Gẫm & Bình

Bài 3: Thế nào là “có tài”, và chúng ta đã làm gì cho một người có tài? 27. 01. 15 - 7:13 am

Vũ Lâm

Tiếp theo bài 1 bài 2 với phần 1, 2, 3, và 4 phân tích về tranh của Phạm Tuấn Tú

Lý Trực Sơn 32, 1024 x 746cm


5. Thẩm mỹ, những việc có thể làm tiếp, và chúng ta đã làm gì cho một người có tài?

Sự sáng tạo và trưởng thành trong sáng tạo có thể tạm mô hình như sự sinh ra và lớn của một cái cây.

a. Bắt đầu từ sự hoài nghi và nhàm chán cái mặt đất phẳng để gieo một hạt giống (muốn) thay đổi mọc lên trong tâm hồn con người ta. Sự hoài nghi và nhàm chán này là tự thân – có tính chất bản năng sinh lý đối với con người và đặc biệt mạnh mẽ ở một số người

b. Cái mầm cây đó mọc lên, hình thù của cái chồi, rồi lá non nhú… rất gợi cảm, đáng yêu. Nó mang trong mình một vẻ thẩm mỹ tự thân duyên dáng. Nhưng nó phải hút nước ở dưới chân và hứng ánh sáng thẩm mỹ lý tưởng từ mặt trời vĩ đại thì mới dần cao lớn

c. Rồi tùy là giống gì, nó mới trổ lá, mọc cành với góc phương vị riêng của loài đó, rồi trổ hoa, ra trái… Những thứ kết quả này là phong cách, sự riêng biệt không giống với các loài cây khác và lúc đó ta có thể vẫy mưa gọi gió, múa roi đi quyền với đời trên cái “phong cách” ấy.

Ở những người nghệ sĩ cực lớn ở tầm nhân loại, cái chu trình “ba vòng” này tái lặp nhiều lần. Ở ta, nhìn những danh họa có tên tuổi thời trước, thấy có vị bắt đầu lặp lại được đến lần thứ hai thì cũng là sắp già, ốm, chết. Thế đã là quá giỏi, bởi những điều kiện thiếu thốn đủ kiểu vây bủa, bòn rút sức khỏe và tâm hồn thì… rất sẵn!

Sau thập kỷ vàng 1990- 2000 của việc xuất khẩu tranh pháo, ở nhiều nghệ sĩ trẻ, hình thành sớm một cái tâm lý ngắt ngọn khá phổ biến. Thấy các đàn anh “có phong cách” bán được tranh, thì chớp xừ lấy “phong cách” trước, hoặc giống các đàn anh trong nước, hoặc giống các đàn anh, đàn thầy trên mạng hoặc trong sách, hoặc tạo “phong cách” ngược lại. Chế biến khá công phu, rồi bày ra. Điều này giống như anh mời người ta một bữa tiệc, nhưng toàn đồ hộp anh mua siêu thị về. Tài ở chỗ là anh quay rán, xào nướng, bày biện công phu. Khách ăn một hồi rượu vào là khen lấy khen để (vì được mời đến nhà người ta đánh chén chẳng nhẽ lại chê thì kém lịch duyệt). Nhưng ra về, cứ thấy thiếu thiếu một cái gì đó khó nói. Nghĩ mãi mới nhớ ra khi đi vệ sinh, ngang qua bếp, thấy cái món cơm nguội rang gia chủ không dám bưng ra ấy mới thực sự là món tủ của gia chủ… tự làm từ đầu chí cuối!

Nói “ngắt ngọn phong cách” là bởi nghệ sĩ trẻ quên mất rằng phong cách là cái cuối cùng sinh ra, và tự nhiên nó bộc lộ thế, bởi nó có cái lõi thẩm mỹ tự thân (của anh) và cái thẩm mỹ lý tưởng mà cuộc sống cho anh. Thế nên bảo sao bây giờ họa sĩ trẻ vẽ giỏi quá, nhưng nhìn nó cứ thế nào, giống nhau quá ở tinh thần nhàn nhạt, và còn thực sự thiếu, quá thiếu tình yêu con người. Cần nhắc lại một định nghĩa về tài năng của một nhà bình luận nghệ thuật lớn của thế giới đại ý rằng: “Tài năng là mở một cánh cửa của riêng anh, cho nhân loại qua đó thấy một thế giới khác họ vẫn tưởng” chứ không phải tài năng là công phu bày biện, quay rán xào nướng, tung lắc cái bình pha cocktail…

Nếu dùng định nghĩa về tài năng trong ngoặc kép như trên, thì họa sĩ Phạm Tuấn Tú quả là đang có tài thật. Nhưng tôi e rằng họa sĩ mà nhầm cái “tài giả” quay rán xào nướng, sắp đặt công phu, bày trò nhát ma của anh thành ra tài thật thì… bỏ mẹ! Trường hợp của Tú chứng minh với các đồng nghiệp trẻ khác rằng việc có phong cách tự thân là một điều rất dễ làm, nếu như tự thân tâm tư mình đã khác biệt. Tài năng là chuyện trời cho, cộng với lao động cần mẫn. Còn một nghệ sĩ có thể lớn thêm được hay không còn xem tâm thế họ có cuốc bộ song trùng (có khi thi thoảng còn vượt lên) được với tâm thế và lương tri thời đại của họ không nữa.

Phạm Tuấn Tú, “Nội soi sự thật”

Nói về chuyện chữ tài, tôi lại nghĩ đến nụ cười của một nhà lý luận nghệ thuật, hiện đang sống ở trong Nam. Ông ra Hà Nội để dự một triển lãm, thấy người trong giới túa đến xem, bàn luận rôm rả. Ông cười tủm tỉm nhận xét sự khác biệt trong “cách xem” của triển lãm ở miền Bắc và miền Nam: “Cái cánh miền Bắc đến xem, nói nhiều lắm, nhưng không mua. Còn triển lãm ở miền Nam, nó đến xem chẳng nói gì, nhưng về là nó mua đấy!”

Ông Lý Trực Sơn động viên nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền rằng: “Ông mà có tiền thì ông mua hết tượng của mày”. Tôi thì cũng muốn nói với họa sĩ Lý Trực Sơn là: “Em mà có tiền thì em sẽ vét hết tranh của ông”. Muốn thì là vậy, nhưng tôi biết là ông Sơn không có nhiều tiền và tôi cũng thế nốt. Hỏi bao nhiêu họa sĩ bán được nhiều tranh mà bỏ tiền ra mua của các họa sĩ khác? Tôi không rõ nhưng chắc chắn là không nhiều.

Khổng Đỗ Tuyền (1974), Số 1, cao 30cm, nhôm đúc

Gần đây tôi được biết là họa sĩ trẻ Hà Mạnh Thắng thi thoảng có dành một số tiền để mua tranh tượng “của anh em”, nhất là các họa sĩ trẻ còn nghèo hơn mình. Điều này gọi là “nghĩa cử” thì cũng không hẳn đúng, nhưng việc làm của Thắng hơn đứt thái độ nhiều đàn anh hơn tuổi ở thế hệ trước, là một việc đáng lẽ họ nên làm và phải làm một cách có quy mô. Một sự động viên không lời, thực tế, mà còn lại giữ được tranh hay của họa sĩ trẻ, khi họ còn chưa thành đạt, còn nhiều khao khát, nỗ lực cũng như còn… cáu đời; là một sự “tán lộc” và để cho người khác hay rằng anh hiểu ngoài sự lao động phấn đấu và tài năng cá nhân, sự thành công của anh không phải từ trên trời rơi xuống, không phải chỉ do khách mua tranh đem lại. Đó còn là may mắn, là thành quả anh được hưởng từ những thế hệ “vàng” trước, tài năng và đạo đức còn oách hơn anh nhiều, nhưng đói túng vô cùng, vẽ lên bao diêm vỏ thuốc, đút tranh dưới gầm giường xó bếp, vẽ đi vẽ lại trên một cái toan, hoặc miệt mài vẽ hàng trăm hàng nghìn phác thảo bằng than, phấn trên nền nhà rồi xóa đi, làm lại… Đó cũng là để cho thấy anh ý thức được anh là một mắt xích, nối thế hệ trước cộng hưởng với thế hệ sau, khi dân có tiền trong nước chưa đủ đẳng cấp để mua tranh các họa sĩ trong nước với tinh thần tự tôn dân tộc đáng nể. Về thái độ này, thì có lẽ giới họa sĩ thành danh cũng như giới nhà giàu của ta kém hẳn một bậc so với người Malaysia, Indonesia, Thái Lan…

Hà Mạnh Thắng, “Happy family”

Chứ còn khen, và khen mồm (như tôi) thì rất dễ. Một số người xem, quý người có tài, thì năng mời đi uống rượu. Một số cô gái trẻ, thấy người có tài, thì cũng quý hơn bình thường một chút. Uống rượu bia nhiều, chỉ tổ hại gan, hại bàng quang, hại thận. Được các em quý mến, chỉ tổ sớm tan vỡ gia đình (nếu đã có), còn chưa có, thì lại mắc vào “lưới tình”, đau khổ nếu như lúc nào em thấy người tài hơn, bỏ anh, hoặc đơn giản chỉ là em đòi lấy, lại còn hoảng tợn hơn nữa. Thế nên người trẻ có chút tài rất hay bị mắc vào những chuyện nhảm nhí, rất mất thời gian hoặc lầm lẫn về mình không đáng có.

Gần đây, khi cùng một vài người bạn nhóm lên việc tổ chức triển lãm của họa sĩ “văn nhân Thành Nam” Trần Trung Kỳ, được xem lại đống tranh cũ mấy chục năm của ông (có lẽ vì ông không quá nổi tiếng nên… vẫn còn), tôi vô cùng xót xa khi nhận ra một điều so sánh này: Đó là ở tác phẩm của một thế hệ đã mất, tâm hồn nghệ sĩ trải ra giản dị, hình thức chuyên môn chú trọng vừa phải, khổ tranh cũng chẳng to lắm, nhưng toát lên đậm đặc một tình yêu thương đất nước, trân trọng con người, cuộc sống, hy vọng tương lai. Những điều ấy làm “tim tôi nhói đau”. Còn đau hơn bởi khi so sánh với bây giờ thì điều đó thiếu, quá thiếu, quá ít, nhiều khi nó còn biến thành trò vờ vịt trên tranh pháo thời nay. Điều gì đã xảy ra để đến nông nỗi thế? Có thể kêu gọi những điều tốt đẹp, giản dị ấy trở lại được không? khi mà với người trẻ bây giờ, ví dụ, ví dụ nhé, chỉ ví dụ thôi, là nếu đất nước làm cho họ bực, con người làm cho họ ghét, cuộc sống làm cho họ mệt, tương lai thì bòm bọp, phập phà phập phù?

Trần Trung Kỳ, “Phố Nam Định”, sơn dầu, 2002

Cái tâm lý thẩm mỹ “phụng vụ và hy vọng” của nghệ thuật thời trước, dần biến thành tâm lý “phục vụ và tham vọng” cuối thập kỷ 90, đã biến cái lõi thẩm mỹ trở thành suy đồi kéo dài. Đó là di họa nhiều mặt của một thời nền nghệ thuật Đổi Mới mới nhú chồi đã bị tha hóa, kiểu như cái chồi tiên trong phim Epic vừa nở đã bị che mất ánh trăng. 15 năm sau, các họa sĩ thế hệ trẻ đã chớm nhìn ra, họ tinh vi hơn, quẫy cựa hơn, chống đối hơn, cao ngạo hơn, mâu thuẫn hơn, nhưng sáng tạo đa số, phải nói trắng ra là vẫn ở trong đoạn cuối của một dòng thẩm mỹ suy đồi, với hiện thực phê phán kiểu nha nhá Mao-pop, kisch học mót, bi kịch tầm phào, Bờ Hồ đội lốt, triết lý nửa mùa, yêu quê vờ vĩnh…

Chẳng biết bao giờ cái thẩm mỹ suy đồi đó mới dứt. Nhưng với mỗi cá nhân, sự tự thức là quan trọng chứ không cần ai bảo (vì lớn cả rồi). Việc cần làm bây giờ và có thể làm thêm là tự trau dồi một hạt nhân thẩm mỹ tích cực, hướng thượng, vì nghệ thuật là thẩm mỹ chứ không phải tô hồng, “ánh trăng lừa dối” cũng như phương tiện đả kích, trút giận, xả hơi giết thời gian. Rồi cải tạo ngôn ngữ tạo hình. Cần nhấn mạnh “nghệ thuật tạo hình” là “tạo hình mới” chứ không phải “tô hình”. Thế giới họ đã đập hình ra và tái cấu trúc lại cả trăm năm nay, mà mình vẫn chăm chú tô cái hình cho nó giống hoặc khác với sự giống, thì rất hài hước. Một điều cần tái khẳng định rằng một họa sĩ tạo hình chỉ được gọi là trưởng thành trong nghề nghiệp khi anh “có hình của anh”. Và nữa là một nếp sinh hoạt, học hỏi giao lưu và làm việc lành mạnh, có kỷ luật (điều này tưởng như buồn cười, nhưng rất quan trọng, bởi vì từ đó ta mới ngõ hầu có được phương pháp.)

Tôi tưởng tượng một đoạn thoại nhảm này để kết bài cho vui. Một ngày nào đó, một họa sĩ trẻ phải tới một ban giám khảo quốc tế để đại diện cho nghệ thuật Việt Nam đối thoại với thế giới. Chính họ, chứ không phải các curator đi thay, nói thay. Họ hỏi:

– Nghệ thuật của anh là gì, anh có đại diện và cảm thông cho thiên nhiên, đất nước, con người, di sản của các anh không?
– Ừm, tôi không rõ…
– Anh hay vẽ gì ạ?
– Tôi vẽ phê bình xã hội, tranh phong cảnh, trừu tượng và vẽ nude.
– Anh vẽ như thế nào ạ?
– Dạ, tôi vẽ…
– Ngoài vẽ ra anh có hành động gì để phản biện xã hội, làm cho đời sống xung quanh hay lên?
– Ừm, có một số nghệ sĩ trẻ đến trồng cây chuối quay phim cạnh tượng đài, khi công an đuổi thì thôi ạ…

Tóm lại,

Ở nơi đây nó đang bùng nhùng lắm. Nhưng đã ở nơi đây, chốn này, phải đối diện và ghi nhận, rồi thằng nào làm được việc của thằng ấy, tạo cho được một hình thức riêng và mới, một ngôn ngữ sáng tỏ câu chuyện thời mình đang sống, với một tâm hồn muôn thuở, thì mới là chân giá trị.

 

Ý kiến - Thảo luận

23:54 Saturday,31.1.2015 Đăng bởi:  Riêng&Chung
Cảm ơn anh Tùng đã chia sẻ ạ. Xin phép trao đổi thêm với anh:
Phải chăng anh Vũ Lâm nói đến hoài nghi và nhàm chán là nói đến "nhu cầu nhận thức" và "mỹ cảm về hình thức". Hai cái này là không thể thiếu (và chưa hẳn đã đủ) đối với nghệ sĩ sáng tác? Trong đó, "nhu cầu nhận thức" thôi thúc con người nghi ngờ các giá trị đã biết, còn "mỹ cảm về hình thức" là
...xem tiếp
23:54 Saturday,31.1.2015 Đăng bởi:  Riêng&Chung
Cảm ơn anh Tùng đã chia sẻ ạ. Xin phép trao đổi thêm với anh:
Phải chăng anh Vũ Lâm nói đến hoài nghi và nhàm chán là nói đến "nhu cầu nhận thức" và "mỹ cảm về hình thức". Hai cái này là không thể thiếu (và chưa hẳn đã đủ) đối với nghệ sĩ sáng tác? Trong đó, "nhu cầu nhận thức" thôi thúc con người nghi ngờ các giá trị đã biết, còn "mỹ cảm về hình thức" là thứ (sớm muộn gì cũng sẽ) bị thay đổi do cảm giác nhàm chán (đây là một tố chất tinh thần bẩm sinh của con người)? Thêm vào đó, đặc biệt là ở các nghệ sĩ sáng tác, thì họ còn rất quan tâm đến mối liên hệ giữa "nội dung tinh thần" với "mỹ cảm hình thức", và cái mối liên hệ (mang tính giải thích cho nhau) này cũng sẽ bị thách thức (bởi hoài nghi và nhàm chán) bên trong các nghệ sĩ, để buộc họ thay đổi một trong hai thứ đó, hoặc cả hai? Và như vậy anh Vũ Lâm nói đến "mầm" và "cây" không phải để nói đến khởi nguồn của nghệ thuật, mà chỉ là nói về quy luật và một số đặc trưng của hành trình sáng tạo của nghệ sĩ? Dĩ nhiên, như anh Tùng nói, không phải nghệ sĩ nào cũng tìm ra được cái đẹp "thực sự" (nếu coi cái đẹp là tồn tại khách quan).
Một câu hỏi khác, nếu anh Tùng có thời gian, có thể giải thích một chút về từ "linh thị" không ạ?
Cảm ơn anh một lần nữa. 
8:13 Saturday,31.1.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
bạn Riêng Chung
theo mình thì cái đẹp nếu ta coi là có tồn tại (có nhiều quan điểm cho rằng không tồn tại đẹp xấu, chẳng qua do tâm phân biệt mà thôi) thì là giá trị tự thân. Như vậy một là bạn có hình dung về nó, hoặc là không. Khi bạn có nó, ắt bạn phải thấy hạnh phúc và muốn chia sẻ. Những cái xấu khi đó đối với bạn vô nghĩa. Cũng như khi bạn đang thưở
...xem tiếp
8:13 Saturday,31.1.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
bạn Riêng Chung
theo mình thì cái đẹp nếu ta coi là có tồn tại (có nhiều quan điểm cho rằng không tồn tại đẹp xấu, chẳng qua do tâm phân biệt mà thôi) thì là giá trị tự thân. Như vậy một là bạn có hình dung về nó, hoặc là không. Khi bạn có nó, ắt bạn phải thấy hạnh phúc và muốn chia sẻ. Những cái xấu khi đó đối với bạn vô nghĩa. Cũng như khi bạn đang thưởng thức miếng ăn ngon, thì bạn không thể bực tức vì ở chỗ khác bán món ăn dở được. Hay khi bạn đang trầm trồ một viên ngọc quý, bạn không thể có cảm giác chán chường vì những rác rưởi khắp nơi. Khi bạn được nếm vị quả ngon, có thể bạn sẽ muốn chia sẻ, muốn giữ cái hạt đó để đem trồng thành cây cho mọi người cùng ăn. Như vậy, khởi đầu sẽ là hạnh phúc, là cái đẹp, là niềm tin tốt lành.

Ngược lại, nếu bạn đang không sở hữu cái đẹp, thì quanh bạn sẽ toàn thứ xấu xí, chán nản, làm cho bạn bực mình. Tất nhiên người biết bực mình vì những thứ xấu xa có thể sẽ lên đường đi tìm cái đẹp, như ông Thích ca không cam tâm với bể khổ thì đi tìm đường giải thoát. Tuy nhiên việc đi tìm và tìm thấy không phải hệ quả trực tiếp. Vô số người đi tìm mà không thấy. Vậy thì việc hoài nghi và chán nản có thể là một khởi đầu cho một tìm tòi nghệ thuật, và có thể dẫn đến thành công. Người đi tìm tòi như vậy chắc chắn hơn hẳn những người không biết hoài nghi, không thấy những rác rưởi trần tục xung quanh là nhàm chán. Tuy nhiên nếu nói sự nhàm chán đó là một hạt mầm sẽ mọc lên một cây tươi tốt thì là so sánh theo mình chưa chính xác.
Cần phải phân biệt một điều nữa. Nghệ thuật nhiều khi dùng thủ pháp phê phán cái xấu để làm hiển lộ cái đẹp. Đó là trường hợp các loại bi hài kịch, và nghệ thuật phê phán, châm biếm. Tuy nhiên điều đó chỉ khi bạn biết cái đẹp và muốn quét những rác rưởi để cái đẹp lộ ra, chứ không phải khi bạn bực mình với rác rưởi đơn thuần. nếu chỉ phê phán không thì không khác gì bới rác ra ngửi, chẳng có giá trị gì. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả