Ăn uống

Ăn gì cho không độc hại (phần 2):
Ăn vui từ thuở còn thơ… 01. 12. 15 - 7:27 am

Pha Lê

(tiếp theo phần 1)

Thời tôi còn nhỏ, bố tôi nổi tiếng là người không bao giờ quan tâm đến việc ăn. Chả là lúc bố còn thiếu niên, bố chứng kiến cảnh các bà vợ nai lưng ra nấu bữa cơm thịnh soạn mà ông chồng ngồi vào bàn hết chê nọ tới chê kia, nhiều khi chẳng có gì chê nhưng quen mồm bèn quay sang chê chén… nước mắm. Bà vợ cứ thế buồn, tủi thân. Bố thấy cảnh đó sợ quá nên châm ngôn của bố là “ăn gì cũng được”. Mười bữa rau luộc, mười bữa thịt luộc, mười bữa gà luộc… bố ăn tuốt, chưa bao giờ chê để vợ con buồn, không khí bữa ăn đâm căng thẳng.

Hãy học sống thoải mái như gấu trức (hí họa không rõ tác giả). Gấu bên trái nói “Bồ có bao giờ nghĩ rằng cuộc sống này có nhiều điều thú vị hơn là ăn”, gấu kia hỏi lại “Ý bồ là ngủ hả?” (Toàn bộ hình trong bài: từ internet)

Mãi về sau tôi mới thấm thía điều này, khi chứng kiến cảnh bao gia đình cứ đến bữa cơm là như tra tấn. Nhiều nhất là màn con nhỏ không chịu nuốt bất cứ món gì, khiến cả nhà lo lắng vã mồ hôi và nhào vô dụ dỗ, đút đút, rồi răn đe. Tiếp đến là trò giận cá chém bàn ăn, bưng những thứ bực bội từ đẩu đâu vào bữa cơm. Ví dụ như bố buồn chuyện ở công ty, con buồn vì bị điểm kém, bố mẹ buồn con bị điểm kém, mẹ chồng giận con dâu… ôi thôi đủ kiểu hành hạ.

Thế nên nếu muốn bổ, muốn tốt, cái cảm xúc duy nhất ta nên gắn với bữa ăn là vui vẻ. Tâm trạng không vui là món ăn có bổ kiểu gì đi nữa, bao tử cũng chẳng tiêu hóa hấp thụ nổi đâu. Không muốn ăn là không nên ăn, không vui là không nên ăn, con nít không thích ăn thì đừng ép.

Nhiều ý kiến cho rằng tập thiền để đầu óc thư giãn tốt cho cơ thể, tốt cho tiêu hóa do cơ thể này là một, đầu không thư thái thì bao tử chẳng tốt lên được. Nhưng cái này chắc cũng tùy, một số người lúc nào cũng thấy vui vẻ rồi, chẳng thiền gì mà vẫn khỏe. Còn những ai hay stress chắc tập thiền sẽ giúp một phần.

Chúng ta hiểu lờ mờ rằng cảm xúc của ta ảnh hưởng đến tim mạch, đến hệ miễn dịch. Nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học như American Journal of Cardiology, Science Daily, và nghiên cứu của các tổ chức tâm lý học cho thấy rằng những cảm xúc – thường là tiêu cực – ví dụ như giận dữ hay sốc dễ khiến con người bị nhồi máu cơ tim. Ai bị bệnh tim thường được bác sĩ khuyên hãy làm việc nhẹ nhàng, tránh căng thẳng. Ngoài ra, người vui vẻ thường có hệ miễn dịch tốt hơn người lúc nào cũng rầu rĩ, buồn, hoặc stress. Thế nên đừng nghĩ rằng chuyện mình buồn hay mình vui không liên quan gì tới cái bao tử. Chưa tính đến lý do tiêu hóa – dù hiện giờ cũng đã có nghiên cứu báo cáo rằng chúng ta hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều hơn khi vui vẻ – việc hệ miễn dịch hoạt động tốt lúc ta hạnh phúc cũng giúp ích rồi. Hiện nay chuyện ăn uống sạch sẽ trăm phần trăm mỗi ngày là điều gần như không thể, mà món ăn sạch cỡ nào thì vẫn có chút vi khuẩn xấu – tự nhiên mà, không khí còn có. Bởi vậy ăn mà vui sẽ giúp cơ thể chống lại các thứ đáng ghét tốt hơn ăn mà buồn.

Hí họa của Bennett, ông bố (đeo kính) đang đọc bài cảnh báo hiện tượng trái đất nóng dần lên. Ở dưới ghi “Tuyệt chưa, giờ chúng ta không thể bàn về tôn giáo, chính trị, hay thời tiết”. Câu đùa này dựa theo luật tại gia “không nói về tôn giáo hay chính trị tại bàn ăn” để tránh căng thẳng khi dùng bữa của dân Tây.

Tất nhiên nói luôn dễ hơn làm, đặc biệt khi sự vui vẻ trong bữa cơm cần cố gắng của nhiều người, nếu không nói là toàn bộ thành viên trong gia đình. Tùy hoàn cảnh mà mỗi hộ sẽ có mỗi câu thần chú ếm xì bùa gây đau khổ riêng. Cách giải quyết cũng tùy hoàn cảnh nốt, chẳng ai chỉ cho ai được. Thứ đáng nói là những loại căng thẳng lý ra không nên có, không cần có mà tự chính mình suy diễn ra. Tôi đang nói tới loại căng thẳng, đau khổ, bực bội của việc “sao con kén ăn, không lên ký” của các ông bố bà mẹ hiện nay. 

Không bao giờ nên ép trẻ con ăn

Không gì ngán ngẩm bằng cảnh đến thăm một nhà có con nhỏ, để rồi cứ tới bữa cơm là thấy cảnh cả nhà bu vào đứa bé, vo ve như ruồi, hết đút đút bắt ăn, tới làm đủ trò cho nó nuốt. Màn cho con nít xem ti-vi, đưa Ipad hay Iphone cho nó chơi “để nó ăn” là gần như thường xuyên. Vừa ăn vừa xem vừa chơi không tốt đã đành, nếu bắt ép nó ăn mà không có trò gì trước mặt là nó khó chịu, khóc lóc, đứa nhỏ không vui vẻ gì, cả nhà chạy theo nó cũng chẳng vui nốt.

Hí họa của trang joyfulparents, bà mẹ dụ “Tàu hỏa tới này”, đứa bé thì “Mẹ nghĩ là mình muốn nhét nguyên đoàn tàu hỏa vào mồm thật sao”.

Nếu bảo thôi kệ nó, trên đời này có con gì đói mà không biết ăn đâu, đói nó khắc ăn, đồ ngon đồ sạch sẽ nó khắc ăn, bỏ một bữa là bữa sau đói ngay ấy… là bố mẹ đứa bé ấy gần như sẽ bị gạt phắt đi. Lý do luôn đầy đủ: nào là mày không nuôi đứa kén ăn mày không biết, nào là con tao không dễ như con người ta, nào là nó còi, nó thua ký bạn cùng lớp; cứ như thể bắt mồm đứa nhỏ nhai trong khi đầu nó bị xao lãng bởi các trò múa may, Ipad Iphone lthì không hại gì, hoặc ép nó ăn lúc nó không muốn, dẫn tới chuyện nó lẫn cả nhà không vui thì không hại gì.

Nhiều người có chia sẻ rằng sau khi chỉ con trồng rau, làm vườn và cùng thu hoạch rau với con, con cái bỗng ăn rau nhiều hơn. Thậm chí ăn cả loại trước đây nó kén sau khi nó tự tay trồng loại rau ấy. Thế là cả nhà vui vẻ, không ai phải ép ai.

Nguy hiểm nhất của việc ép trẻ con ăn theo ý người lớn là sau này người lớn sẽ không biết cơ thể của trẻ nhỏ đang ra làm sao. Tôi có một bà bạn, gọi là bạn chứ lớn tuổi hơn, đã có hai cháu ngoại đứa 6 tuổi đứa 3. Bà chủ trương nuôi chúng theo kiểu không bắt ép, thích thì ăn, không cứ đi chơi, nghiêm khắc chỗ nào chứ ăn uống bà luôn theo đòi hỏi sinh học của từng đứa. Hai thằng cháu của bà đã ngồi vào bàn là vui vẻ, đứa anh thời bằng tuổi đứa em có ăn nhiều hơn, nhưng cả hai đứa đều gầy như nhau, khỏe như voi. Bà hiểu rõ mức ăn bình thường của từng đứa.

Đùng một hôm, thằng em ngồi vào bàn mà lừ dừ, rầu rầu, mệt mệt, ăn ít hơn so với cái sự ăn ít của nó mỗi ngày. Bà với bố mẹ đưa nó vào bệnh viện, khám một hồi lòi ra nó bị bệnh hiểm nghèo, nhưng may quá cả nhà phát hiện rất sớm nên chữa được. Bà thở phào, nói với tôi rằng thật hên, thằng nhỏ nói chưa sõi, nhưng tại cả nhà biết tính nó, biết bản thân nó ăn thế nào là vừa, chơi thế nào là vui, nhiều khi khọt khẹt bệnh mà vẫn vui, nên khi thấy cậu ấm ớ khác thường là bà biết ngay cậu có chuyện.

Khi trẻ tự thấy thích ăn và ăn vui, mọi thứ về cơ thể chúng đều “minh bạch”. Thật sợ những người cứ nói với tôi “con tớ hay ói lắm”, để mà hốt hoảng đút nó ăn thêm hòng “bù vào” phần ói ra. Tôi hỏi lại làm sao biết được nó ói vì bị mình ép ăn hay ói vì bệnh, hay ói vì bất cứ lý do gì khác cần quan tâm? Dĩ nhiên câu trả lời là: “không biết”.

Chuyện bé Kiến

Chẳng cần đi đâu xa, bé Kiến nhà tôi cũng nuôi theo kiểu không ép ăn như thế. Kiến là em họ, con cô ruột. Ban đầu cô tôi sống và làm việc ở Canada, Kiến sinh với lớn lên tại đấy, nhưng khi bà nội mất, cô mới bưng Kiến – lúc ấy khoảng 3, 4 tuổi – về Việt Nam để ở với ông nội.

Kiến quen món Tây, nên về Việt Nam nó gần như chẳng ăn được cái gì, kể cả cơm trắng. Thứ duy nhất nó chịu nuốt là sữa tươi cùng một số loại kẹo. Kẹo thì cô tôi không cho ăn nhiều, còn lại mỗi sữa. Thế là Kiến cứ uống sữa, không gì khác ngoài sữa. Mẹ tôi nhìn thấy ái ngại, mới hỏi cô cho ăn thế đủ chất không đây, cô lại theo chủ nghĩa makeno – tức mặc kệ nó – nên bảo với mẹ đừng có quan tâm. Cứ để kệ, nó đói nó uống sữa, không thì thôi, uống xong đi chơi vui vẻ, không ép, mệt cả nó lẫn mình.

Không những không ép, nhiều nhà còn có màn không đút, cho mấy đứa tự ăn, xong bữa thì đứa nào nhìn mặt mày cũng tèm lem.

Kiến uống sữa như thế hơn năm trời, không ăn gì ngoài uống sữa, người gầy nhưng khỏe mạnh, chả thấy ốm, quậy như giặc, búp bê con thì sứt cổ, con gãy tay.

Trong lúc đó, nhà vẫn nấu món Việt Nam, ăn đúng bữa, và Kiến vẫn thấy cảnh gia đình chủ yếu ăn món Việt mỗi ngày. Chạy ra chạy vô, chẳng hiểu quen mùi thế nào mà bỗng một ngày Kiến ăn được cơm trắng, từ từ ăn được đến cơm chà bông, rồi cơm thịt kho, sau đấy tới bún, tới phở.

Giờ đã lớn, Kiến ăn đủ thứ, từ mắm ruốc, chao, cải chua, đến cơm hến, bánh bèo… Kiến rời Việt Nam đi học nước ngoài là tỉ anh Tây chạy theo, về nước nghỉ hè Kiến nhào tới hũ mắm tôm, nấu tô canh, mua cà pháo về nhà chấm chấm vì “nhớ”, rồi còn rủ bồ Tây ăn cùng. Nhìn Kiến, chẳng ma nào nghĩ có thời nó kén không chịu ăn gì.

Ăn trên tinh thần vui vẻ, dù đó là ăn ít, hay ăn đồ không bổ lắm, vẫn tốt hơn là ăn trong tâm trạng bực bội, stress, rầu rĩ, khó chịu vì bị bắt, bị ép. Ai muốn khỏe mạnh, đừng nhăm nhe với đồ bổ hoặc nghe lời xúi dại đi mua vi cá, tê giác… cứ vui vẻ cái đã.

*

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

1:40 Saturday,26.12.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Nói cứ như là chân lý í nhỉ, làm nửa đêm mà mình thèm đi làm món gì đó chén quá :)
...xem tiếp
1:40 Saturday,26.12.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Nói cứ như là chân lý í nhỉ, làm nửa đêm mà mình thèm đi làm món gì đó chén quá :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả