mỗi người góp một chút sự chia sẻ cái "linh tinh" kia thì cái biết của mọi người sẽ rộng hơn, có nhiều thứ để bàn hơn trong mỗi cuộc trà nước.
Cảm ơn bạn một lần nữa vì đã chia sẻ cảm nghĩ.


 


 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả