Nhiếp ảnh

Awoiska van der Molen: sống một mình để hiểu sự cô độc của cảnh vật 07. 11. 14 - 6:08 am

Sean O’Hagan, Hoàng Lan dịch

Trong quyển sách luận Niềm vui từ ảnh đẹp, tác giả Gerry Badger đã nói về các “nhiếp ảnh gia trầm lặng” – những người đặc biệt chăm chút đến “sự hiện diện của sự vật và nơi chốn”. Tôi nhớ đến lời tả này sau khi ngắm tác phẩm của nhiếp ảnh gia Hà Lan Awoiska van der Molen.
 

Nữ tác giả Awoiska van der Molen trước các tác phẩm của mình

Quyển “Sequester” (Ần dật) là cuốn sách ảnh đầu tiên của cô, trong đó tràn ngập một cảm giác lặng yên đến bất bình thường. Các bức phong cảnh đơn sắc – chụp với thời gian phơi sáng dài vào lúc chập tối hay tờ mờ sáng – không chỉ trầm tư báo hiệu cho ta về nơi chốn, mà còn về bản chất của sự vật nữa.

Van der Molen ưa những nơi khỉ ho cò gáy, ví dụ như vùng núi lửa tại các đảo nhỏ của quần đảo Canary. Cô dành thời gian dài sống một mình trên đảo, không chỉ để rèn luyện kĩ thuật chụp mà còn để hun đúc nên cảm giác cô độc cho bản thân. Cô nói cảm giác này rất cần thiết, giúp cô “tiếp cận với tính chịu đựng vốn âm thầm của cảnh vật”.

“Số 245”, Van der Molen

Đây là một nhiếp ảnh gia có lòng kiên nhẫn vô hạn, cô cũng rất hứng thú với cái bản chất bất biến của sự vật. Der Molen thường chụp ảnh với thời gian phơi sáng liên tục đến hơn nửa giờ đồng hồ, sau đó cô nhọc công rửa ảnh trong phòng tối, dùng giấy bạc gelatin khổ to. Đây là một phương pháp xưa cũ, nhưng der Molen chẳng màng giải thích này nọ do hiệu ứng mà phương pháp này đem đến lại mạnh mẽ vô cùng.

Một trong những tác phẩm tôi thích nhất là ảnh chụp ngọn núi đen ngòm nằm lù lù trên nền trời tối tăm xám xịt, nhưng ta lại thấy trên đỉnh núi có hai vệt gì trắng sáng đang lượn sóng. Chúng trông như hai dòng suối, nhìn lấp lánh dưới ánh trăng. Thật kinh ngạc khi biết rằng đây là dòng ánh sáng soi đường của hai nhóm người chuyên leo núi đêm. Nhờ thời gian phơi sáng lâu, der Molen đã chụp được cảnh này từ khoảng cách rất xa.

“Số 212”, nhìn kỹ sẽ thấy hai vệt sáng, Van der Molen.

Ở các hình khác thì ta có thể thấy những ngọn cây cao đan xen, hay những bụi lá mảnh khảnh nom như chiếc lông vũ đang nhô ra khỏi bóng tối thăm thẳm. Bạn gần như có thể nghe thấy cả tiếng xì xào của gió núi. Và bạn sẽ có cảm giác như thể mình đang ngắm hình chụp một hành tinh khác: những khối đá nham thạch giống như đất đá trên cung trăng, các vách núi với những khoảng tối u ám – giống hệt nơi tận cùng của thế giới, những bề mặt lạ lẫm với lắm hình bóng và khe hốc kì quái.
 

“Số 343”, Van der Molen

Ta nhận thấy rằng, Van der Molen xem nhiếp ảnh như một cuộc thám hiểm siêu hình, một chuyến đi tìm bản chất của sự vật. Ảnh cô chụp khiến tôi nhớ đến cuốn sách kinh điển The Living Mountain (Ngọn núi sống) của Nan Shepherd. Sách thuật lại niềm đam mê mà tác giả người Scotland này dành cho ngọn núi Cairngorms – bà xem Cairngorms như một nơi chứa đựng nhiều hồn phách. Và cái hồn ấy cũng tồn tại trong những bức ảnh trầm mặc của der Molen, những tác phẩm chụp một thế giới vừa tiêu điều lại vừa đẹp ngây ngất.

Các tác phẩm khác trong tập ảnh “Sequester” của der Molen:

“Số 346”

 

“Số 351”

 

“Số 334”

 

“Số 331”

 

“Số 350”

 

“số 336”

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Hieniemic - Tranh từ báo NLĐ

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả