Soi học

Hercules (phần 13): Dẫn cún ra về sau khi xé rách mông Theseus 28. 09. 14 - 7:34 pm

Pha Lê

Sau vụ chôm táo, anh hùng Hercules chỉ cần hoàn thành nốt một khổ nạn nữa là hết nợ. Nghe vậy thì ai cũng tưởng cú chót chắc phải hoành tráng lắm; nhưng trái lại, nhiều người than rằng nội dung của khổ nạn cuối chán ốm, được cái ngoài khổ nạn đó Hercules còn râu ria đi cứu thêm vài người nữa, và các cuộc phiêu lưu tự phát này rất vui, đọc buồn cười hơn khổ nạn chính nhiều.

Đầu tiên phải ôn lại bài. Sau khi Diêm Vương Hades bắt cóc Perspephone về làm vợ, mẹ của Persephone – nữ thần mùa màng Demeter – xuống địa ngục cứu con, tuy nhiên Persephone bị Hades lừa cho ăn lựu nên Persephone không thể rời địa ngục hoàn toàn, mà phải sống 6 tháng dưới âm phủ, 6 tháng trên Olympia. Điều này gián tiếp làm nên sự tích xuân hạ thu đông của người Hy Lạp. Và thể theo bản về Hercules, các nhà thơ Hy Lạp cổ (đặc biệt là Ovid) còn kể thêm rằng trong vụ lừa Persephone thì Hades còn một kẻ đồng lõa tên Ascalaphus, chính Ascalaphus đã mách Hades “chiêu ăn lựu” để kìm chân Persephone.
 

Tác phẩm “Hades bắt cóc Persephone”, thế kỷ 18, không rõ tác giả.

 

“Demeter đau khổ vì mất con”, Evelyn de Morgan, 1906

Demeter ghét cả hai thằng đã dám lừa con gái cưng nhưng Hades vốn là em Zeus, chức cao quyền rộng nên Demeter chẳng làm gì được (ngoài chuyện làm một bà mẹ vợ khó tính). Kẻ đồng lõa Ascalaphus thì mang phận tay sai quèn nên bị Demeter trị thẳng tay: bà thần nhốt hắn dưới một tảng đá to ở địa ngục.

Bài thứ hai cần ôn liên quan tới thảm họa chân dài Helen; sau khi bộ đôi Pirithous và Theseus bắt cóc Helen về cho Theseus hiếp và lấy làm vợ, đến lượt Theseus giúp Pirithous bắt cóc Persephone từ tay Hades để Pirithous thỏa mãn cơn thèm (chả biết Persephone ăn nhằm bả gì mà cứ hay bị lấy làm nạn nhân bắt cóc). Cả hai làm một chuyến hành trình can đảm xuống địa ngục, tuy nhiên Persephone không dễ xơi như Helen vì chồng của nàng là Diêm Vương Hades quyền năng. Hades biết tỏng bụng dạ của bộ đôi nên lừa họ ngồi vào hòn đá (có bản nói là cái ghế) lãng quên, toàn bộ cơ thể của Theseus lẫn Pirithous bị dính vào đá, họ chẳng đi đâu được và cũng quên mất tiêu mình là ai.

Tại sao mấy chuyện râu ria này lại gắn với tích Hercules? Đơn giản là vì người hùng là bạn thân của 3 chàng Ascalaphus, Theseus, lẫn Pirithous. Trong khổ nạn cuối, lão vua đểu Eurystheus – chắc do hết nghĩ ra được diệu kế gì hay – phán qua loa rằng Hercules phải mò xuống âm phủ để bắt con chó canh cửa địa ngục 3 đầu Cerberus, đây cũng là chú cún cưng của Hades, từng xuất hiện trong tích về Orpheus.
 

Từ trái qua phải: Hercules, Theseus, và Pirithous

Trên đường xuống diện kiến Diêm Vương, Hercules rảnh rỗi tạt ngang chỗ Ascalaphus bị Demeter dùng đá đè. Chàng dũng sĩ vai u nhẹ nhàng nhấc tảng đá lên để cứu bạn.

Ascalaphus thoát cảnh giam cầm thì mừng húm, nhưng chưa kịp mở tiệc để vui với tự do thì Demeter hầm hè sà xuống với bộ mặt “mi chạy đâu cho thoát”. Nhìn chung thần thánh Hy Lạp hay có tật giận dai, và hễ đụng con cưng của Demeter thì đừng mơ mà thoát, khi tức giận Demeter có thể còn kinh hơn Hera. Bà thần hóa phép biến Ascalaphus thành một con cú mèo xấu xí, khiến Ascalaphus tủi thân quá nên chỉ còn biết cách bay tới gần Hades và ru rú ở cạnh vị Diêm Vương. Từ đó người Hy Lạp gọi cú mèo bằng tên Askalaphos, và cú mèo trở thành biểu tượng của điềm gở (nữ thần thông thái Athena cũng xài cú nhưng đó là giống cú nhỏ, xinh xắn, có tên Athene noctua, còn cú Askalaphos nhìn xấu đau đớn).
 

“Demeter biến Ascalaphus thành cú mèo”, Antonio Tempsta, 1606. Hình minh họa cho cuốn “Metamorphosis” của Ovid.

 

Tranh vẽ tường “Ascalaphus biến thành cú và trái lựu”, 1555, tại Lâu đài Vecchio, Ý. Không biết chính xác ai vẽ bức này, nhưng chủ nhân của lâu đài – Công tước Cosimo đệ Nhất, mời cả đội ngũ nghệ sĩ (do danh họa Giorgio Vasari đứng đầu) để vẽ trang trí cho lâu đài, và đây là một trong vô số tranh vẽ tường ở Vecchio. Nhìn tranh mà thấy tội nghiệp Ascalaphus, vì trái lựu mà khổ suốt đời.

Hercules thấy công cứu bạn của mình thành công cốc, tiếc lắm nhưng chỉ biết gãi tai. Làm gì được nữa bây giờ? Sửng cồ với Demeter thì không chừng bà ấy lại biến mình thành con bọ chét. Người hùng tặc lưỡi, quay sang giải phóng cậu bạn Theseus khỏi hòn đá lãng quên.

Đến chỗ này thì tích bị chia thành nhiều bản, có bản nói Hercules giải cứu thành công Theseus lẫn Pirithous, có bản nói Hercules chỉ cứu được mỗi Theseus thôi, Pirithous bị kẹt lại vĩnh viễn. Nhưng buồn cười nhất là bản kể: do Theseus ngồi trên đá quá lâu, mông của Theseus bị dính chặt vào đá, nên lúc Hercules kéo anh chàng ra thì mông của anh chàng vẫn… dính lại trên cái hòn đá lãng quên kia, và khi trở về mặt đất, Theseus sống hết cuộc đời của mình mà không có mông.
 

“Hercules nhấc Theseus khỏi hòn đá lãng quên”, Berhard Gillam, 1881. Nhìn thì thấy Theseus không có dáng dấp… mất mông cho lắm, nhưng mất mông vẽ thế nào ấy nhỉ? Lắm họa sĩ bối rối chả biết vẽ khoản mất mông này như thế nào nên tranh tượng về Theseus mất mông chẳng có nhiều.

Làm công đức xong, Hercules quay lại với khổ nạn chính và nhận một cái kết rất chán: chàng gặp Hades, giải thích cho Hades biết rằng mình phải bắt Cerberus về diện kiến vua Eurystheus, Hades… đồng ý rất mau lẹ, với điều kiện Hercules không được dùng vũ khí nguy hiểm, gây tổn hại cho cún cưng. Hercules gật đầu, dùng sức giữ chặt Cerberus rồi xích cổ dắt nó về. Túm lại là chẳng có gì khó khăn để kể (chắc tại Hades sợ làm khó thì Hercules sẽ quay sang bôi đen sổ sách như Tôn Ngộ Không?)
 

“Hercules bắt Cerberus”, Peter Paul Rubens, 1636.

 

Tượng Hercules dùng sức xích Cerberus lại để đem về diện kiến vua, Antonin Wagner, 1893. Tác phẩn đặt trước lâu đài Hofburg, Vienna.

 

“Hercules bắt Cerberus”, Johann Koler, 1855.

 

“Hercules bắt Cerberus”, Jun Shiozawa, 2009. Hình như các họa sĩ đều thích vẽ Cerberus nhỏ, cỡ bằng cún nhà bình thường; không to tổ bố như mấy con quái vật thần thoại khác. Nhưng có 3 đầu là Cerberus đã đủ thấy ghê rồi nhỉ?

Thế là Hercules hoàn thành xong 12 khổ nạn, trả hết từ nợ cho tới lãi. Vua cha Zeus rất hài lòng, hóa phép biến Hercules thành thần bất tử, chúc mừng Hercules.

Ý kiến - Thảo luận

22:00 Tuesday,10.4.2018 Đăng bởi:  nguyễn thanh hào
làm thêm đi
...xem tiếp
22:00 Tuesday,10.4.2018 Đăng bởi:  nguyễn thanh hào
làm thêm đi 
17:19 Friday,13.1.2017 Đăng bởi:  Lench
Lí do vì sao con cháu của Theseus sau này mông đít nhỏ. =)))
...xem tiếp
17:19 Friday,13.1.2017 Đăng bởi:  Lench
Lí do vì sao con cháu của Theseus sau này mông đít nhỏ. =))) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả