Nghệ sĩ thế giới

Tác phẩm bị ăn vì người xem bị đói 03. 05. 23 - 9:44 pm

Pug dịch từ CNN

Với nhiều người, được nhìn thấy một quả chuối đính bằng băng dính trên tường là cơ hội được cận kề với một thời khắc xúc động của lịch sử nghệ thuật đương đại. Với một số người, đó chỉ là một món bỏ miệng hấp dẫn.

Một sinh viên nghệ thuật (hẳn hoi) của Đại học Quốc gia Seoul thuộc nhóm thứ hai. Hôm 27. 4. 2023 vừa qua, cu cậu đã lột quả chuối dán băng keo – tác phẩm “Comedian” đình đám của nghệ sĩ Ý Maurizio Cattelan – khỏi bức tường trưng bày của bảo tàng Nghệ thuật Leeum tại Seoul, Hàn Quốc; sau đó ăn hết một cách ngon lành.

Maurizio Cattelan, “Comedian”, 2019

“Sinh viên ấy nói với bảo tàng tại cậu thấy đói,” phát ngôn viên của bảo tàng nói với phóng viên của CNN qua điện thoại.

Sau khi xơi xong quả chuối, cậu sinh viên dán vỏ chuối lại trên tường. Bảo tàng khi phát hiện ngay lập tức đã thay bằng một quả chuối mới.

“Việc xảy ra bất thình lình nên bảo tàng cũng không có phản ứng gì đặc biệt. Nghệ sĩ (tức Cattelan) có biêt về vụ việc nhưng ông cũng chẳng phản ứng gì trước việc này,” người của bảo tàng cho biết.

*

Comedian” (Diễn viên hài) từng trở thành một trong những tác phẩm được giới nghệ thuật bàn tán nhiều nhất khi có người mua nó với giá $120,000 tại Art Basel Miami Beach hồi tháng 12 năm 2019. Hai bản khác nữa của tác phẩm cũng được bán hết tại đây. Nghệ sĩ không cung cấp cho người mua chỉ dẫn cần phải làm gì khi quả chuối-tác phẩm bắt đầu chín nẫu.

“Comedian” được bày tại gian trưng bày của nhà Perrotin ở Art Basel và thành điểm chụp selfie của khách tham quan. Hình từ trang này 

Lần này, “Comedian” nằm trong triển lãm solo của Cattelan có tên “WE” đang diễn ra tại Seoul, còn kéo dài tới 16. 7. 2023. Cứ hai, ba ngày người ta lại thay một quả chuối mới, và chuối thay ra không bán.

Đây không phải lần đầu tiên tác phẩm này bị ăn, nhưng đây là lần đầu tiên có người ăn nó chỉ vì cho rằng nó “chín” rồi, ăn được rồi.

Hồi 2019, tại Art Basel (Miami), sau khi phiên bản “Comedian” đầu tiên vừa bán xong, nghệ sĩ trình diễn David Datuna, không khách sáo gì cả, đã vặt luôn quả chuối đang bày tại gian triển lãm của nhà Perrotin và ăn ngấu nghiến, trước sự sững sờ của cử tọa. Nhưng việc ăn của Datuna mang động cơ khác, như anh vào lúc đó đăng trên Instagram: “Tôi thực sự thích sắp đặt này. Ngon tuyệt.” Tại họp báo, anh không gọi việc làm của mình là phá hoại mà là một màn nghệ thuật trình diễn.

Hình từ trang này 

*
Cattelan nổi tiếng với những tác phẩm mang tính trào phúng thách thức văn hóa đại chúng, thường gây ra tranh cãi xung quanh nghệ thuật ý niệm.

Nhớ lại hồi đó, trước khi bán được tác phẩm này, gallery Perrotin – đại diện cho Cattelan – đã ”tán” với CNN rằng chuối (nói chung) là “biểu tượng của thương mại toàn cầu, một thứ đa nghĩa, một công cụ cổ điển của hài hước”, và rằng Cattelan có tài biến những vật tầm thường thành “những phương tiện mang lại cả sự thú vị lẫn phê phán”.

Tác phẩm này cũng từng vướng vào một cuộc chiến bản quyền. Hồi 2022, Joe Morford, một nghệ sĩ từ Glendale, California, cho rằng Cattelan đã “đạo” tác phẩm của anh làm từ 2000 có tên “Banana & Orange” (Chuối và Cam). Trong tác phẩm ấy, chuối và cam được dán bằng băng dinh lên một nền sơn xanh treo trên tường. Morford trình bày trước tòa rằng anh đã đăng ký tác phẩm này với Cục Bản quyền Hoa Kỳ và post tác phẩm này trên website cá nhân, Facebook và Youtube trước khi Cattelan làm ra “Comedian” những 19 năm.

“Banana & Orange,” 2000, của Joe Morford. Hình từ trang này 

(Trông rõ ràng là “đạo” rồi, thế mà) luật sư của Cattelan vẫn lập luận rằng Morford “không có quyền tác giả có giá trị” đối với những yếu tố của tác phẩm, là những thứ ở đâu cũng có là chuối, cam, băng dính dán tường.

Một tác phẩm khác của Cattelan cũng rất nổi tiếng là một cái bồn cầu bằng vàng 18 carat nguyên khối, có tên “America”, có giá trị khoảng $6 triệu. Tác phẩm này được bày lần đầu tại Guggenheim New York năm 2016, khách tham quan có thể sử dụng.

Maurizio Cattelan, “America”. Hình từ trang này 

Đến 2019, tác phẩm được bày tại Cung điện Bleinheim (Anh), là nơi sinh của Winston Churchill, và đã bị đánh cắp trong lúc triển lãm. Tới giờ vẫn không ai tìm ra nó.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tản mạn chuyện tượng đài
và đài kỷ niệm

Bài & ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả