Chiếu phim

“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” và sự dũng cảm đầu tiên với phim tài liệu của Hồng Ánh 19. 11. 14 - 11:11 pm

Kay và Lê Hồng Lâm.

Trước khi đọc bài viết về bộ phim này của Lê Hồng Lâm, in bên dưới, xin được đăng lại lời rao trên FB của bạn Kay Nguyễn:

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” – một bộ phim tài liệu day dứt mất 5 năm ròng để thực hiện Kay coi rồi, hay quá muốn các bạn có dịp được xem. Các bạn mua vé ủng hộ nhé. liên hệ Kay. Có 40k/vé hà.

Để tiện việc sắp xếp vé, vui lòng xem lịch chiếu và nơi chiếu rồi inbox hoặc email cho Kay: phuongkhanh.nguyenle@gmail.com để mình gửi vé nha:

1. IDECAF 28 Lê Thánh Tôn
Thứ Bảy 13. 12. 2014 Suất 8 giờ sáng

2. Hội trường Lầu 2 – Liên hiệp các hội văn học- nghệ thuật TP. HCM
81 Trần Quốc Thảo, F7 Quận 3
Chủ nhật 14. 12: 13h30, 15h30, 17h30, 19h30
Thứ Sáu 19. 12: 17h30, 19h30
Thứ Bảy 20. 12: 13h30, 15h30, 17h30, 19h30
Chủ Nhật 21. 12: 13h30, 15h30, 17h30, 19h30

Kay chỉ bán vé để “tiếp sức” cho hãng Blue của diễn viên Hồng Ánh phát hành phim này. Theo lời nhà báo Lê Hồng Lâm, Blue đã rất dũng cảm nhận phát hành cho phim của Nguyễn Thị Thắm. Chưa có tiền lệ với phim tài liệu ở Việt Nam, và đây lại là phim của một đạo diễn độc lập.

Phim rất hay, làm theo kiểu của Varan. Soi đã xem. Các bạn ở TPHCM nên tranh thủ đi xem nhé. Xem ở Hội trường của Hội Liên hiệp cũng rất thích đấy, nhân tiện xem luôn công trình này – tòa nhà mới hoàn thành của kiến trúc sư Khương Văn Mười – phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Rồi, bây giờ đọc bài của Lê Hồng Lâm nhé:

*

Có những câu chuyện cần được kể

Tối hôm trước mới đi xem bộ phim tài liệu dài “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, bộ phim được yêu cầu chiếu lại trong khuôn khổ LHP Tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 6. Vài hôm trước cũng tình cờ xem một bộ phim tài liệu về đề tài đồng tính dài 81 phút của Mỹ có tên “Bridegroom“. Cả hai bộ phim này đều có sức lay động mạnh và có rất nhiều điều đáng nói, ở tính xã hội mạnh mẽ của chúng.

.

1. Với “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng“, nữ đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã mất 5 năm cho dự án này. Tất nhiên thời gian quay phim chỉ chiếm một phần, thời gian còn lại là vật vã dựng phim (từ 70 giờ quay rút lại còn 86 phút), là bế tắc và áp lực vì kinh phí khiến bộ phim phải nằm đắp chiếu đợi, là stress thậm chí trầm cảm khi 2 nhân vật chính qua đời vì HIV khi bộ phim chưa hoàn thành trong khi họ khao khát được xem hình ảnh của mình trên phim… Có lẽ tâm trạng bế tắc thậm chí tuyệt vọng muốn bỏ cuộc của những người làm nghệ thuật, đặc biệt là những người hoạt động “underground”, những người làm phim độc lập thì mình không lạ. Thậm chí khi vượt qua được những khó khăn và bế tắc, tác phẩm của họ cũng gặp rất nhiều khó khăn để đến với công chúng chứ chưa nói thu hồi lại vốn hay giành được một vài vinh quang nào đó. Mình luôn nói điện ảnh là một cuộc chơi nghiệt ngã là thế.

Nhưng tất nhiên, trong số đó vẫn có những người vượt lên, vẫn có những người thành công giữa hàng chục người thất bại. Xem phim của Thắm mới thấy, chỉ có sự dấn thân, nhiều tháng trời lăn lộn ăn ở và sống cùng những thành viên trong đoàn lô tô của chị Phụng, lê la từ tỉnh thành này qua tỉnh thành khác không khác gì một thành viên trong đoàn, Thắm mới ghi lại được những chi tiết đắt giá đến thế, những lời thoại vừa chân chất vừa gan ruột đến thế. Gần như không có một vỏ bọc nào cần phải che giấu, không có một sự đề phòng nào, họ chia sẻ những câu chuyện của cuộc đời họ, chấp nhận sự miệt thị của người đời (tự gọi mình là bê đê bóng gió), chấp nhận thân phận của mình như một ‘kiếp nạn”, một nghiệp chướng (karma) phải trả nợ cho kiếp trước.

35 con người, đa phần là người đồng tính, dưới sự dẫn dắt của chị Phụng, một người đồng tính nam lớn tuổi, lang bạt qua những tỉnh thành nghèo của miền Trung Việt Nam chạy suốt về tận đất Mũi Cà Mau. Ban ngày, họ sống vật vờ tạm bợ trong những căn nhà tạm, tối đến đắp lên người đủ thứ áo sống xanh đỏ, kim sa hột lựu lấp lánh, đắp lên mặt những thứ mỹ phẩm rẻ tiền rồi làm trò mua vui cho những người dân nghèo ở một vùng ven nào đó, một làng chài nghèo xơ xác nào đó. Làng này hết khách, họ lại chất vật dụng lên xe tải, đi qua một làng ở một tỉnh thành khác ngay trong đêm tối. Số tiền họ thu được mỗi đêm chả được là bao, lại phải đối mặt với thanh niên địa phương đến xin đểu, không cho thì chúng nó kéo đến đánh đập, đốt phá tài sản, rồi thì chung chi, trả tiền ăn nhậu cho bảo kê, cảnh sát địa phương… Số tiền nợ của chị Phụng để duy trì đoàn lô tô lên đến 200 triệu đồng, mỗi tháng trả góp 2 triệu, chị nói đùa “đến khi người ta chết (tức chủ nợ) chết, chắc mình vẫn chưa trả hết tiền”.
 

Đoàn lô tô bắt đầu diễn – một cảnh trong phim

Dù vậy, xem phim của Thắm, không thấy bi lụy, không thấy thương vay khóc mướn, cũng không “tận dụng” đề tài này như một lợi thế. Thậm chí, những câu thoại bật lên trong những tình thế cám cảnh, bi đát khiến người xem bật cười. Có thể họ sống quá lâu trong sự khốn khổ, trong niềm tuyệt vọng nên đành phải xem nó như một trò cười của số phận, hay họ chưa biết sướng nên không biết mình khổ? Nhưng trong những câu chuyện của họ, cái chết luôn hiện hữu ở đâu đó, rất gần, và họ coi nó như một sự giải thoát nghiệp chướng trong hành trình làm người của họ. Khi Thắm kết thúc phần quay bộ phim và chờ tài trợ để hoàn thành dựng phim, chị Phụng và chị Hằng đã chết vì HIV sau một cơn bệnh quật ngã (xem suốt bộ phim không thấy họ có biểu hiện gì của căn bệnh này) mà chưa được xem mình trên phim, dù đó là khát khao của họ khi để Thắm bước vào gánh hát như một thành viên trong đoàn để kể câu chuyện của mình.

Phim của Thắm vừa được giới thiệu qua một tour LHP quốc tế, trong đó được lựa chọn dự thi “Phim đầu tay” tại LHP Quốc tế dành cho Phim tài liệu Cinéma du Réel rất nổi tiếng tại Pháp cùng nhiều LHP hay tuần phim ở Indonesia, Myanmar, Việt Nam… và tiếp tục được mời tới New York trong một LHP Tài liệu trong tháng 10 tới.

2. Bridegroom là một bộ phim rất khác với Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Phim của Thắm tiếp cận lối làm phim tài liệu theo phong cách Varan của Pháp, máy quay theo sát mọi hoạt động của nhân vật để kể những câu chuyện chân thực nhất, đạo diễn hầu như không can thiệp gì vào câu chuyện, trừ đoạn dẫn đầu phim và cuối phim.
 

.

Bridegroom của nữ đạo diễn, nhà làm phim truyền hình khá nổi tiếng Linda Bloodworth-Thomason thì lại điển hình cho phong cách phim tài liệu Mỹ. Cô thực hiện liên tiếp các cuộc phỏng vấn với hàng chục nhân vật khác nhau xoay quanh câu chuyện của một cặp đồng tính nam. Toàn bộ bộ phim là những cuộc phỏng vấn nối tiếp nhau, xen kẽ vài đoạn archive footage (tư liệu gốc) của hai nhân vật chính.

Bộ phim này được lấy cảm hứng từ một video clip dài 10 phút của Shane Bitney Crone, một người đồng tính công khai đã chia sẻ câu chuyện bi kịch của mình lên youtube. Câu chuyện xúc động và đẫm nước mắt của họ, nhưng hơn hết là những bất công mà Shane phải gánh chịu đã thu hút hàng triệu lượt xem, chia sẻ và hàng ngàn phản hồi gửi về (tính đến nay đã thu hút gần 5 triệu lượt xem trên youtube). Đạo diễn Linda Bloodworth-Thomason đã lấy cảm hứng từ clip này và biến nó thành một bộ phim tài liệu bằng cách thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn, phần lớn là người thân của Shane từ Montana và bạn bè của Shane và Tom ở California. Bộ phim dài 81 phút này (đoạt một số giải thưởng quốc tế) khiến hàng ngàn người Mỹ và có lẽ rất nhiều khán giả trên thế giới phải ngạc nhiên, bởi ngay trên nước Mỹ, người đồng tính vẫn phải chịu sự phân biệt đối xử và thậm chí kỳ thị khá gay gắt.

Shane và Tom lớn lên ở 2 thành phố nhỏ của nước Mỹ (Shane từ Montana và Tom từ Indiana), họ gặp nhau ở California và yêu nhau. Mối quan hệ của họ kéo dài 6 năm, họ có một công ty chung, mua một căn nhà chung, nuôi một chú chó chung, đi du lịch vòng quanh thế giới cùng nhau và chờ đợi Luật hôn nhân đồng giới được chấp nhận (vào năm 2011) ở tiểu bang California để chính thức kết hôn. Nhưng bi kịch xảy ra khi Tom ngã từ mái nhà khi đang chụp hình cho một người bạn và tử vong. Không chỉ đau khổ và tuyệt vọng khi mất đi người bạn đời của mình, Shane phải đối mặt với những bất công khác: anh không được vào thăm và nhận xác của Tom vì hai người bọn họ không có mối quan hệ nào trên giấy tờ. Bố mẹ của Tom, (vốn không chấp nhận Tom là gay và bố của anh từng kê súng vào đầu và tấn công đứa con của mình khi anh tiết lộ mình là gay) đưa xác anh về Indiana, lấy tất cả tài sản chung của Shane và Tom và không cho Shane tham dự lễ tang ở Indiana. Họ còn xóa tài khoản facebook của Tom, nơi mà anh luôn thể hiện mình là một người đồng tính công khai. Ngay cả khi chết đi, bố mẹ của Tom vẫn cưỡng đoạt quyền được sống đúng với giới tính của mình.

Tom Bridegroom và Shane Bitney Crone. Ảnh từ sfweekly.com

Những câu chuyện đó có lẽ chỉ có Shane và vài người thân, bạn bè của anh biết cho đến khi Shane thực hiện một clip dài 10 phút có tên “It Could Happen to You” để tribute nhân kỷ niệm một năm ngày mất của Tom (7.5.2012) và dậy sóng trên mạng xã hội. 3,2 triệu lượt xem và hơn 50.000 emails, comments trên youtube, facebook và email của Shane khiến truyền thông Mỹ phải vào cuộc. Nữ đạo diễn Linda Bloodworth-Thomason đã dày công thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn với hàng chục nhân vật để làm rõ hơn những chi tiết về câu chuyện tình tuyệt đẹp và bi thảm này, đồng thời cũng cho thấy những bất công của người đồng tính, khi họ phải sống trong một tình thế thiếu công bằng và mất các quyền lợi của một con người chính đáng. Bộ phim này tiếp tục đưa câu chuyện lan tỏa hơn. Cựu tổng thống Bill Clinton giới thiệu trân trọng về bộ phim tài liệu, nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey giới thiệu bộ phim trên chương trình truyền hình của bà và viết “My job is opening people’s heart. Bridegroom another way to open”. Rất nhiều nghệ sĩ, ngôi sao điện ảnh, ca nhạc cũng giới thiệu và chia sẻ bộ phim trên các phương tiện truyền thông cá nhân của họ.

3. Điều đặc biệt, cả hai bộ phim không xem đề tài đồng tính như một “lợi thế”. Bởi họ không đơn giản là kể một câu chuyện về người đồng tính. “Đó không phải là một câu chuyện về đồng tính. Đó cũng không phải là một câu chuyện về dị tính. Đó là câu chuyện về con người” – lời giới thiệu về bộ phim Bridegroom. Cả hai bộ phim đều khiến mình lặng người ở nhiều đoạn, xúc động ở nhiều đoạn và ngưỡng mộ sự quyết liệt và dấn thân của những người thực hiện nó. Những bộ phim như thế này thực sự cần được kể, được chiếu cho nhiều người xem, để nâng cao vấn đề về nhận thức, và quyền công bằng của người đồng tính nói riêng và quyền của con người nói chung.

*

Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ, 2. 7. 2014

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Chất liệu và lòng tự trọng

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả