Nghệ sĩ thế giới

Forrest Bess: người đánh cá được Christie’s hân hạnh giới thiệu 21. 02. 15 - 7:33 am

Từ Christie's - Hoàng Lan dịch

Forrest Bess, “Không đề (Vũ công Ấn Độ)”

 

Forrest Bess (1911-1977) sống giản dị, đơn độc trên một hòn đảo nằm ngoài Bờ biển Vịnh Texas, cách thành phố Bay City không xa. Bay City cũng chính là nơi ông sinh ra và kiếm sống bằng nghề đánh cá. Tuy nhiên, chàng ngư dân Bess có những tham vọng vĩ đại, trong đó có việc tìm kiếm sự bất tử, điều mà ông tin rằng con người có thể đạt được khi sở hữu đặc tính sinh dục của cả phái nam lẫn phái nữ. Các bức hoạ mạnh mẽ của Bess là minh chứng cho niềm đam mê độc nhất vô nhị cũng như lòng tận tụy mãnh liệt với ý tưởng lẫn công việc mà ông có, các tác phẩm độc đáo ấy đã đem đến cho Bess những buổi triển lãm tại Gallery Betty Parsons ở thành phố New York, bên cạnh các tên tuổi như Jackson Pollock, Clyfford Still, Barnett Newman và Mark Rothko.

Forrest Bess, “Không đề” (1952)

Tự xưng là một kẻ mộng mơ, Forrest Bess hé lộ những cảnh ông mơ thấy qua tranh. Chúng đa phần là tranh trừu tượng khổ nhỏ, các tác phẩm của ông chứa đầy những biểu tượng đặc trưng, mang tính cá nhân. Chúng là sự kết hợp tỉ mỉ của những đường nét và hình thù cơ bản, tất cả tụ hợp lại thành những kí tự tượng hình bí ẩn, y như thể ông rút chúng ra từ một ngôn ngữ sơ khai, gợi nên cái lịch sử nguyên thủy của tất cả chúng ta đều có chung nhau. Bess miêu tả phương pháp của ông là chuyển thể lại chính xác những mộng cảnh của mình; ông nỗ lực giữ lại nội dung lẫn không khí phù du của chúng. Ông dùng màu mạnh, với nét vẽ thô, phương pháp cũng như kĩ thuật vẽ của Bess hiện ra lồ lộ, như sờ thấy được. Vẽ theo cái nhìn của não (chứ không phải theo con mắt thịt), các bức họa của Bess rất gần gũi, tựa như những cửa sổ nhỏ mời người xem tới ngắm nghía và suy ngẫm về sự bao la đang dần hé mở. 

Forrest Bess, “Không đề” (không rõ năm)

Trong suốt cuộc đời (1911 – 1977) cũng như khi ông đã qua đời, các bức tranh trừu tượng bí ẩn và quyến rũ của Bess đã thu hút một lượng người mến mộ trung thành. Trong số những người này có Harry Burkhart, một người hàng xóm của Bess. Harry bầu bạn với Bess và hay đem cho ông bánh mì sandwich; đổi lại, Bess tặng lại bạn tranh mình vẽ. Harry Burkhart cuối cùng tích luỹ được một bộ sưu tập tranh lớn, sau đó Harry viết di chúc để lại bộ sưu tập này cho Trung tâm ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas.

Vào năm 1962, Bess viết: “Tranh của tôi là tranh của ngày mai. Cứ chờ xem đi rồi thấy”. Tác phẩm của ông có tính vĩnh cửu, vừa đậm chất cá nhân sâu sắc vừa phổ quát một cách mạnh mẽ. Nhà sử học nghệ thuật Meyer Schapiro nhận xét rằng Bess là “kiểu nghệ sĩ hiếm có ở mọi thời đại, một họa sĩ có tầm nhìn xa thực sự”. Nhiều triển lãm chuyên đề lớn về Bess, tổ chức ở bảo tàng, đều diễn ra sau khi ông mất, bắt đầu từ năm 1981, khi giám tuyển Barbara Haskell tổ chức triển lãm cho Bess tại Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney, sau đó là tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Chicago vào năm 1988 và Bảo tàng Ludwig ở Cologne vào năm 1989.

Forrest Bess, “Untitled (The Void 1)” (1946–47)

Năm 2012, nhà đấu giá Christie’s từng hân hạnh giới thiệu “Forrest Bess”, một triển lãm với mục đích tái giới thiệu Bess cho nhiều người xem hơn nữa. Một số tác phẩm của triển lãm đã có mặt trong một buổi bán tranh riêng tư, với tiền bán được là nguồn thu thiết yếu cho Trung tâm ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas, để hỗ trợ các nghiên cứu quan trọng của họ.

Forrest Bess, “Carbunkle cao quý” (1960)

 

Forrest Bess, “Không đề” (1957)

 

Forrest Bess, “A Star” (1967) (all images via Christie’s)

Ý kiến - Thảo luận

20:14 Monday,23.2.2015 Đăng bởi:  tranh chợ

Nét bút như trẻ con, nhưng tư tưởng thì BÁC HỌC.


...xem tiếp
20:14 Monday,23.2.2015 Đăng bởi:  tranh chợ

Nét bút như trẻ con, nhưng tư tưởng thì BÁC HỌC.

 
0:02 Sunday,22.2.2015 Đăng bởi:  admin
@Blabla: Mình không đưa comment của bạn lên được. Bạn chê tranh của người ta như trẻ con mà không phân tích rạch ròi rằng bạn thấy nó trẻ con ở chỗ nào, vì sao nó trẻ con. Bạn comment nghiêm túc hơn, tôn trọng tác giả hơn thì bọn mình sẽ đưa lên nhé.
...xem tiếp
0:02 Sunday,22.2.2015 Đăng bởi:  admin
@Blabla: Mình không đưa comment của bạn lên được. Bạn chê tranh của người ta như trẻ con mà không phân tích rạch ròi rằng bạn thấy nó trẻ con ở chỗ nào, vì sao nó trẻ con. Bạn comment nghiêm túc hơn, tôn trọng tác giả hơn thì bọn mình sẽ đưa lên nhé. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả