Thị trường

Tác phẩm đương đại (tác giả còn sống) thường khó bán lại 09. 07. 14 - 8:04 am

Alan Bamberger - Thúy Anh dịch

 

.

Câu hỏi:

Khoảng mười lăm năm trước, tôi có mua một tác phẩm đương đại giá $400, khi đó tác giả mới khởi nghiệp. Các tác phẩm tương tự của nghệ sỹ đó hiện được bán tại phòng tranh giá $1500 – $2500. Tôi có thể bán lại tác phẩm của mình với giá đó không? Tôi nên bán lại cho ai hay chỗ nào để có giá tốt nhất? Tôi liên lạc vài nhà đầu giá và họ không quan tâm. Những phòng tranh đang đại diện nghệ sỹ này cũng không quan tâm.

Trả lời:

Anh chị rất khó bán lại được tác phẩm đang sở hữu trừ khi: nghệ sỹ đương đại đó rất nổi tiếng hoặc ít nhất có chút tiếng tăm, sức cầu trên thị trường đối với các tác phẩm của nghệ sỹ này cao, nguồn cung ít, tác phẩm cũ hay mới của nghệ sỹ đều giao dịch thành công tại các nhà đấu giá hay phòng tranh hoặc tại các trang web thị trường nghệ thuật thứ cấp.

Thực tế thì nghệ sỹ càng ít tên tuổi, thị trường thứ cấp của họ (tức thị trường mua đi bán lại đa phần giữa các nhà sưu tập với nhau) càng nhỏ. Lý do chính là nghệ sỹ vẫn còn sống và tiếp tục sáng tác cung cấp cho các phòng tranh. Nếu các phòng tranh quan tâm đến tác phẩm anh chị đang có và anh chị đồng ý ký gởi, thì nếu bán được, phòng tranh cũng chỉ trả anh chị khoảng tiền không hơn mấy khoảng tiền anh chị đã bỏ ra mua mười lăm năm trước vì phòng tranh phải lời 40 – 60%. Lý tưởng nhất thì phòng tranh sẽ trả anh chị $1500 nếu tác phẩm bán được $2500 và họ chỉ lấy 40% lời.

Còn nhiều yếu tố khác hạn chế khả năng các tác phẩm đương đại được bán lại thành công:

– Nghệ sỹ mới vào nghề, đối tượng khách hàng còn ít, thì dù tác phẩm của họ có rao bán trên thị trường giá bao nhiêu và bởi ai đi nữa kết quả cũng sẽ khó bán.

– Nhà sưu tập có thể tìm đến mua trực tiếp với tác giả, tức người mua người bán hoàn toàn giao dịch trực tiếp được với nhau thì người thứ ba như anh chị xuất hiện muốn bán lại tác phẩm sẽ không bán được giá cao.

Nói chung ít khách hàng sức cầu nhỏ nguồn cung nhiều thì giá bán lại tác phẩm sẽ càng thấp.

Thậm chí có khi nghệ sỹ hay phòng tranh đại diện (cho nghệ sỹ đó) còn chê các tác phẩm trước đây, nói tác phẩm đó không còn hợp thời, nghệ sỹ không còn thích nó nữa nên không tiếp túc sáng tác, nhiều nhà sưu tập cũng không thích dạng đó v.v… dù bản thân tác phẩm có thể rất ổn. Họ làm vậy để dễ bán những tác phẩm hiện tại mới sáng tác.

.

Ngoài ra, với cùng một mức giá mua (anh chị định bán giá bằng giá phòng tranh), nhà sưu tập sẽ muốn mua với phòng tranh để được tư vấn tốt, cảm thấy an tâm hơn và được tương tác với họa sỹ, quen biết các nhân vật có ảnh hưởng trong giới nghệ thuật, để mở rộng mối quan hệ v.v… hơn là muốn mua từ một người hoàn toàn xa lạ như anh chị theo kiểu của thị trường thứ cấp.

Cách tốt nhất để bán được tác phẩm đang có là anh chị hãy ra giá thấp hơn giá thị trường, khởi đầu thử rao $1500, nếu không ai quan tâm thì hạ dần. Về việc bán ở đâu, anh chị hãy thử bán trên các trang web nghệ thuật thị trường thứ cấp, các sàn đấu giá trực tuyến, blogs hay diễn đàn… Nhưng nếu thực sự yêu thích tác phẩm và muốn bán chỉ vì nghĩ có thể bán giá cao như bên ngoài, thì anh chị hãy giữ tác phẩm lại bởi biết đâu tác giả sẽ trở nên nổi tiếng, khi đó các tác phẩm thời kỳ đầu sẽ được săn lùng và trở nên vô cùng giá trị.

Và quan trọng nhất, xin nhớ rằng chúng ta mua tác phẩm vì yêu thích nghệ thuật, vì chúng làm phong phú môi trường sống của chúng ta và vì chúng ta muốn có chúng hiện hữu quanh mình. Dù ai có nói về đầu tư mỹ thuật thế nào đi nữa, xin hãy hiểu rằng đầu tư mỹ thuật là đầu tư cho chất lượng cuộc sống. Theo đó, dù giá tác phẩm có lên cao hay xuống thấp, điều đó cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống, sự trân trọng và niềm say mê của chúng ta đối với nghệ thuật.

*

Lời người dịch:

Nghệ sỹ nên có nhiều series tác phẩm khác nhau, mỗi series có số lượng tác phẩm vừa phải. Qua đó nghệ sỹ khẳng định năng lực sáng tạo đồng thời kềm nguồn cung ở mức thấp. Bằng cách đó sức cầu đối với tác phẩm được kích thích, là cơ sở để nghệ sỹ tăng giá bán theo chiều sâu.

*

(Hí họa trong bài của Fran do Soi tìm trên Internet)

 

Ý kiến - Thảo luận

8:47 Wednesday,9.7.2014 Đăng bởi:  Linh Cao

Tác phẩm đương đại khó mà giao dịch mua đi bán lại nhộn nhịp như tụi kinh viện hoặc Hiện đại thành danh. Mà contemprary có sứ mệnh khác, nó dùng để phô diễn style, đẳng cấp và gu sống của kẻ tiêu tiền đang say máu và gặt hái ở lãnh vực khác, ngoài mỹ thuật. Danh sách trưng trổ vì thế toàn ca sỹ,  cầu thủ, bầu sô, chủ hotel... Đáng chú ý, có những nhà đầ
...xem tiếp

8:47 Wednesday,9.7.2014 Đăng bởi:  Linh Cao

Tác phẩm đương đại khó mà giao dịch mua đi bán lại nhộn nhịp như tụi kinh viện hoặc Hiện đại thành danh. Mà contemprary có sứ mệnh khác, nó dùng để phô diễn style, đẳng cấp và gu sống của kẻ tiêu tiền đang say máu và gặt hái ở lãnh vực khác, ngoài mỹ thuật. Danh sách trưng trổ vì thế toàn ca sỹ,  cầu thủ, bầu sô, chủ hotel... Đáng chú ý, có những nhà đầu cơ tầm cỡ mà kỳ lạ thay chủ yếu thuộc giới tính thứ 3 , thì mua như bị nghiện đương đại. Các chàng pê nàng les nầy coi art là nơi bầu bạn cho những ẩn ức về giao tiếp xã hội. Họ cũng đầy may mắn, có nhiều giao dịch cá nhân tốt, nên dần dà họ làm artdealer tự nguyện cho các bạn bè nghệ sỹ. Và thế là tranh tượng ngày càng xanh đỏ, thêm phần lưỡng tính...  Cũng có cái rất hay, nhưng đa phần nhiều vết. Và xu hướng quay về với Hiện đại lại đang rộ lên ở châu Âu và Mỹ vậy.
Ở ta, có những nhân sỹ rất kinh viện lại cổ vũ cho đương đại. Đó có lẽ là lối thoát của dăm ba bế tắc cá nhân, sau dăm lần xuất ngoại, mục sở thị bầu không khí sôi động của thị trường đương đại thế giới. Nhưng các bạn trẻ đang muốn tìm tòi tập tọng chớ nhầm lẫn giữa bản thể và hình thức. Mình sống thế nào, thì nghệ thuật thế ấy, cái này cũ mèm rồi, nhưng vẫn luôn đúng. Muốn lên gân mà đã trót phá cơ để poping nhảy cho mượt rồi, thì lấy đâu ra bắp mà nuôi vợ con sau lày, ồ đam mê luôn trả giá thế đấy, đâu phải chuyện chơi chơi ?!?

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả