Nghệ sĩ thế giới

Jasper Johns (1930-) và những lá cờ 13. 04. 10 - 11:08 pm

SOI

.

Là họa sĩ đương đại người Mỹ nổi tiếng, một nhân vật quan trọng trong hội họa và printmaking (các kỹ thuật in ấn tác phẩm), Jasper Johns sinh ra tại bang Georgia nước Mỹ, lớn lên tại Allendale, Nam Carolina cùng ông bà sau khi bố mẹ ông ly dị.

Jasper Johns

Cuối những năm 1950, Jasper Johns bắt đầu vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh nghệ thuật Mỹ khi ấy. Những bức họa của ông về bản đồ, cờ vô cùng tỉ mỉ của ông đã hướng lối cho cộng đồng nghệ thuật rời xa chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng (Abstract Expressionism) để đến với một trào lưu mới đặc biệt nhấn mạnh vào cái cụ thể. Ngày nay, Johns được coi là đã đặt nền móng cho cả Pop Art và chủ nghĩa tối giản (Minimalism).

Three Flags

Ngày nay, tác phẩm của Jasper Johns luôn đạt tới những mức giá kỷ lục ở các kỳ bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật, cả ở dòng tranh lẫn dòng print và vẫn tiếp tục gây ra tranh cãi trong giới lý luận nghệ thuật phương Tây.

Jasper Johns kể về thời thơ ấu của ông: “Tại nơi tôi sống khi còn nhỏ, không hề có nghệ sĩ và cũng không có nghệ thuật, thế nên thực sự là tôi không biết những khái niệm ấy có nghĩa là gì”. Ông nói tiếp: “Lúc đó tôi đã nghĩ hẳn nghệ thuật nghĩa là tôi sẽ ở trong một tình thế khác hẳn với tình thế tôi đã từng ở trong”.

Đầu những năm 1950, ông chuyển đến sống ở New York, nhanh chóng gặp gỡ các nghệ sĩ trẻ của thời ấy, nổi bật là nhà soạn nhạc John Cage và họa sĩ Robert Rauschenberg. Cùng Rauschenberg, Johns làm việc và khám phá đời sống nghệ thuật New York.

Sau khi xem tác phẩm của Marcel Duchamp tại Philadelphia, suy nghĩ về sáng tạo của Johns thay đổi rất mạnh. Tác phẩm của Johns ngày càng chú trọng hơn vào chất liệu hàng ngày, những gì phi lý, những gì hết sức chủ quan. Một nguồn ảnh hưởng nữa tới Johns là các tác phẩm của triết gia người Áo Ludwig Wittgenstein, trong đó đặc biệt là ý thức về logic và ham muốn khám phá những gì xảy ra khi logic không còn chỗ đứng nữa.

Năm 1958, chủ gallery Leo Castelli tới thăm studio của Robert Rauschenberg và lần đầu tiên nhìn thấy tác phẩm của Jasper Johns. Bị ấn tượng mạnh, Castelli đề nghị Johns tổ chức triển lãm riêng lần đầu tiên. Ngay ở lần triển lãm này, ba tác phẩm của Johns đã được Museum of Modern Art (MoMA) mua lại. Ba mươi năm sau, ông đã trở thành họa sĩ bán được nhiều tranh nhất trong số các họa sĩ còn đang sống.

Number in Color, 1958 - 1959

Ngoài làm việc cá nhân, sau này Jasper Johns cũng hay cộng tác với các nghệ sĩ khác, như Andy Warhol, Robert Morris và Bruce Naumann. Năm 1967, ông còn minh họa cho tập thơ mang tên In Memory of My Feelings của nhà thơ Frank O’Hara.

Trong những năm 1970, ông gặp Samuel Beckett và tạo ra một loạt print để đi kèm tác phẩm Fizzles của nhà văn. Đến những năm 1980, phong cách của Johns lại tiếp tục thay đổi. Thường xuyên bị chỉ trích là thiếu cảm xúc, ông bắt đầu có rất nhiều tác phẩm mang tính tự truyện đầy tình cảm.

Các tác phẩm vẽ cờ của Jasper Johns đặc biệt được giới thưởng ngoạn hâm mộ. Hiện nay, National Gallery of Art là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm của ông nhất.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả