|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞCacao trên đồi đá (kỳ 3): Nuôi dê và nuôi kiến 24. 04. 15 - 6:21 amPha Lê(Tiếp theo kỳ 2) Giải quyết vấn đề nước rồi, cacao trồng được rồi, bác Phước phải làm gì nữa? Thì tiếp tục giải quyết vấn đề thiên nhiên/con người/ kinh tế. Hiện tại, nguồn thu từ cacao chưa đủ để người dân quanh vùng bỏ thói quen vác dao đi chặt cây hòng kiếm thêm tiền. Bác Phước tin là nếu bổ sung hoạt động chăn nuôi thì kinh tế của vùng sẽ đủ vững vàng, không phụ thuộc vào khai thác gỗ nữa. Nên từ trước khi trồng cây cho đồi bác đã tính xem nên nuôi con gì là phù hợp nhất. Xoay vòng vòng có mấy con quen thuộc là bò heo gà. Tuy nhiên tính đi tính lại bác Phước thấy chăn nuôi những con này không ổn. Nuôi heo và gà cần thức ăn gia súc (dù là thức ăn hữu cơ như đậu, thóc, bắp, rau thừa… nhưng cũng phải mua và phải “thừa”), trong khi dân ở đây chẳng có đủ tiền để mà nuôi bản thân ăn. Bò gặm cỏ, nhìn chung có thể tận dụng nguồn lương thực miễn phí. Khổ nỗi vùng này chỉ mới chớm phục hồi, vào mùa khô nước hiếm thành thử cỏ cũng hiếm, nên nuôi bò không khả thi. Chưa kể tới việc bò giống rất đắt, trên 10 triệu đồng một con, người dân xung quanh sẽ không đủ vốn đầu tư. Rồi họ cũng ít tiền thuốc thang nên lỡ một chú bò bệnh chết thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Bác Phước thấy để giải bài toán thiên nhiên/con người/ kinh tế thì phải nhờ vào đàn dê. Dê linh động, hợp với môi trường đồi núi. Đặc biệt, ngoài ăn cỏ ra dê còn xơi được nhiều loại lá cây, mùa khô hết cỏ thì cắt lá cho dê ăn. Như vậy các bạn nông dân sẽ không đi khai thác gỗ nữa mà lấy lá để nuôi dê. Thậm chí, dê còn ăn được vỏ trái cacao. Lộc nói tất nhiên nếu để nguyên cái vỏ thì khó cho dê, chúng sẽ lười nhai. Nhưng sau khi thu hoạch cacao, lấy vỏ bằm hay nghiền ra, cho dê ăn thì chúng chén tuốt. Như vậy các bạn nông dân không phải lo tiền thức ăn gia súc, dê giống lại ít tiền, dưới 3 triệu đồng một con, và đem lại thu nhập khá sau khi xuất chuồng. Kỳ 2 có nhắc là bác Phước ngâm tre trong hồ chứa nước mưa để xây một số kiến trúc cho đồi, và một trong những kiến trúc chính là chuồng dê. Bác Phước xây nơi ủ phân ở gần chuồng, như vậy có thể lấy phân dê ủ bón lại cho cây, một công đôi ba việc.
Lộc bảo dân ở đây xuất chuồng được mấy lứa dê rồi, ai nấy đều vui vẻ hớn hở. Cũng nhờ bác Phước tính toán nuôi dê trước khi trồng lại cây cho đồi đá nên người dân của vùng có thu nhập khá nhanh, mọi người chịu lấy lá nuôi dê chứ không khai thác gỗ nữa. Ngoài ra trước kia cái hồ trữ nước nhà Lộc xây vào mùa khô chỉ tưới 20 đến 30 phút là cạn, 10 ngày sau mới đầy lại, nhưng bây giờ 2-3 ngày sau là hồ có nước lại rồi. Chứng tỏ hệ thống rễ cây bắt đầu trữ được một lượng nước nhất định để nhả ra cho đồi. Ít nhiều gì cũng là tín hiệu đáng mừng. Quay lại với cây cacao, bác Phước mong muốn rằng kỹ thuật canh tác phải thân thiện môi trường và phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con để họ còn theo lâu dài. Khó khăn nằm ở chỗ trừ sâu bọ. Sâu bọ chính của cây cacao là bọ xít muỗi, chúng chích làm trái hư, chồi non hư, cây không lớn, giảm năng suất. Cách chống sâu bọ thông thường: phun thuốc. Nhưng thuốc độc cho người, cho môi trường, lại tốn kém vì phải mua.
Bác Phước quyết định rằng tốt nhất là áp dụng biện pháp “thiên địch” – tức dùng kẻ thù không đội trời chung của bọ xít muỗi: kiến. Kiến giết được bọ xít muỗi lẫn xơi ấu trùng của chúng. Nếu nuôi kiến trên cây cacao thì bọ xít muỗi không dám bén mảng tới, hoặc nếu có thì cũng không nhiều, không làm giảm năng suất. Kiến thì thực ra có thể sử dụng kiến đen và kiến vàng. Kiến vàng siêu hiệu quả trong việc chống các loại côn trùng, nhưng một vườn chỉ được một đàn kiến vàng. Hai đàn là tụi nó đánh nhau, chưa kể là sẽ khiến việc thu hoạch trái, chăm sóc cây khó khăn hơn vì kiến vàng cắn người. Kiến đen hiền, ít cắn người, một vườn cũng chịu được nhiều đàn, mà vẫn chống côn trùng hiệu quả. Thế là bác Phước đi tìm xem nơi nào có kiến đen, bác làm tổ nhử kiến, sau đó đem về vườn. Ban đầu bác phải bổ sung thức ăn cho kiến để chúng nhân đàn. Rồi bác chia từng đàn ra thành nhiều tổ nữa, và đem treo mỗi tổ lên một cây cacao. Bác nói kiến đen sống cộng sinh tốt với cacao. Chúng cắn chút vỏ cacao để lấy nhựa, nhưng lấy rất ít, chẳng ảnh hưởng gì đến cây, đổi lại chúng trừ sâu bọ. Thế là bác chẳng cần phun giọt thuốc trừ sâu độc hại nào.
Nghe đơn giản thế nhưng ban đầu cũng khó khăn do lôi kéo kiến vàng dễ hơn kiến đen. Kiến vàng thì có thể treo miếng ruột gà lủng lẳng trên mấy cái cây là kiến bu đầy nhóc. Kiến đen phức tạp hơn, phải dùng một lượng rệp sáp nhất định hoặc trồng xen kẽ cây ăn trái trong vườn thì kiến đen mới thích. Mà rệp sáp nhiều quá, lâu quá lại hại cacao, nên ban đầu phải kiên nhẫn một chút thì mới kéo được kiến đen về. Sắp được thu hoạch cacao không thuốc trừ sâu rồi, nhưng vẫn còn chuyện ly kỳ nữa, chờ kỳ sau nhé.
Ý kiến - Thảo luận
14:05
Monday,30.12.2019
Đăng bởi:
Hùng
14:05
Monday,30.12.2019
Đăng bởi:
Hùng
Em cần mua trứng kiến, anh có alo em 0907036536
19:33
Thursday,15.12.2016
Đăng bởi:
Lê Hồ Sơn
Chào anh Lộc, cho em hỏi dê có chửa ăn vỏ cacao có bị hư thai không? xin cám ơn ...xem tiếp
19:33
Thursday,15.12.2016
Đăng bởi:
Lê Hồ Sơn
Chào anh Lộc, cho em hỏi dê có chửa ăn vỏ cacao có bị hư thai không? xin cám ơn Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp