Nghệ sĩ thế giới

“Quái nhân” Morimura Yasumasa nói về sự liều mạng của ông 26. 07. 14 - 12:18 pm

Soi lược dịch từ tài liệu của BTC

.

Sinh năm 1951 ở Osaka, Yasumasa Morimura hiện vẫn làm việc và sinh sống tại đây, tuy tên tuổi ông thì đã lan ra khắp nơi trên thế giới.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Kyoto, Morimura khởi đầu năm 1985 với bộ tác phẩm chân dung tự chụp dựa trên sự diễn giải cá nhân của ông về Vincent Van Gogh.
 

“Singing Sunflowers”

Kể từ đó, Morimura đã thực hiện rất, rất nhiều các bức chân dung như thế, rồi các video, trong đó ông hóa thân vào đủ loại nhân vật, từ nhân vật của các tích, tới các nhân vật lịch sử, nhân vật của tác phẩm, và các nghệ sĩ nhiều ngành khác nhau.
 

Hóa thân thành Frida Kahlo

 

Thành Audrey Hepburn

 

“A Requiem: Mishima 1970,” 2006, thành đạo diễn phim Mishima

Năm 1988, Morimura được mời tham gia Venice Biennale lần thứ 43, và qua nhiều năm, ông đã góp mặt ở vô vàn triển lãm quan trọng trong và ngoài nước Nhật.

Tác phẩm của Morimura có mặt trong nhiều bộ sưu tập, cả nhà nước lẫn tư nhân. Ông cũng là người viết nhiều sách, nhận nhiều giải thưởng về văn hóa và giáo dục của Nhật, trong đó có giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học là Order of Purple Ribbon, Shiju Hosho (2011).

Như đã giới thiệu, Yokohama Triennale 2014 (diễn ra từ 1. 8) có tên gọi “ART Fahrenheit 451: Sailing into the sea of oblivion” (Dong buồm vào biển lãng quên). Con thuyền Yokohama Triennale lần 5 sẽ do thuyền trưởng “trong trắng mà liều mạng” Yasumasa Morimura điều khiển. Lịch trình của con thuyền nghệ thuật ấy đi qua những vùng nào, Soi sẽ dịch sau. Còn bây giờ, hãy nghe ông nói về việc lần đầu làm thuyền trưởng.
 

“Một cuộc đối thoại nội tâm với Frida Kahlo (Chân dung tự chụp với tóc cắt 1)

*

Lương tri của Nghệ thuật/ Nghệ thuật của Điều chưa biết

Tương lai thì bất định. Nhưng một con tàu đã ra khơi từ cảng Yokohama, và hết sức thành thật mà nói, chuyến đi này thực mạo hiểm đối với tôi – thuyền trưởng.

Là một nghệ sĩ, tôi chưa bao giờ có cơ hội được phục vụ như một giám đốc nghệ thuật cho bất kỳ triển lãm quốc tế nào. Lần đầu tiên tôi cầm bánh lái, và con tàu đã rời cảng mà tôi chưa hề có dịp nào học lái. Nhưng với tôi, có vẻ như kiểu ra khơi hơi thiếu cẩn trọng này chính là thứ mà một triển lãm quốc tế ngày nay đang cần.

Kể từ năm 2000, các triển lãm quốc tế bùng nổ nơi nơi, cả ở Nhật, cả nước ngoài, và giờ thì chúng chẳng còn gì đặc biệt hay khác gì nhau nữa. Tầm vóc chỉ là lớn. Không khí hội hè chỉ là vui. Nhiều cái đã thu lại thành một biểu tượng cho đại chúng hóa, toàn cầu hóa, địa phương chủ nghĩa. Những nguyên tắc của thị trường đã thi triển một ảnh hưởng mạnh mẽ và đầy chủ ý lên thế giới nghệ thuật, khiến cho không chỉ những người liên quan mà cả khán giả cũng phải bật lên những câu hỏi. Và mặc dù họ vẫn còn là thiểu số, nhưng theo thời gian, chắc chắn số người ấy sẽ tăng lên.

Tôi không phải là người theo trường phái chính thống, vì thế không có ham muốn đưa ra quyết định phiến diện rằng nghệ thuật phải thế này phải thế kia. Và tôi sẽ không bao giờ chọn cách cố giới hạn nghệ thuật bằng việc áp dụng những ràng buộc cứng nhắc, và loại bỏ mọi tác phẩm nào không phù hợp với những ràng buộc ấy. Nhưng đồng thời, nếu vắng hoàn toàn những luật lệ thì chỉ dẫn tới khó khăn. Nên mặc dầu muốn duy trì một diễn đàn cho tự do thể hiện, tôi cũng muốn thoát ra khỏi cái ý tưởng rằng tự do phải là niềm tin độc nhất.  

Yasumasa Morimura, Portrait (Futago), 1988, dựa theo “Olympia” của Manet

Vậy, chính xác thì niềm tín của tôi là gì? Tôi tin vào “lương tri của nghệ thuật”. Nếu có một thượng đế của nghệ thuật, tôi sẽ hỏi ngài rằng những tác phẩm mà chúng ta đang bày ra cho ngài đây liệu có phải là những phẩm vật có thể bày ra mà không xấu hổ?

Do đó, một giám tuyển chuyên nghiệp, người biết chìa khóa của thành công nằm ở khả năng xử lý luồng gió ngược có tên “thực tại”, có thể thấy những quan điểm của tôi không hơn gì những giấc mơ của một người theo chủ nghĩa lý tưởng, và sẽ khiển trách tôi vì đã quá ngây thơ trước một thực tế sờ sờ là tôi chưa từng đảm đương chiếc áo choàng nặng nề của một giám đốc nghệ thuật.

Và đúng thế – quả là cực kỳ nguy hiểm khi giao bánh lái cho một nghệ sĩ ngây thơ như con trẻ, mang những tiêu chuẩn về giá trị là những giấc mơ và lý tưởng. Nhưng trước viễn cảnh một kẻ học việc không an toàn cố nắm bắt lại cho được cái tinh thần đang phai nhạt của chuyến viễn du, tôi khởi hành chuyến đi này với một sự sẵn sàng tươi mới, như thể đâm đầu vào một vùng xa lạ của thế giới nghệ thuật. Và bản thân việc này chắc chắn sẽ đưa tới những đề xuất thú vị nào đó.

Mặc dầu một chuyến du hành gần hai năm sẽ là dài, tôi hy vọng các bạn có thể theo dõi sát tiến triển của con tàu, với sự tò mò và ưu ái. Rất mong được làm việc với tất cả các bạn.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả