|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhBài 2: Mùi trong tranh Tú 22. 01. 15 - 8:05 amVũ LâmTiếp theo bài 1, với phần 1 phân tích về Thủ pháp và phần 2 phân tích về Chuyên môn
3. Mùi mẽ: Giống như bạn Pha Lê phân tích việc lóc cá ngừ, đến chỗ này, là lớp thịt Akami đây. Câu hỏi đặt ra: Vậy thì những lớp kinh dị, lớp nửa đực nửa cái trước, không khí ma mị đen đen xám xám, xanh xanh, đo đỏ ấy. Cuối cùng là để “hầu dâng” lên cho ý đồ gì? Để bàn về lớp Akami này, tôi mượn tạm hai tác giả lớn tuổi hơn, thành danh trong thời “Doimoi” và chậm hơn tí là hai họa sĩ Đinh Ý Nhi và Lê Quảng Hà để so sánh. Hai họa sĩ này cũng có điểm giống là tạo một bề mặt tranh không “ôn hòa” theo “thẩm mỹ thông thường”, người thì làm cho nó kinh tởm lên, người thì bôi nguệch ngoạc tối tăm cho nó “sầu riêng”. Vì số lượng tranh trong tám năm của tác giả khiến tôi không thể đủ kiên trì phân tích từng bức một, tôi chỉ có thể tóm bắt một ý đồ tinh thần chung, như tôi cảm giác được, là họa sĩ Lê Quảng Hà trước đây, từ bức Đại Tây Dương trở đi, là bày ra một loạt tranh sơn rất to, nhìn bằng mắt thịt thì thấy tối tăm, ghê tởm nhặng xị, đến mức còn bị loại và cấm triển lãm ở một số nơi. Còn họa sĩ Đinh Ý Nhi, thì không đến mức bị cấm thế, nhưng những tranh của chị thì nguệch ngoạc, nẫu ruột buồn cười vô cùng. Chị tự trào: “chẳng ai dám mua tranh tôi để tặng tân gia cả”.
Vậy họ trình bày cái sự ấy ra để làm gì? Phạm Tuấn Tú bầy ra cái “niềm kinh dị” ấy để làm gì? Phản thẩm mỹ? Tự phản biện? Nhạo cợt? Cao ngạo pha xót thương… cái gì? Vài gạch đầu dòng thế này: Lê Quảng Hà dùng cái vỏ kinh tởm, dữ dằn để “phản biện xã hội”. Đinh Ý Nhi thì dùng cái vỏ tự họa nguệch ngoạc để nói về sự cô đơn, hay khát vọng đậm nữ tính. Họa sĩ (Phạm Tuấn Tú) là đàn ông “gin” (như tôi đã loại bỏ cái sự “nhập nhằng giới tính” ở trên). Nên, là đàn ông, hầu như bao giờ cũng không thoát khỏi cái sự nặng tâm thế xã hội, “giữa đường trông thấy bất bằng… phải xem”, “thất phu hữu trách” cơ mà. Nên anh ta dù muốn hay không, đã là người có tri thức, có sở nghệ, sống giữa thủ đô, giao lưu văn hóa nghệ thuật hàng ngày, anh ta không thể không có thái độ “những điều trông thấy mà đau đớn… mề”. Chỉ có là ở đây, tác giả dùng một thủ pháp quái dị hóa bảy hư ba thực để nói về thực tại. Bạn Hiếu có dẫn Liêu trai, nhưng hình như chưa hiểu lý do của Liêu trai chí dị. Không phải cái gì ma mị cũng là Liêu trai. Ở đây nên hiểu là văn hào vĩ đại tầm cỡ nhân loại Bồ Tùng Linh dùng cái thủ pháp bảy hư ba thực để kể các câu chuyện ngắn bao trùm xã hội Trung Hoa thời đại đó, đầy tính nhân văn, thương cảm và hay dùng một loại mồi chính câu dẫn (chuyện lên giường makelove với các loại ma) . Ông Vương Ngư Dương phục tài đó, cảm sự đó, viết mấy câu thơ đề từ quá nổi tiếng, Tản Đà dịch hai câu cuối là: Chuyện đời chán hẳn không buồn nhắc/ Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời, tuy đã rất hay, nhưng nếu diễn ngôn dài dòng ra thì chắc nó là: Tiếng người (ở đây là tiếng Hán) tao đã chán chẳng buồn nghe, vì nghe hiểu ra thì đau tim lắm. Bây giờ tao đang mệt quá, chỉ khoái nghe tiếng mấy thằng quỷ nó i ỉ hát hò, đọc thơ thôi, cho đỡ nhọc. Thực ra nó cũng rên rỉ về chuyện đời của bọn ma đấy, nhưng chuyện đời ma thì khác chó gì đời bọn người chúng tao đâu. Nhưng may mà tao không hiểu tiếng chúng nó nên nó đỡ rức đầu… Như vậy là dùng liệu pháp tạo không khí ma mãnh, bảy hư ba thực, họa sĩ (Phạm Tuấn Tú) dường như muốn bắt mạch, túm thóp, sờ dòng thấy nhịp đập và trạng thái của xã hội xung quanh anh, và phê phán nó một cách tinh vi. Hàng ngày, ra đường, chẳng phải ta phải thấy và vướng vào không biết bao nhiêu sự kinh quái bất thường mà ta vẫn phải nhẫn nhịn, nuốt ực đi như nuốt một cục đờm để sống đấy ư? (một ví dụ nhỏ như là số tai nạn giao thông thôi chẳng hạn). Điều đó “há chẳng quái đản lắm sao”? Thẩm những thứ dị của đời sống để càng phát tiết vào những cái dị của hội họa. Nếu đúng thế, thì về khoản này, Tú đã hơn hẳn đàn anh Lê Quảng Hà “dừng lại ở mức hô khẩu hiệu và kích động hiền lành” một bậc. Nhưng Tú lại có sử dụng thủ pháp của Đinh Ý Nhi, “nguệch ngoạc” để tránh phải nói quá trắng trợn về khát vọng bản thân. Còn nữa, tự tay… vả vào mặt mình, tự tay dúi mình chết… Nếu thử dựng một công thức thô thiển về ý đồ, có thể tóm gọn lại là: Lê Quảng Hà + Đinh Ý Nhi + cảm hứng tín ngưỡng hầu đồng và công phu bài trí lằng nhằng = Phạm Tuấn Tú * Dịch ra tiếng Việt, thì đại khái cái mùi đó nó như thế này: “Tôi nói về cái sự tồn tại chán nản của tôi, với thế giới xung quanh tôi cũng đáng chán chẳng kém, mặc dù đời thì rất vân vi, và tôi thì cũng lằng nhằng dính vào hết cái nọ đến cái kia đến nực cười. Mệt quá nhưng cũng vui, bởi vì tôi chưa già và còn làm ăn được. Nhưng dù sao thì cũng chán bỏ mịa. Dù sao thì cũng vui, nhưng, dù sao thì… tôi vẫn phải hít ngửi cái không khí trì trệ, diêm dúa, ảm đạm, nửa đực nửa cái, đồng cốt quàng xiên ỡm ờ, toàn ma chứ chẳng thấy người xung quanh. Một bầu không khí nhập nhằng chưa sạch, ma đang tiến hóa ra người, rặt một bọn nhập đồng đóng giả, đóng giả dân tộc, đóng giả nhà quê, đóng giả trí thức, đóng giả hiện đại, đóng giả Tây, giả Tầu; đóng giả ở đám cưới, đóng giả ở trên Phây, đóng giả di sản, đóng giả tôn giáo, tín ngưỡng… Ở giữa là Tôi – một thằng quỷ đen ti hí mắt, một con khỉ mặc váy rất chi là tội nghiệp tồn tại giữa cái đám nhảm nhí, vô nghĩa, trơ trẽn, quái đản các anh ạ!”. Nhưng con khỉ Tôi này cũng không phải vừa, toàn liếc xéo ghé mắt kiểu Hồ Xuân Hương. Ở đây, ái chà chà, còn văng vẳng một tiếng kêu thét gần giống Chí Phèo, nhưng trừ hai chữ “lương thiện” đi, chỉ là: “Tao muốn làm người cái đã” thôi! Cái mùi này, nếu dùng một câu văn Tây, thì ngắn gọn sẽ là: Tinh thần hoài nghi triệt để cộng với ám ảnh về sự khao khát trẻ trung và bất lực vô vọng trước thực tại! Nhìn kỹ bức “Ở nơi đây”, thấy mấy con lợn mặc xi-lip xanh xanh đỏ đỏ mà não cả ruột! Hay còn nữa, trong cái tranh “13 con giáp”, họa sĩ tỏ thái độ trước sự đói khát tàn bạo của con người hiện tại, xực tất cả các loại động vật biểu tượng – trừ con Thìn là con không có thật nên chưa bị luộc. Còn thằng người nằm giữa (mà loài người chẳng thịt nhau hằng ngày đấy ư?) có nằm giống như một con thịt khác sắp bị luộc chín không? Và do đó, sau khi đưa tâm tư của tác giả lên một cái sa bàn tưởng tượng nhằm phân tách cho ra mùi mẽ, tôi càng thấy phục các ông Bảo tàng. Họ không cần ngắm nghía, nghĩ ngợi, xem xét lâu la như tôi. Họ chỉ cần khụt khịt đánh hơi phát, ngửi thấy mùi nguy hiểm, là a lê hấp, cậu muốn đi đâu bày đống tranh sặc mùi của cậu thì đi, ở đây tớ không dám đâu. Tớ còn phải giữ ghế để học bài, chờ hưu! Gạch xong mấy gạch đầu dòng dò mùi trên đây thì tôi cũng mệt muốn chết. Đó là hình dung loằng ngoằng của tôi nó thế. Chứ trao đổi với họa sĩ, chắc anh sẽ bảo: “Tôi vẽ là vẽ thế thôi, có ý gì đâu mà ông cứ bịa ra linh tinh, lăng nhăng. Nào, uống đi…”. Hết chuyện! 4. Con người Năm 2009 – 2010, trong một triển lãm mỹ thuật toàn quốc thì phải, tôi thấy nằm khuất ở tầng 3, là nơi ít người chịu khó mò lên xem nhất, một bức tranh khá lớn (khổ 1,3 x 1,7m) trông rất kỳ dị và nực cười có tên là “Ô Quan Chưởng một thời”. Để khỏi phải mô tả về bức tranh này, thì nó đây: Cứ lúc nào nghĩ đến bức tranh vừa ma mãnh, yêu hồ, vừa phường chèo dí dủm này, là tôi không khỏi nhếch mép. Phải nói rằng khi nghĩ về Hà Nội với cảm giác cá nhân, chứ không phải những thứ được tô vẽ trên báo, đài, thơ nhạc, về thành phố nghìn năm tuổi nơi mình đang sống với đủ sự cổ kính, tân thời, lộn xộn, xô bồ nhảm nhí, người lẫn với ma (1000 năm thì đã biết bao thế hệ sống rồi chết trên từng ấy mét nhà, đất?) thì tôi không khỏi nghĩ đến bức tranh ấy. Một điều nữa là, tôi còn liên tưởng bức tranh với đoạn truyện Sư Đà lĩnh kể về cái thành ma trong Tây Du Ký. Ở đó, dưới quyền của ba yêu tinh Tượng Vương (vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát trốn xuống trần), Sư Vương (vật cưỡi của Phổ Hiền Bồ Tát) và con đại bằng (đại bằng chứ không phải đại bàng, vỗ cánh một cái bay chín nghìn dặm) Kim Sí Điểu, bọn yêu quái đã ăn thịt sạch cả quốc vương lẫn dân trong thành, rồi yêu tinh yêu quái hóa làm người đóng giả đi lại trong cái thành ấy… Tất nhiên đây chỉ là liên tưởng lung tung, chẳng có căn cứ nào hết. Hỏi tên và nhờ bạn bè giải thích, mới biết bức Ô Quan Chưởng một thời là của tác giả trẻ Phạm Tuấn Tú. Rồi một hôm gặp họa sĩ trong một triển lãm, trò chuyện vui vẻ. Anh sinh năm 1981 tại Thái Bình. Năm 2004, anh tốt nghiệp hệ Cao đẳng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, và từ đó sống tự do, độc lập bằng sáng tác của mình, tranh bán rất khá. Tú có khuôn mặt xương xương dài, cằm thanh nhọn lưỡi cày, tóc xõa, đôi mắt hẹp và dài, thi thoảng nhoáng lên cái nhìn long lanh tinh quái. Tôi chỉ từng gặp kiểu mắt và cái nhìn ấy một lần, với họa sĩ Lê Quốc Việt (tức anh Việt tầu). Hình như những người có kiểu mắt và cái nhìn như vậy thì có nhãn thần nhìn ra những điều kinh dị và thích thú với sự khác thường thì phải. Chỉ có điều hài hước là họa sĩ Lê Quốc Việt vẽ về cõi âm, ma mãnh thì dùng chất liệu là những biểu tượng trong Phật giáo, kinh sách cổ. Còn Phạm Tuấn Tú vẽ ma mãnh chết chóc thì mượn chất liệu phim Tây (có đệm thêm ít hoa văn truyền thống các kiểu, nhiều khi theo kiểu Đông-Tây y kết hợp)! Nhà nghệ sĩ quá cố rất thú vị Vũ Dân Tân trước đây lấy bố cục vẽ tiền là để tự giải trí bằng năng khiếu thủ công ngộ nghĩnh hóa của ông. Phạm Tuấn Tú cũng có một loạt tranh vẽ trên bố cục tiền khá hay, nhưng để phủ định (và chắc là khó bày ở ta). Trong triển lãm này họa sĩ cũng bày một cái vẽ bố cục tiền… Nhìn tranh Tú, ai cũng công nhận là “một họa sĩ trẻ có tài” (chẳng vậy mà Tú đạt nhất giải Tài năng của Quỹ Đan Mạch năm 2010, và triển lãm cá nhân đầu tiên này là “hậu quả” của cái giải đó). Trước hết vì cái sự quái khác thường thấy ngay trên tranh anh, không lẫn với bất cứ ai cả (trong cái biển hiện trường của sự na ná nhau xuất sắc này). Nhưng cứ phải cứ dị biệt, đã là tài? Và chúng ta đây, những người xem, ứng xử như thế nào với người trẻ, mà chúng ta cho là tài? * Ý kiến - Thảo luận
17:34
Thursday,26.3.2015
Đăng bởi:
makingitrain
17:34
Thursday,26.3.2015
Đăng bởi:
makingitrain
Bác viết lan man quá. Không hiểu đó là dụng ý hay vô tình. Như kiểu ý này quàng sang ý kia, mọi thứ cứ lòng vòng vào nhau mà không dứt khoát ra được. Câu của bác lại dài 5-7 dòng, ôi tôi đọc mà ong hết thủ khi muốn cắt nghĩa tóm ý của bác lại.
16:30
Thursday,22.1.2015
Đăng bởi:
candid
Tiếp đi bác, đọc bài phê bình dài thế này đúng sai chưa biết nhưng thú vị hơn.
...xem tiếp
16:30
Thursday,22.1.2015
Đăng bởi:
candid
Tiếp đi bác, đọc bài phê bình dài thế này đúng sai chưa biết nhưng thú vị hơn.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp