Tạp hóa - Xã hội

Lạc thú của bi quan: khi hy vọng có thể là gánh nặng 17. 02. 15 - 7:46 am

Alain de Botton – Hồ Như Mai dịch

 

Minh họa của Remy Labesque

 

Thứ đáng sợ nhất, hóa ra, lại chính là hi vọng. Cứ cố tin rằng chuyện tồi tệ nhất đã qua, cố không sợ hãi nữa thì dường như chỉ làm ta thêm thất vọng về sau. Ta không những không thấy hạnh phúc, mà còn không hạnh phúc được vì không được hạnh phúc, chỉ vì cứ tin rằng bình yên và hạnh phúc (phải) là lẽ thường,

Đã đến lúc nhận ra rằng thứ chủ nghĩa lạc quan đã nuôi dưỡng ta vừa kỳ dị lại vừa phản tác dụng. Hơn hai trăm năm qua, mặc cho thỉnh thoảng bị vài cú sốc, thế giới phương Tây vẫn được thống trị bởi một niềm tin vào sự tiến bộ, dựa trên những thành tựu khoa học và kinh tế vượt bậc. Nhưng ở một giác độ lịch sử rộng hơn, niềm tin lạc quan đó là một sự bất thường trầm trọng.

Loài người trước giờ vẫn dành phần lớn nhất của đời mình để vẽ nên một sự an ủi kỳ quái từ việc đón đợi điều xấu nhất. Ở phương Tây, những bài học về chủ nghĩa bi quan đến từ hai nguồn: triết học khắc kỷ của La Mã và Ki-tô giáo. Có lẽ đã đến lúc cần tự nhắc lại vài bài học trong số đó, không phải là để gánh thêm sầu muộn, mà là để làm nhẹ đi sự buồn bã và ngạc nhiên bị tổn thương của chúng ta.

Nói về nguồn thứ nhất, đầu tiên phải nhắc đến triết gia Seneca. Sống trong một thời đại triền miên những bất ổn kinh tế và chính trị (thời Hoàng đế Nero), Seneca nhìn nhận triết học như một môn giúp ta bình tĩnh trước những hiểm nguy liên tục xảy đến.

Thứ an ủi của Seneca thuộc loại cứng rắn nhất, u ám nhất. “Bạn nói rằng ‘Tôi đâu ngờ chuyện đó lại xảy ra.’ Làm sao bạn có thể nghĩ bất kỳ cái gì sẽ không thể xảy ra, trong khi bạn biết nó có thể xảy ra, và bạn còn thấy nó từng xảy ra?” Vào năm thứ 62 Công Nguyên, Seneca cố làm dịu cảm giác bất công nơi độc giả của ông bằng cách nhắc nhở họ rằng cả thiên tai và nhân tai sẽ luôn là một đặc điểm trong cuộc sống, mặc cho ta nghĩ mình đã trở nên tinh vi và an toàn đến đâu.

Nếu không ngẫm ngợi về cái nguy cơ tai họa bất ngờ, ta sẽ phải trả giá cho sự ngây thơ đó, bởi vì thực tế cuộc sống có hai đặc tính rối ren một cách tàn nhẫn: một mặt, có sự tiếp nối bền bỉ qua năm tháng, mặt khác, có những tai họa không hề báo trước.

Từ trang bryanripleycrandal.com

Ta thấy mình bị giằng co giữa một bên là giả định dễ dàng rằng ngày mai rồi cũng sẽ giống như hôm nay, còn một bên là khả năng ta sẽ phải đối mặt với một sự kiện khủng khiếp, sau đó mọi thứ sẽ không bao giờ như xưa nữa. Chính vì ta có một khuynh hướng mãnh liệt chỉ muốn lờ đi kịch bản thứ hai mà Seneca phải nhắc nhở rằng số phận của ta mãi mãi nằm trong tay nữ thần Vận mệnh. Nữ thần này có thể đi ban phát bổng lộc lung tung rồi đùng một cái, khoanh tay đứng nhìn một công ty năm mươi tuổi sụp đổ, tài sản không còn đáng giá một xu.

Bởi chúng ta bị tổn thương nhất bởi những thứ mình không lường đến, và vì chúng ta phải lường đến mọi thứ (“Chẳng có gì mà Vận mệnh không dám đưa đẩy”), Seneca lập luận, ta phải luôn nghĩ đến những tình huống tệ hại nhất và giữ chúng trong tâm trí mọi lúc. Không nên đầu tư, mở công ty, tham gia hội đồng quản trị, gởi tiền ngân hàng mà không nghĩ đến những khả năng đen tối nhất.

Nhờ sức mạnh tài chính, từ lâu ta cứ nghĩ rằng mình có thể kiểm soát vận mệnh mình. Ta tin tưởng vào các thiên tài toán học khi họ hứa với ta về món “quản lý rủi ro” và các món phái sinh quá phức tạp đến nỗi ta còn không dám nhìn cho kỹ. Thứ niềm tin đó thật khác xa với cách tư duy khắc kỷ.

Seneca nhấn mạnh rằng, ta phải mở rộng cảm thức của ta về việc bất kỳ lúc nào trong đời cũng có thể có trục trặc: “Phải lường trước mọi khả năng. Tâm trí ta phải đi trước để đón đầu mọi vấn đề, ta không nên nghĩ rằng việc này việc kia sẽ không xảy ra, mà phải nghĩ đến những gì có thể xảy ra. Con người là gì? Là một thứ đồ chứa mà chỉ cần rung nhẹ, chỉ cần lắc nhẹ là cũng tan tành. Một vật thể yếu đuối mong manh.”

Ki-tô giáo chỉ góp phần củng cố thông điệp của phái Khắc Kỷ. Ki-tô giáo chỉ ra rằng con người thường dễ dãi tưởng tượng ra sự hoàn hảo, nhưng đó chính là vấn đề – đúng ra là một tội lỗi – khi cho rằng sự hoàn hảo như thế có thể diễn ra mãi mãi trên thế gian. Không có gì dính đến con người mà lại không có khiếm khuyết. Cái vòng thịnh-suy-thịnh-suy sẽ không bao giờ chấm dứt. Ta có khuynh hướng bỏ qua một bên những thông điệp u ám đó.

Từ trang bryanripleycrandal.com

Triết học trung lưu hiện đại đặt chắc niềm hi vọng của mình lên hai thứ được cho là thành phần vĩ đại của hạnh phúc: tình yêu và lao động. Nhưng ẩn trong sự đảm bảo hào phóng này rằng ai cũng được thỏa mãn (có tình yêu, có công việc thì sẽ có hạnh phúc) là một sự tàn nhẫn vô ý. Không hẳn là hai yếu tố nói trên luôn luôn không thể mang đến sự thỏa mãn, chỉ có điều sự thỏa mãn đó hầu như sẽ không bao giờ được quá dài lâu.

Và khi một trường hợp ngoại lệ bị nhầm với một quy luật, thì những bi kịch cá nhân của chúng ta, thay vì được nhìn nhận như những khía cạnh dường như không thể tránh khỏi của cuộc đời, lại làm ta thấy nặng nề như những lời nguyền rủa cụ thể. Khi phủ nhận chỗ đứng tự nhiên vẫn dành cho mong mỏi và thảm họa nơi con người, lý tưởng học trung lưu cũng tước đi của ta khả năng (kiếm được) niềm an ủi chung khi hôn nhân đổ vỡ, khi tham vọng dang dở, lúc đầu tư thất bát. Thay vào đó ta chỉ còn biết cô đơn tủi hổ, dằn vặn vì không làm được trò trống gì cho bản thân.

Dĩ nhiên, thay vào đó ta cần luôn nhớ đến những giọng nói bi quan vĩ đại trong lịch sử. Có hai câu nói mà tôi rất trân trọng trong những lúc như thế. Đầu tiên là của Seneca. “Đâu cần phải khóc thương những phần khác nhau trong đời? Cả cuộc đời đã là nước mắt.” Câu thứ hai là của nhà luân lý người Pháp Chamfort: “Buổi sáng thức dậy mỗi người nên nuốt trọng một con cóc để chắc rằng trong ngày hôm đó sẽ không phải bắt gặp thứ gì ghê tởm hơn.” Các nhà sản xuất ngũ cốc điểm tâm từ cóc hẳn có nhiều cơ hội phía trước.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả