Đi & Ở

Sống sót giữa thời nơi nơi liên hoan: Một kịch bản chặt chẽ cho 63 thủy thủ 09. 08. 14 - 2:18 pm

Bài: Soi + các giải thích về ý nghĩa tác phẩm cũng như cấu trúc chương trình là từ tài liệu của ban tổ chức. Ảnh: Soi.

”Pig: Pig’Lip” của Yoshimura Masunobu tại Yokohama Triennale 2014

Yokohama Triennale 2014 như đã nói, lần này được trao vào tay một người tưởng-là-nghịch-ngợm-nhưng-cực-kỳ-nghiêm-túc: nghệ sĩ Yasumasa Morimura.

Trong bối cảnh nơi nơi liên hoan, nhà nhà triennale, các tác phẩm của các tên tuổi cứ thế bày ra, ông Yasumasa Morimura hẳn đã phải vắt óc tìm một kịch bản chặt chẽ, để tác phẩm của 63 nghệ sĩ đến từ 19 quốc gia không như một bầy ngựa tuy chiến nhưng mỗi con một hướng, mà gắn bó với nhau trong một tổng thể hài hòa – một câu chuyện về một cái gì đấy.

Vào cái thời đại mà ai ai cũng lập ngôn, đâu đâu cũng tuyên ngôn, những lời nói hùng hồn về những sứ mệnh hoành tráng…, thì những tiếng nói rụt rè, những lời thì thầm, cả những sự câm lặng “sấm sét” đều dễ dàng bị đè bẹp, quên lãng.

Nghệ thuật và nghệ sĩ, như những kẻ “lẩn thẩn”, lủi thủi một mình tỉ mẩn với những thứ khiêm tốn ấy.
 

“Đèn mông”, khoảng 1970, của Alina Szapocznikow (Ba Lan, 1926 – 1973). Nhựa màu, dây điện.

Vậy câu chuyện mà Yokohama Triennale 2014 bàn đến lần này chính là sự lãng quên. Tất cả, cả nghệ sĩ lẫn người xem sẽ như một thủy thủ đoàn cùng bước lên một con tàu nghệ thuật, hải trình chia thành nhiều mục, thực hiện một chuyến đi vào biển của sự quên, của những thứ dễ bị quên, hoặc đã bị quên. Tàu thì phải có số hiệu, và đó là “Art Fahrenheit 451”, dựa theo tên một tiểu thuyết giả tưởng nổi tiếng.

Như mọi thuyền trưởng, trước khi lên tàu, ông Yasumasa Morimura đã “quán triệt” thủy thủ đoàn và những người đi theo (là khán giả) về chuyến đi:
 

Tại buổi họp báo ngày 31. 7. 2014, từ trái qua: Mohri Yuko (Nhật), Ohtake Shinro (Nhật), Erika Osaka (giám đốc bảo tàng Nghệ thuật Yokohama), Yasumasa Morimura (giám đốc nghệ thuật Yokohama Triennale 14), Gimhongsok (Hàn Quốc), Wim Delvoye (Bỉ)

ĐẦU TIÊN LÀ DẶN DÒ

Lên tàu để du hành vào biển lãng quên

Có những nghệ sĩ và những lối thể hiện nghệ thuật đáp lại được một cách sâu sắc vấn đề quên lãng.

Yokohama Triennale 2014 sẽ là một “chuyến du hành vào biển lãng quên”. Nó sẽ khiến ta nhớ lại những thứ đã từng vô tình lạc khỏi đời ta, những thứ lâu nay vẫn bị con người quên mất, và đặc biệt những thứ đã và đang mất trong thời đương đại này.

Một chuyến du hành của lặng im và những tiếng thầm thì

Những thứ lặng im thường không được ghi lại, và do đó, sẽ bị quên đi. Những tiếng thì thầm sẽ không nghe được, trừ phi chúng ta thật chú tâm. Đây là một chuyến du hành để khám phá sự phong phú của một thế giới bao la những thông tin không được kể ra.

Một chuyến du hành của Fahrenheit 451

Kiểm soát ý nghĩ – một quá trình trong đó nhiều thứ bị ép phải tẩy xóa – là một bi kịch vẫn xảy đi xảy lại trong suốt lịch sử của loài người. Fahrenheit 451 lần này là một chuyến du hành phản ảnh hiện tượng ấy, chiêm nghiệm nó.

“We the people” (chi tiết) của Danh Vo (Việt Nam), chất liệu đồng, 2011 – 2013, tại Yokohama Triennale 2014

Một chuyến du hành vào cái vô dụng

Những thứ vô dụng sẽ bị vứt đi và quên đi. Nhưng có một phương cách tuyệt vời để cứu chúng: nghệ thuật. Đây là một chuyến du hành đưa chúng ta vào cái cốt yếu của nghệ thuật.

Một chuyến du hành để gặp những “Enfants Terribles” (những đứa trẻ khủng khiếp)

Để trở thành người lớn, người ta phải loại bỏ những ký ức ấu thơ đi. Nhưng có người lại quá mê mệt những ký ức ấy thành không lớn lên nổi. Nghệ sĩ là hình ảnh thu nhỏ của dạng này. Họ là những đứa trẻ không lớn lên được. Đây sẽ là một chuyến du hành đưa chúng ta trở lại cái lúc chúng ta lần đầu được sinh ra, tới một nơi mà chúng ta đã để lại phía sau, khi chúng ta đã thành người lớn.
 

Elias Hansen (Mỹ), “Đừng lo, vài năm nữa sẽ còn buồn hơn,” 2014. Bóng đèn, thủy tinh, những đồ nhặt được, thép, bảng gỗ.

Trôi trong một biển lãng quên

Ở cuối hành trình, những người du hành (người xem) sẽ đến một biển lãng quên bao la. Thế giới trải ra bên ngoài biển ấy rộng đến nỗi ký ức và thông tin không thể sánh ngang với quy mô của nó. Những người du hành cuối cùng sẽ trôi trong biển lãng quên này. Và mỗi người trong họ sẽ tìm thấy một điểm đến, tự lập một chuyến du hành khác nhau cho mình.

Trong biển ấy là những thứ không nói ra, những thứ không được nói đến, những thứ chúng ta không thể nói đến… Những thứ không thấy và không được thấy. Những việc vớ vẩn và những hành động vô nghĩa…

Đây là một chuyến du hành tập trung sự chú ý của ta trên vô vàn sự việc vẫn bị coi là chẳng có giá trị gì trong lĩnh vực ký ức. Đây là một chuyến du hành để ta nhìn ngắm kỹ hơn.

Yokohama Triennale 2014 muốn giới thiệu một câu chuyện về một chuyến du hành như thế trong trí óc.

HẢI TRÌNH CỦA CON TÀU
Với nội dung chung là như thế, hải trình của con tàu chương trình chia ra thành nhiều mục, mỗi mục do một số nghệ sĩ đảm nhiệm.

Một tác phẩm trong mục “Những thứ hoành tráng mà không hoành tráng”. Tại đây, các nghệ sĩ sẽ nghịch ngợm với những biểu tượng của những thế lực hoành tráng (muốn thống trị thế giới, muốn thành cái rốn của vũ trụ), tạo ra những thứ “trông hoành tráng mà không hoành tráng”. Đó chính là sức mạnh của nghệ thuật, hoàn toàn khác sức mạnh muốn cai quản xã hội và “làm cha” thế giới. Tác phẩm có tên “Ftatbed Trailer”của Wim Delvoye, bày ở quảng trường mặt sau bảo tàng Nghệ thuật Yokohama.

 

Nằm trong series “Gothic Works” được thực hiện từ 1886, tác phẩm là một cỗ xe giống kiến trúc Gothich, dài 15m, được các nghệ nhân gia công tỉ mỉ. Cỗ xe nhìn xa là một ký ức của Delvoye với nơi ông sinh ra, ở Tây Flanders, Bỉ, nơi có lòng mộ đạo Thiên Chúa rất sâu sắc. Nhưng nhìn kỹ, những chỉ tiết rất giống những đăng-ten của áo quần…

 

Một phần tác phẩm của Kimura Hiroshi (Nhật), thuộc mục “Lắng nghe sự im lặng và những tiếng thì thầm” (“Im lặng” là một tiếng vô thanh diễn tả một cách nghiêm túc và sâu sắc về cái đẹp, cái giận, cái buồn, hơn hàng ngàn lời thốt ra….”). Tác phẩm gồm bốn bức tranh có tên Language (Ngôn ngữ), là bốn câu nói “tầm phào” viết nắn nót trên canvas bằng font chữ rất thịnh hành trong công nghệ in hồi những năm 1980s. Hồi mới mang ra triển lãm năm 1983, người ta tưởng chúng được viết bằng máy rồi in.

 

Những bức tranh này muốn gói gọn tiến trình tâm lý, cảm xúc mà họa sĩ trải qua trong lúc vẽ, như những lời đối thoại câm lặng với thế giới bên ngoài, với người xem… Từ trái qua phải: “Tự bản thân tôi, tôi cảm thấy rất xấu hổ về chuyện đó”, “Vâng, tôi đã hiểu rồi”, “Về vấn đề này thì quyết định là im lặng”, “Vậy à!” (cảm ơn bạn Chuồn Chuồn Kim đã dịch giùm nhé).

 

Một tác phẩm của mục “Lao động trong cô đơn, đánh vật với thế giới (“Nghệ sĩ là một chiến binh bất thình lình thách thức cả xã hội, cả vũ trụ vì một lý do nào đó…”). Tác phẩm có tên “Oh-Garasu” (tức “con quạ to”,1970), của Yoshimura Masunobu, một trong những người sáng lập Neo Dadaism Organizers vào năm 1950.

 

Tác phẩm này được Yoshimura làm cho Osaka Expo 1970. Tại hội chợ ấy, con quạ này đã rất kiêu kỳ, khinh khỉnh nhìn sự tôn sùng kỹ thuật của cả hội chợ, mặc dù chính Yoshimura cũng tham gia tổ chức sự kiện này! Xa xa, bên trong bảo tàng Nghệ thuật Yokohama, là “Art Bin” của Michael Landy (Mỹ), tại cái “thùng rác” này sẽ diễn ra một trình diễn quan trọng.

*

Còn dưới đây là một tác phẩm của Michael Landy (Mỹ), nằm trong mục “Cái gì nằm ở trung tâm thế giới?” (“Hãy đặt một thùng rác ở trung tâm thế giới/Những thứ quẳng vào đó chẳng hay ho gì, vinh quang gì/Đó là thất bại và thua cuộc/Đó là vô dụng và không cần thiết/Bị quẳng vào, đốt cháy, và quên đi/ … Một khi đưa thùng ra thanh thiên bạch nhật/Những điều quan trọng nhưng bị quên đi của chúng ta trở nên hiển hiện rõ ràng/Nghệ thuật là thứ có thể làm việc này/Vì ngoài nghệ sĩ, ai trong chúng ta lại nghĩ đến chuyện đặt cả một cái thùng rác trong phòng khách?”)

Michael Landy là một nghệ sĩ nổi tiếng của Anh với một loạt những tác phẩm thiên về hành động hủy hoại, gây cảm giác rất… cáu cho người xem. Vào năm 2001, anh từng làm một catalogue rất cẩn thận 7.227 món đồ anh có, sau đó dành hai tuần để hủy chúng đi với máy nghiền công nghiệp, trước sự chứng kiến của 50.000 lượt người xem (và tiếc hùi hụi).

Lần này, tới Yokohama Triennale, Michael Landy cho đặt một cái thùng rác khổng lồ ngay sảnh lớn của bảo tàng Nghệ thuật Yokohama. Anh gọi đó là “Art Bin”, và định nghĩa đó là một “tượng đài tưởng nhớ những thất bại về sáng tạo”. Anh mời các nghệ sĩ cũng tham gia, vứt vào những sáng tác mà nghệ sĩ chỉ muốn quên đi, giấu biến sau thành công rực rỡ. Hành động này: vừa nhìn thẳng vào những thất bại đã bị quên, vừa đoạn tuyệt với nó, chính là gieo những hạt mầm mới cho sáng tạo.
 

Thùng rác “Art Bin”, chú ý cái cầu thang bên cạnh nhé

 

Đầu tiên, người ta thấy ông giám đốc nghệ thuật của Triennale, Yasumasa Morimura, khệ nệ vác lên cầu thang một cuộn giấy vải to.

 

Thả cuộn giấy xuống, đó chính là một bức hình chụp Yasumasa hóa thân vào vai nữ hoàng Ai Cập thì phải, trông rất diêm dúa

 

Họ thả vào thùng rác rồi đi xuống

 

Sau đó lần lượt các nghệ sĩ lên. Như anh này chẳng hạn, vứt một bức vẽ tĩnh vật ấm trà.

 

Màn trình diễn khá dài, kéo đến tận hôm sau, và có lẽ cho đến hết Triennale này., tháng Mười Một.

 

Ngày hôm sau cũng đã có nhiều người xếp hàng trên cầu thang, đợi đến lượt vứt vào những thứ muốn vứt. Nghệ sĩ nào cũng có những thứ “rác rưởi” chỉ muốn quên đi nhưng cần nhìn tận mặt để dứt hẳn.

*

Các tác phẩm của Yokohama Triennale 2014 được bày tại hai địa điểm, cách nhau một quãng đường. Một số tác phẩm sẽ có thuyết minh. Người xem đeo tai nghe vào và giọng nói của “quái nhân” Yasumasa Morimura sẽ đích thân giới thiệu về tác phẩm ấy. Mỗi tác phẩm đều có lời giải thích, về tác giả, tác phẩm. Mỗi mục của “hải trình” cũng thế, dán ở cửa của từng khoang triển lãm.

“Nói cho rõ ràng” là một chủ đích của giám đốc nghệ thuật Yasumasa Morimura. Ông muốn nghệ thuật có điên đến mấy cũng phải tiếp cận được từ những người bình thường, không phải là thứ cố tình làm ra cao siêu, không ai hiểu nổi.

Cho nên Triennale lần này còn nhắm tới một đối tượng lớn nữa: trẻ em – những chủ nhân của tương lai. Không phải đợi đến khi các em lớn mới “dong” các em vào bảo tàng, phải đợi đến cứng tuổi mới cho làm quen với cái “khó hiểu” của nghệ thuật đương đại. Trong bảo tàng vào ngày khai mạc có đầy học sinh. Những lời giới thiệu đối với các em có thể còn khó hiểu, nhưng mưa dầm thấm đất, cứ thế đi, rồi nghệ thuật sẽ thành bầu bạn với các em, biết đâu sẽ an ủi các em, một ngày kia khi đã thành người lớn.

.

*

Còn nhiều tác phẩm nữa, Soi sẽ dịch phần giải thích ý nghĩa của chúng (trong catalogue của chương trình) và đưa tiếp trong các các bài sau.

Cảm ơn Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản (The Japan Foundation) đã mời Soi tham gia Yokohama Triennale 2014 và đã rất chu đáo với khách mời trong những ngày tham dự.

 

Ý kiến - Thảo luận

16:02 Friday,8.8.2014 Đăng bởi:  Hoàng Nam
Cách trình bày dễ hiểu cho một sự kiện khó hiểu, trừu tượng. Thích bạn Soi rồi đấy!
...xem tiếp
16:02 Friday,8.8.2014 Đăng bởi:  Hoàng Nam
Cách trình bày dễ hiểu cho một sự kiện khó hiểu, trừu tượng. Thích bạn Soi rồi đấy! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả