Nghệ sĩ Việt Nam

Thành Nam chào bác Trần Trung Kỳ… 29. 12. 14 - 9:52 am

Vũ Lâm

Sáng ngày 27. 12. 2014, triển lãm cá nhân lần đầu tiên của họa sĩ Nam Định Trần Trung Kỳ đã diễn ra trang trọng tại tầng 3, Bảo tàng của tỉnh Nam Định, trong một ngày lay phay mưa bụi, ngày lạnh nhất trong mùa đông miền Bắc từ đầu mùa tới giờ. Cuộc trưng bày này, dự định diễn ra trong lúc họa sĩ còn sống để ông được chứng kiến một cuộc tổng kết nhỏ cuộc đời hội họa của mình, thì đã trở thành một cuộc triển lãm tưởng niệm, bởi tác giả đã ra đi từ ba ngày trước, vào 16h chiều ngày 24. 12. 2014, đúng lúc lễ Noel đang chuẩn bị diễn ra.

 

Thấy băng rôn căng trước cửa, chúng tôi hơi ngạc nhiên vì trước đó triển lãm của họa sĩ Trần Trung Kỳ được dự định đặt tên “Thành Nam một thuở” nay bị thay đổi. Cái tên đó có ý nghĩa bởi một người họa sĩ của một thời cũ vẽ thành Nam đã ra đi. Thành Nam thì vẫn ở đấy, chẳng chạy đi đâu được, nhưng sẽ không còn những người vẽ nó như thế nữa. Thế hệ trẻ ngày nay sẽ vẽ nó khác đi, với những Big C và cao ốc Nam Cường… Việc đổi tên (như băng rôn) thì chẳng khác gì việc có người bình luận về bức ảnh “Hành quân trong mưa” rất chán, vì trong ảnh có đúng một đoàn quân đang đi trong mưa thật, chẳng có gì khác. Triển lãm mỹ thuật Hội họa Trần Trung Kỳ, thì đúng là hội họa của… Trần Trung Kỳ thật.

 
 

Tòa bảo tàng tỉnh này xây dựng xong năm 2012, được đề là công trình kỷ niệm đại lễ nào đấy. Nhưng điều đó không đặc biệt bằng nó ngự trên khu vực ngày xưa là trung tâm thành cổ Nam Định (tòa thành đất xây năm 1804, đến 1833 được xây gạch, trở thành tòa thành to thứ hai ở Bắc Kỳ. 50 năm sau, năm 1883 nó bị Henri Rivière cùng vài trăm lính thủy quân lục chiến Pháp hạ). Và giờ đây cái thành đó chẳng còn gì, ngoài một đoạn tường dài 200m đang có nguy cơ biến mất nốt… Góc phải của Bảo tàng có Cột Cờ rất to, không hiểu được xây thời Pháp hay ta.

 


Triển lãm của họa sĩ Trần Trung Kỳ được tổ chức ở tầng 3, nhưng rẽ phải, vừa tới tầng hai, thấy một khu vực rất thú vị và giật mình bởi màu áo xanh của bức tượng hai cô công nhân đang đứng bên một cái máy dệt thật. Công nghiệp dệt Nam Định một thời nổi tiếng nay cũng đã biến mất. Hình như ở Nam Định, việc “vật đổi sao dời” nó hay xảy ra lắm, vậy nên mới có thơ Tú Xương: “Sông kia giờ đã nên đồng”, dệt kia giờ đã trống không, hoang tàn…

 

 

Triển lãm diễn ra ở phòng bên phải. Phòng chính giữa tầng ba của Bảo tàng, trống huếch hoác với một pho tượng lãnh tụ đứng giữa, đối diện là một cái tháp đất thời Trần. Một họa sĩ có sưu tập đồ cổ nói rằng cái tháp này chắc cũng từng bị vỡ nát, được phục chế lại, vì có nhiều dấu vết phục chế.

 

Còn chưa tới giờ triển lãm, người xem lác đác. Ở giữa phòng có một họa sĩ già Nam Định tranh thủ ký họa chân dung của nhà nghiên cứu mỹ thuật-họa sĩ Phan Cẩm Thượng, chắc vì mê bộ râu của ông này dài hơn râu mình…

 

Góc phòng, có mấy thiếu nữ đến sớm ngắm tranh. Giới trẻ thì không cần bút giấy vẽ vời gì cho lằng nhằng. Chỉ cần bấm nút…

 

Ba trong 4 bức vẽ cuối cùng của tác giả hoàn thành tháng 8 – 2014 được treo cùng nhau. Đều là những họa phẩm tuyệt đẹp ở sự giản dị, màu sắc khỏe khoắn mà day dứt. Hai bức “Bán Nhà”, bức thứ hai là “Nhà thờ Nam Định” ta đã xem. Còn bức “Phố cửa Đông” ở trên cao, có mầu lam rất ám ảnh…

 

Sát giờ khai mạc, tự nhiên thấy một ông Tây đứng đăm chiêu giữa phòng. Có khách nước ngoài đến triển lãm ở Nam Định là một điều rất hiếm. Tí hỏi ra mới biết, lai lịch vị khách này khá hay ho…

 

Khách khứa lục tục mang hoa đến. Không hiểu tác giả họa sĩ có liên quan thế nào, mà có hoa của “Hội thánh Tin Lành Nam Định”. Nam Định là vùng đất có đạo lâu năm, các mối liên hệ chắc cũng dễ hiểu. Người nữ đeo băng đen cạnh bó hoa của Hội Thánh, là chị Hạnh, con gái họa sĩ Trần Trung Kỳ (nghe nói, chị “sở hữu bản quyền” tranh của bố nhiều nhất chứ không phải anh trưởng nam)

 
 

Đúng giờ, một người trung niên đeo kính, chắc là MC của Hội văn học nghệ thuật tỉnh, lên chuẩn bị khai mạc. Mọi người dành một phút mặc niệm họa sĩ tác giả vừa qua đời.

 
 

Diễn văn khai mạc của đồng chí MC này, và tiếp sau đó của ông Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nam Định khá là văn vẻ tán tụng bay bổng và dài. Đúng là đất văn có khác…

 

Sau lời cảm ơn của trưởng nam Trần Trung Hưng, mọi người lặng lẽ xem tranh, uống rượu vang với đồ ngọt, không ồn ào. Có lẽ vì tác giả mới qua đời nên không khí “rượu chè, gặp gỡ chúc tụng” cũng không náo nhiệt như ở các triển lãm thường thấy. Trong ảnh, người ở giữa mặc com lê đen là anh Hưng, nét thảng thốt sau khi cha mất vẫn còn nguyên trên sắc mặt anh. Bên trái là curator Nguyễn Anh Tuấn, bên phải là nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông, trong nhóm tổ chức. Đại diện gia đình và nhóm tổ chức cùng bày tỏ tiếc nuối là triển lãm không diễn ra được sớm hơn một tuần, lúc tác giả còn sống.

 

Ngoài số học trò của tác giả, là những người rất nỗ lực vào việc chuẩn bị tổ chức, khách dự khai mạc rất đông người trung niên và có tuổi. Có lẽ họ là những bạn văn thành Nam của họa sĩ. Người đứng cạnh anh Thông là một nữ văn sĩ vô cùng nổi tiếng của Nam Định (cũng là cô giáo của Thông) trước ngưỡng cửa Đổi Mới với tiểu thuyết Dòng xoáy (1989) lần đầu tiên phơi bày những tiêu cực trong ngành giáo dục (chắc bệnh thành tích giáo dục được nêu ra đầu tiên từ trong tiểu thuyết này?). Cuốn tiểu thuyết được bà Trần Thị Nhật Tân viết trong 13 năm, trong nhọc nhằn khốn khổ. Nhưng sau khi nó ra đời, đã được chính tay Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh viết thư tay khen ngợi, Tổng bí thư và sau đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mời bà gặp mặt. Bà kể: tiểu thuyết Dòng Xoáy đã được đạo diễn Trần Văn Thủy dựng thành phim, nhưng sau đó bị cấm phát hành… Ai muốn tìm hiểu thêm tiểu thuyết này cũng như cuộc đời nữ sĩ trên, có thể tra mạng, ra ngay

 

Bác ký họa ban nãy vẫn chăm chỉ đi quanh triển lãm tìm người ký họa. Bác đã chuyển việc ký người có râu sang ký họa thiếu nữ trẻ. Gặp ai bác cũng chỉ xin một phút (và vẽ đúng một phút thật) và tặng luôn. Hỏi ra, biết rằng bác tên là Mai (hình như Duy Mai). Những hành động nghệ thuật dễ thương như vậy, giờ chắc chắn không bao giờ còn thấy ở khai mạc triển lãm tại Hà Nội, Huế hay Sài Gòn.

 

Đôi vợ chồng nước ngoài đến thăm triển lãm hóa ra là đi cùng vợ chồng hai nhà điêu khắc Vương Học Báo, Lê Thị Hiền sáng sớm từ Hà Nội xuống. Bà Hiền cho biết, người chồng là con trai của nhà báo Wilfred Graham Burchett một nhà báo Úc cánh tả nổi tiếng với sự ủng hộ Việt Nam thời chiến tranh, mất năm 1983. Người con trai sinh tại Việt Nam và hiện đang sống tại đây. Hình như người vợ của anh cũng có viết gì đó về mỹ thuật. Triển lãm bận rộn quá nên để nhãng mất thông tin, ai biết, xin thông tin giúp thêm.

Sau đây là một số tác phẩm trong triển lãm của họa sĩ Trần Trung Kỳ (tranh ông còn nhiều, nhưng phòng triển lãm chỉ bày được 45 bức là chật, chúng tôi cũng không thể chụp hết. Và nhiều bức chụp qua kính, chụp dưới lên cao, nên xem không rõ. Rất xin lỗi độc giả.

“Quê hương u buồn”, 1995

 

“Em Hiếu”, 1980

 

“Chân dung tự họa”, 1980

 

“Năm Ngọ”

 

“Tha nhân”, phác thảo. Không hiểu về gần cuối đời, có tâm sự nỗi niềm gì về kiếp “tha nhân” trong cõi đời này không, mà họa sĩ Trần Trung Kỳ vẽ đi vẽ lại nhiều bức có tên là ‘Tha nhân”, chuyển từ phác thảo, sang sơn dầu, sang lụa…

 

“Tha nhân”, sơn dầu, 2010

 

“Tha nhân”, lụa, 2011

 

 

Ghi sổ lưu niệm: Cũng như nhiều triển lãm kiểu cũ, luôn có một cuốn sổ để ghi cảm tưởng lưu niệm. Mở đầu cuốn sổ là vài lời ghi của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng (từng về Nam Định dạy học nhiều năm trước, là bạn vong niên thân với họa sĩ Trần Trung Kỳ), sau đó là của họa sĩ Đỗ Kích (Hà Nam)… Nhưng lật sổ sang vài trang sau, chúng tôi thấy vài câu vần vè, ghi trong sổ, không rõ là ai. Tiếc rằng lúc đó máy ảnh hết pin, nên không chụp lại được. Mấy câu vè tiễn nhà thơ, nhà giáo, họa sĩ Trần Trung Kỳ như thế này:

Bác đã đi rồi, cháu chửa đi.
Thành Nam chào bác Trần Trung Kỳ
Bác về nơi đó, làm thơ trước
Khi nao cháu đến, ta xướng Thi…

Nghe các học trò của ông cũng như bạn vong niên Phan Cẩm Thượng kể, trong gia tài nghệ thuật của ông Trần Trung Kỳ, hội họa chỉ là phần nhỏ. Ông từng làm hàng nghìn bài thơ, và cũng thuộc hàng nghìn bài thơ của mình và của cả các nhà thơ ông mến mộ. Có lẽ đó mới là gia tài thật sự mà ông tự hào. Không biết đến khi nào người xem mới được biết đến những vần thơ ấy.

 

Ý kiến - Thảo luận

0:35 Sunday,11.1.2015 Đăng bởi:  nguyễn đức luân

gửi SOI
Bác hoạ sĩ mà bạn đưa lên ở bên trên là bác THÀNH (nhà ở chợ HOÀNG NGÂN rất gần với nhà của cố hoạ sĩ TRẦN TRUNG KỲ


...xem tiếp
0:35 Sunday,11.1.2015 Đăng bởi:  nguyễn đức luân

gửi SOI
Bác hoạ sĩ mà bạn đưa lên ở bên trên là bác THÀNH (nhà ở chợ HOÀNG NGÂN rất gần với nhà của cố hoạ sĩ TRẦN TRUNG KỲ

 
12:07 Thursday,8.1.2015 Đăng bởi:  Lê Mạnh Hải
Con cảm ơn thầy đã cho con cả biển trời kiến thức để ngày hôm nay con tung hoành dọc ngang, đủ bản lĩnh sống và làm đẹp cho đời. Con còn nhớ mãi câu chuyện thầy kể về tác phẩm Bến Xuân và đôi mắt tinh anh uyên bác của thầy. Con rất tự hào vì được làm học trò của thầy. Chúc thầy yên giấc ngàn thu.
...xem tiếp
12:07 Thursday,8.1.2015 Đăng bởi:  Lê Mạnh Hải
Con cảm ơn thầy đã cho con cả biển trời kiến thức để ngày hôm nay con tung hoành dọc ngang, đủ bản lĩnh sống và làm đẹp cho đời. Con còn nhớ mãi câu chuyện thầy kể về tác phẩm Bến Xuân và đôi mắt tinh anh uyên bác của thầy. Con rất tự hào vì được làm học trò của thầy. Chúc thầy yên giấc ngàn thu. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả