|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ thế giớiDiego Rivera – Lang bạt trước khi về với nhân dân 06. 03. 15 - 7:36 pmAmélie Réjane - Minh Gia dịch
Diego cũng không thoát được cám dỗ của phương Tây. Và cuộc hành hương tới châu Âu cũng cần thiết cho sự sáng tạo của anh. Trở về Mexico sau 14 năm chinh chiến những Madrid, Rome, Paris… rèn giũa một lòng tin thầm kín rằng nghệ thuật phải chạm tới công chúng. Thời trai trẻ, sau khi rời Academie San Carlos, không có bất cứ dự kiến nào khác ngoài việc trở thành họa sĩ – điều có thể sẽ gây căng thẳng đối với một tâm hồn hay lo lắng, nhưng với Diego thì không. Chàng nghệ sĩ biết mình muốn dấn thân, muốn tiến lên và chàng muốn mình sẽ phải sống xa xứ một thời gian. Sau cuộc triển lãm đầu tiên khá ấn tượng, Diego giành được một học bổng. Một vận may giúp anh rời Mexico. Ngày 7. 1. 1907, anh lên tàu rồi cập cảng Santander, cách Madid 393 km. Ối giời, Madrid, Le Prado! Các bậc thầy hội họa: nào Velasquez, El Greco, Murillo và nhất là các tác phẩm của Goya khiến anh mê mẩn say sưa và sau đó đã tìm cách chép lại sau biết bao lần lê la trong bảo tàng. Rồi, tự ý thức được rằng sẽ không tài nào copy đuợc những tuyệt tác hòan hảo như thế, anh đã ném bút ném giẻ đi, và bắt đầu chắt lọc từ việc học ở một họa sĩ kiêm nhà thơ Edouardo Chicharo, một nhà hình họa khá có tiếng lúc đó ở Tây Ban Nha. Con mắt tinh đời và có lửa của ông đã gây ấn tượng với chàng họa sĩ trẻ Mexico. Tuy nhiên mọi việc đâu có đơn giản ngay. Tây Ban Nha đối với anh là một tấm gương hai mặt. Một bên là giới tư sản cực giàu, một bên là người dân rất ngèo khổ. Một sự tương phản đến vậy lại càng khiến tinh thần bác ái dành cho những người mình trần thân trụi nơi chàng họa sĩ trẻ trỗi mạnh hơn. Và bức họa Chant pour la terre et pour ceux qui la travaillent et la liberent (Khúc hát ca ngợi đất mẹ và những người làm việc trên đất và giải phóng đất – vẽ khoảng 1926-1927) tại trường Nông nghiệp Quốc gia ở Chapingo là bằng chứng cho một phần không nhỏ trong đoạn đời xa xứ của Diego ở Tây Ban Nha. Nhưng cũng ngay thời đó, một ca khúc khác đã vang lên trong đầu của chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết. Bài ca của Paris thời Hoàng Kim, đại đồng, hân hoan, và hấp dẫn. Trong mắt anh, Paris biểu tượng cho thủ đô thế giới về nghệ thuật mà nguồn mạch của nó chỉ có thể là Montparnasse. Anh thuê một xưởng vẽ nhỏ, phố Depart. Rồi nàng Angelina Beloff, một cô gái Nga, dịu dàng với đôi mắt rất xanh mà anh bắt gặp ở Bruges, đã chia sẻ cùng anh cuộc sống thăng trầm đời du mục. Cưới một anh chàng mà nàng cho là chưa chín chắn nhưng duyên dáng và hấp dẫn, nàng sinh hạ một bé trai tên là Dieguito nhưng không may qua đời ít lâu sau đó vì bị viêm màng não. May cho Diego, còn có hội họa, và nhất là Cézanne. Lúc đó đối với anh Cezanne là Chúa, là thần tượng, là tất cả, dù lúc ấy anh mới chỉ biết đến ông qua những bức tranh chép lại một cách mờ nhạt. Hy vọng gặp được Cézanne cũng vỡ tan tành khi ông mất sau đó không lâu, cùng năm khi Diego rời Tây Ban Nha. Anh phải ngắm các tác phẩm của Cézanne qua lớp kính của nhà buôn tranh Ambroise Vollard. Một cú sốc về thị giác khá kịch tính mà sau này Diego viết trong hồi ký My Art, My Life của mình: “Tôi bắt đầu ngắm tác phẩm vào khoảng 11g sáng. Buổi trưa, ngài Vollard đi ra ngoài ăn trưa. Khi ông ấy quay trở lại, khoảng 1 tiếng sau, vẫn thấy tôi đang say sưa ngắm nghía, ông đã ném cho tôi một cái nhìn khá dữ dằn. Ngồi trong văn phòng, ông ấy quan sát tôi. Lúc đó tôi ăn mặc lôi thôi tới mức ông ấy có thể nghĩ tôi là một thằng ăn cắp. Rồi đột nhiên, Vollard đứng dậy, cầm một bức khác của Cézanne ra giữa cửa hàng và thay vào bức Cézanne trước đó. Một lúc sau, ông ấy lại thay một bức thứ ba vào chỗ của bức thứ hai. Rồi ông ấy lại tiếp tục thay một bức khác nữa của Cézanne… Lúc này, trời đã bắt đầu tối, Vollard bật đèn và lại thay một bức Cézanne khác…” Cuối cùng ông ấy đi ra cửa và hét lên: anh hiểu chưa, tôi không còn nữa đâu! Cú sốc Cézanne đã khiến anh ngay sau đó quay lại quê nhà. Diego ở nhà vài tháng, sống nhờ vào một nhóm những người nông dân được vũ trang, chiến đấu dữ dội cho tới khi cựu độc tài Porfirio Diaz sụp đổ ngày 27. 5. 1911. Trở lại Paris, Diego quyết định kết hợp cuộc cách mạng xã hội của nước mình với cuộc cách mạng nghệ thuật trong lòng thủ đô Paris qua phong trào Dada, và nhất là nghệ thuật tầm cỡ của Picasso mà sau đó anh kết bạn với ông và với xu hướng hiện đại đang lật đổ những phong trào nghệ thuật trước đó. Những hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu lúc đó, tất nhiên là những bức tranh của Cézanne. Một cái cớ khá xúc động cho lý thuyết của ông về trường phái lập thể mà sau đó ông phát triển hăng say trong xưởng vẽ của mình ở Depart. Một loạt những bức tranh hoang dại ra đời như để giải cơn khát vô tận về những cái mới lạ đang kích thích chàng nghệ sĩ. Phần nào đó, có lẽ Rivera cảm thấy rằng Mexico thời tiền cách mạng chưa hoàn toàn tháo bỏ được xiềng xích; nghệ thuật chưa có chỗ ở đó. Anh mong mở một trang mới đối với hội họa cổ điển. Anh cần một hình ảnh nào đó thật méo mó. Và còn gì tốt hơn Lập thể – cubisme, một trào lưu có tính cách mạng, mà anh tự nhủ “nó chả nể nang cái gì sất”. Năm 1914, cuộc gặp với Picasso trong xưởng vẽ của ông là cú quyết định. Trước mặt anh là người mà anh xem như tuyệt nhất, cùng với Cézanne, về tính hiện đại. Gã Minotaure với đôi mắt sắc như diều hâu cuối cùng cũng nhận anh, với ý thức rằng phía sau vẻ tự đại hống hếnh của chàng trai là một sức sáng tạo mạnh mẽ chỉ chờ chực nở hoa. Đấy là thời khá “hot” ở Montpartnasse với vô số các họa sĩ tìm kiếm nghệ thuật mới: Picabia, Juan Gris, Braque, Soutine, Kisling, Picasso và nhất là Modigliani, người mà Rivera đã có một tình bạn rối rắm trong rượu và cãi cọ. Đó cũng là thời mà quán cà phê La Rotonde là nơi ưa thích của những người Nga nhập cư. Ở đó Diego đã gặp Leon Trotski, biểu tượng của nền cách mạng Xô Viết năm 1917, người mà anh đã giữ một tình bạn thẳng thắn và nhiều khâm phục trong suốt quá trình phát triển nghề. Đôi khi họ cũng tranh luận về một bài viết về trường phái Lập thể trên tạp chí Nord-Sud, để sau đó đi uống thật say, rồi cho ra đời những bức như Dome hay Closerie des Lilas. Nhưng rồi sự vô lo và vòng xoáy của đời sống du mục Paris đã lấn dần lên khả năng làm việc của Diego. Thực tế không như mơ. Sự mất mát Dieguito, cảm giác rằng chủ nghĩa lập thể đang đẩy dần anh vào ngõ cụt, và có lẽ cuộc gặp gỡ với sử gia nghệ thuật Elie Faure đã khiến anh hiểu rằng cuộc phiêu lưu Paris đã đến hồi kết. Nhà sử học nghệ thuật đã giải thích cho anh hiểu rằng để đạt tới tính phổ quát (universalité), họa sĩ phải được công chúng hỗ trợ. Diego đã hiểu ra. Ngôn ngữ phổ quát của anh ở nơi khác, bên ngoài phương Tây, rất xa Paris, xa Angelina và hứa hẹn một tương lai rất tối. Sau một trận vẽ điên cuồng, chàng rời thủ đô nước Pháp và ghé qua Ý, chiêm ngưỡng những kiệt tác của Michel-Ange, của Raphael, của Tintoret… Cuối cùng anh đã quyết. Hội họa của anh phải ở trên những bức tường lớn, trên đường phố nơi công chúng có thể nhìn ngắm, và sẽ chỉ dành cho công chúng mà thôi. Và khi Diego Rivera đặt chân về đất Mexico tháng 6 năm 1921, cuộc cách mạng “tranh tường” cuối cùng đã bắt đầu. Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|