|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ thế giớiArtemisia Gentileschi (bài 3): Tài năng xuất chúng suýt bị lãng quên 07. 07. 22 - 11:42 amWillow Wằn WạiTài năng xuất chúng Nhiều người quá tập trung vào sự trả thù và tàn bạo trong bức họa của Artemisia, vì vậy cũng dễ bỏ qua việc cô cũng là một danh họa đại tài. Dù sau này đã có chồng có con, danh dự của cô cũng đã được cứu vãn, nhưng chính (và chỉ có) tài năng thực sự mới giúp cô có chỗ đứng giữa một bể họa sĩ ở Florence khi đó. Danh tiếng của Artemisia vươn xa khỏi Ý, cô đã nhận được những hợp đồng từ nhà Medici, vua Philip IV của Tây Ban Nha và cả vua Charles I của Anh. Có thể thấy rõ hơn bằng cách so sánh hai phiên bản của bức Judith Cắt Đầu Holofernes. Ở phiên bản sau, Artemisia đã hoàn thiện và phô diễn các kỹ năng của mình một cách trọn vẹn. Là họa sĩ đi theo phong cách Caravaggio, Artemisia học hỏi rất nhiều kỹ thuật sử dụng ánh sáng bậc thầy từ ông. Cô cũng loại bỏ nền của bức tranh mà sử dụng chiaroscuro để tăng độ kịch tính. Ở phiên bản sau, sự tương phản ánh sáng mạnh mẽ hơn hẳn bản tranh đầu, đến mức hai phần sáng tối chia nhau ra rõ rêt, cái nhíu mày nghiêm mặt của Judith và người hầu càng hiện rõ, hốc mắt và nếp nhăn trán tầng tầng của Agostino cũng vậy, tất cả tạo ra một ấn tượng tàn bạo hằn rõ hơn hết. Sự nhấn mạnh sáng tối này cũng có tác dụng làm nổi bật chủ thể ở trung tâm. Đôi chân đang giãy giụa lộ ra dưới tấm chăn của Holofernes bên trái, cánh tay của người hầu gái và một cánh tay của Holofernes ở trung tâm, hai tay của Judith bên phải tạo thành sáu đường thẳng hướng mắt người xem về gương mặt hốt hoảng quằn quại của Holofernes. Cùng với đó, tấm chăn nhung đỏ cùng với tay áo đỏ của người hầu gái và tay áo đỏ của Judith lộ ra tạo thành một đường vòng cung bao bọc lấy cảnh tượng chính, đồng thời cân bằng màu đỏ với những vệt máu trên giường. Lưu ý việc Artemisia xuất sắc khi đặc tả các chất liệu. Chăn nhung, nệm lụa, vải áo đắt tiền của Judith so với vải áo thô của người hầu. Lớp vải cao cấp và quả đầu được chăm chút kỹ càng vừa thể hiện những mốt thời thượng khi đó ở Florence, vừa miêu tả Judith gần hơn như trong Kinh Thánh. Ngoài ra, những phần giải phẫu học và mô tả đường nét trên gương mặt cũng được chỉnh sửa và hoàn thiện, rõ rệt nhất có thể thấy ở đầu Holofernes. Hai chi tiết khác hoàn toàn được thêm vào so với bản tranh đầu tiên là vòng tay của Judith và vệt máu bắn ra từ cổ Holofernes. Vòng tay của Judith có khắc hình nữ thần Artemis, vừa ứng với tên của cô – Artemisia. Và nó vừa khéo lại tạo thành một đường vòng cung với vệt máu bắn ra, giống như tay Judith đang đeo hai chiếc vòng, một minh chứng cho trinh tiết, một là công lý được thực thi với kẻ ác. Vệt máu bắn ra chân thực lại là một tuyệt tác khác mà ngay chính Caravaggio cũng không thể thực hiện được. Những đường vòng cung máu bắn theo quỹ đạo parabol một cách chân thực, nhấn mạnh hơn cho sự sống động và cảnh hành động trong tranh, như thể người xem đang tận mắt chứng kiến khi những giọt máu đang phun ra. Một trong những người bạn của cô, nhà khoa học và thiên văn học Galileo Galilei, cũng nghiên cứu về quỹ đạo parabol. Kết quả chân thực của những tia máu phọt ra khả năng rất cao là nhờ tình bạn và sự trao đổi kiến thức giữa hai người. Thanh kiếm trong tay Judith được sửa lại rõ ràng hơn và vẽ lại theo hướng thẳng đứng, vừa làm đậm cảnh tàn bạo vì khán giả có thể hiểu được cái đầu đã bị cắt đến một nửa, vừa tượng trưng cho Thánh Giá. Cần hiểu rằng thời đó phụ nữ có rất ít quyền lợi, và vụ kiện không phải vì tội cưỡng hiếp mà vì tội làm mất danh dự. Việc Agostino làm mất trinh Artemisia mà không chịu cưới đã khiến gia đình Gentileschi chịu tổn thất. Cho nên thái độ cương quyết với cú vít đầu, cứa cổ của Judith/Artemisia mang hình ảnh thế thiên hành đạo, bảo vệ danh dự, một hành động thiêng liêng khi đó. Như đã nhắc ở trên, câu chuyện của thánh nữ Judith là chủ đề tôn giáo rất được yêu thích. Không chỉ nói về việc cái thiện và đức hạnh chiến thắng cái ác, mà còn là hình ảnh ẩn dụ của việc Chúa bảo vệ những con chiên của mình chống lại kẻ mọi rợ. Judith được coi như nguyên mẫu của Đức Mẹ, và vì vậy cũng tượng trưng cho Giáo hội. Giai đoạn Baroque cũng là thời kỳ xung đột của Công giáo, Tin Lành và đế chế Ottoman. Đó cũng là lý do bức tranh của Artemisia càng tỏa ra tính chất tàn nhẫn bừng bừng, vì nó còn đại diện cho chiến tranh và kết liễu kẻ thù (mà nhìn lông tóc xồm xoàm nên có khả năng Holofernes chính là đại diện cho đế chế Ottoman). Suýt bị lãng quên Artemisia từ nhỏ không được học chữ. Sau khi kết hôn, cô vừa học, vừa vẽ, vừa mang thai và liên tục sảy thai. Trong suốt thời gian đó cô cũng liên tục tạo ra những tác phẩm nghệ thuật lớn. Phần lớn thời gian Artemisia chỉ vẽ tranh theo đơn đặt hàng cá nhân, lại thêm việc cô là phụ nữ, không gian và hoàn cảnh sống cũng tách biệt, dẫn đến việc tên tuổi của cô không được nhắc đến và chìm nghỉm sau khi cô mất. Khi thời kỳ Baroque kết thúc, bức tranh Judith của cô đã bị dẹp vào một xó trong kho vì nó quá sức tàn bạo. Đến tận thế kỷ 20, tranh cô mới được tìm ra, và lúc đầu còn được bán với tên tác giả là… Caravaggio, một phần vì cô theo trường phái của ông, một phần vì mọi người cũng chả biết cô là ai, bất chấp việc cô ký tên mình ở ngay góc tranh. Thập niên 70 khi phong trào Nữ quyền dấy lên mạnh mẽ, lúc đó có một câu khẳng định là phụ nữ không thể vẽ vì trong lịch sử chả có danh họa nào là nữ cả. Một nhóm các nhà sử học nữ quyền đã bới trong đống tài liệu và tìm ra Artemisia. Từ đó trở đi, người ta mới tìm lại được kho tàng các tác phẩm của cô. Và điều kỳ diệu là những giấy tờ ghi lại phiên tòa của cô hầu như đều nguyên vẹn, rõ đến từng lời khai. Các lá thư và giấy tờ của sở thuế cũng khẳng định thêm sự tồn tại lẫn tài năng của cô. Có lẽ Chúa đã an bài tất cả, để tên tuổi của cô không thể bị lãng quên? Xin “bonus” thêm bức tranh Susanna và Hai Lão Già, kể câu chuyện nàng Susanna bị hai lão già dê rình và đến gạ tình nhưng nàng cự tuyệt, sau đó bị hai lão đó vu oan nàng đã mất trinh. Biết bao nhiêu họa sĩ (nam) đã vẽ cảnh này nhưng phải đến tay Artemisia thì mới có nàng Susanna trong tư thế uốn éo hoảng loạn và gương mặt thể hiện rõ sự ghê tởm. Các bức tranh khác toàn vẽ Susanna với tư thế ngồi bình thản với mặt mũi há hốc ngạc nhiên. Bức tranh này vẽ năm Artemisia 17 tuổi, cũng là năm cô bị cưỡng hiếp. Có khả năng cô đã vẽ lại trải nghiệm của chính mình. Tác phẩm cho thấy khả năng hội họa kiệt xuất của cô ở tuổi còn rất trẻ. Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|