Nhiếp ảnh

Toshio Shibata: chụp xi măng, sắt thép và những thứ “thừa thãi” 12. 02. 15 - 6:26 am

Mark Feeney. Hoàng Lan st và dịch

Nhiếp ảnh gia Nhật Toshio Shibata cho ta thấy sự cân bằng giữa môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo qua ảnh của ông. Ông chụp các công trình kỹ thuật – gọi chúng là “công trình kiến trúc” thì lớn lao quá – đặt ở những nơi có phong cảnh đẹp. Qua ống kính của Toshio, đập thủy điện nom như hình xếp giấy origami, và thác nước thì tựa như áo kimono.

“Thành phố Tsuwano, tỉnh Shimano”, Toshio Shibatam 2009

“Tôi chụp những thứ không độc đáo và không có gì đẹp”, Shibata nói. “Tôi chọn cách tiếp cận nào tiện nhất để tôi có thể đưa các đường dây điện, cây leo,  và những thứ thừa thãi khác vào khung hình”. Chữ “thừa thãi” có hơi tiêu cực quá. Những thứ Shibata ghi lại nom có vẻ thừa thãi, nhưng thực tế thì mục đích của chúng lại vô cùng hữu dụng. Chúng ta thường đánh đồng những công trình có thiết kế thiết thực với sự tẻ nhạt. Shibata hiểu khác. Các cấu trúc ông chụp tuy thực dụng, nhưng chúng hiếm khi xấu xí. 

“Thành phố Matsumoto, tỉnh Nagano”, Toshio Shibata

Hai chữ “bất hòa” không có ý nghĩa gì trong vốn từ thị giác của Toshio. Chiếc máy ảnh dùng phim cỡ lớn của ông rất dễ tính, cho phép ông chỉnh thời gian phơi sáng lâu và ghi lại từng chi tiết nhỏ nhất. Những bức hình Toshio chụp truyền tải cảm giác thư thái và kín đáo. Chúng phơi bày một sự lộng lẫy đầy kìm nén, vừa yên bình lại vừa vĩ đại. Chúng ta có thể thấy rõ tính cân bằng này qua ảnh của Shibata: giữa tầm vóc lẫn khối lượng đồ sộ của công trình là cách tiếp cận đầy thanh nhã của người nghệ sĩ. 

Tên của ảnh thường là tên địa danh, đây cũng là cách Shibata cho ta biết về nơi ông chụp hình, vì ta sẽ không thấy đường chân trời trong các bức ảnh này và sẽ không thể đoán được cảnh ông chụp nằm ở đâu. 

Toshio không mấy quan tâm đến việc liệu người xem có hiểu những gì họ thấy hay không. Dĩ nhiên, đôi lúc khung cảnh nhìn cũng dễ hình dung, song không phải lúc nào cũng thế. Ông thực chất chẳng cố tình ngụy trang cho những công trình này. Ý của ông là chức năng của những thứ ông chụp không quan trọng bằng vẻ bề ngoài của chúng. Toshio muốn người xem trải nghiệm hình ảnh, chứ không phải ý nghĩa mà chúng thể hiện. Ở những nơi mà một nhiếp ảnh gia bình thường sẽ tập trung vào chức năng của công trình, thì Shibata lại nhấn mạnh vào đặc điểm hình thức. Bức chụp chiếc cầu ở Làng Okawa, quận Tosa, quận Kochi chẳng khác gì một tác phẩm điêu khắc – có lẽ vì màu đỏ như gỉ sét của nó khiến ta nhớ đến một tác phẩm của Richard Serra.

“Làng Okawa, quận Tosa”, Toshio Shibata

Màu sắc của tác phẩm rất quan trọng. Gần nửa số ảnh là đen trắng. Những tác phẩm ấy vẫn đẹp. Nhưng với màu sắc, ảnh của Shibara bỗng có thêm hiệu ứng đặc biệt: chúng như đang thở. Bức Thành phố Hanno, tỉnh Saitamatrông giống bức tranh vẽ hồ bơi của David Hockney – với tất cả vẻ đẹp của tranh, dù nó không có cảnh toé nước.

“Thành phố Hanno, tỉnh Saitama”, Toshi Shiabata

 

“Thị trấn Honkawane, Tỉnh Shizuoka”, Toshio Shibata, 1997

 

“Thị trấn Okutama, quận Nishitama”, Toshio Shibata

 

“Thành phố Kikuchi, tỉnh Kumatoto”, Toshio Shibata, 1999

 

“Thành phố Chichibu, tỉnh Saitama”, Toshio Shibata

 

“Thị trấn Tajima, quận Minamiaizu, tỉnh Fukushima”, Toshio Shibata

 

“Núi Tomuraushi, quận Kamikawa, tỉnh Hokaido”, Toshio Shibata

 

“Thành phố Takahagi, tỉnh Ibaraki”, Toshio Shibata, 2007

Về nhiếp ảnh gia:

Toshio Shibata (sinh năm 1949) nổi tiếng nhờ những bức ảnh khổ to, chụp các công trình dân dụng quy mô lớn trong khung cảnh vắng bóng người.

Nhiếp ảnh gia Toshio

Toshio tốt nghiệp Cử nhân trường Đại học Nghệ thuật Tokyo vào năm 1972 và lấy bằng Thạc sĩ vào năm 1974. Thời gian này ông chủ yếu học vẽ tranh. Đến khi nhận học bổng nghiên cứu sinh của Bộ Giáo dục Bỉ từ năm 1975 đến năm 1977 thì ông mới bỏ tranh và chuyển sang nhiếp ảnh. Ông có triển lãm đơn đầu tiên vào năm 1979 và bắt đầu tham gia nhiều triển lãm khác ở Paris, London, Tokyo và New York. Toshio còn là giảng viên môn nhiếp ảnh ở đại học Tokyo từ năm 1987 cho đến nay. 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả