Bàn luận

Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (2) 18. 04. 10 - 9:31 am

SOI

 
 

 

 

 

Họa sĩ và chiếc máy ảnh

Có một nhời khen mà bọn họa sĩ tôi sợ là khi người ta ca-tụng mình đã vẽ tài “hệt như bức ảnh”. Họ sợ vì cho đó là một nhời thóa mạ, vì họ không muốn bị tưởng nhầm là cái máy ảnh không hồn, vì – nói lẩn thẩn – họ là người. Người ấy thường thường có thêm một giác quan mỹ-thuật để cảm vẻ Đẹp, một tấm lòng rộng mở để đón những tình rung động và một óc sáng để soi thấu tâm hồn sự vật. Mà chân giá-trị của họ cũng chỉ ở chỗ đó, và ở chỗ biết đem những cảm giác ấy diễn ra và truyền lại cho người coi tác phẩm của mình.

Vậy, tưởng họ là cái máy, tức coi họ không phải người, thứ nhất người mỹ thuật. Sự chia rẽ ngăn công chúng xa nghệ sĩ, duyên cớ do nhầm lẫn ấy. Một đằng thì yên trí rằng công việc họa sĩ là chép đúng cái vỏ ngoài của sự vật để đi đến một bức ảnh hoàn toàn, trong khi đằng này thiết tha tin sứ mệnh của mình là tả linh-thần sự vật theo như mình yêu, biết, cảm; nói tóm lại không vì cái vỏ ngoài của sự vật, mà vì mình, để tả tâm trạng mình hơn là sự vật, nhiều khi chỉ là những “Cớ”.

Bởi công chúng xem tranh lại đòi ảnh, còn nghệ sĩ bầy tranh lại chỉ muốn bầy tâm trạng mình, nên cái điệu “trống đánh suôi, kèn thổi ngược” ở đây người ta vẫn được nghe luôn.

Bao giờ công chúng cũng bất mãn. Ở tranh không làm gì có sự chơn chu, tỉ mỉ đầy đủ như bức ảnh. Mặt người thì ít khi tỉa đủ lông mày, cây cối thì chẳng bao giờ đủ cành đủ lá…

Riêng tôi lấy làm khó hiểu cái sự thích thực hiện quá quắt ấy của công chúng. Họ thích thế mà lại thích được cả tranh Tàu, thứ mỹ thuật phẩm mà họ vẫn trang hoàng trong nhà. Còn có tranh nào xa thực hiện bằng tranh Tàu! Không khuôn hình thật, không mầu sắc thật.

 

.

Vậy mà họ nhìn cho là tự nhiên lắm, không khi vẫn khe khắt bới lông tìm vết trên họa phẩm hiện đại của ta. Nếu công chúng nhìn những tác phẩm này cũng như nhìn tranh Tàu, thì cái bề xa họ với nghệ sĩ sẽ thu lại nhiều. Họ sẽ hiểu nhau hơn.

 

Không cứ gì công chúng, cũng có xuất hiện những ông họa sĩ ưa tranh giống ảnh. Những ông này được người ta xếp vào tiếng văn vẻ “Tả chân”. Nhưng tả chân, theo họ hiểu là thế nào? Đã có những họa sĩ chăm chú nắn nót từng chiếc khuy áo, đếm từng nét dăn trán, hay tỉa những sợi lông con vật như cái ông cách đây ít lâu đã trưng bầy bức tranh “Con Báo”. Như thế để làm gì? Một tài liệu khoa học thì còn có nghĩa. Nhưng để chép lại những vật mà người ta nhìn thật còn thú hơn nhiều!

Một bức hội-họa chân chính là một tác phẩm mang dấu vết tâm trạng của người đã sáng tạo ra nó, là cảnh vật thêm tâm hồn nghệ sĩ. Không là hình dung thản nhiên, lạnh nhạt của tạo vật, để thay tấm ảnh hay ghi chép hiện trạng khoa học. Phần hồn của tác phẩm không phơi trên tranh như hình một trái cây hay bóng dáng một cái nhà. Muốn hội được tất phải là người dễ cảm lại gặp lúc tâm thần thư thái lợi cho mỹ cảm. Những người đó hiếm, những lúc ấy hiếm, nên sự thưởng thức hoàn toàn một họa phẩm vẫn là việc hiếm.

Phải mượn phong cảnh và nhân vật để tả tâm trạng mình, họa sĩ buồn vì người ta chỉ ngừng lại phong cảnh và nhân vật mà không đi thấu đến tâm trạng của mình. Ở chỗ đó nghệ thuật hội-họa không “trong” bằng âm nhạc. Âm nhạc không mượn một hình gì hay chuyện gì mà rung cảm thẳng đến tâm hồn người nghe.

(Nguồn: tạp chí Thanh Nghị số 13, 5/1942)

 

*

Bài liên quan:

– Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (1)
– Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (2)

– Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (3)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả