Bàn luận

Tâm vận động theo bút 23. 02. 12 - 12:56 am

Phan Cẩm Thượng

(Ghi chú: Đây là bài viết riêng cho cuốn sách Đặng Tin Tưởng, giới thiệu sáng tác hội họa của ông từ hơn 30 năm qua, Nxb Mỹ thuật 2009)

 

.

 

Từ bấy lâu nay, Đặng Tin Tưởng (sinh năm 1945) được biết đến như một họa sỹ rất khảng khái và thành thực. Ông chưa bao giờ giấu cả cái mạnh và cái yếu của mình với đồng nghiệp, cũng như cần mẫn lao động nghệ thuật để bù đắp cho sở đoản của mình. Khi hầu hết các họa sỹ chọn những lối vẽ sơn dầu, sơn mài, cho phép tung tăng trên bề mặt tấm toan và tấm vóc, thì ông lại chọn tranh Sơn khắc, một chất liệu mà rất ít người có thể theo đuổi một cách chuyên nghiệp, bởi nó đòi hỏi sức khỏe, sự kiên nhẫn, tay cầm dao khắc vừa phải cứng cỏi, vừa phải khéo léo và tỷ mẩn, mà hiệu quả cuối cùng của bức tranh lại nhiều tính trang trí hơn biểu hiện. Ngay từ những năm 1980, Đặng Tin Tưởng đã thực hiện những bức tranh khắc khổ lớn, lúc ấy chỉ còn vài người làm tranh sơn khắc mà thôi, như Công Văn Trung, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Nghĩa Duyện và vài người trẻ khác làm cho biết chất liệu này rồi rút lui ngay. Tuy nhiên chất liệu sơn khắc lại phù hợp với việc diễn tả cảnh lớn, nhiều chi tiết, với những phong cảnh có chiều rộng và hoạt cảnh lịch sử, đặc biệt là vẽ các di tích cổ đình đền chùa, hội làng nhiều cảnh vật và mầu sắc. Nó cũng phù hợp với lối diễn tả không gian thấu thị tẩu mã và thấu thị phi điểu, để vẽ sự vật dàn trải như ngồi trên yên ngựa mà nhìn cảnh vật dàn phía sau, hay nhìn như chim bay trên trời thấy cả một vùng rộng. Đó cũng là đặc điểm của con mắt nghệ thuật phương Đông truyền thống.

Một bức tranh sơn khắc của họa sĩ Đặng Tin Tưởng

 

Khi làm tranh sơn khắc, Đặng Tin Tưởng thường lại sử dụng không gian ba chiều kết hợp không gian phi điểu ở vài góc độ. Cái nhìn trở nên toàn cảnh hơn, một số khu vực chi tiết được vẽ đến mức tối đa, hoặc cố tình làm ra vẻ rối loạn, những chổ khác lại gợi mảng trống và khái quát. Họa sỹ đã quản lý rất chi tiết bề mặt tranh sơn khắc của mình, nhưng vẫn gợi được lên vẻ nên thơ của cảnh vật và xúc cảm thẩm mỹ của người phương Đông. Thành công đến như vậy, nhưng hình như ông cũng phải từ bỏ tranh sơn khắc. Ngày đầu năm 2009, khi đến thăm xưởng họa của ông, hỏi ông còn làm tranh khắc hay không, ông nói có lẽ là vĩnh biệt. Phần vì, Đặng Tin Tưởng đã ngoài 60, tay không còn nhanh và khỏe để lướt con dao trên mặt tấm vóc, phần lớn hơn, vì mắt ông rất kém, diện trường nhìn hẹp đến nỗi, có hai người ngồi cạnh nhau, ông chỉ nhìn thấy một người.

Trích đoạn tranh Hùng Sơn đất Việt, 171 x 420cm, acrylic trên toile, 2011

 

Tình yêu với hội họa không dễ gì từ bỏ, ông chuyển sang sáng tác hàng loạt tranh phong cảnh và sinh hoạt bằng acrylic trên toan, chất liệu này có thể vẽ tương đối thoải mái với dầu hoặc nước, nhanh khô, và cũng dễ di chuyển. Từ năm sáu năm nay, ông thường cùng họa sỹ Trần Lưu Hậu lên vẽ tại Sa Pa và Bắc Hà. Trần Lưu Hậu có lẽ hơn Đặng đến gần hai chục tuổi, nhưng ông còn vẽ khỏe, và theo như lời Đặng, ông đã truyền cho người bạn trẻ hơn cái nhiệt tình lao động, đến mức nếu ngày mai phải làm một việc gì khác, thì hôm nay ông già làm việc gấp đôi, gọi là vẽ bù. Tôi thấy lão họa sỹ còn ảnh hưởng cả lối chấm phá thoải mái và diễn tả tâm trạng có chiều sâu sang cả Đặng, dù lúc nào Đặng cũng giữ được một bút pháp riêng. Ngay cả khi vẽ một bức tranh gần như trừu tượng, Đặng Tin Tưởng vẫn tạo được một cảm quan không gian có lớp và chiều sâu nhất định, và bao phủ lên chúng một sắc thái tình cảm trong lành. Sắc màu và tập tục miền núi đã dẫn ông đến những bức họa có tính liên hoàn, có thể ghép liền với nhau, có thể đặt cạnh nhau, như một bức tranh nhiều phần. Thổ cẩm, gùi lên nương, váy xòe, cây cỏ, trang sức bằng bạc được vẽ hỗn độn, song toàn bộ lại như là một bức tranh trang trí rất trừu tượng. Những bức phong cảnh thể hiện niềm khoan khoái của ông khi vung bút vẽ theo trực cảm, dù mắt đã rất kém, ông vẽ theo một sự dẫn dắt bên trong khi tâm hồn ông tưởng tượng ra cảnh vật, khi tâm trạng ông cảm giác về sự nóng lạnh và biến đổi của màu sắc. Một loạt tranh đen trắng cho thấy những chiều sâu sáng tác của một thị lực có lẽ phân biệt đen trắng mạnh mẽ hơn màu sắc, cũng như diện trường nhìn hẹp nên cảnh vật được thu rất gần. Những nhát bút không chút ngập ngừng, bởi trong lòng đã quen biết sự vật, lối vẽ này xuất phát bởi một họa sỹ mắt đã kém dành nhiều thời gian quan sát, và khi quay vẽ diễn tả thì để cho tay bút đi theo sự dẫn dắt của nội tâm.

 

Phan Cẩm Thượng
2009

Mây và núi 2, 100 x 160cm, acrylic trên toile, 2009.

Mây và núi 4, acrylic trên toile, 100 x 160cm, 2009

Bình minh, acrylic trên toile, 100 x 150cm, 2010

 

*

Bài liên quan:

– 16h30 ngày 22. 2: ĐIỆP KHÚC MÙ MÂY
– Tâm vận động theo bút

Ý kiến - Thảo luận

23:39 Friday,10.8.2012 Đăng bởi:  Hienkhuat
Sư phụ nói: dầu là dầu ăn ấy mấy iem ơi!
...xem tiếp
23:39 Friday,10.8.2012 Đăng bởi:  Hienkhuat
Sư phụ nói: dầu là dầu ăn ấy mấy iem ơi! 
9:50 Saturday,25.2.2012 Đăng bởi:  Vỡ lòng
Vỡ lòng

1) về màu sơn dầu:
--------------------
Sơn dầu là tên dịch từ tiếng Pháp peinture à l'huile hoặc tiếng Anh oil painting, trong đó "huile" (Pháp) hay "oil" (Anh) có nghĩa là "dầu".

Màu vẽ được chế tạo bằng cách trộn các hạt màu (color pigments) với chất kết dính.

Trong sơn dầu chất kết dính (dầu tạo màng = drying oil) là dầu lanh [huile de lin (Pháp) hay linseed oil (An
...xem tiếp
9:50 Saturday,25.2.2012 Đăng bởi:  Vỡ lòng
Vỡ lòng

1) về màu sơn dầu:
--------------------
Sơn dầu là tên dịch từ tiếng Pháp peinture à l'huile hoặc tiếng Anh oil painting, trong đó "huile" (Pháp) hay "oil" (Anh) có nghĩa là "dầu".

Màu vẽ được chế tạo bằng cách trộn các hạt màu (color pigments) với chất kết dính.

Trong sơn dầu chất kết dính (dầu tạo màng = drying oil) là dầu lanh [huile de lin (Pháp) hay linseed oil (Anh)] hoặc là dầu của một số cây khác như dầu rum (safflower oil), dầu hạt óc chó (walnut oil), dầu cây thuốc phiện (poppy oil).

Các hạt màu (color pigments) trộn trong dầu tạo màng được treo lơ lửng trong đó. Dầu tạo màng khi khô tạo ra một lớp phim cứng bền, khúc xạ và phản quang khiến màu trông rực rỡ.

Dung môi (solvent) được dùng để pha loãng sơn dầu. Dầu thông (turpentine) được dùng làm dung môi cho màu sơn dầu.

2) về màu acrylic:
---------------------
Đối với màu acrylic, chất tạo màng là nhựa cao phân tử acrylic (acrylic polymer), còn dung môi là nước, hoà tan nhựa acrylic. Nhưng sau khi nhựa acrylic đã khô cứng lại thì không thể bị hoà tan bằng nước được nữa.

Vì thế màu acrylic và sơn dầu là hai thứ màu vẽ hoàn toàn khác nhau - màu sơn dầu là oil-based paint (màu với dung môi dầu) trong khi màu acrylic là water-based paint (màu với dung môi nước) - và không thể nào vẽ trộn với nhau được. Không thể dùng dầu thông (turpentine) làm dung môi cho màu acrylic cũng như không thể dùng nước để pha màu sơn dầu.

Màu sơn dầu có thể dùng để vẽ lên trên bề mặt màu acrylic đã khô cứng. Chính vì thế mà ngày nay acrylic được dùng để chế tạo gesso phủ canvas (toile) để vẽ sơn dầu. Acrylic gesso tốt hơn gesso dùng keo động vật hay casein vì không bị mốc và dẻo. Trái lại, màu acrylic không thể dùng để vẽ trên các bề mặt có dầu, mỡ, hay sơn dầu vì sẽ bị bong ra sau khi khô.

3) về Hán - Việt
-------------------
Tác giả Phan Cẩm Thượng chắc muốn nói tới cảnh nhìn từ trên cao xuống. Tuy nhiên "phi điểu" (飛鳥)[nghĩa là "chim bay"] là thuật ngữ do tác giả bịa ra để gán cho "cảnh từ trên cao xuống". Thuật ngữ "cảnh nhìn từ trên cao xuống" (bird-eye view, hay top-down view) trong Hán - Việt có tên là "điểu khám" (鳥瞰) [trong đó "điểu" là "chim", còn "khám" là "nhìn, coi, dòm"] hoặc "điểu nhãn thị đồ" (鳥眼視圖) (điểu = chim, nhãn = mắt, thị = nhìn, đồ = cảnh). 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả