Tin tức

Tin-ảnh: Ý tóm đầu buôn lậu, Anh bày tranh chép và sửa Gallery 27. 01. 15 - 10:42 am

Hoàng Lan tổng hợp và dịch

 ROME – Hôm thứ Tư vừa qua, chính phủ Ý cho biết cảnh sát vừa thu giữ hơn 5000 cổ vật sau khi triệt phá một đường dây buôn lậu Thụy Sĩ-Ý. Số cổ vật lên đến 5,361 món – có trị giá hơn 45 triệu Euro – bao gồm lọ, đá quý, tranh tường và tượng đồng, toàn bộ đều có niên đại từ thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên đến thế kỷ thứ 3 Công Nguyên. Trong ảnh: Cổ vật thời La Mã trưng bày tại Bảo tàng La Mã Quốc Gia ở Rome vào hôm 21. 1. 2015. Đây là một phần trong tổng số cổ vật mà Cảnh sát Quân sự Ý (tên gọi: Carabinieri) tìm thấy. Ảnh: Filippo Monteforte.

 

Cảnh sát cho biết bọn buôn lậu tự làm giả giấy chứng nhận của chính phủ rồi bán cổ vật chôm chỉa đi khắp thế giới. Cảnh sát phát hiện ra số cổ vật này khi đang điều tra nhà buôn nghệ thuật Ý Gianfranco Becchina – chủ sở hữu một gallery tại Thụy Sĩ. Cuộc điều tra làm hé lộ sự tồn tại của một mạng lưới buôn lậu tinh vi xuyên quốc gia, từ đó cảnh sát mở cuộc lục soát trên diện rộng tại các nhà kho của Gianfranco Becchina ở thành phố Basel – nơi hàng trăm cổ vật được thu hồi. Chính quyền Ý hứa sẽ đem tất cả các cổ vật họ đang thu giữ ra trưng bày trước công chúng. Ảnh: các sĩ quan Cảnh sát Quân sự Ý (Carabinieri) đứng gác các cổ vật thời La Mã, tại Bảo tàng La Mã Quốc Gia ở Rome vào ngày 21. 1. 2015. Ảnh: Filippo Monteforte.

 

LONDON – Trong khi Ý sốt sắng với chuyện buôn đồ cổ (thật) thì bên Anh lại bỏ đồ thật để trưng hàng nhái. Triển lãm “Made in China” (Xuất xứ Trung Quốc) do Gallery Ảnh Dulwich tổ chức sẽ khai thác đề tài “đồ thật và đồ nhái”. Dulwich sẽ tạm thời gỡ một bức tranh “tiền bối” Old master của họ khỏi khung, thế nó bằng bức tranh chép do một xưởng chuyên xuất khẩu tranh sơn dầu nhái của Trung Quốc thực hiên.
Từ ngày 10. 2 (đến 26. 4), Dulwich sẽ thử tài “giám định” của khách tham quan, họ phải chỉ ra bức nào là hàng nhái Trung Quốc trong số 270 bức tranh tiền bối hiện đang bày ở gallery. Dulwich nói họ sẽ đặt một số Ipad xung quanh khu vực treo tranh tiền bối để khách dùng chúng gửi câu trả lời. Gallery sẽ công bố kết quả vào ngày 28. 4. 2015. Ảnh: Hai nhân viên Dulwich đang đem bức tranh nhái Trung Quốc (bức gì thì vẫn còn là bí mật) đến thay thế bức tranh thật. Ảnh: Dulwich Gallery.

 

LONDON – Cũng tại xứ sương mù, Gallery Guildhall tái mở cửa sau khi tạm đóng để thực hiện một đợt treo tranh mới. Đây là lần đầu tiên trong vòng 15 năm Guildhall sắp xếp lại cách treo tranh lẫn bày thêm tác phẩm. Rất nhiều trong số đó là những tác phẩm nằm kho, chưa có dịp giáp mặt công chúng lần nào. Tính riêng khu trưng bày tranh vẽ từ thời Victoria, 70% số tranh ở đây là những bức chưa ai nhìn thấy bao giờ.
Bằng cách sử dụng không gian thiết thực hơn, Guildhall đã biến tổng số lượng tác phẩm trưng bày lên gấp đôi. Họ còn bỏ ra 600 ngàn Bảng Anh để thay hệ thống chiếu sáng hiện đại, lẫn chỉnh sửa không gian gallery một chút để chúng thêm linh động. Ảnh: Khách tham quan đang xem bức “Defeat of the Floating Batteries at Gibraltar” (Thất bại của đội tàu pháo ở Gibraltar), 1782, John Singleton Copley, hôm 20. 1 sau đợt tái mở cửa. Ảnh: Sam Roberts.

 

Với không gian, ánh sáng cải tiến, Guildhall quyết định tập trung vào các tác phẩm có đề tài thường nhật như nhà cửa, công việc, con người lúc nhàn rỗi… Đợt tái treo tranh thách thức những định kiến về nghệ thuật thời Victoria – thứ thiên hạ hay vu là lỗi mốt – qua đó Guildhall muốn chủ động thu hút thêm người xem hiện đại. Các tác phẩm thời Victoria cũng cho ta thấy cách tiếp cận chủ đề đã thay đổi ra sao vào thế kỷ 19, khi họa sĩ bắt đầu hứng thú với việc mô tả cuộc sống xung quanh họ.
Julia Dudkiewicz – tổng giám tuyển của Gallery Guildhall – phát biểu: “Gallery Guildhall là một viên đá quý giữa lòng thành phố. Nó là một trong số những gallery công cộng đầu tiên tại London, thành lập trước bảo tàng Tate đến 15 năm. Và ngày nay nó đang lưu giữ một trong những bộ sưu tập tranh thời Victoria lớn lẫn tuyệt vời nhất trên thế giới.” Trong ảnh: một người đàn ông đang đi qua khu bày tranh thời Victoria của gallery Guildhall vào hôm tái mở cửa. Ảnh: Sam Roberts.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả