|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhNHẬP NHẰNG – Ám ảnh, mông lung và rờn rợn 22. 10. 14 - 8:07 amHọa sỹ Phạm Quang HiếuNHẬP NHẰNG – AFFITTA Những năm gần đây, Phạm Tuấn Tú nổi lên như một hiện tượng độc đáo, riêng biệt trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Với một phong cách không giống bất kỳ ai, nghệ thuật của anh là nỗi ám ảnh khôn nguôi về một thế giới dường như bất khả minh định. Sự hoang mang, hoài nghi, lưỡng tính đối lập sợ hãi-thách thức, u buồn-hài hước… ám đầy trong các tác phẩm mà âm hưởng của bảng màu tối cùng những hình ảnh dị dạng và tầng tầng lớp lớp những mô típ trang trí tạo nên một bầu không khí ma quái, liêu trai. Nổi bật trong cái thế giới lạ lùng này, vượt quá sự mô tả hiện tượng, những nhân vật đồng/lưỡng tính trở thành biểu tượng của một thế giới mang trong mình mối mâu thuẫn dường như không thể thống nhất, không thể phân biệt rạch ròi. Những nhân vật bất nam bất nữ với khuôn mặt hắc ám, ánh mắt liếc ngang đầy nghi ngại lại như đang giễu cợt, trêu ngươi cái thế giới sáng sủa nhân danh lý trí vẫn thường dễ dàng gọi và đặt tên cho mọi sự trên đời. Chúng gợi nhắc đến hình ảnh một thanh đồng căn cô(1) thân nam mà hồn nữ. Hồn nữ? Ô, chưa chắc! Bởi cái hồn ấy là ai, nam hay nữ, già hay trẻ còn tùy thuộc vào bóng(2), vào giá(3) nào đang nhập: ông hoàng, bà chúa, hay cậu, hay cô… Nói chuyện với Tú, anh kể từ hồi bé tí đã theo mẹ đi hầu4 (mẹ Tú là một thanh đồng5). Ngoài những điệu múa, lời văn, nội thất trong ngôi điện thờ hay không khí linh thiêng của buổi lên đồng… đã đi vào tâm thức, thì điều ám ảnh anh nhất chính là hiện tượng nhập đồng6. Hiện tượng một thân xác đang là người này, thoắt bỗng trở thành người kia hẳn đã làm anh nhiều đêm mất ngủ. Sống trong môi trường văn hóa đậm chất tâm linh, mắt thấy tai nghe những điều kỳ lạ, những câu chuyện về người âm, vong hồn, thần linh, ma quỷ… cứ đeo đẳng anh mãi. Anh cần một câu trả lời. Nhưng lý lẽ được bày ra trong sự rõ ràng những tưởng sẽ xoa dịu nỗi bất an, rốt cùng lại dìm cảm giác vào miên man vô định… Để đến giờ, những vong, những hồn, những bóng vẫn đan xen lẫn lộn với lý trí lúc mờ lúc tỏ chập chờn trong giấc mộng liêu trai! Ám ảnh bởi cái chết và những gì xảy ra sau cái chết, bầu không khí tang tóc huyệt mộ phảng phất khắp các tác phẩm của Phạm Tuấn Tú, đọng lại hình hài ở chi tiết này, kết thành tử khí đậm đặc trong tác phẩm nọ mà sự hóm hỉnh hóa cố ý gây cười hay dục tính lúc ẩn lúc hiện không làm sao hóa nổi. Xen giữa những mô típ trang trí tinh xảo, hoa hồng và gấu bông lè lưỡi… là những con búp bê cụt đầu, cây thập tự trên bia đá, hay con cú báo điềm bất hạnh…! Rờn rợn một cảm giác lạnh sống lưng! Gai người như có ai nhìn sau gáy! Những cành cây hay bàn tay ma quỷ uốn quanh phận người? Những thây ma đội mồ sống dậy trật vú gợi tình hay u uẩn trong ta mượn hình mượn xác để một lần nhởn nhơ hoan ca lạc vũ trong cõi hình hài? Giấc mơ siêu thực/ bóng ảnh vô hình/ mượn chân nhảy múa/ xác này xin dâng…!!!
Xem các tác phẩm của Tú, người ta dễ liên tưởng tới những bộ phim kinh dị của Hollywood hay Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Nghe văng vẳng đâu đây những ca từ ai oán trong nhạc phẩm Phạm Duy: Chiều đi lặng lẽ/ Mộ chí hoa tàn/ Ôi màu hoa tang trắng/ Liệm tình anh nát tan…; Tàn mùa đông vào chùa bỡ ngỡ/ Tiễn đưa em trong áo quan này7…! Cùng một nỗi ám ảnh (?), Vrubel8 trong thế kỷ 19 cũng vẽ một số họa phẩm chủ đề ma quỷ. Có sự tương đồng nhất định ở bầu không khí ma quái, nỗi ám ảnh bởi cái chết, bởi thế giới bên kia và những lực lượng vô hình ở hai họa sĩ. Chệch khỏi quỹ đạo mỹ cảm thông thường, bằng biểu tượng và cảm xúc chân thật, Phạm Tuấn Tú đưa chúng ta vào một thế giới mà ở đó trắng-đen, thiện-ác, nữ-nam… không dễ dàng phân định. Dù gắn với những chủ đề mang ý nghĩa xã hội nhất định, một cách vô thức, tác phẩm của anh vẫn đặt trước chúng ta một câu hỏi cơ bản hơn về bản thể con người, bản thể Tồn Tại. Năm 2010, bốn tác phẩm của Phạm Tuấn Tú lọt vào chung kết giải thưởng tài năng trẻ của quỹ CDEF và đạt giải nhất. Đó là tiền đề của cuộc triển lãm này và cũng là bước khởi đầu của một tài năng độc đáo mà tôi tin sẽ để lại dấu ấn của mình không chỉ trong lịch sử nghệ thuật nước nhà. * Chú thích:
Ý kiến - Thảo luận
12:24
Saturday,25.10.2014
Đăng bởi:
phạm quang hiếu
12:24
Saturday,25.10.2014
Đăng bởi:
phạm quang hiếu
Cảm ơn các bạn!
Cách đây bảy, tám năm mình với Tú có làm việc chung trong một cái xưởng hết sức... u ám! Ra ngoài thì thôi, chứ cứ về đến xưởng là anh chàng Tú lại mở một đĩa nhạc Lệ Thu, toàn bài chết chóc với lại thất tình! Chiều tưởng nhớ, em lễ chùa này, bóng chiều tà, em chết theo ngày vu quy, nếu một mai em sẽ qua đời....!!! Ối zời! Căn nhà vốn đã ẩm thấp, u ám thì chớ, lại còn nghe đồn là trước đây có một cô gái tuổi trăng tròn (chắc còn trinh) chết ở đấy! Tuấn Tú sợ lắm, chả dám ngủ lại một mình bao giờ. Ban đêm buồn đái cũng chả dám ra vườn sau nhà, đành đái vào bô :)) Thế nhưng anh chàng lại đặc biệt mê mẩn mấy bài hát kể trên. Mới nghe mình cũng chẳng ưa. Nhưng bị nghe nhiều đâm lại thích :). Bạn cứ tưởng tượng: Đêm mùa đông rét mướt, không gian u ám, nhà có ma, tinh thần ảm đạm vì túi rỗng tuếch, mà cứ về đến nhà lại nghe: ...tiễn đưa em trong áo quan này...!!! Vì cái đĩa mất bìa, chẳng có tên tác giả cho từng bài hát, lại có mấy bài của Phạm Duy nên từ đấy mình cứ đinh ninh bài "Chiều tưởng nhớ" là của ổng :) Thế mới biết, nhiều cái mình chắc chắn quá, chả buồn tìm hiểu kĩ, lại hóa ra sai :) Cảm ơn bạn Ngo Luc Truc! @Thotho Tonnu: Cái đó mình biết, nhưng không muốn chú thích dài dòng. Bởi mình ko viết về âm nhạc của Phạm Duy.
11:32
Saturday,25.10.2014
Đăng bởi:
Thotho Tonnu
Bài "Em lễ chùa này" là của nhà thơ (tu sĩ) Phạm Thiên Thư .Pham Duy phổ nhạc .Mình đính chính một tí giúp bạn
...xem tiếp
11:32
Saturday,25.10.2014
Đăng bởi:
Thotho Tonnu
Bài "Em lễ chùa này" là của nhà thơ (tu sĩ) Phạm Thiên Thư .Pham Duy phổ nhạc .Mình đính chính một tí giúp bạn
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Cách đây bảy, tám năm mình với Tú có làm việc chung trong một cái xưởng hết sức... u ám! Ra ngoài thì thôi, chứ cứ về đến xưởng là anh chàng Tú lại mở một đĩa nhạc Lệ Thu, toàn bài chết chóc với lại thất tình! Chiều tưởng nhớ, em lễ chùa này, bóng chiều tà, em chết theo ngày vu quy, nếu một mai em sẽ qua đời....!!!
Ối zời! Căn nhà vốn đ
...xem tiếp