Nghệ sĩ thế giới

“Ta lần” này “vốt” cho ai? 21. 10. 10 - 1:20 pm

Phạm Huy Thông

(THÔNG: Bài viết dưới đây thể hiện suy nghĩ chủ quan cá nhân và cảm xúc nhất thời của Phạm Huy Thông)

“Nhất thời cho vui – tranh của Nguyễn Xuân Hoàng – Ảnh: Phạm Huy Thông

Những con đường tắc nghẹt của Hà Nội đã khiến tôi không thể đến dự khai mạc của Triển lãm Chung kết cuộc thi Talent 2010 vào chiều ngày 18 tháng 11. Nhưng cũng không quá đáng tiếc vì với mong muốn tĩnh tâm suy nghĩ về triển lãm, tôi đằng nào cũng phải tìm đến không gian triển lãm vào ngày hôm sau, khi những đám náo nhiệt của lễ khai mạc đã rút đi.

Trước khi tìm đến 42 Yết Kiêu, tôi đọc lướt qua những comment ủng hộ các nghệ sĩ trong trang web chính thức của cuộc thi www.cuocthitainang2010.com và thấy rất nhiều dòng dễ thương : “E ko hiểu lắm về cái này… lắm nhưng chúc có được những thành công tốt đẹp trong sự nghiệp…{^.^}….” hay “Mấy bức này anh thấy em vẽ ở nhà, không ngờ lọt vào vòng chung kết. Vì vậy cũng phải lên đây bỏ cho em một phiếu. nhớ dẫn anh đi uống trà sữa nhé. P_P” hay “Me rất yêu thích tranh của con. Chuc con thành công và gặp nhiều may mắn.” của cha mẹ chú bác anh chị em, họ hàng nội ngoại hai bên, bà con thân hữu đã lưu lại những lời ủng hộ các nghệ sĩ. Vui quá, vậy ra các nghệ sĩ cũng chịu khó làm công tác vận động đấy chứ. Dù nỗ lực PR của họ có hơi… “hồn nhiên” nhưng mặt khác cũng cho thấy sự hào hứng của họ trong cuộc chạy đua giành chiến thắng. Trong tôi chợt xuất hiện câu hỏi, tôi sẽ ủng hộ ai đây, toàn bạn bè tôi cả, tôi sẽ viết nhận xét như thế nào, để phản ánh đủ những suy nghĩ khen, chê của tôi với tác phẩm của các bạn. Khen làm sao để không bị giống đi làm PR cho cuộc thi và chê làm sao để không vô tình dội nước vào nhiệt tâm của các thí sinh cũng như không để các bạn quay sang… đấm tôi.

Ảnh: Phạm Huy Thông

Tám họa sĩ với nhiều tác phẩm có kích thước lớn đã khiến cho không gian tầng 1 của nhà bảo tàng trường Mỹ Thuật trở nên rất chật chội. Nhưng cái vui là không khí sáng hôm nay không vắng vẻ như các cuộc triển lãm khác, (có thể vì độ hấp dẫn của cuộc thi hoặc vì các họa sĩ đến nộp tranh “toàn quốc” ở tầng 2 đã tranh thủ ghé vào xem). Cũng xin lưu ý với các bạn là dù có 8 họa sĩ có tranh treo nhưng chỉ có 7 họa sĩ được bầu chọn vì ứng viên Nguyễn Thế Hùng không còn trong danh sách nữa (thông tin lý giải chính thức xin tìm trên trang web của cuộc thi).

Lương Văn Trung – Lối Về – 160cm x 200cm, sơn dầu (nguồn www.cuocthitainang2010.com)

Ngay cửa vào là các tác phẩm của Lương Văn Trung. Một loạt tranh nói về giao thông ở Hà Nội. Vâng, đúng là Hà Nội vì tôi thấy thấp thoáng bóng dáng của cầu Long Biên, Chương Dương, của xe buýt sơn đỏ vàng và hơn hết là cảm giác của những đoạn đường tắc vô tận. Bút pháp chắc tay, tuy có hơi cổ điển kiểu “các cụ”, Trung có cách nói khéo léo về giao thông mệt mỏi ở thủ đô. Xúc cảm không truyền qua dáng ngồi của đám thanh niên lái xe ôm ngoại tỉnh (biển 18 Nam Định) hay qua những khuôn mặt đa dạng của người chen xe buýt (những cái đó chỉ biểu hình) mà chính qua những phần lộn xộn, chồng chéo của phông nền phía sau. Khi bạn sống đủ lâu ở Hà Nội, liệu bạn có nhớ nổi hình ảnh cụ thể nào của giao thông náo nhiệt, của tắc đường mệt mỏi ngoài cái cảm giác bất ổn, lộn xộn, chật chội lúc nào cũng trực ứ lên trong tâm khảm?

Lương Văn Trung – Điểm Nóng – 160cm x 200cm – sơn dầu (nguồn www.cuocthitainang2010.com)

Lại nói về những khuôn mặt đa dạng của những người chen xe buýt trong bức Điểm Nóng, tôi đoán đây là bức tranh Trung tâm huyết nhất, vẽ có lẽ để dành riêng cho cuộc thi. Nhưng đây không phải là bức thành công nhất của Trung. Cho dù họa sĩ đã thể hiện các chi tiết trong tranh hết sức sinh động. Nhưng có lẽ chau chuốt dụng công mất thời gian quá nên cảm xúc bị “gắng gượng”, bị chai. Không thể nói điều này nếu chỉ nhìn trên mạng. Tôi cảm được điều này chỉ khi được nhìn trực tiếp bức tranh, nét bút của Trung nói lên điều đó. (Xin lỗi tác giả nếu tôi ăn nói hơi cảm tính). Tôi thích tâm lý vẽ của Trung ở những bức Lối Về 1Lối Về 3 hơn.

Lối về 3 – Lương Văn Trung (nguồn: từ trang web của giải Talent)

*

Có một số ý kiến cho rằng tranh của Lương Văn Trung và Đào Anh Việt na ná nhau. Tôi hơi không đồng ý với cách nhìn duy hình này (cách nhìn mà tôi vẫn trêu là “đuổi hình bắt chữ”). Hai tác giả này có sự quan tâm khác nhau dù rằng có sử dụng lối thể hiện tương đồng. Khi Trung mô tả môi trường sống đô thị thì Việt lại quan tâm đến Hà Nội ở góc độ lịch sử chính trị.

Ảnh: Phạm Huy Thông

Như lời giới thiệu trên trang web chính thức, Việt coi Hà Nội như một thực thể (con người) để đối thoại. Tôi quan tâm đến cách Việt chia bức tranh thành nhiều tấm nhỏ ghép lại. Hình ảnh được cố tình vẽ lộn xộn, lắp ghép không khít nhau. Nhiều người có thể sẽ nói đó là cách khôn lỏi, tách ra cho dễ vận chuyển, dễ bán nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi thấy việc làm đó có chủ đích nghệ thuật. Các tấm tranh như các tấm thẻ bài hay đúng hơn là các mẩu hiểu biết, các mẩu trí nhớ được ghép lại để tạo nên một hình dung về thực thể mình đang đối thoại. Giống như lâu ngày gặp lại một người quen quen, cứ vừa nói chuyện vừa cố lục các mẩu ký ức để nhớ xem người đó chính xác là ai. Việc vẽ về Hà Nội như thế hoàn toàn phù hợp với một họa sĩ sinh năm 1982, chưa đủ già để tỏ ra sành sỏi về quá khứ. Các hiểu biết của Việt về lịch sử Hà Nội (mà cầu Long Biên cũ kỹ làm đại diện) tuy được biểu hiện bằng hình ảnh lắp ghép nhưng là cách biểu hiện chân thành.

Nếu bắt buộc phải so sánh tranh của Trung và Việt, tôi sẽ nói tôi có phần ưu ái hơn dành cho Việt bởi Việt có cách giải quyết vấn đề chủ động và mạch lạc hơn. (Nhưng vẽ từng đấy bức về đề tài này là đủ rồi đấy Việt nhé!).

Đào Anh Việt – Cơn Đau – sơn dầu (nguồn: trang web của Talent Prize)

*

Nguyễn Hồng Phương là một ca… khó viết. Bởi vì cá nhân tôi rất quý anh trong khi đó tôi lại chưa thể thích nghi với loạt tranh mới mà anh trình làng lần này. Có thể nhớ lại triển lãm “Khói và Nước” mà anh cùng bày với Lê Mạnh ở Bảo tàng Mỹ thuật một năm trước đây. Cách vẽ của anh rất hoạt tay, những vệt sơn dầu dầy ự, nhuần nhuyễn chuyển động trên tấm toan. Tranh anh dù vẽ chân dung, phong cảnh hay gì chăng nữa đều chỉ là cái cớ cho trừu tượng.

Tranh Nguyễn Hồng Phương (không có trong cuộc thi – lấy từ Facebook)

 

Tranh Nguyễn Hồng Phương (không có trong cuộc thi – lấy từ Facebook)

Các tác phẩm dự thi lần này của Phương, bản thân chúng thực ra cũng rất thú vị. Mỗi bức tranh có những nội dung cụ thể, là những dòng chữ viết lên tấm bảng đen hay những tính toán lộn xộn trong một cái đầu đen. Chi tiết thì cụ thể nhưng toàn bộ bức tranh cũng bỗng dưng trở thành trừu tượng. Tuy nhiên không thấy có sự liên hệ nào với các tác phẩm trước đây của anh Phương. Trao đổi với tôi, anh nói rằng loạt tranh dự thi lần này là một thử nghiệm trong rất nhiều thử nghiệm khác nhau mà anh làm. Một họa sĩ không thể dậm chân tại chỗ, phải có sự biến đổi, tìm tòi để lớn lên (điều này tôi đồng ý với anh). Với phong cách cũ, dù rất nhuần nhuyễn nhưng anh vẫn cảm thấy có gì đó thiếu hụt, có gì đó chưa đủ để thể hiện hết các ý tưởng trong đầu anh (điều này tôi cũng đồng ý với anh, he he). Bởi vậy anh vẫn luôn tiến hành các thử nghiệm mới để rồi sẽ quay về phát triển phong cách điển hình của anh. Ví như cá nhân Picasso hay các nhân nhiều họa sĩ nổi tiếng hiện nay vẫn có rất nhiều thử nghiệm phong cách thay thế nhau hoặc song song tiến hành cùng nhau.

Bản thân tôi luôn ủng hộ việc họa sĩ phải luôn thay đổi mình, nhưng liệu có phải là quá sớm khi trình làng một thử nghiệm mới khi nó có vẻ vẫn đang trong quá trình… thử nghiệm. Bên cạnh đó, khi nhìn sự thay đổi của Nguyễn Hồng Phương, tôi lại mang máng nhớ về bài viết “Thuốc lá có hại cho sức khỏe” của bà Natasha trong đó có ý nhận xét các họa sĩ nhà ta thường ngày vẽ một kiểu, đến lúc gửi tranh dự thi Philip Moris (hãng thuốc lá) lại đẻ ra kiểu khác, hợp gu ban giám khảo hơn, dễ kiếm giải hơn. (Lần này thì anh Phương đấm tôi thật rồi… dù thế nào đi chăng nữa, tôi sẽ vẫn rất quý anh).

Nguyễn Hồng Phương – Bản cửu chương (nguồn: từ trang web cuộc thi)

*

Tôi có một sự ưu ái riêng dành cho Lê Hoàng Bích Phượng, không phải là vì Phượng là nữ ứng viên duy nhất của vòng chung kết, mà vì tôi thấy (hoặc muốn thấy) Phượng đang ngấm ngầm làm một cuộc cách mạng trong tranh lụa. Như các bạn đã biết, cuộc cách mạng trong tranh lụa đầu tiên ở Việt Nam được tiến hành từ thời cụ Nguyễn Phan Chánh… Tranh lụa Việt Nam tuyên bố độc lập và từ đó đã có nhiều thành tựu cùng với nhiều tên tuổi đã được ghi vào lịch sử mỹ thuật nước nhà. Thế nhưng do nhiều lý do khác nhau mà dòng tranh lụa cứ yếu dần đi, đề tài và cảm xúc cho tranh lụa cứ cạn dần. Cuộc nổi dậy cuối cùng trong tranh lụa (mà tôi biết) là tác phẩm Chiều trên đảo hòn Tre của họa sĩ Lương Xuân Đoàn với tông màu lạ, vẫn dùng kỹ thuật nhuộm (tôi dùng từ thế có đúng chuẩn YK không nhỉ) nhưng bút pháp, bố cục và cảm xúc hiện đại hơn nhiều. Thật tiếc là không chờ gặp được mùa xuân, anh Đoàn do bận bịu công tác quản lý nên bỏ dở cả cuộc khởi nghĩa của mình.

Nguyễn Phan Chánh – Chải Tóc – lụa – (nguồn: sukien360.vn)

 

Lương Xuân Đoàn – Chiều trên đảo Hòn Tre – lụa – (nguồn thethaovanhoa.vn)

Thế hệ họa sĩ trẻ không nhiều người mặn mà với lụa, chất liệu khó vẽ, khó cảm xúc, khó bảo quản và khó bán. Đã vẫn có những bạn trẻ vẽ lụa nhưng không hiểu sao đề tài các bạn vẽ, mầu sắc các bạn dùng lại còn già hơn cả các bác già. Đa phần lại vẫn tông mầu trầm lắng, xoay quanh bố cục dân tộc, phong cảnh miền núi, chưa nhìn đã thấy chán.

Hôm nay, Lê Hoàng Bích Phượng dù chưa tạo đột phá kỹ thuật như cụ Chánh, chưa tìm được bảng màu mới hơn anh Đoàn, nhưng lại đưa được nhịp thở trẻ vào tranh lụa (tôi tránh dùng từ “đương đại” ở đây vì gần đây người ta lạm dụng từ này quá thể). Vẫn là đề tài người phụ nữ nhưng Phượng tự vẽ mình (tôi nghĩ vậy) nên có những trăn trở mang tính nội tâm, những câu chuyện hình như là tự sự. Phượng đặt vào đây cả cách thể hiện siêu thực với tóc bay hư vô, những bàn tay chặt cụt, buộc dây chảy máu…

Lê Hoàng Bích Phượng, Nàng 1, 45x 75cm, Màu nước trên lụa

Vậy là thay vì lựa chọn không gian truyền thống như cụ Chánh hay cách thể hiện hiện thực như anh Đoàn, Lê Hoàng Bích Phượng lợi dụng độ sâu, tính âm u, mờ ảo của tranh lụa Việt Nam để thực nghiệm phong cách siêu thực, tự sự, tạo nên một bầu không khí Liêu Trai nhưng… đương đại. Tất nhiên, để hãm phanh đà khen của mình, tôi cũng phải thẳng thắn nhận xét rằng cuộc cách mạng mà Phượng đang tiến hành (nếu có) mới chỉ ở giai đoạn phôi thai mà thôi.

Có một số ý kiến cho rằng tranh của Lê Hoàng Bích Phượng “giống tranh lụa Nhật Bản”. Quả thật việc này nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi. Tôi xin để ngỏ vấn đề này cho công chúng bàn luận. Chỉ mong dù có thế nào, Phượng vẫn vững niềm tin để tìm tòi, phát triển. Phượng còn trẻ, đường phía trước còn dài, không nên để ngã ngựa. (Tôi không tìm thấy ví dụ nào tương đồng giữa Phượng và tranh lụa Nhật Bản, nhưng tôi xin đính dưới đây tác phẩm tranh vẽ gỗ của Audrey Kawasaki, Nhật Bản – lấy từ nguồn Face Book của Nguyên Hưng) tương đối tương đồng giữa tranh lụa của Phượng.

Audrey Kawasaki (nguồn FB của Nguyên Hưng)

 

Audrey Kawasaki (nguồn FB của Nguyên Hưng)

*

Người cuối cùng tôi đề cập tới trong bài viết này là ứng viên tôi gửi yêu thích nhất – Phạm Tuấn Tú. Cùng độ tuổi với tôi, Tú cũng đặt những quan tâm của mình đến thực tại xã hội. Tác phẩm của Tú khi tham gia các triển lãm của CLB Trẻ đã nhiều lần gây tranh cãi trong hội đồng duyệt. Sự vật, con người và không khí trong tranh của Tú luôn toát ra sự ma quái nhưng rất hấp dẫn. Khi chọn đề tài thực tại xã hội hay chính trị, nhiều họa sĩ trẻ ở ta trước tiên chấp nhận sự ảnh hưởng phong cách của hội họa chính trị xã hội đương đại Trung Quốc để từ đó dần dần Việt hóa. Tuy nhiên, ở Tú, tôi ít tìm thấy sự ảnh hưởng phong cách Tàu (nếu có ảnh hưởng thì là từ phía Lê Quảng Hà, một họa sĩ người Việt). Tạo hình trong tranh của Tú giống với tranh truyện nhiều hơn, nhưng đôi khi khuyến mại cả hoa văn cố tình “rởm rít”, cố tình đùa với gu của công chúng. (Hoa văn ở đây mang nhiều tính chất của lối vẽ ngẫu hứng doodle, vẽ rất sướng). Tú vẽ như đi chơi, lối vẽ không mất công mất sức, không cẩu thả, không tốn sơn nhưng mang lại hiệu quả cao về thị giác. Túm lại, trong số các họa sĩ trẻ hiện nay, Tú tuy chưa đạt được nhiều thành tựu, danh tiếng nhưng lại có phong cách đặc biệt riêng vì thế có rất nhiều hứa hẹn.

Phạm Trung Tú – Tác phẩm trong triển lãm “Đô thị hóa Ngoại Thành”, 2010

Bộ tranh mà Tú gửi đến cuộc thi này nói về thế giới bí mật và bi thương của những người đồng tính, chuyển giới. Ấn tượng mạnh mẽ cùng với những phân tích có sẵn trong trang web chính thức của cuộc thi đã khiến tôi không thể nói gì hơn. Tuy nhiên có một chi tiết mà trang web kia không viết đến. Đó là cả bốn bức trong bộ tranh này đều được đặt trong những cái khung có gắn gương. Thực ra cái khung gương không tôn tranh lên, ngược lại nó lại làm nhiễu thị giác người xem, nhưng những cái gương lại hơn bao giờ hết gợi nhớ đến thế giới tâm lý đầy huyễn hoặc của những người đồng tính, chuyển giới. Họ, những người đồng tính, không hài lòng với giới tính mặc định của mình nên thường nhìn ngắm mình trong gương để tìm kiếm thế giới đối lập. (Tôi lại nhớ tới mốt của các cậu bạn gay của tôi, thường để ava của mình trên mạng là hình ảnh họ hôn họ trong gương, rốt cuộc trông như hai người nam giới hôn nhau). Nếu đứng ở một khoảng cách hợp lý, người xem sẽ thấy hình ảnh của họ được phản chiếu trong các cạnh của khung gương, nhưng do gương không phẳng nên chân dung của người xem cũng méo mó, quái dị không kém gì các chân dung trong tranh.

Hình ảnh của người xem méo mó trong gương – Ảnh: Phạm Huy Thông

Rốt cuộc, “Ta lần” này nên “vốt” cho ai? Bẩy họa sĩ để “vốt”, nhưng mỗi người xem lại chỉ có một lá phiếu để gửi gắm. Tôi mong mình có hẳn 9 lá phiếu, tôi sẽ “vốt” cho mỗi ứng viên một tấm, bởi theo như tên gọi của cuộc thi thì họ là những tài năng của nghệ thuật Việt Nam, tôi sẽ “vốt” cho Phạm Trung Tú thêm một phiếu vì tính độc đáo vượt trội cũng như tiềm năng đầy hứa hẹn, tôi sẽ “vốt” tấm phiếu cuối cùng cho ông Peter Hansen (cựu đại sứ Đan Mạch) vì ông không chỉ là người hỗ trợ lớn (big) cho nghệ thuật Việt Nam mà ông còn là một người bạn vĩ đại (great) của đất nước nhỏ bé này.

*

Để viết phần kết cho bài này, tôi xin nhắc lại ở đây một câu khẩu hiệu cực sến “Đến với cuộc thi này! Tất cả chúng ta đều là người chiến thắng!”. Cái câu này bắt đầu bị sếp hạng Sến khi được các bạn thi “Chiếc nón kỳ diệu” gào đi gào lại. Bởi vậy có vẻ nó không thích hợp để hô trong một cuộc thi toàn các ứng viên nghệ sĩ tính cao ngút trời. Vâng, thắng là thắng, thua là thua, kẻ về tay trắng làm sao vui được bằng kẻ có 3700 đô. Nhưng tôi nhìn thấy ở trong khẩu hiệu trên một câu chuyện tựa như Tái ông khi xưa thất mã. Không được giải chưa chắc đã xui, vì mình sẽ có động lực để làm tốt hơn hoặc vì mình sẽ tự do tự tại, không ai soi mói, không ai đấm. Được giải chưa chắc đã may bởi chính cái giải đấy sẽ là cái bẫy lớn trói chân mình. Như trong một bài trước đây tôi từng viết, có họa sĩ vì mắc bẫy của các giải thưởng nên chưa kịp “lớn” đã vội “già”.

Sau đây là một thông tin tường thuật bảng tổng sắp phiếu bầu tính đến 16h00 ngày 19 tháng 10. Thông tin đến từ nhiều người bầu khác nhau nên độ chính xác chỉ là tương đối:

1.         Phạm Tuấn Tú 2228 phiếu
2.         Lê Trần Anh Tuấn 1649 phiếu
3.         Lương Văn Trung 564 phiếu
4.         Đào Anh Việt 469 phiếu
5.         Lê Hoàng Bích Phượng 174 phiếu
6.         Nguyễn Xuân Hoàng 157 phiếu
7.         Nguyễn Hồng Phương 101 phiếu
8.         Nguyễn Thế Hùng 53 phiếu

 

*

Bài liên quan:

Những câu hỏi quanh giải Tài năng Hội họa 2010
– Thư ngỏ gửi quỹ CDEF
– Vẽ thế nào thì được giải?
– “Ta lần” này “vốt” cho ai?
– Vạn vô tâm? (phần 1)

 

Ý kiến - Thảo luận

10:00 Sunday,31.10.2010 Đăng bởi:  A.N
Tác phẩm "đô thị hóa ngoại thành" là của Phạm Tuấn Tú phải không? Hay là Phạm Trung Tú?
...xem tiếp
10:00 Sunday,31.10.2010 Đăng bởi:  A.N
Tác phẩm "đô thị hóa ngoại thành" là của Phạm Tuấn Tú phải không? Hay là Phạm Trung Tú? 
1:08 Monday,25.10.2010 Đăng bởi:  trantrung
Soi a. tại sao bài viết tôi trả lời bạn đờ-tuột-cu-nhông về vấn đề vừa ăn cắp vừa la làng vẫn chứa thấy bạn up lên
...xem tiếp
1:08 Monday,25.10.2010 Đăng bởi:  trantrung
Soi a. tại sao bài viết tôi trả lời bạn đờ-tuột-cu-nhông về vấn đề vừa ăn cắp vừa la làng vẫn chứa thấy bạn up lên 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả