Gẫm & Bình

Ẩn ở nơi mình 12. 07. 14 - 6:39 am

Vũ Lâm

“Mặc 2”, sơn dầu trên canvas, 80 x 120 cm, 2014

Phàm con người ta sinh ra ở thời nào cũng vậy, đến một cái tuổi nhận thức bắt đầu trở ngược vào thế giới nội tâm, cũng thấy rối linh tinh. Cái nhận thức ấy là về cõi nhân sinh và vị trí bèo bọt của mình trong cái cõi ta bà mà từng sinh linh hiện lên “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Và câu hỏi sinh ra là: Vậy, ta phải làm thế nào, trước “Nó và Chúng Nó”.

Đối diện với cái việc phải làm thế nào ấy, sinh ra nhiều thái độ. Nhưng đại khái, với người thường thì chỉ có hai cách, một là thuận, hai là chống. Với người khác thường, nhất là người có máu me làm nghệ thuật, thì có lẽ sinh ra thêm một thái độ thứ ba: không phải thuận, mà cũng không phải chống, không phải ở lại, cũng chẳng phải bỏ đi. Cái thái độ này rất khó gọi tên, nó ẩn ở trong mình, thấp thoáng trồi hiện trong tâm trí và cơ thể. Nó hình thành rồi được ghi lại trong những việc làm hay ho lẫn với vô sự giết thời gian từ từ hàng ngày. Vừa có sự thật, vừa có những gì phi lý nhất ở trong cách sự quẫy cựa của tinh thần ấy được vật chất hóa. Nó là sự trỗi dậy của đời sống tinh thần một cá thể khi cố gắng giải thích và tiêu hóa đời sống. Dường như nguồn gốc nghệ thuật bắt đầu ở đây.

Sinh năm 1982, ở vùng đất đầy tú khí Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nơi gần đất ca trù Cổ Đạm, danh thắng cũng bạt ngàn như danh nhân, họa sĩ Lê Hữu Hiếu nuôi dưỡng niềm đam mê mỹ thuật từ nhỏ, và trưởng thành với một nhánh của nghệ thuật tạo hình là Kiến trúc. Anh tốt nghiệp Khoa kiến trúc, Đại học Xây dựng năm 2006, và từ đó làm việc như một kiến trúc sư tự do, với những thành đạt nhất định trong công việc này.

Nhưng kiến trúc, một ngành mỹ thuật có công năng và có tính chất phụng vụ xã hội, vẫn không choán được ham muốn sáng tác hội họa của Hiếu. Mới đầu là những bức tranh sen, toàn sen, hoặc những bức phong cảnh chơi và vẽ làm đề-co tặng cho chủ nhân những ngôi nhà anh làm ra. Đó vẫn là “vẽ cho người”. Thời giờ còn lại, hoặc những lúc thăng trầm, Hiếu vẽ cho mình, vẽ như tìm một chiếc phao cứu sinh để chạm vào những ham muốn tự do tuyệt đối. Họa sĩ tâm sự về việc vẽ: là một cõi riêng biệt, một nơi như mình là chính mình trong thế giới này, nơi không ai có quyền can thiệp vào. Họa sĩ đã tìm ra cách ẩn ở trong mình – với việc vẽ vời ấy – khi vẫn phải sống với nhân gian và tranh đấu cho những hợp đồng thường ngày.

Như thế, hội họa còn có thêm một tác dụng cho người vẽ là giải bức và giải độc.

“Mưa”, sơn dầu trên canvas, 120 x 120 cm, 2014

Họa sĩ nói rằng khi bước vào hội họa, anh thích xu hướng siêu thực của Dali, và phong cách tiệm cận siêu thực của họa sĩ Bửu Chỉ với một bảng mầu khỏe và thơ mộng. Khuynh hướng mệt mỏi, “oải” với thực tại, chính là một yếu tố đưa đường ngọt ngào con người ta thoát ly trong tâm thức, đến với những huyễn ảnh siêu thực. Họa sĩ không ngại ngần dùng lại một số motif của bậc thầy Dali: hươu cao cổ, đồng hồ mềm… trên tranh của mình. Nhưng có lẽ Hiếu không phải là người thoát ly từ trong bản chất. Sự không kiểm soát trước của những bảng mầu nền và những motif có nhiều tính biểu hiện lặp đi lặp lại nhiều hơn tính chất tượng trưng, nói lên điều ấy. Có thể nói, với những họa sĩ đứng trước ngưỡng cửa của một con đường hội họa lâu dài, những lời mời gọi hấp dẫn của các ngã rẽ ngôn ngữ hình thể và những biểu tượng quá khứ đem cho họ cả một gia tài chọn lựa đầy thú vị.

Ở lần triển lãm đầu tay nhiều hưng phấn này, tạm chia những sáng tác của Hiếu làm hai mảng. Một là mảng “tự họa không gian tinh thần của mình” (mặc dù không có bức nào họa sĩ đề là tự họa) với bộ tranh Mặc (8 tranh), các tác phẩm Một Mình, Phơi, Mưa, Áp Lực… Người xem thấy ngay sự hồn nhiên trong những điều anh muốn nói. Họa sĩ vẽ những trạng thái con người mình như những động vật thiếu cốt, như một tấm họa bì hay con bù nhìn, với đôi mắt lơ đãng, lạc thần, bối rối. Có thân phận nhưng ít sự bi kịch hóa, cảm giác được cả những nét tự giễu hóm hỉnh mặc dù hình thể trên tranh nom cứ rũ rượi hết cả ra..

“Mặc 8”, sơn dầu trên canvas, 80 x 120 cm, 2014

Hai là mảng tranh tư duy về xã hội với các bức Đoàn Kết, Lễ Hội Cuối Cùng, Cuộc Chiến Cuối Cùng, Miền Tư Duy… Ở loạt tranh có xu hướng tự vấn trộn cái nhìn hài hước này. Ta nhìn thấy một con người trẻ, khỏe và không ngại ngần, hoang mang lắm khi đối diện với thực tại. Nếu như ở bộ Mặc, tôi thích bức số 8 thì ở mảng tranh sau, tôi thích bức Lễ Hội Cuối Cùng với những hình người như hình vẽ người trên tranh hang động. Là con người, nhưng có khi ngơ ngẩn loay hoay một mình với thời gian và những cánh cửa. Cũng có khi lại một đám rối rít nhộn nhạo lên, trước… các cánh cửa và thời gian.

“Lễ hội cuối cùng”, bạc, acrylic trên canvas, 130 x 90 cm, 2013

Có người nhận xét, hình như những người trẻ ngày nay phản tỉnh sớm hơn thường lệ, vì không khí họ hít phải thiếu chân giá trị quá, hàng hóa họ dùng ngày thường nhiều hàng nhái quá. Tốt, xấu, thật, giả lung tung beng. Chẳng biết nên làm gì thế nào cho nó “phải đạo”. Mà cũng còn đạo đâu để mà phải. Nhân sinh tại thế bất xứng ý, minh triêu tán phát lộng biên châu. Phải người ngày xưa như thế thì đã bỏ đi ở ẩn rồi. Nhưng giờ đây, trong cái thế giới phẳng này, trốn đâu chẳng có kẻ mò đến, chưa kể có thể còn bị khai thác làm “du lịch khám phá”. Hay nhất nên chăng: Ẩn ở nơi mình!!!

Ý kiến - Thảo luận

20:11 Thursday,24.7.2014 Đăng bởi:  tranh chợ

Có thể thấy bức MƯA hội tụ đầy đủ nhất sự yếu kém của họa sĩ. Một bố cục lôi thôi. Một gam màu non yếu. Đường nét vụng về, chẳng chứa đựng được ý tưởng gì. Vẫn biết nếu đạt được nghệ thuật cao tranh sẽ: bố cục mà không cần bố cục, hình nét mà không hình nét. màu sắc mà không lụy vào màu sắc, nhưng nhìn toàn cục sẽ toát lên được nghệ t
...xem tiếp

20:11 Thursday,24.7.2014 Đăng bởi:  tranh chợ

Có thể thấy bức MƯA hội tụ đầy đủ nhất sự yếu kém của họa sĩ. Một bố cục lôi thôi. Một gam màu non yếu. Đường nét vụng về, chẳng chứa đựng được ý tưởng gì. Vẫn biết nếu đạt được nghệ thuật cao tranh sẽ: bố cục mà không cần bố cục, hình nét mà không hình nét. màu sắc mà không lụy vào màu sắc, nhưng nhìn toàn cục sẽ toát lên được nghệ thuật của tranh và tư tưởng của tác giả. Ở đây không thấy được điều đó. hy vọng triển lãm tới của họa sĩ được thấy tranh đẹp hơn, nghiêm túc hơn...

 
15:47 Friday,18.7.2014 Đăng bởi:  duong
Mình người ngoài ngành chỉ nêu cảm xúc khi xem tranh bạn này cứ thấy "thàm thàm" thế nào vẽ chưa tới cảm giác nông nông mình không biết diễn tả thế nào.

...xem tiếp
15:47 Friday,18.7.2014 Đăng bởi:  duong
Mình người ngoài ngành chỉ nêu cảm xúc khi xem tranh bạn này cứ thấy "thàm thàm" thế nào vẽ chưa tới cảm giác nông nông mình không biết diễn tả thế nào.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

THẾ HỆ MỚI của Anh Tuấn

Thông tin từ triển lãm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả