Bàn luận

Bóng tối nào, và Chảy đi đâu? 02. 03. 12 - 11:03 am

Nguyễn Thanh Sơn

(SOI: Mặc dù không phải là trang về văn học, nhưng lần này Soi xin đăng bài viết sau của nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn. Lý do: cuốn sách mà anh viết đến là của một… họa sĩ. Tác giả – họa sĩ Đỗ Phấn – là người có nhiều tác phẩm văn học (viết về họa sĩ và cả không về họa sĩ). Tác phẩm của ông từng lọt chung khảo giải thưởng Bách Việt. Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông cho biết, khi xây dựng truyện, ông luôn dùng tư duy hình ảnh. Ông tự nhận mình là một người viết văn nghiệp dư, và ưu thế mà mình có là sự hồn nhiên khi viết.)

Đối với các nhà văn Hà nội, vùng đất bãi ven sông Hồng có sức cám dỗ không khác gì những đại lộ ngoại vi đối với các nhà văn Paris. Nơi đám dân nghèo tứ chiếng hoặc ở khắp nơi dạt về, hoặc bị thành phố tàn nhẫn tống ra luôn có những số phận bị đầy đọa, và những câu chuyện chìm nổi của tầng lớp “dưới đáy” này là thứ nguyên liệu mầu mỡ cho sáng tạo của nhà văn- họ nghĩ vậy. Mảnh đất thừa ra của thành phố này dễ dàng tạo được sự tương phản giữa đạo đức và tha hóa, tình người và đồng tiền, hiện đại và truyền thống, thành phố và làng quê. Rồi còn ngôn ngữ của họ, thứ ngôn ngữ nửa thành phố nửa giang hồ bặm trợn hứa hẹn niềm vinh quang của một Bỉ vỏ thời hiện đại. Hơn nữa, còn gì thơ mộng hơn khi cạnh đó luôn dọn sẵn con sông Hồng tuôn chảy đã ngàn năm, một biểu tượng nên thơ, thờ ơ hay tàn nhẫn tùy thuộc vào sự lựa chọn của nhà văn.

Không nhiều nhà văn hiểu rằng, miền đất này ẩn chứa một nguy cơ tiềm tàng với các nhà văn. Nguy cơ của sự lặp lại! Hiện thực có thể ngồn ngộn, nhưng đã bị khai thác quá đà từ lâu. Tương phản dễ sử dụng, nhưng còn dễ đưa ta vào lối mòn hơn. Ngôn ngữ đã bị “đô thị hóa” – phải lắng nghe rất lâu, rất sâu mới có thể tìm ra nét đặc biệt của nó. Chính bằng sự dễ dàng, vùng đất này dìm chết rất nhanh các nhà văn lười nhác.

Và Đỗ Phấn đã lún rất nhanh vào sự dễ dàng đó. Chảy qua bóng tối, cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của anh, lấy bối cảnh của Xóm Bến, một xóm nhỏ vùng đất bãi, tràn ngập sự dập khuôn không thể cứu vãn. Dập khuôn trước tiên về nhân vật! Các nhân vật của anh như vừa xếp hàng tiến ra từ nghĩa địa của văn học sử, một thứ văn học hiện thực phê phán từ gần tám mươi năm trước. Đó là ông Quảng, một người đàn ông mù, vốn có một gia cảnh lừng lẫy nhưng “làm ăn ngày càng lụn bại”, cuối cùng dạt về vùng đất bãi này với một “án thờ sơn son thếp vàng cũ kỹ nhưng sạch sẽ”, ngày ngày đi bắt chim cùng đứa con nuôi; ông Hoạt một người lái đò nghèo, một hôm quyết định cắm sào con đò mục nát của mình để lên bờ với “sáu nhân mạng đói khát kiệt quệ”; Tiên, người phụ nữ “theo không” người đàn ông mù vì bụng mang dạ chửa, kết quả của một cuộc tình nông nổi; chú Chính, tay công an bị thải hồi, chú Thuận, người nuôi và giết mổ gà vịt, và tất nhiên, chắc chắn phải có các cô gái điếm, những Vân, Ly, Yến hay những tên du đãng hiện đại như Sơn “muối”, Mạnh hay thằng Nghĩa. Tức là hết sức đúng công thức của một tiểu thuyết ven đô, đủ cả giang hồ, lưu manh, đĩ điếm, một ông già mù, một cô gái lỡ thì cùng vài cuộc đời nghèo khổ khác. Ta có thể cất mũ chào Kim Lân (Vợ nhặt), Nam Cao (Lão Hạc), Nhật Tiến (Thềm hoang) và nửa tá nhà văn đã quá cố khác. Ta cũng phải cất mũ chào ông Quảng,  khi như tất cả các ông già mù trong văn học Việt Nam, bao giờ cũng được “khuyến mại” kèm theo một con chó yêu thương và một đứa trẻ con láu lỉnh (đối với văn học Việt Nam, một người mù mà không có một con chó đi kèm thì còn tệ hơn thiếu đi cây gậy chống); chào cô Nhàn, một cô gái quá lứa với bộ mặt đầy trứng cá, nhất định phải là ngọn hỏa diệm sơn đầy ắp ngọn lửa nhục dục; hay ông Hoạt, như tất cả những gã đàn ông sống trên thuyền, chắc chắn được qui định là phải rượu chè be bét và đánh vợ chửi con như két.

Sự dập khuôn về nhân vật sẽ kéo đến sự dập khuôn về bối cảnh, và trong Chảy qua bóng tối, chính sự “kéo lùi thời gian” của bối cảnh (thích hợp hơn cả với thời điểm ra đời của văn học hiện thực phê phán) đã khiến tác giả lúng túng trong việc xử lý những vấn đề của thời gian. Độc giả dễ dàng nhận thấy sự bất hợp lý trong việc thể hiện thời gian của tiểu thuyết, khi tác giả buộc phải đem những câu chuyện hợp lý hơn của thời hiện tại vào quá khứ để cố tạo ra sự kết nối (như câu chuyện cô Tiên đi buôn ma-túy lại xảy ra trong thời gian chiến tranh với Mỹ chẳng hạn). Cho nên, mặc dù được định danh là “chảy qua” những cuộc đời, những thân phận, nhưng những vấn đề của quá khứ và của hiện tại cứ lẫn lộn với nhau (thời gian quá khứ không hẳn là thời gian đúng của quá khứ, và hiện tại cũng không hẳn đúng là thời gian hiện tại), khiến cho người đọc khó có thể sự tiếp nối của thời gian tiểu thuyết.

Thực ra, người đọc sẽ không quá chú tâm vào những bất hợp lý về mặt thời gian, thậm chí còn chấp nhận những nghịch lý của nó, nếu như nhà văn xây dựng được những không- thời gian khác nhau, hoặc bằng những giọng kể khác nhau. Nhưng trong Chảy qua bóng tối, chỉ có một cách kể chuyện duy nhất, đó kể lể dông dài về cuộc đời của từng nhân vật, từ xuất xứ, gia đình, nghề nghiệp, quan hệ gia đình theo một cách thức mà chẳng có một biến cố nào khiến cho người đọc phải quan tâm. Chảy qua bóng tối, thực ra, là những câu chuyện cuộc đời nho nhỏ về các nhân vật của tiểu thuyết hơn là một câu chuyện lớn được tái tạo lại bởi những câu chuyện nhỏ. Với những câu chuyện rời rạc như vậy, có tách tiểu thuyết này thành một tập truyện ngắn chắc cũng không thay đổi gì. Chính vì vậy, cái kết của cuốn tiểu thuyết thật ơ hờ, bởi cái kết cục của các nhân vật đều giống hệt nhau, như trong một kịch bản đã được soạn sẵn đúng cho tất cả: bị những người thân trong gia đình ghẻ lạnh hoặc xua đuổi, họ hoặc tìm đến cái chết như ông Quảng (rồi được cứu sống và tìm thấy mái ấm ở một nhóm người mù khác-sic-), bỏ nhà ra đi như ông Hoạt (quay lại con đò ngày xưa), chết trong bệnh tật và tức giận như ông Chính, thấy cuộc đời tắc tị như chú Thuận… Nhưng hình như người đọc chẳng hề bận tâm đến số phận bi thảm của họ, bởi vì trong tiểu thuyết của mình, tác giả đã để cho họ sống thật mờ nhạt. Nét duyên dáng và sáng tạo duy nhất của tiểu thuyết là một “con mắt thứ hai”, những đoạn dãi bày nhỏ của “nhân vật tác giả” được đặt một cách chọn lọc trong cuốn tiểu thuyết. Những trao đổi giữa các nhân vật của cuốn tiểu thuyết với “nhân vật tác giả” tạo ra (cho dù còn rất mờ nhạt) một tầng thứ hai của tiểu thuyết. Tiếc rằng, sự dập khuôn quá mức, cách kể chuyện dài dòng và đều đều của tác giả không làm cho chiều kích thứ hai đó tạo ra được ảnh hưởng nhất định tới cuốn tiểu thuyết này. Cho nên, đọc xong Chảy qua bóng tối, có cảm giác nhà văn mới chỉ giống như một người đứng trên con đê sông Hồng mới được đổ bê-tông, tráng lên một lớp men sứ mĩ miều, buồn bã thấy đống kim tiêm cắm đầy trên tường, thấy những mái nhà bé nhỏ, thấy những con người lầm lũi, nhưng chưa thấy được sự xót xa, chưa thấy được cao hơn và xa hơn những mô tả vật lý trong tác phẩm của mình.

Tại sao không chỉ Đỗ Phấn, mà rất nhiều nhà văn như anh, lại rất dễ sa vào cái bẫy cliché ấy, sản xuất ra hàng loạt những tác phẩm na ná như nhau, với những câu chuyện, những nhân vật, những cấu trúc như nhau? Phải chăng do ảnh hưởng lâu dài của chủ nghĩa hiện thực, suốt một thời được coi là “phương pháp duy nhất đúng”, với nhà văn như “người thư ký của thời đại”? Hay do sự hạn hẹp của trí tưởng tượng, bó mình trong khuôn khổ quen thuộc của cái đã được thử và đã được công nhận? Hay đơn giản vì không có một ham muốn mạnh mẽ của việc tạo ra những tác phẩm lớn, lay động tình cảm của công chúng- muốn lay động được họ phải có sức mạnh của những ý tưởng lớn, những triết lý sống lớn, và một tài năng lớn-mà bằng lòng với việc “viết để chia sẻ”, chia sẽ những suy nghĩ vụt vặt mà mình tích cóp trong cuộc đời?

Thực ra, chủ nghĩa hiện thực không có gì xấu, nếu như người ta làm được điều nó mong muốn, có điều, với những nhà văn như Đỗ Phấn, ngay cả vai trò “người thư ký của thời đại” anh cũng không thực hiện được. Bởi vì anh không nhìn thấy sự thay đổi của nhân vật và thời đại. Nếu như sáng tác theo phương pháp của chủ nghĩa hiện thực, vậy hãy tự hỏi, chúng ta đã bước vào thế kỷ 21, những vấn đề, những trăn trở, những tính cách của con người đã không còn như trước, không còn giống như cái-mà-chúng-ta-tưởng-đã-biết về nhân vật, vậy nhân vật tiểu thuyết của thời đại chúng ta có gì khác so với nhân vật nửa thế kỷ, thậm chí chỉ một thập kỷ trước đây? Liệu nỗi lo về miếng ăn, manh áo, những ẩn ức tình dục đã biến đổi thế nào trong thời đại ngày nay? Đâu là sự thất vọng, đâu là sự căm hận, đâu là hoài vọng mới của họ? Và đâu là ngôn ngữ hiện đại của họ, một thứ ngôn ngữ sống động của hiện thực, chứ không phải thứ ngôn ngữ mà chúng ta gán cho họ?

Hãy mở cửa đón nhận những phương pháp sáng tác mới. Một trong những phương pháp đó là tạo ra một thế giới sáng tạo của riêng mình, một thế giới chúng ta có thể trộn lẫn hiện thực với huyền thoại, tượng trưng hay siêu thực, một thế giới nơi chúng ta quyết định những định luật vật lý, không gian, thời gian hay nhân vật, một thế giới mà óc sáng tạo là cản trở duy nhất ngòi bút của nhà văn. Nguyễn Bình Phương đã tạo ra vùng đất Linh Nham, Ngô Tự Lập tạo ra Tùng Quảng theo cách như vậy. Hay hãy thử diễu nhại cái hiện thực nhàm chán, cái cliché đang đeo bám chúng ta dai dẳng? Chẳng phải con quỉ xấu xí sẽ biến đi khi cô bé cất tiếng cười hay sao? Còn gì cliché hơn những gì đã xảy ra trong Cách mạng văn hóa, nhưng hãy xem dưới ngòi bút của Trương Hiền Lượng, Đới Tư Kiệt những cliché đó đã thay đổi ra sao. Hay hãy thử thay đổi ngôn ngữ của tiểu thuyết mình, thay đổi chiều của thời gian, thay đổi cách câu chuyện đã diễn ra- như cái cách Cao Hành Kiện đã làm với Linh sơn? Hoặc từ bỏ niềm tin đã được lập trình rằng, bằng cách cúi nhìn xuống đám đông cùng khổ, anh có thể tìm được sự cứu rỗi cho riêng anh? Có lẽ, đã tới lúc nhà viết tiểu thuyết phải hiểu ra rằng, cùng khổ phải chính là anh đó.

 

Tháng 3. 2012

*

Mời các bạn xem một số tranh vẽ chuột, mèo, hổ rất đẹp của họa sĩ Đỗ Phấn:

.

.

.

.

.

.

.

 

*

Bài liên quan:

– Bóng tối nào, và Chảy đi đâu?
– Bàn ra với Nguyễn Thanh Sơn: Có cần dùng đến Ba Bị, Mẹ Mìn?

 

Ý kiến - Thảo luận

10:45 Sunday,4.3.2012 Đăng bởi:  hoan nguyenchi
BÀN RA:
“Ông Nguyễn Thanh Sơn ngây thơ tin vào sách báo tuyên huấn ngày xưa quá!
Ai bảo thời chống Mĩ không có buôn ma túy hả ông?”
(Em-có-ý-kiến đã nói)
Chỉ một chi tiết này đã thấy cái kiến văn “hiện thực” của “nhà phê bình văn học” Nguyễn Thanh Sơn rõ ràng có vấn đề về định hướng. Một vài dân phố cựu thời nghe đến hàng trắng từ khi mới thôi đ
...xem tiếp
10:45 Sunday,4.3.2012 Đăng bởi:  hoan nguyenchi
BÀN RA:
“Ông Nguyễn Thanh Sơn ngây thơ tin vào sách báo tuyên huấn ngày xưa quá!
Ai bảo thời chống Mĩ không có buôn ma túy hả ông?”
(Em-có-ý-kiến đã nói)
Chỉ một chi tiết này đã thấy cái kiến văn “hiện thực” của “nhà phê bình văn học” Nguyễn Thanh Sơn rõ ràng có vấn đề về định hướng. Một vài dân phố cựu thời nghe đến hàng trắng từ khi mới thôi để chỏm!
Nhưng cái “cliché” nhất của cái phê bình này là việc tuyên bố một người sáng tác văn học thiếu hiểu biết về “hiện thực”: ai lại nghĩ người ta đã quên thời phê bình quyền uy còn ngự trị với quy tắc phê bình hàng đầu và dễ nhất là kết tội nhà văn thiếu hiểu biết hiện thực!
Thiếu hiểu biết như thế nào thì sẽ chỉ ra bằng cách “ngả mũ chào” lia lịa Nam Cao đã viết rồi Kim Lân đã nói rồi v.v… Đấy là cái trò Lấy-xưa-đè-nay; mà cảm thấy chưa đủ thì dùng họ Đới họ Cao để Lấy-xa-dọa-gần; rồi đem một câu Chủ-nghĩa-hiện-thực-phê-phán ra mà Mượn-tay-ném-đá. Tóm lại là một chuỗi duy danh định nghĩa nhưng không bao giờ chứng tỏ là mình biết phân tích, bởi trong những trò này mà lại đi vào phân tích thì lộ hàng ngay; hoặc cùng lắm chỉ được phân tích kiểu Ngày-xưa-khác-bây-giờ-thì-nó-khác, muốn biết thì phải “lắng nghe thật sâu”, chắc hẳn giống như một cái ti-vi thời nay mở mồm ra là “Luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu!”
Tôi đã đọc các tiểu thuyết và truyện ngắn của Đỗ Phấn, nên tôi hơi lạ khi thấy một nhà phê bình từng hô hào đánh đổ Đại-tự-sự trong văn học như Nguyễn Thanh Sơn bây giờ lại chê ở đây “chẳng có biến cố nào khiến người đọc phải quan tâm”. Rồi phải đoán có lẽ anh ấy thích thấy cái gì lớn lao và “thật sâu” kìa : từ “những đại lộ ngoại vi… Paris” đến các thế giới “siêu thực, tượng trưng” sáng tạo cả “các quy luật vật lý”…; nghe tiếng gió cứ phần phật.
Tại sao một người muốn kể chuyện thời mình sống, nói ra điều mình nghĩ với thành phố của mình với bạn bè và những người mình đã gặp đã biết, muốn bên cạnh việc thấy những chuyện ấy bằng màu sắc còn thấy được chúng bằng cốt truyện, thì lại phải ướm chân vào vết chân của một “người thư ký của thời đại” nào đấy, cái “người thư ký” một dạo từng là cái Ông Ba Bị Chín Quai, rồi một dạo bị bảo là Mẹ Mìn, rồi bây giờ lại là Ông Ba Bị Chín Quai?!
Theo tôi hiểu thì một trong những thứ dễ làm được hỏng nhất là bảo cái này “ẩn dụ” cái nọ cái kia, ông già mù ắt phải có con chó khôn, bóng tối thì “chảy qua” các cuộc đời, các thân phận”, … tóm lại đọc văn chương giống như làm bốn phép tính với các đại lượng có hai chữ số, coi “bóng tối” chẳng liên quan gì đến cái sinh ra bóng tối – tức là cái “hiện thực” một người mù hay mặt trời lặn mọc.
Nếu chỉ thấy “hiện thực” như một lô những thứ “dọn sẵn” thì hà tất phải bảo nó là “dập khuôn”; bởi vì những thứ như thế mà không “dập khuôn” thì mới lạ./.
Nguyễn Chí Hoan

 
10:03 Saturday,3.3.2012 Đăng bởi:  Nguyên Mỹ
Tranh Đỗ Phấn đẹp quá. Sẽ mua sách để đọc xem Nguyễn Thanh Sơn nói có đúng không :-)
...xem tiếp
10:03 Saturday,3.3.2012 Đăng bởi:  Nguyên Mỹ
Tranh Đỗ Phấn đẹp quá. Sẽ mua sách để đọc xem Nguyễn Thanh Sơn nói có đúng không :-) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nhuộm xanh-trắng-đỏ cùng nước Pháp

Phạm Tuấn Anh - Phần ảnh do Phạm Phong biên dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả