|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhNỗi khổ của một người bình “Bí kíp luyện rồng 2” 02. 07. 14 - 10:01 amPha LêMùa hè năm nay tương đối dễ chịu với thành phần muốn xem phim giải trí; phần tiếp theo của X-men hay hơn mong đợi, Godzilla chỗ được chỗ mất nhưng cũng không khiến ai quá tiếc tiền vé, sau Oblivion chán thối thì chàng Tom Cruise đã vực dậy cùng Edge of Tomorrow. Đối với những khán giả ít kinh phí hoặc thời gian, chỉ xem được vài phim trong mùa hè này, tôi thấy vào rạp thưởng thức Bí kíp luyện rồng 2 là một lựa chọn đúng đắn. Phim hoạt hình như Bí kíp luyện rồng 2 dễ làm hài lòng nhiều người, từ trẻ con đến người lớn, ngay cả nếu như bạn không thích nó lắm lắm thì cũng sẽ thích nó đủ để thấy vui. Nhưng Bí kíp luyện rồng 2 có một chi tiết khiến người viết bài bình phim như tôi phải vò đầu. Việc này không liên quan đến kỹ thuật 3D, tôi thấy ít ra hãng Dreamworks diễn tả chuyển động khá hơn nhiều so với các hãng khác; ngay cả khi tôi chuộng vẽ tay, xem một phim hoạt hình 3D hấp dẫn sẽ chẳng khiến ai phải khổ sở hết. Vấn đề nằm ở chỗ nào nhỉ? Không hẳn là ở cốt truyện. Sau phần 1, cậu Hiccup của làng Berk đã thành công khi thuyết phục dân làng rằng rồng là loài vật thông minh, có tình cảm, không hề có ý hại loài người. Để tiếp nối câu chuyện, phần 2 này Hiccup, cô bạn Astrid, cùng chú rồng Toothless đã lớn; trong khi dân làng Berk bận rộn với các hoạt động liên quan đến rồng, Hiccup và Toothless hay trốn việc để ngao du thiên hạ cũng như vẽ bản đồ. Và trong những lần ngao du đó, Hiccup vô tình gặp lại bà Valka – người cậu tưởng đã chết từ lâu, lẫn chạm trán tên Drago – một kẻ chuyên bắt rồng, cho rằng loài người phải khuất phục loài rồng, dùng rồng làm công cụ cho mình. Nhìn chung, Drago có lập trường trái ngược với người luôn xem rồng là bạn như Hiccup.
Đạo diễn Dean DeBlois dẫn người xem vào mạch truyện một cách trôi chảy, tôi không thấy khổ sở gì với cốt truyện hết, có chăng là chút vương vấn nhuốm mùi lo ngại khi xem phần 2 của một phim có chiều hướng “thương hiệu.” Nhớ lại thời xem Cướp biển Ca-ri-bê phần 1 hay Transformer phần 1, ban đầu thì phim nào cũng ít cướp biển, ít quái vật, ít rô-bốt, ít tàu thuyền; nhưng càng đến mấy phần sau là phim đẻ ra thêm lắm tàu thuyền, lắm rô-bốt, lắm cướp biển; đến nỗi nhiều lúc chả ma nào hiểu hải tặc nào đang chiếm tàu nào. Số lượng ngày càng tăng khiến người xem hơi bị bão hòa, phim cũng mất luôn sự duyên dáng của phần 1. Phần 2 của Bí kíp luyện rồng có hơi đi theo chiều hướng đó, phim có nhiều loại rồng hơn, nhân vật ác, nhân vật hiền, lẫn nhân vật nửa du côn nửa lãng tử liên tục trình diện khán giả. Thể theo mạch truyện của phần 2 thì sự thêm thắt này không tới nỗi vô lý, Hiccup bắt đầu khám phá thế giới nên việc cậu gặp thêm nhiều loài rồng lẫn người là chuyện đương nhiên. Nếu Bí kíp luyện rồng có cố tình “số lượng hóa” do chẳng nghĩ ra cái gì mới mẻ thì chúng ta nên chờ phần 3 đặng phán xét chuyện này.
Đáng khen nhất là Bí kíp luyện rồng 2 có cố gắng để phim thở với vài cảnh không lời thoại hoặc ít lời thoại – phần nào giúp khán giả không cảm thấy ngộp vì số lượng nhân vật lẫn số lượng rồng đang tăng mạnh. Đoạn Hiccup gặp Valka khi cả hai đang cưỡi rồng trên mây, đoạn Hiccup bay cùng Toothless ở đầu phim, hoặc khúc tộc trưởng Stoick hát với Valka… chúng thú vị lẫn giàu tình cảm còn hơn lắm đoạn nói nhiều hay đánh nhau. Thú vị cũng phải thôi, do đạo diễn Dean DeBlois đã mời nhà quay phim Roger Deakins về làm cố vấn cho mình. Đối với một phim có những khoảng lặng ít nói chuyện như Bí kíp luyện rồng 2, lại có thêm nhiều cảnh bay lượn trên không trung, góc máy là tối quan trọng. Phim này mà quay xấu, cảnh bay sẽ chả khác gì cảnh bơi. Nhờ tài năng lẫn thâm niên của Roger Deakins mà Bí kíp luyện rồng 2 nhìn có chiều sâu, bạn nào từng mê hình ảnh trong 007 Skyfall hoặc Shawshank Redemption sẽ nhận ra phong cách của Roger trong bộ phim hoạt hình: những cảnh quay góc rộng choáng ngợp và một số cảnh đối đầu giữa rồng/người hay người/người quay cận hơn, có màu trầm, mảng sáng xen giữa mảng tối, khá là bí ẩn, tuy rõ ràng nhưng không bóng bẩy lộ liễu. Roger hiện có tuổi và dần từ chối quay một số phim (trong đó có phần 007 tiếp theo,) chúng ta sẽ không còn nhiều cơ hội để thưởng thức hình ảnh Roger Deakins quay nữa nên rạp chiếu phim nào hãy “tranh thủ” phim ấy.
Nãy giờ thấy Bí kíp luyện rồng 2 có nhiều cái được, và tôi công nhận rằng phim hay, tôi không khổ vì phim dở, mà khổ vì nhân vật phản diện Drago Bludvist. Phần 1 của Bí kíp luyện rồng gần như không có nhân vật phản diện, trừ con rồng Red Death “xấu do bản năng.” Bí kíp 1 chủ yếu xoay quanh quá trình Hiccup thay đổi tư tưởng (cổ lỗ sĩ) của làng Berk về rồng. Phần 2 này có thêm tên phản diện Drago – kẻ đối xử với rồng như công cụ; và trong một dàn nhân vật toàn trắng, tóc mượt mà màu vàng đỏ nâu, do các diễn viên da trắng lồng tiếng, thì tên Drago môi dày, da tối tăm ngăm ngăm, tóc tết lọn dreadlocks như mấy ca sĩ nhạc rap, do diễn viên da đen Djimon Hounsou lồng tiếng ồm ồm, cho tôi cảm giác nhồn nhột của sự phân biệt chủng tộc. Có lẽ tôi nhíu mày hơi kỹ, bới lông tìm vết ở những chỗ không có vết, chưa chắc các nhà làm phim Bí kíp 2 mang ý đồ xấu. Cũng hiểu rằng người da đen tốt có xấu có, nên nếu chỉ vì sợ bị dán mác “phân biệt chủng tộc” mà phải cho các nhân vật da đen tốt hết thì cũng chả hay ho, nhưng trong bối cảnh phim giả tưởng, có rồng bay trên trời, thì chả việc gì đạo diễn phải bắt tộc Vikings phải toàn da trắng, nói giọng Scotland (!) cho nó “đúng lịch sử”. Thế mà người Vikings là trắng hết, còn tên phản diện từ “đất nước khác” lại mang nét da đen, do diễn viên da đen thủ vai? Nhân vật Eret – tay bắt rồng dưới quyền Drago – là người da trắng, nhưng xem phim sẽ thấy rằng cuối cùng thì anh này cũng… hổng ác cho lắm, khiến Drago bơ vơ với vai phản diện cho tới hết phim. Đối với những ai chả quan tấm tới đề tài phân biệt màu da trên phim Mỹ (phim hoạt hình cũng có “bề dày thành tích” chứ chả riêng gì phim người đóng, việc Walt Disney không ưa dân da đen thì ai cũng biết), có thể nhân vật Drago sẽ không khiến họ phải bối rối, nhưng không hiểu những người chú tâm hơn tới nhân quyền sẽ cảm thấy thế nào? Thế nên vừa viết bài này vừa vò đầu bứt tai. Muốn kêu mọi người đi xem phim hay, nhưng cái vấn đề với nhân vật Drago là vấn đề nhân quyền thực khó lòng bỏ qua để thưởng thức cho trọn bộ phim. Tuy nhiên, chắc gì khán giả Việt lại khó chịu với ngoại hình của Drago? Hoặc chắc gì người xem nhìn Drago và thấy rằng nhân vật này nhuốm mùi phân biệt? Thôi đành kết luận rằng, tại mình xem phim và mình cảm thấy thế, nó làm gờn gợn trong lòng, còn lại thực ra tôi cũng chả tiếc tiền đã mua vé, phim do Roger Deakins quay mà. * Lịch chiếu (một số rạp chưa cập nhật lịch chiếu tiếp) Hà Nội Tp.HCM Ý kiến - Thảo luận
10:49
Monday,7.7.2014
Đăng bởi:
Bee
10:49
Monday,7.7.2014
Đăng bởi:
Bee
Mình chỉ chê nhân vật phản diện lần này trong Bí kíp luyện rồng không đặc sắc về tạo hình thôi. Nhân vật Drago này nhìn chẳng khác mấy nhân vật con khỉ gian xảo Gutt của Ice Age 4 - Continental Drift. Lúc xem cũng à ố vì nhân vật Drago này da đen, và mường tượng ngay đến chàng khỉ Gutt - với cách tạo hình da (lông) đen, môi dày, mắt trố đặc trưng người Negro. Hơi chán chán với lối mòn tạo hình của mấy bác làm hoạt hình người Tây! (dù vẫn phải lóc cóc ra rạp xem các phim bom tấn được nhập về VN)
3:48
Thursday,3.7.2014
Đăng bởi:
hai3n3
Bạn Pha Lê ơi !!! nhớ các bài về ẩm thực của bạn lắm. Tiếp tục chuyên đề thực phẩm đi bạn.
...xem tiếp
3:48
Thursday,3.7.2014
Đăng bởi:
hai3n3
Bạn Pha Lê ơi !!! nhớ các bài về ẩm thực của bạn lắm. Tiếp tục chuyên đề thực phẩm đi bạn.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp