|
|
|
|||||||||||||
Trường pháiPre-Raphaelites – khi cái đẹp tình cảm chống lại cái đẹp vô hồn 05. 11. 14 - 9:38 pmAnh Nguyễn biên soạn. Hội họa Tiền Raphael là gì? Tìm một định nghĩa cụ thể của Pre-Raphaelite thì rất khó, chi bằng ta tìm hiểu cái đối lập của nó trước. Khi bảy thành viên chủ chốt của nhóm tụ họp lại dưới ngọn cờ Pre-Raphaelites và gọi nhau là huynh đệ (Pre-Raphaelite Brotherhood), cái mà họ phản kháng lại, ở thời điểm đó, là thứ nghệ thuật kinh viện (Academic art) rỗng tuếch, lòe loẹt, vô hồn, giả tạo và dễ dãi mà giới trung lưu và giàu xổi thời Victorian coi là đẹp. “Hình ảnh khuôn sáo”, “cảm xúc rẻ tiền”, “nhân tạo đến hoàn hảo”, “thờ ơ hoàn toàn với vấn đề xã hội và đạo đức” là những lời phê bình khác dành cho Academic art. Không phải vô tình mà người ta còn gọi chủ nghĩa này là L’art pompier (nghệ thuật khoa trương!) Những ví dụ dễ nhận ra nhất của chủ nghĩa kinh viện là các bức tranh khỏa thân của Alexandre Cabanel và William-Adolphe Bouguereau. Dẫu thể loại nghệ thuật nào cũng có chỗ đứng của nó trong lịch sử, và các ông họa sĩ kinh viện từ lò luyện École des Beaux-Arts đã có không ít công đào tạo các mầm non tương lai (Bouguereau là một trong những ông thầy của Matisse), thật khó để không coi một bức tranh thế này là một loại kitsch, hoặc cùng lắm là một tác phẩm khêu gợi dạng softcore porn khoác áo nghệ thuật. Dài dòng như vậy để nói lên rằng các huynh đệ Pre-Raphaelites… ghét Academic art thậm tệ. Nhưng ghét thì ghét mấy cũng phải… đúng người đúng tội. Academic art không phải tự nhiên một ngày chễm chệ xuất hiện và ngự trị trên đàn nghệ thuật châu Âu. Ngược lại, nó là kết quả của một quá trình dạy và học hàn lâm kéo dài hàng trăm năm ở châu Âu, lặp lại và gạn lọc những cái gọi là “khuôn vàng thước ngọc” bắt đầu từ thời Raphael – họa sĩ Phục Hưng được đám Kinh viện sùng kính nhất. Không buồn đột phá, sáng tạo hay đi sâu, các họa sĩ Kinh viện chỉ mải copy mù quáng những tỉ lệ vàng, tròn trịa, đẹp đẽ của Phục Hưng sao cho vừa mắt. Pre-Raphaelite thì tìm cách kéo đổ nó xuống. Thế nên Pre-Raphaelite là hướng tới những giá trị trước khi ông Raphael xuất hiện và (vô tình) định hướng một thế hệ họa sĩ lầm lạc. Các huynh đệ Pre-Raphaelite tự mang lấy sứ mệnh lần lại tinh túy của nghệ thuật trước thời Raphael và dùng nó làm cái khung để bắt đầu cải tổ hội họa. Mục tiêu của họ là làm sống lại sự trong sáng, chân thật, ngây thơ và gần gũi thiên nhiên của hội họa thời kì trước Phục Hưng. Nguồn cảm hứng của nhóm còn đến từ nhà phê bình John Ruskin, người đã tuyên bố nghệ thuật chính là biểu hiện cho tình trạng đạo đức của xã hội trong cuốn The Stones of Venice. So sánh và đối chiếu: Đây là “Sistine Madonna”, 1512, của Raphael, đại diện của Phục Hưng kiêm thần tượng của đám Kinh viện: Đây là bức “Đức Mẹ Mary, Chúa hài đồng và thánh John”, 1875, của Bouguereau, thuộc Academic Art: Và đây là gia đình Chúa Jesus trong xưởng mộc ông Joseph, tranh của John Everett Millais – thuộc trường phái Tiền Raphael: Và ta đã chạm đến cốt lõi của hội họa Pre-Raphaelite. Các họa sĩ Dante Gabriel Rossetti, William Holman Hunt, Frederic George Stephens muốn dựng lên một phong trào nghệ thuật cao quý, xuất phát trực tiếp từ tình cảm, tinh thần, ý tưởng. Đối với họ, sự biểu hiện (expression) còn quan trọng hơn, giá trị hơn cái đẹp mòn mắt. “Cái nết đánh chết cái đẹp” ở đây được hiểu theo nghĩa đen, nếu ta nhìn vào các tác phẩm như Con gái người tiều phu của (lại là) John Everett Millais – một bức tranh mà nhóm Academic chê ầm lên là xấu (và xấu thật), dù cô bé nhìn rất tình cảm, rất thật, rất ngây thơ trong trắng, cử chỉ rất tình ý, nhưng mà tranh vẫn… không đẹp”. Song chớ vội lo, vì tuy các nhà phê bình thời Victoria chê bai kịch liệt, các họa sĩ Pre-Raphaelite vẫn trung thành với tôn chỉ của mình, đồng thời lựa chọn các người mẫu một cách kỹ lưỡng, đồng thời nghiên cứu cử chỉ, phong thái, khí chất của họ để tạo ra những bức tranh biết nói. Một yếu tố của nghệ thuật Pre-Raphaelite là cách sử dụng màu sắc táo bạo theo phong cách Quattrocento của Ý. Những mảng màu rực rỡ đến “nhức mắt” cũng nhận không ít lời chê bai, nhưng chúng lại tạo cho những tác phẩm một sự quyến rũ đặc biệt. Này thì xanh lè…
Này thì đỏ chót… Này thì màu cam… Một đặc điểm dễ nhận thấy của các nhân vật nữ trong hội họa Pre-Raphaelite là vẻ đẹp rất… lạ của họ. Dante Gabriel Rossetti là họa sĩ chủ chốt của nhóm là người gốc Ý; ông có một niềm hâm mộ gần như ám ảnh với Dante (nhà thơ) và Titien (họa sĩ) của Ý. Vào thế kỉ 18, mái tóc đỏ bị coi là xấu xí, hư hỏng, dấu hiệu phù thủy, song Dante coi mái tóc đỏ là đỉnh cao của nhan sắc. Các nhân vật nữ trong tranh ông, và tranh của nhiều họa sĩ Pre-Raphaelite khác, có mái tóc đỏ dợn sóng như lửa, làn da trắng tái và đôi mắt sâu thăm thẳm.
Tuy phong trào Pre-Raphaelite đã tàn nhưng sẽ rất nhầm nếu cho rằng nó không có ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật hiện thời. Một vài ví dụ…
Kết hợp giữa tinh thần trong sáng của hội họa Trung Cổ, tính biểu tượng à la Jan van Eyck, cũng những mảng màu rực rỡ, chi tiết tinh xảo à la anh em nhà Limbourg, nghệ thuật Pre-Raphaelite là một hiện tượng độc đáo như chính những thiếu nữ bí ẩn, quyến rũ, và khó chiều của nó vậy. Những nền tảng và cảm hứng truyền từ phong trào Pre-Raphaelite, tuy ít ỏi, song có ảnh hưởng lớn đến ba phong trào: Arts and Crafts Movement, Art Nouveau ở Pháp, và Symbolism. Từng phong trào trong “thế hệ F1” đó đều có những đặc điểm nhận dạng riêng biệt và khác nhau từ bà mẹ Pre-Raphaelite. Đó là những thứ chúng ta sẽ nói tới ở những bài khác nữa…
Ý kiến - Thảo luận
22:47
Tuesday,31.8.2021
Đăng bởi:
Hoàng Sơn
22:47
Tuesday,31.8.2021
Đăng bởi:
Hoàng Sơn
Tác giả viết bài hay quá, đọc em đã rất muốn tìm hiểu thêm về những bài thơ và những cuốn sách trong bài viết của a.
23:47
Saturday,8.11.2014
Đăng bởi:
Linh Cao
Chờ hoài chưa thấy đến Biểu hiện- trừu tượng nhỉ? Mà cái thời lày ở lước ta đáng nhẽ phải được gọi bằng một cái tên trường phái rất hay, giật gân, thế mà mình nghĩ mãi chưa ra đó. Đễ cho gần gũi dễ mủi lòng, đề nghị Anh Nguyễn cho xin một bài về Hiện thực xã hội chủ nghĩa đi, nhưng mà phải minh hoạ bằng tranh Rivera cơ, mình chỉ thích hừng hực khí
23:47
Saturday,8.11.2014
Đăng bởi:
Linh Cao
Chờ hoài chưa thấy đến Biểu hiện- trừu tượng nhỉ? Mà cái thời lày ở lước ta đáng nhẽ phải được gọi bằng một cái tên trường phái rất hay, giật gân, thế mà mình nghĩ mãi chưa ra đó. Đễ cho gần gũi dễ mủi lòng, đề nghị Anh Nguyễn cho xin một bài về Hiện thực xã hội chủ nghĩa đi, nhưng mà phải minh hoạ bằng tranh Rivera cơ, mình chỉ thích hừng hực khí thế cách mạng, có lý tưởng, có đấu tranh.. He he, thế mới cân bằng được với tiếng gào thét cá nhân kiểu Kaclo Frida. Nhìn lại cả cái lền mỹ thuật lước mềnh, ai cũng đòi làm Frida mà chẳng có nổi một mống Rivera, hu, buồn buồn thế nào ấy !! Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp